Danske Bank Research: Hướng đến báo cáo việc làm ADP và triển vọng NFP - Biên bản họp FOMC giải mã lập trường diều hâu của Fed
Thành Duy
Junior editor
Nhận định bởi Bộ phận Nghiên cứu tại Danske Bank.
Điểm nóng hôm nay
Sự chú ý hiện đang tập trung vào báo cáo việc làm khu vực tư nhân ADP và biên bản cuộc họp tháng 12 của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) sẽ được công bố vào tối và đêm nay. Báo cáo ADP được kỳ vọng sẽ cung cấp những manh mối ban đầu về tình hình thị trường lao động, làm nền tảng cho việc dự đoán kết quả của báo cáo việc làm phi nông nghiệp (NFP) được công bố vào thứ Sáu. Đồng thời, thị trường sẽ mổ xẻ biên bản FOMC để có cái nhìn rõ hơn về những thảo luận đã dẫn đến lập trường chính sách tiền tệ diều hâu của Fed trong cuộc họp tháng trước.
Những diễn biến đáng chú ý gần đây
Mỹ
Chỉ số PMI dịch vụ ISM tháng 12 đạt 54.1, vượt dự báo và tháng trước ở mức lần lượt là 53.3 và 52.1. Nguyên nhân chính của sự tăng trưởng này đến từ chỉ số giá đầu vào, đạt mức 64.4, cao nhất kể từ tháng 02/2023. Hoạt động kinh doanh nhìn chung tăng trưởng, trong khi các chỉ số thành phần khác hầu như không có biến động đáng kể.
Tương tự dữ liệu PMI, kết quả khảo sát việc làm và luân chuyển lao động (JOLTS) tháng 11 cũng vẽ nên một bức tranh tương đối phức tạp. Mặc dù số lượng việc làm trống đạt 8.1 triệu, cao hơn dự báo 7.7 triệu và là mức cao nhất kể từ tháng 05/2023, nhưng tốc độ tuyển dụng đã chậm lại, đi kèm với sự gia tăng nhẹ trong số lượng sa thải ngoài ý muốn. Nhìn chung, báo cáo cho thấy nhu cầu lao động vẫn ở mức tương đối khả quan. Ngoài ra, sự kết hợp của hai dữ liệu này cũng lý giải cho phản ứng diều hâu trên thị trường với việc USD mạnh lên và lợi suất trái phiếu chính phủ (TPCP) tiếp tục leo thang.
Về chính trị, Tổng thống đắc cử Donald Trump tái khẳng định sẽ không loại trừ bất kỳ biện pháp kinh tế hay quân sự nào để giành quyền kiểm soát kênh đào Panama và Greenland. Bên cạnh đó là lần đầu tiên ông đưa ra lời đe dọa áp đặt thuế quan lên Đan Mạch do quốc gia này từ chối đề nghị mua lại Greenland. Con trai ông, Donald Trump Jr., đã có chuyến thăm Greenland hôm qua.
Eurozone
Lạm phát HICP tháng 12 tăng lên 2.4% so với cùng kỳ năm trước, đúng như dự báo chung, chủ yếu do ảnh hưởng của hiệu ứng cơ sở từ giá năng lượng; trong khi lõi vẫn giữ nguyên ở mức 2.7%. Xét theo tháng cho thấy lạm phát dịch vụ lõi vẫn neo ở mức cao với mức tăng 0.3% sau điều chỉnh theo mùa. Tuy nhiên, mức tăng này là do chỉ số của tháng 11 thấp, cho thấy bức tranh về cơ bản không thay đổi. Lạm phát hàng hóa lõi tiếp tục duy trì ở mức thấp như những tháng trước, trong khi lạm phát thực phẩm đang có xu hướng giảm trở lại. Nhìn chung, dữ liệu cho thấy xu hướng giảm của lạm phát lõi vẫn tiếp diễn trong tháng 12, một tín hiệu tích cực cho Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB). Chúng tôi dự báo lạm phát toàn phần sẽ hạ nhiệt trong Q1/2025, đồng thời hiệu ứng cơ sở từ giá dịch vụ cũng sẽ góp phần kéo lạm phát lõi xuống thấp hơn.
Mặt khác, tỷ lệ thất nghiệp giữ nguyên ở mức thấp kỷ lục 6.3% trong tháng 11, nhờ số lượng người thất nghiệp giảm 40,000, xuống mức thấp nhất từ trước đến nay. Kết hợp với số liệu tăng trưởng việc làm trong Q3, dữ liệu cho thấy thị trường lao động tại Eurozone vẫn tỏ ra khá vững vàng, trái ngược với những dấu hiệu suy yếu từ các khảo sát.
Thụy Sĩ
Lạm phát tháng 12 gần như trùng khớp với kỳ vọng và phù hợp với dự báo 0.7% của Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ (SNB) cho Q4/2024. Lạm phát toàn phần đạt 0.6% (dự báo: 0.6%, tháng trước: 0.7%), trong khi lõi đạt 0.7% (dự báo: 0.8%, tháng trước: 0.9%). Đà tăng hàng tháng sau điều chỉnh theo mùa tiếp tục suy yếu, với lạm phát toàn phần và lõi giảm lần lượt 0.07% và 0.05%. Kết quả trên củng cố thêm dự báo của chúng tôi và thị trường về việc SNB sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất vào tháng 3, tuy nhiên, vẫn còn hai báo cáo lạm phát nữa trước thềm cuộc họp này. Chúng tôi vẫn giữ quan điểm lạc quan về CHF nhờ vào việc thu hẹp chênh lệch lãi suất với ECB và các yếu tố nền tảng kinh tế vĩ mô tích cực. Dữ liệu gần đây cho thấy SNB vẫn chưa có động thái can thiệp vào thị trường ngoại hối.
Chứng khoán
Chứng khoán toàn cầu giảm điểm hôm qua do sự sụt giảm của thị trường Mỹ kéo theo các chỉ số toàn cầu đi xuống. Mặt khác, thị trường Châu Âu thể hiện khả năng chống chịu tốt hơn. Các phương tiện truyền thông chuyên tài chính dường như cho rằng nguyên nhân của sự sụt giảm này là do dữ liệu kinh tế vĩ mô, đặc biệt là các số liệu liên quan đến lạm phát, trong bối cảnh lợi suất TPCP tiếp tục tăng. Nhận định này là có cơ sở, như chúng tôi đã phân tích hôm qua. Tuy nhiên, nhìn vào tổng thể, những dữ liệu kinh tế vĩ mô tích cực, ngay cả khi chỉ số giá đầu vào trong báo cáo PMI dịch vụ ISM ở mức hơi cao, vẫn nên được coi là tín hiệu tốt.
Khi thị trường đang trong giai đoạn hưng phấn, bất kỳ thông tin nào gợi nhắc về những thách thức gần đây, chẳng hạn như lạm phát, thường sẽ kích hoạt hành vi chốt lời của các nhà đầu tư. Đây chính là lý do tại sao hôm qua, nhóm cổ phiếu nhạy cảm với lãi suất không phải là nhóm chịu áp lực bán mạnh nhất, mà thay vào đó là nhóm cổ phiếu tăng trưởng và công nghệ, vốn là những ngôi sao sáng gần đây. Kết phiên hôm qua, chỉ số Dow Jones, S&P 500, Nasdaq và Russell 2000 giảm lần lượt 0.6%, 1.2%, 1.9% và 1.1%.
Lợi suất
Dữ liệu lạm phát của Eurozone không cung cấp thêm thông tin gì mới về triển vọng chính sách tiền tệ trong ngắn hạn, khi mà ECB được dự đoán sẽ cắt giảm lãi suất 25 bps trong cuộc họp cuối tháng này. Do đó, lợi suất TPCP hầu như đi ngang trong phiên sáng. Ở mặt trận khác, dữ liệu tích cực từ Mỹ, với JOLTS và PMI dịch vụ ISM vượt dự báo, đã gây áp lực bán lên thị trường trái phiếu, đặc biệt là kỳ hạn dài. Cho đến thời điểm viết bài, thị trường đang kỳ vọng ECB sẽ cắt giảm lãi suất tổng cộng khoảng 100 bps trong năm nay. Trong khi đó, thị trường đang định giá xác suất 30% cho việc lãi suất SOFR sẽ tăng vào cuối năm nay.
Danske Bank Research