Danske Bank Research: Loạt báo cáo lạm phát sắp sửa ‘trình làng’ với CPI Mỹ là tâm điểm. Nhận định EUR/USD, USD/CAD và GBP
Thành Duy
Junior editor
Nhận định bởi Bộ phận Nghiên cứu tại Danske Bank.
Điểm chính
Hôm nay sẽ tương đối im ắng về mặt dữ liệu, trong khi những ngày còn lại của tuần hứa hẹn sẽ sôi động hơn, đặc biệt với việc công bố hàng loạt báo cáo lạm phát. Vào thứ Tư, tâm điểm chú ý sẽ đổ dồn vào báo cáo CPI tháng 12 của Mỹ, bên cạnh dữ liệu lạm phát của một số quốc gia thành viên Eurozone và Anh. Ngoài ra, số liệu sản xuất công nghiệp của Eurozone cũng sẽ được công bố trong cùng ngày. Thứ Năm, chúng ta sẽ có dữ liệu lạm phát của Đức, trước khi chỉ số HICP tháng 12 của Eurozone được công bố vào ngày sau đó. Sáng thứ Sáu, Trung Quốc sẽ công bố dữ liệu về GDP, thị trường bất động sản và doanh số bán lẻ.
Những diễn biến đáng chú ý gần đây
Trung Quốc
Dữ liệu cán cân thương mại tháng 12 đã mang đến những bất ngờ tích cực khi cả xuất khẩu (+10.7% so với cùng kỳ - svck, tháng trước: +6.7%) và nhập khẩu (+1.0% svck, tháng trước: -3.9%) đều tăng trưởng vượt dự báo. Mức tăng trưởng xuất khẩu mạnh mẽ có thể được lý giải một phần do các doanh nghiệp đẩy mạnh mua hàng trước khi những chính sách thuế quan mới có hiệu lực.
Mỹ
Được công bố vào thứ Sáu, tăng trưởng việc làm phi nông nghiệp đã vượt xa kỳ vọng, đạt mức +256,000 (dự báo: +160,000), khẳng định sự phục hồi mạnh mẽ của thị trường lao động sau khi bị ảnh hưởng bởi các cơn bão và những cuộc đình công trong hai tháng trước đó. Đồng thời, tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống 4.1% (tháng trước: 4.2%), trong khi tăng trưởng tiền lương giảm nhẹ xuống 0.3% (tháng trước: 0.4%).
Nhìn chung, báo cáo cho thấy xu hướng hạ nhiệt của thị trường lao động đang tạm chững lại, làm giảm khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất trong thời gian tới. Phản ứng với điều này, USD tiếp tục tăng vọt, kéo theo lợi suất trái phiếu chính phủ (TPCP) Mỹ, đồng thời ảnh hưởng đến cả lợi suất tại Châu Âu. Sau khi dữ liệu việc làm được công bố ít lâu, Chủ tịch Fed chi nhánh Chicago - Austan Goolsbee (thành viên có quyền biểu quyết) đã có bài phát biểu, trong đó khuyến cáo thị trường không nên quá chú trọng vào các báo cáo riêng lẻ và lưu ý rằng nếu những kỳ vọng hiện tại được đáp ứng, “lãi suất sẽ thấp hơn đáng kể” trong khoảng 12-18 tháng tới. Chúng tôi vẫn giữ nguyên dự báo về việc Fed sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất tại cuộc họp vào tháng 3.
Chứng khoán
Chứng khoán toàn cầu giảm điểm vào thứ Sáu, đồng thời kết tuần trong sắc đỏ, khi dữ liệu kinh tế tích cực đã đẩy lợi suất tăng cao. Với cách tiếp cận tập trung vào những yếu tố kinh tế vĩ mô và triển vọng lạm phát được kiểm soát, chúng tôi cho rằng các dữ liệu từ Mỹ, bao gồm cả bảng lương phi nông nghiệp công bố hôm thứ Sáu, là tín hiệu tích cực cho thị trường chứng khoán. Lịch sử đã chứng kiến những tình huống tương tự, khi dữ liệu kinh tế mạnh mẽ khiến Fed phải điều chỉnh lại chính sách tiền tệ. Khi lợi suất kỳ hạn dài tăng khoảng 100 bps, niềm tin của nhà đầu tư chứng khoán thường bị ảnh hưởng, và thị trường chứng khoán sẽ đi ngang cho đến khi lợi suất ổn định ở mức cao hơn. Đây chính là tình huống hiện tại, và thị trường chứng khoán sẽ khó xác định được xu hướng rõ ràng cho đến khi lợi suất bắt đầu ổn định. Kết phiên thứ Sáu, Dow Jones và Nasdaq cùng giảm 1.6%; trong khi S&P 500, Russell 2000 giảm lần lượt 1.5% và 2.2%.
Ngoại hối
EUR/USD sụt mạnh xuống mức thấp 1.0200, sau báo cáo việc làm khả quan của Mỹ hôm thứ Sáu khiến thị trường giảm bớt kỳ vọng về việc Fed hạ lãi suất, với chỉ một lần cắt giảm 25 bps cho cả năm. Các tài sản rủi ro cũng chịu áp lực, góp phần đẩy USD nhảy vọt, kéo theo đà tăng của lợi suất. Điểm nhấn tiếp theo trong tuần này sẽ là báo cáo CPI và doanh số bán lẻ của Mỹ, trong đó dữ liệu lạm phát dự kiến sẽ thu hút nhiều sự chú ý hơn.
Chúng tôi cho rằng phần lớn các thông tin tích cực hỗ trợ đồng bạc xanh đã được phản ánh vào giá, do đó khả năng tăng mạnh là không cao, trừ khi có những bất ngờ lớn. Việc áp dụng các chính sách như thuế quan mạnh tay của chính quyền mới có thể mất nhiều thời gian hơn dự kiến để hiện thực hóa, hoặc thậm chí không bao giờ xảy ra. Song, thị trường dự đoán cho thấy khả năng áp dụng các biện pháp thuế quan cứng rắn thấp hơn so với những tuyên bố của ông Trump. Hơn nữa, kỳ vọng hiện tại của thị trường phản ánh khả năng Fed sẽ chỉ cắt giảm lãi suất một cách hạn chế trong hai năm tới, tạo ra dư địa cho việc nới lỏng chính sách tiền tệ nếu dữ liệu kinh tế Mỹ xấu đi. Ngoài ra, các vị thế mua USD đang ở mức cao, làm tăng nguy cơ điều chỉnh giảm. Mặc dù chúng tôi vẫn lạc quan về đồng bạc xanh trong dài hạn, nhưng rủi ro về ngắn hạn đang nghiêng về chiều giảm.
Nhìn lại tuần giao dịch đầy biến động, hai diễn biến nổi bật nhất tại thị trường Anh là lợi suất TPCP kỳ hạn dài đạt mức cao nhất trong một thập kỷ và GBP chịu áp lực bán khi điều kiện tài chính toàn cầu thắt chặt, cùng với lợi suất tăng trên diện rộng, khiến nước Anh dễ bị tổn thương do tình hình tài khóa bất ổn. Sau báo cáo việc làm tích cực của Mỹ, thị trường sẽ tập trung vào tác động lan tỏa đến thị trường Anh trong tuần này. Về phía Anh, điểm nhấn sẽ là dữ liệu lạm phát tháng 12. Dự báo chung cho thấy lạm phát toàn phần sẽ duy trì ở mức 2.6% svck, trong khi hạ nhiệt với lạm phát lõi và dịch vụ. Thị trường sẽ đặc biệt chú ý đến diễn biến của lạm phát lõi trong lĩnh vực dịch vụ, một yếu tố quan trọng mà Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) sử dụng để đánh giá áp lực lạm phát cơ bản. Chúng tôi vẫn lạc quan rằng áp lực bán lên GBP là hơi quá đà, đồng thời duy trì quan điểm giảm đối với EUR/GBP. Mặc dù vậy, cần lưu ý rằng nếu tâm lý e ngại rủi ro tiếp tục gia tăng, đà giảm của GBP có thể sẽ tiếp diễn.
Báo cáo việc làm mạnh mẽ hơn mong đợi của Mỹ hôm thứ Sáu đã đẩy USD/CAD lên cao, được hậu thuẫn bởi đà tăng trên diện rộng của đồng bạc xanh. Dữ liệu thị trường lao động của Canada cũng tích cực hơn dự báo, với tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống 6.7% trong tháng 12 (dự báo: 6.9%, tháng trước: 6.8%), đảo chiều phần nào đà tăng ban đầu của USD/CAD, tuy nhiên cặp tiền này vẫn kết phiên ở mức cao, vào khoảng 1.4400. Sau dữ liệu thị trường lao động khả quan của Canada và sự chuyển hướng sang lập trường chính sách tiền tệ ít cứng rắn hơn từ phía Ngân hàng Trung ương Canada (BoC), thị trường hiện đang định giá khả năng BoC cắt giảm lãi suất tại cuộc họp vào ngày 29/01 với khoảng 11 bps. Đây là một trong những cuộc họp quan trọng khi BoC sẽ công bố Báo cáo Chính sách tiền tệ mới. Về triển vọng, dự kiến USD/CAD sẽ tăng lên mức 1.4500 trong vòng 12 tháng tới do chúng tôi vẫn duy trì quan điểm tích cực về đồng bạc xanh. Mặc dù vậy, trong ngắn hạn, chúng tôi đặt mục tiêu ở mức 1.4200 do các vị thế bán CAD đang ở mức cao và đà tăng của USD có khả năng suy yếu. Mặt khác, một lập trường cứng rắn hơn từ BoC có thể hỗ trợ thêm cho CAD.
Danske Bank Research