Danske Bank Research: Mở màn với tín hiệu trái chiều từ Pháp và Đức, báo cáo PMI sơ bộ tháng 10 của Châu Âu sẽ thế nào?
Thành Duy
Junior editor
Nhận định của Bộ phận Nghiên cứu tại Danske Bank.
Điểm nóng hôm nay
Giới đầu tư đang dồn sự chú ý vào loạt báo cáo PMI sơ bộ tháng 10 tại Châu Âu. Khả năng cao lĩnh vực sản xuất vẫn chưa thể thoát khỏi vũng lầy suy thoái, với chỉ số PMI dự kiến nhích nhẹ từ 45.0 lên 45.4. Mặt khác, PMI dịch vụ có thể sẽ giảm nhẹ từ 51.4 xuống 51.1. PMI của Anh dự kiến sẽ không có nhiều thay đổi so với tháng trước, khi cả hai lĩnh vực sản xuất và dịch vụ đều duy trì trên ngưỡng 50.0.
Bên cạnh đó, PMI sơ bộ của Mỹ cũng sẽ được công bố vào hôm nay, dự kiến cho thấy hoạt động sản xuất tiếp tục suy giảm, trong khi lĩnh vực dịch vụ chỉ ghi nhận mức tăng trưởng khiêm tốn. Ngoài ra, vào sáng mai, CPI lõi của Tokyo (không bao gồm giá thực phẩm tươi sống) được dự báo sẽ giảm 0.3%, từ 2.0% xuống 1.7% so với cùng kỳ trong tháng 10.
Những diễn biến đáng chú ý gần đây
Nhật Bản: Bộ trưởng Bộ Tài chính Nhật Bản - Katsunobu Kato đã lên tiếng cảnh báo về rủi ro đối với đồng nội tệ khi USD/JPY tăng vọt lên mức 153.00. Điều này diễn ra chỉ vài giờ sau khi Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) - Kazuo Ueda, cho biết BoJ sẽ thận trọng trong việc tăng lãi suất, đồng thời nhấn mạnh cần phải có sự điều chỉnh kịp thời. Ông cảnh báo rằng, việc trì hoãn tăng lãi suất có thể tạo điều kiện cho các hoạt động đầu cơ, đẩy đồng nội tệ vào vòng xoáy mất giá và khiến chi phí nhập khẩu tăng cao.
Canada: Vào tối qua, Ngân hàng Trung ương Canada (BoC) đã quyết định cắt giảm lãi suất 50 bps, xuống còn 3.75%, đánh dấu một bước chuyển quan trọng trong chính sách tiền tệ của quốc gia này. BoC theo đó sẽ ưu tiên đưa lãi suất trở về mức trung lập trong bối cảnh lạm phát đã hạ nhiệt và nằm trong tầm kiểm soát. Bên cạnh đó, họ tuyên bố rằng mức lãi suất trung lập vẫn là 2.75% và cán cân rủi ro đã tương đối cân bằng. Giới phân tích nhận định BoC có thể sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất thêm 100 bps nữa và nhiều khả năng được chia thành hai đợt 50 bps.
Châu Âu: Chỉ số tâm lý người tiêu dùng cho thấy sự cải thiện nhẹ trong tháng 10 khi tăng từ -12.9 lên -12.5. Bên cạnh đó, chỉ số niềm tin người tiêu dùng cũng tăng nhẹ lên -11.2, gần với mức trung bình nhiều năm. Riêng tại Đan Mạch, chỉ số niềm tin người tiêu dùng giảm từ -6.8 xuống -8.9, mức thấp nhất trong năm nay, có thể là do tâm lý e ngại về suy thoái kinh tế đã lấn át nỗi lo lạm phát. Dù vậy, giới phân tích kỳ vọng niềm tin của người tiêu dùng sẽ dần phục hồi khi sức mua được cải thiện và lãi suất giảm.
Vào tối qua, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) - Christine Lagarde, đã có những phát biểu giúp hạn chế phần nào quan điểm “ôn hòa” trên thị trường khi khẳng định ECB sẽ thận trọng trong việc điều chỉnh chính sách tiền tệ và các quyết định sẽ dựa trên dữ liệu kinh tế. Điều này diễn ra sau khi một số quan chức đã lên tiếng bày tỏ lo ngại về việc ECB có thể “bắn trượt” mục tiêu lạm phát 2% và cởi mở hơn với việc đẩy nhanh tốc độ cắt giảm lãi suất. Dù vậy, sau những bình luận ôn hòa từ các quan chức, thị trường giờ đây không loại trừ khả năng ECB sẽ thực hiện bước cắt giảm lãi suất lớn hơn 25 bps tại một thời điểm nào đó.
Được công bố mới đây, trái ngược với Đức, PMI của Pháp đều không đạt kỳ vọng cho cả lĩnh vực sản xuất và dịch vụ. Nỗi buồn hậu Olympic 2024 vẫn tiếp diễn ở Pháp và điều này chỉ khẳng định lại rằng các điều kiện cơ bản vẫn còn kém cho đến đầu Q4. Điều này đã làm tăng khả năng ECB đẩy nhanh chu kỳ nới lỏng chính sách khi lạm phát giá đầu vào giảm xuống mức thấp nhất trong gần bốn năm.
Chứng khoán
Chứng khoán toàn cầu đã trải qua phiên giảm thứ ba liên tiếp trong ngày hôm qua. Đợt bán tháo lần này không bắt nguồn từ những yếu tố vĩ mô tiêu cực và biến động thị trường cũng không quá lớn. Đáng chú ý, thị trường đã chứng kiến một sự chuyển dịch đáng kể khi nhà đầu tư đồng loạt bán tháo các cổ phiếu chu kỳ, đặc biệt là ngành công nghệ của Mỹ.
Mặc dù tin tức liên quan đến các công ty niêm yết cụ thể có thể giải thích cho một số biến động này, nhưng chúng tôi muốn nhìn vào bức tranh lớn hơn. Ba tháng vừa qua, ngành công nghệ thế giới nói chung, cũng như tại Mỹ nói riêng đã hoạt động kém hiệu quả hơn hẳn và chỉ với một chút phân tích chọn lọc, người ta đã có thể nhìn ra điều này. Nguyên nhân không phải do môi trường vĩ mô kém thuận lợi, mà là hệ quả của việc tăng trưởng lợi nhuận chững lại sau giai đoạn “phi mã” và định giá cổ phiếu cao ngất ngưởng. Kết phiên hôm qua, các chỉ số Dow Jones, S&P 500, NASDAQ và Russell 2000 giảm lần lượt 1.0%, 0.9%, 1.6% và 0.8%.
Ngoại hối
USD tiếp tục tăng giá so với các đồng tiền chủ chốt khác vào hôm qua, trong đó, JPY là “nạn nhân” bị thiệt hại nhiều nhất. EUR/USD đã thủng ngưỡng 1.0800, trong khi USD/JPY tăng vượt mức 153.00.
EUR/USD: Những bình luận từ quan chức ECB vẫn để ngỏ khả năng cắt giảm lãi suất mạnh hơn tại các cuộc họp sắp tới nếu dữ liệu cho thấy nền kinh tế suy giảm đáng kể. Điều này đã khiến “trọng lượng” của các con số trong loạt báo cáo PMI sơ bộ sắp được công bố tăng lên đáng kể. Mở màn với PMI của Pháp và Đức cho thấy tín hiệu trái chiều, nếu báo cáo khu vực gây thất vọng, EUR/USD có thể sẽ giảm sâu hơn, hướng về mốc 1.0700 và ngược lại.
EUR/GBP: GBP hiện đã chững lại sau chuỗi ngày tăng giá mạnh. EUR/GBP đã có thời điểm tăng lên gần ngưỡng kháng cự 0.8350, tuy nhiên đã đảo chiều giảm trở lại, trong khi GBP/USD suýt thủng mốc 1.2900. Những bình luận gần đây từ các quan chức BoE cho đến nay vẫn chưa đưa ra thông điệp rõ ràng nào về cuộc họp chính sách tháng 11, nơi mà việc cắt giảm 25 bps gần như là chắc chắn. Megan Greene đã khẳng định quan điểm “diều hâu” của mình vào đầu tuần này, nhấn mạnh nguy cơ tiêu dùng tăng nóng và bà tin rằng "một cách tiếp cận thận trọng trong việc nới lỏng chính sách là phù hợp". Vào đêm qua, Thống đốc BoE - Andrew Bailey (người thuộc phe “ôn hòa”), lưu ý rằng lạm phát chung tuy đang giảm nhanh hơn dự kiến nhưng lạm phát dịch vụ vẫn neo cao. Hôm nay, trọng tâm sẽ là báo cáo PMI sơ bộ cho tháng 10, dự kiến sẽ không có nhiều thay đổi so với tháng trước, khi cả hai lĩnh vực sản xuất và dịch vụ đều duy trì trên ngưỡng 50.0. Sau cùng, đà tăng trưởng vượt trội của Anh so với mặt bằng chung Châu Âu vẫn là động lực quan trọng cho quan điểm tích cực về GBP của chúng tôi.
USD/CAD: Cặp tiền này được dự báo sẽ tiếp tục đà tăng trong thời gian tới, dựa trên quan điểm tích cực về USD trong dài hạn. Dù vậy, chúng tôi cũng đang bắt đầu cân nhắc đến rủi ro điều chỉnh giảm trong ngắn hạn của USD.
Danske Bank Research