Danske Bank Research: Những con số cụ thể về gói kích thích tài khóa của Trung Quốc dự kiến sẽ sớm lộ diện
Thành Duy
Junior editor
Nhận định bởi Bộ phận Nghiên cứu tại Danske Bank.
Điểm nhấn hôm nay
Hôm nay, dự kiến chúng ta sẽ có những con số cụ thể về gói kích thích tài khóa của Trung Quốc khi kỳ họp của Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc kết thúc. Ở mặt trận khác, kết quả khảo sát sơ bộ về tâm lý người tiêu dùng của Đại học Michigan sẽ được công bố.
Những diễn biến đáng chú ý gần đây
Mỹ
Cục Dự trữ Liên bang (Fed) đã nhất trí cắt giảm lãi suất 25 bps xuống còn 4.75%. Động thái này về cơ bản đã được dự đoán từ trước và do cuộc họp của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) không đưa ra nhiều định hướng chính sách cho năm 2025, phản ứng của thị trường là khá trầm lắng. Fed đang tiến sâu hơn vào chu kỳ cắt giảm lãi suất, dữ liệu kinh tế nhìn chung khả quan hơn dự kiến và các rủi ro tiêu cực đã giảm bớt. Dù vậy, vẫn chưa rõ điều này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến triển vọng lãi suất. Hiện tại, thị trường đang định giá xác suất khoảng 65-70% rằng Fed sẽ tiếp tục cắt giảm 25 bps nữa tại cuộc họp tháng 12. Ngoài ra, chúng tôi cũng giữ nguyên dự báo của mình và vẫn kỳ vọng rằng Fed sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất tại mỗi cuộc họp cho đến nửa đầu năm 2025.
Eurozone
EUR/USD tăng 0.64%, đảo ngược phần nào mức giảm 1.8% của hôm trước đó, trong bối cảnh giới đầu tư đang cân nhắc các biến động chính trị tại Đức. Do đó, tùy thuộc vào diễn biến tiếp theo tại chính trường Đức, một chính phủ ổn định và lập trường tài khóa chủ động hơn có thể sẽ giúp khôi phục niềm tin đối với EUR. Về mặt dữ liệu, doanh số bán lẻ của khu vực, được công bố vào chiều qua, đã gây bất ngờ theo hướng tích cực với mức tăng trưởng 0.5% so với tháng trước (dự báo: 0.4%, kỳ trước: 0.2%) và 2.9% so với cùng kỳ năm ngoái (dự báo: 1.3%, kỳ trước: 0.8%).
Đức
Sau những biến động chính trị hôm diễn ra bầu cử Mỹ, sản lượng công nghiệp được công bố vào chiều qua giảm 2.5% so với tháng trước (dự báo: giảm 1.0%, kỳ trước: 2.9%) trong tháng 9, nối dài xu hướng đã diễn ra suốt một năm rưỡi. Kết quả là, sản lượng công nghiệp của Đức trong Q3 giảm 2.3% so với Q2. Chúng tôi dự báo hoạt động công nghiệp sẽ tiếp tục suy giảm trong Q4, trước khi nhận được một số hỗ trợ vào năm sau khi điều kiện tài chính được nới lỏng, nền sản xuất toàn cầu cải thiện và giá năng lượng giảm. Mặc dù vậy, chúng tôi không kỳ vọng một sự “phục hồi mạnh mẽ” vào năm tới mà chỉ là sự “ổn định”.
Anh
Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) đã cắt giảm lãi suất 25 bps xuống 4.75% đúng như dự kiến. Điều quan trọng là Ủy ban Chính sách Tiền tệ (MPC) đã chuyển sang lập trường “cứng rắn” hơn với cách tiếp cận "thận trọng". Ở cuộc họp trước, cách tiếp cận này được "hầu hết các thành viên" tán thành, còn hiện tại, nó đã trở thành quan điểm chung của MPC. Nhìn chung, phản ứng của thị trường là khá trầm lắng, điều mà chúng tôi cho rằng BoE mong muốn sau những xáo trộn kể từ khi kế hoạch ngân sách được công bố. Có thể thấy, BoE đã phát đi tín hiệu về việc sẽ cắt giảm lãi suất một cách từ tốn, đồng thời thể hiện quan điểm thận trọng hơn do lo ngại áp lực lạm phát nóng lên theo ngân sách mới và chủ đích của động thái này, phần nào nhằm tránh gây xáo trộn thị trường sau những biến động mạnh mẽ tuần trước. Chúng tôi cho rằng BoE sẽ giữ nguyên lãi suất tại cuộc họp tháng 12, đồng thời phát đi thông điệp rằng họ muốn duy trì cách tiếp cận "thận trọng". Sang năm 2025, chúng tôi dự kiến BoE sẽ cắt giảm lãi suất tại mỗi cuộc họp, bắt đầu từ tháng 2 cho đến đến giữa năm, sau đó chuyển sang tần suất mỗi quý/lần. Nếu đi theo kịch bản này, lãi suất chính sách sẽ giảm dần về mức 3.25% vào cuối năm 2025.
Nhật Bản
JPY cho thấy sự phục hồi rõ nét hơn trong phiên giao dịch hôm nay, được thúc đẩy bởi những cảnh báo cứng rắn hơn từ chính phủ Nhật Bản về làn sóng bán tháo đồng tiền này gần đây. Bộ trưởng Bộ Tài chính - Katsunobu Kato đã đưa ra tuyên bố mạnh mẽ, nhằm vào "những biến động đột ngột và một chiều" của JPY, đồng thời khẳng định chính phủ đang theo dõi sát sao tình hình với "mức độ khẩn trương cao nhất". Ông nhấn mạnh cam kết của Nhật Bản trong việc thực hiện "các biện pháp phù hợp" để đối phó với những gì họ cho là biến động quá mức.
Củng cố thêm cho lập trường này, Bộ Tài chính Nhật Bản đã công bố dữ liệu can thiệp thị trường hàng ngày trong Q3. Giới chức nước này theo đó đã can thiệp vào thị trường tiền tệ trong hai ngày liên tiếp (11-12/07), bằng cách bán ra USD và mua vào JPY. Nhờ những nỗ lực này, USD/JPY đã giảm nhiệt từ mức cao 161.76 xuống 157.30 chỉ trong vòng hai ngày, qua đó bảo vệ thành công ngưỡng tâm lý quan trọng 160.00.
Mặt khác, dữ liệu tiền lương tháng 9 cho thấy tốc độ tăng trưởng thu nhập hàng năm vẫn ổn định ở mức 2.8%. Mặc dù điều này đồng nghĩa với mức giảm 0.1% của thu nhập thực tế hàng năm (sau khi điều chỉnh theo lạm phát CPI loại trừ tiền thuê nhà), nhưng những diễn biến trong nhiều tháng gần đây có vẻ khả quan. Hiện tại, chúng tôi không cho rằng dữ liệu tiền lương là một yếu tố then chốt để Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) quyết định tăng hoặc giữ nguyên lãi suất. Chiến thắng của Donald Trump đã góp phần khiến JPY tiếp đà mất giá, củng cố thêm dự báo của chúng tôi về đợt tăng lãi suất tiếp theo vào cuộc họp tháng 12. Nhìn chung, trong thời gian tới, chúng tôi sẽ theo dõi cuộc bỏ phiếu tín nhiệm Thủ tướng tại Hạ viện vào thứ Hai, và liệu một liên minh mới có phản đối việc tăng lãi suất hay không.
Chứng khoán
Chứng khoán toàn cầu tiếp tục tăng điểm vào hôm qua, ngày giao dịch thứ hai sau khi có kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ. Một trong những điểm đáng chú ý nhất của phiên giao dịch hôm qua là nhà đầu tư không bán tháo cổ phiếu ở các thị trường mới nổi, cho thấy phần lớn tác động đã được phản ánh vào giá, cùng với mức beta ổn định và phù hợp. Hơn nữa, phát ngôn của ông Trump trong chiến dịch tranh cử là một chuyện, còn việc chúng sẽ được chuyển thành chính sách thực tế như thế nào lại là chuyện khác.
Sự bình tĩnh là điểm đáng chú ý thứ hai của phiên giao dịch hôm qua. Biến động thị trường không lớn với VIX và các chỉ số biến động đều giảm đáng kể. Chỉ số VIX hiện đã giảm xuống còn 15, phù hợp với mức mà chúng tôi đã dự báo một tuần trước khi cuộc bầu cử qua đi. Hôm thứ ba, chúng tôi quan sát thấy một số sự đảo ngược xu hướng và luân chuyển dòng vốn. Một số nhóm tăng trưởng mạnh nhất trước đó, bao gồm cổ phiếu vốn hóa nhỏ và cổ phiếu ngân hàng, đã có hiệu suất kém hơn. Mặc dù một phần nguyên nhân có thể liên quan đến sự không chắc chắn về kết quả bầu cử Hạ viện, chúng tôi cho rằng lý do then chốt là niềm tin ông Trump và chính quyền mới sẽ không “đánh bay” triển vọng kinh tế khả quan hiện tại.
Bên cạnh những diễn biến trên, chúng ta cũng cần lưu ý đến việc ba ngân hàng trung ương lớn của G10 đã cắt giảm lãi suất. Dù vậy, tất cả những động thái này dường như đã được dự đoán và phản ánh vào giá trước đó. Kết phiên hôm qua, chỉ số Dow Jones: 0,0%, S&P 500: +0,7%, Nasdaq: +1,5% và Russell 2000: -0,4%. Cho đến đầu giờ chiều nay, hầu hết các thị trường Châu Á đều giảm điểm, trong khi hợp đồng tương lai chứng khoán Châu Âu tăng nhẹ. Hợp đồng tương lai chứng khoán Mỹ gần như đi ngang, cho thấy sự bình tĩnh đang nhanh chóng trở lại thị trường tài chính sau cuộc bầu cử.
Lợi suất
Lợi suất trái phiếu chính phủ (TPCP) Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm khoảng 12 bps trong phiên giao dịch hôm qua khi thị trường tái đánh giá phần bù rủi ro chính trị đã được cộng thêm vào hôm bầu cử. Cuộc họp FOMC đêm qua trôi qua khá êm đềm do Chủ tịch Fed Jerome Powell không đưa ra bất kỳ thông tin cụ thể nào về cuộc họp tháng 12.
Ngoại hối
EUR/USD đóng cửa trên 1.0800 khi đà tăng của USD hậu bầu cử chững lại vào hôm qua, với cuộc họp FOMC diễn ra khá êm đềm, cùng quyết định cắt giảm lãi suất 25 bps đúng như dự kiến và không có thông điệp đáng chú ý nào từ ông Powell. Điểm mấu chốt của cuộc họp là Fed đã quyết định không đưa ra bất kỳ thông tin cụ thể nào về lộ trình lãi suất trong tương lai, như ngầm định rằng họ sẽ hành động dựa trên dữ liệu kinh tế sắp tới. Việc cắt giảm lãi suất đúng như dự kiến và giọng điệu trung lập của Fed hôm qua đã bị lu mờ bởi nhịp điều chỉnh của USD, đánh mất phần nào đà tăng trong ngày bầu cử – có thể là do hoạt động tái cơ cấu và chốt lời. Sắp tới, khi những xáo trộn hậu bầu cử lắng xuống, chúng tôi dự đoán nền kinh tế Mỹ – và theo đó là chu kỳ cắt giảm lãi suất của Fed – sẽ trở lại là động lực chính của thị trường. Bên cạnh đó, chúng giữ nguyên quan điểm rằng Fed sẽ cắt giảm lãi suất 25 bps tại mỗi cuộc họp cho đến giữa năm sau. Do đó, USD có thể yếu đi vào giai đoạn cuối năm nay nếu dữ liệu sắp tới khiến thị trường gia tăng kỳ vọng Fed cắt giảm lãi suất vào cuộc họp tháng 12, hiện đang được định giá khoảng 14 bps (theo dữ liệu thị trường OIS).
EUR/GBP kết phiên giảm nhẹ sau cuộc họp chính sách của BoE vào hôm qua, với quyết định cắt giảm lãi suất 25 bps xuống 4.75%, đúng như kỳ vọng. Phù hợp với quan điểm của chúng tôi, BoE đã đưa ra một thông điệp cứng rắn hơn, nhấn mạnh cách tiếp cận “thận trọng” của họ trong việc nới lỏng chính sách. Điều này giúp củng cố cho kịch bản cơ sở của chúng tôi về việc đợt cắt giảm lãi suất tiếp theo dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 02/2025. Rõ ràng, thông điệp được đưa ra hôm qua cho thấy BoE đang thận trọng hơn, điều này củng cố quan điểm của chúng tôi về việc EUR/GBP sẽ tiếp tục giảm. Chưa kể, kịch bản này càng được củng cố thêm bởi hiệu suất vượt trội của nền kinh tế Anh và chênh lệch lãi suất thấp.
Danske Bank Research