Danske Bank Research: Lạm phát Eurozone sẽ thế nào khi dữ liệu tại một số quốc gia thành viên bất ngờ nóng lên?
Thành Duy
Junior editor
Nhận định bởi Bộ phận Nghiên cứu tại Danske Bank.
Điểm nóng hôm nay
Vào lúc 17:00 chiều nay, số liệu lạm phát của Eurozone sẽ được công bố. Hiện tại, thị trường dự kiến lạm phát toàn phần sẽ đạt 2.4% so với cùng kỳ năm ngoái trong tháng 12, tăng từ mức 2.2% của tháng 11. Đáng nói, với việc lạm phát tại Đức tăng 0.5% và cả Tây Ban Nha lẫn Bồ Đào Nha đều tăng 0.4%, lạm phát chung nhiều khả năng sẽ nóng hơn dự báo. Chúng tôi dự báo lạm phát toàn phần và lõi ở mức lần lượt là 2.6% và 2.8% so với cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù vậy, ngay cả khi lạm phát tháng 12 vượt dự báo, quan điểm của chúng tôi về động thái của Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) sẽ không thay đổi, bởi trọng tâm vẫn là triển vọng tăng trưởng yếu. Dữ liệu về tỷ lệ thất nghiệp cũng sẽ được công bố hôm nay, dự kiến tăng nhẹ từ 6.3% lên 6.4%, do các khảo sát cho thấy thị trường lao động đang suy yếu. Dẫu vậy, nhìn chung, tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức thấp kỷ lục.
Bên kia bờ Đại Tây Dương, cả chỉ số PMI dịch vụ ISM tháng 12 và báo cáo cơ hội việc làm JOLTs tháng 11 đều sẽ được công bố vào tối nay. Đáng chú ý, dữ liệu JOLTs là một thước đo quan trọng về nhu cầu lao động, được Cục Dự trữ Liên bang (Fed) đặc biệt quan tâm.
Những diễn biến đáng chú ý gần đây
Đức
Lạm phát đã tăng từ mức 2.4% so với cùng kỳ năm ngoái trong tháng 11 lên 2.9% vào tháng 12, vượt dự báo là 2.6%. Nguyên nhân chủ yếu là do hiệu ứng cơ sở của lạm phát năng lượng, khi tăng từ -3.7% lên -1.7% so với cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh đó, lạm phát CPI lõi cũng nhích nhẹ từ mức 3.0% trong tháng 11 lên 3.1% vào tháng 12. Mặc dù khi xét theo tháng, lạm phát lõi cho thấy bức tranh có phần dịu hơn, nhưng tốc độ tăng hàng năm vẫn đáng ngại so với mục tiêu 2.0%.
Eurozone
Ước tính cuối cùng của PMI dịch vụ cho tháng 12 đã được công bố. Chỉ số PMI cho toàn khu vực được điều chỉnh tăng, báo hiệu hoạt động kinh tế mạnh mẽ hơn dự đoán ban đầu. Đáng chú ý, PMI dịch vụ của Pháp được điều chỉnh tăng từ mức sơ bộ là 48.2 lên 49.3. PMI dịch vụ hiện đã vượt lên trên mức của tháng 10 sau khi giảm mạnh trong tháng 11. Mặc dù trung bình hàng quý cho Q4 vẫn thấp hơn so với Q3, cho thấy hoạt động kinh tế chậm lại (ngay cả khi loại trừ yếu tố Olympic Paris 2024), việc điều chỉnh tăng này cũng phần nào làm dịu bớt lo ngại.
Canada
Thủ tướng Justin Trudeau đã từ chức sau 9 năm cầm quyền. Cuộc tổng tuyển cử dự kiến diễn ra vào tháng 10 nhưng nay có thể sẽ đến sớm hơn. Quốc hội dự kiến sẽ họp lại vào cuối tháng 3, đồng nghĩa với việc một cuộc bầu cử mới khó có thể diễn ra trước tháng 5. Đảng Bảo thủ đang dẫn trước Đảng Tự do của ông Trudeau hơn 20 điểm trong các cuộc thăm dò trước bầu cử. Mark Carney, cựu Thống đốc Ngân hàng Trung ương Canada (BoC) và Ngân hàng Trung ương Anh (BoE), cho biết ông đang cân nhắc tranh cử chức Thủ tướng.
Chứng khoán
Thị trường chứng khoán toàn cầu tăng điểm hôm qua, một ngày nhắc nhở nhà đầu tư về những biến động tiềm tàng trong bốn năm tới. Dù muốn hay không, chúng ta phải chuẩn bị cho những biến động mạnh mẽ hơn khi chính quyền mới của Mỹ chính thức đi vào hoạt động. Tuy nhiên, ngay cả trước khi Wall Street Journal đăng tải bài viết về khả năng thu hẹp kế hoạch thuế quan, chứng khoán Châu Âu đã tăng điểm. Đương nhiên, thông tin này càng thúc đẩy đà tăng. Khi ông Trump bác bỏ thông tin trên Truth Social, tâm lý lạc quan đã giảm bớt phần nào. Điều này gợi nhớ lại nhiệm kỳ Tổng thống đầu tiên của ông Trump và nhắc nhở nhà đầu tư cần thận trọng khi diễn giải các tin tức chính trị trong bốn năm tới.
Bên cạnh những xáo trộn chính trị, chúng ta lại chứng kiến một phiên giao dịch mà nhóm cổ phiếu chu kỳ vượt trội, đến mức nhà đầu tư nên cân nhắc giảm tỷ trọng nắm giữ do đà tăng đã đi quá xa so với các yếu tố nền tảng. Kết phiên hôm qua, Dow Jones và Russell 2000 cùng giảm 0.1%; trong khi S&P 500, Nasdaq tăng lần lượt 0.6% và 1.2%.
Lợi suất
Áp lực từ nguồn cung trái phiếu chính phủ (TPCP) mới và rủi ro lạm phát gia tăng đang tác động không chỉ lên thị trường Eurozone mà còn cả Mỹ, khi lợi suất TPCP kỳ hạn 30 năm đã tăng chạm mức cao 4.85%, tiến gần đỉnh cũ khoảng 5.0% ghi nhận hồi năm 2023. TPCP Đức cùng kỳ hạn cũng có diễn biến tương tự và chênh lệch lợi suất giữa hai loại trái phiếu này vẫn dao động quanh mức 50 bps.
Ngoại hối
EUR/USD tiếp tục phục hồi lên 1.0400 khi đồng bạc xanh suy yếu so với các đồng tiền G10 sau thông tin về kế hoạch thuế quan ôn hòa hơn dự kiến. Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump cam kết áp dụng thuế quan từ 10%-20% đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu và lên đến 60% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Hậu bầu cử, ông tiếp tục gây bất ngờ khi đe dọa áp dụng thuế quan bổ sung 10% lên hàng hóa Trung Quốc và 25% lên hàng hóa từ Mexico và Canada. Tuy nhiên, việc ông Trump sau đó bác bỏ thông tin này đã giải tỏa phần nào áp lực lên USD. Về mặt dữ liệu, trọng tâm hôm nay sẽ là báo cáo JOLTs và PMI dịch vụ ISM. Sau cùng, chúng tôi vẫn nghiêng về khả năng EUR/USD mở rộng đà phục hồi trong ngắn hạn.
EUR/CHF đã break qua ngưỡng 0.9400 hậu công bố dữ liệu CPI Thụy Sĩ, sau khi khởi đầu năm mới khá êm ả trong khoảng 0.9300-0.9400. Lạm phát toàn phần tháng 12 của Thụy Sĩ đạt 0.6% so với cùng kỳ năm ngoái (dự báo: 0.6%, trước đó: 0.7%) và lạm phát lõi giảm xuống 0.7% (dự báo: 0.8%, trước đó: 0.9%), nằm ở mức thấp hơn trong phạm vi mục tiêu của Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ (SNB). SNB dự báo lạm phát Q4/2024 ở mức 0.7%. Chúng tôi dự kiến lãi suất chính sách của SNB sẽ chạm đáy ở mức 0% vào mùa hè này sau hai lần cắt giảm 25 bps, cao hơn dự báo của thị trường. Do đó, chúng tôi kỳ vọng chênh lệch lãi suất giữa SNB và ECB sẽ thu hẹp xuống còn 150 bps. Với triển vọng chênh lệch lãi suất thu hẹp trong năm tới, chúng tôi cho rằng đây sẽ là một rào cản đối với EUR/CHF khi bước sang năm 2025. Một nền tảng kinh tế vững chắc, cộng với việc chênh lệch giá cả giữa Thụy Sĩ và các quốc gia khác (đặc biệt là Eurozone) tiếp tục tăng, sẽ giúp CHF mạnh lên thông qua sức mua tương đương (PPP).
Danske Bank Research