Đâu là những ứng cử viên tiềm năng sẽ lèo lái chính quyền Trump 2.0?
Kiều Hồng Minh
Junior Analyst
Tân tổng thống Donald Trump sẽ bắt đầu quy trình lựa chọn Nội các và các quan chức cấp cao khác trong chính quyền vào những tuần tới, sau chiến thắng thuyết phục của trong cuộc bầu cử tuần trước.
Dưới đây là những ứng cử viên hàng đầu cho một số vị trí chủ chốt trong các lĩnh vực quốc phòng, tình báo, ngoại giao, thương mại, nhập cư và hoạch định chính sách kinh tế. Vị trí chánh văn phòng Nhà Trắng không được đề cập trong bài viết này do bà Susie Wiles đã được bổ nhiệm vào ngày hôm qua.
Bộ trưởng Bộ Tài chính
Scott Bessent
Scott Bessent là cố vấn kinh tế chủ chốt của Trump, nhà đầu tư quỹ đầu cơ lâu năm, từng giảng dạy tại Đại học Yale trong nhiều năm và duy trì mối quan hệ thân thiết với tân Tổng thống,
Mặc dù ủng hộ các chính sách tự do kinh tế (Laissez-faire) của Đảng Cộng hòa trước thời Trump, ông Bessent cũng đánh giá cao việc Trump sử dụng thuế quan như một công cụ đàm phán. Ông ca ngợi triết lý kinh tế của Tổng thống đắc cử, vốn dựa trên sự hoài nghi đối với cả quy định và thương mại quốc tế hiện hành.
John Paulson
Ông Paulson, một tỷ phú quản lý quỹ đầu cơ và là nhà tài trợ lớn của Trump, cũng là ứng cử viên hàng đầu khác cho vị trí Bộ trưởng Tài chính. Chuyên gia tài chính lâu năm này đã nói với các cộng sự rằng ông quan tâm đến công việc này.
Là người ủng hộ trung thành của việc cắt giảm thuế và bãi bỏ quy định khắt khe, hồ sơ của ông Paulson nhìn chung tương tự như hồ sơ của các thành viên tiềm năng khác trong hội đồng kinh tế của Trump. Ông đã công khai ủng hộ thuế quan có mục tiêu như một công cụ để đảm bảo an ninh quốc gia của Hoa Kỳ và chống lại các hoạt động thương mại không công bằng ở nước ngoài. Một buổi gây quỹ nổi tiếng do ông Paulson tổ chức vào tháng 4 đã thu về hơn 50 triệu USD cho cựu tổng thống.
Larry Kudlow
Larry Kudlow của Fox Business Network, người từng là giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia trong phần lớn nhiệm kỳ đầu tiên của Trump, có cơ hội trở thành Bộ trưởng Tài chính và có thể sẽ có cơ hội đảm nhận một vị trí khác liên quan nếu ông quan tâm.
Mặc dù cá nhân ông hoài nghi về việc áp đặt thuế quan rộng rãi, nhưng về mặt công khai, hầu như không có sự khác biệt nào giữa các chính sách mà ông Kudlow ủng hộ và chính sách của Tổng thống đắc cử.
Robert Lighthizer
Là một người trung thành với Trump, từng là Đại diện Thương mại Hoa Kỳ của chính quyền Trump 1.0 trong gần 4 năm, ông Lighthizer gần như chắc chắn sẽ được mời trở lại. Mặc dù ông Bessent và ông Paulson có khả năng có cơ hội tốt hơn để trở thành Bộ trưởng Tài chính, nhưng ông Lighthizer vẫn có cơ hội, và ông có thể đảm nhiệm lại vai trò cũ của mình nếu ông quan tâm. Giống như Trump, ông Lighthizer là người hoài nghi về thương mại toàn cầu và tin tưởng mạnh mẽ vào thuế quan. Ông là một trong những nhân vật hàng đầu trong cuộc chiến thương mại của Trump với Trung Quốc và trong việc đàm phán lại Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ, hay Nafta, với Mexico và Canada trong nhiệm kỳ đầu tiên của Trump.
Howard Lutnick
Là một trong những người có vai trò quan trọng trong chiến dịch vận động tranh cử của Trump và là giám đốc điều hành lâu năm của công ty dịch vụ tài chính Cantor Fitzgerald, ông Lutnick đang là ứng cử viên cho vị trí Bộ trưởng Tài chính.
Là một người New York khoa trương giống như Trump, ông Lutnick đã liên tục khen ngợi các chính sách kinh tế của Tổng thống đắc cử, bao gồm cả việc sử dụng thuế quan. Đôi khi, ông đã đưa ra những ý kiến rõ ràng, thẳng thắn về những chính sách sẽ được ban hành trong nhiệm kỳ thứ hai của Trump. Một số đồng minh của Trump đã phàn nàn rằng ông thường xuyên tự cho mình là người phát ngôn của chiến dịch.
Cố vấn An ninh Quốc gia
Richard Grenell
Ông Grenell là một trong những cố vấn chính sách đối ngoại thân cận nhất của Trump. Trong nhiệm kỳ bốn năm đầu tiên của Trump, ông đảm nhận vai trò quyền Giám đốc Tình báo Quốc gia và Đại sứ Hoa Kỳ tại Đức. Khi Trump gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky vào tháng 9, ông Grenell cũng đã tham dự cuộc họp này.
Ngoại trưởng
Robert O’Brien
Ông O'Brien, cố vấn an ninh quốc gia cuối cùng của Trump trong nhiệm kỳ đầu tiên, vẫn duy trì mối quan hệ thân thiết với Trump, và hai người thường xuyên trao đổi về các vấn đề an ninh quốc gia. Ông có thể đang trong cuộc đua cho vị trí Ngoại trưởng hoặc các vị trí hàng đầu khác liên quan tới chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia. Ông đã duy trì liên lạc chặt chẽ với các nhà lãnh đạo nước ngoài kể từ khi Trump rời nhiệm sở, với cuộc gặp Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại Israel vào tháng Năm.
Quan điểm của ông có phần mạnh mẽ hơn một số cố vấn của Trump. Ví dụ, ông ủng hộ viện trợ quân sự cho Ukraine hơn nhiều so với những người cùng thời trong Đảng Cộng hòa, và ông là người đề xuất cấm TikTok ở Mỹ.
Bill Hagerty
Là một thượng nghị sĩ Hoa Kỳ đến từ Tennessee, người đã tham gia vào quá trình vận động tranh cử của Trump năm 2016, ông Hagerty được coi là ứng cử viên hàng đầu cho vị trí Ngoại trưởng. Ông đã duy trì mối quan hệ vững chắc với hầu hết tất cả các phe phái của Đảng Cộng hòa và có thể dễ dàng được Thượng viện phê chuẩn.
Ông từng là đại sứ Hoa Kỳ tại Nhật Bản trong chính quyền Trump đầu tiên, vào thời điểm mà tổng thống đương nhiệm thể hiện mối quan hệ nồng ấm của mình với Thủ tướng Shinzo Abe lúc bấy giờ. Các chính sách của ông Hagerty nhìn chung phù hợp với các chính sách của Trump. Đầu năm 2024, ông đã bỏ phiếu phủ quyết gói viện trợ quân sự lớn cho Ukraine.
Marco Rubio
Ông Rubio, thượng nghị sĩ Hoa Kỳ đến từ Florida và là ứng cử viên tổng thống của Đảng Cộng hòa năm 2016, cũng là một ứng cử viên hàng đầu cho vị trí Ngoại trưởng, người có các chính sách gần gũi với Trump. Giống như ông Hagerty, ông là một ứng cử viên cho vị trí ứng cử viên phó tổng thống của Trump năm 2024.
Ông Rubio từ lâu đã tham gia vào các vấn đề đối ngoại tại Thượng viện, đặc biệt là liên quan đến mối quan hệ Mỹ-Latinh, và ông có mối quan hệ vững chắc trong toàn đảng.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng
Mike Waltz
Là cựu chiến binh Mũ nồi xanh và hiện là dân biểu Hoa Kỳ đến từ Florida, ông Waltz đã khẳng định mình là một trong những người có quan điểm cứng rắn với Trung Quốc hàng đầu tại Hạ viện. Trong số các dự luật khác nhau liên quan đến Trung Quốc mà ông đồng thuận có các biện pháp nhằm giảm bớt sự phụ thuộc của Hoa Kỳ vào các lọa khoáng sản quan trọng được khai thác ở Trung Quốc.
Mike Pompeo
Ông Pompeo, người từng là Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) và Ngoại trưởng trong nhiệm kỳ đầu của Trump, được coi là ứng cử viên hàng đầu cho vị trí Bộ trưởng Quốc phòng, nhưng cũng có thể đảm nhận các vị trí khác liên quan đến an ninh quốc gia, tình báo hoặc ngoại giao.
Mặc dù đã cân nhắc việc thách thức Trump trong cuộc bầu cử sơ bộ của Đảng Cộng hòa, nhưng ông Pompeo đã không làm vậy, và giờ ông đã quay lại mối quan hệ thân thiện với Tân Tổng thống sau một thời gian khó xử. Ông là người bảo vệ Ukraine mạnh mẽ nhất trong số các đồng minh thân cận của Trump, một lập trường khiến ông mâu thuẫn với hầu hết các nhân vật cấp cao trong chính quyền tương lai của Trump
Tom Cotton
Là một cựu sĩ quan quân đội được đào tạo tại Đại học Harvard và Trường Luật Harvard và thượng nghị sĩ Hoa Kỳ đến từ Arkansas, ông Cotton rất được lòng các nhà tài trợ của Trump và là một ứng cử viên nặng ký cho chức vụ Bộ trưởng Quốc phòng. Giống như ông Hagerty, ông đã nổi lên như một "chú ngựa ô" cho vị trí ứng cử viên phó tổng thống của Trump trong những tuần cuối cùng của quá trình lựa chọn vào tháng 6 và tháng 7.
Ông Cotton đại diện cho phe "hawkish" của Đảng Cộng hòa, người đã liên tục ủng hộ viện trợ quân sự cho Ukraine.
Bộ trưởng Bộ An ninh Nội địa
Tom Homan
Ông Homan, người từng là quyền giám đốc của Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan trong một năm rưỡi dưới thời Trump, là ứng cử viên cho vị trí Bộ trưởng An ninh Nội địa. Trump đã biến việc trấn áp nhập cư bất hợp pháp thành yếu tố trung tâm trong chiến dịch tranh cử của mình, với hứa hẹn sẽ thực hiện việc trục xuất hàng loạt.
Trump thường xuyên khen ngợi ông Homan trong chiến dịch tranh cử, và ông Homan thường xuyên tham gia vận động.Trong nhiệm kỳ đầu tiên của Trump, ông Homan là người ủng hộ hàng đầu cho chính sách chia cắt trẻ em gây tranh cãi của chính quyền, trong đó trẻ em của những người nhập cư vào nước này bất hợp pháp bị giam giữ riêng biệt với cha mẹ của chúng.
Chad Wolf
Ông Wolf, người từng là quyền Bộ trưởng An ninh Nội địa của Trump trong khoảng 14 tháng trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của ông, có thể có cơ hội quay trở lại Bộ An ninh Nội địa (DHS).
Ông Wolf đã trung thành thực hiện các chính sách nhập cư cứng rắn của Trump, đồng thời đã triển khai các đặc vụ liên bang đến Portland, Oregon, để kiểm soát các cuộc biểu tình và bạo loạn sau vụ việc George Floyd, một người da đen bị sát hại, bởi một sĩ quan cảnh sát da trắng.
Tuy nhiên, ông đã từ chức vào ngày 11 tháng 1 năm 2021, chỉ vài ngày sau vụ tấn công vào Điện Capitol ngày 6 tháng 1 và Trump đã bày tỏ sự lo ngại về việc đưa những người đã từ chức trong những ngày cuối cùng của nhiệm kỳ của ông trở lại. Đồng thời, ông Wolf đã viện dẫn các tranh cãi pháp lý xung quanh việc bổ nhiệm ông làm Bộ trưởng Bộ An ninh Nội địa - chứ không phải vụ tấn công Điện Capitol - khi ông từ chức. Nhiều thẩm phán đã phán quyết rằng việc Trump bổ nhiệm ông, mà không thông qua Thượng viện, là bất hợp pháp.
Mark Green
Là một cựu quân y và là chủ tịch hiện tại của Ủy ban An ninh Nội địa Hạ viện, ông Green được một số đồng minh của Trump ở Washington coi là ứng cử viên cho vị trí hàng đầu tại DHS.
Những người ủng hộ mô tả ông là một người trung thành với Trump và là người theo đường lối cứng rắn về nhập cư, đồng thời có kinh nghiệm lập pháp đáng kể. Ông Green đã được Trump đề cử trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình để giữ chức vụ Bộ trưởng Lục quân, nhưng ông đã rút tên mình khi bị cáo buộc kỳ thị người chuyển giới và bài Hồi giáo trong quá khứ.
Tổng Trưởng lý
John Ratcliffe
Là một cựu dân biểu và công tố viên, từng là giám đốc tình báo quốc gia trong năm cuối cùng Trump tại vị, ông Ratcliffe được coi là một ứng cử viên tiềm năng cho chức vụ Bộ trưởng Tư pháp, mặc dù ông cũng có thể đảm nhận một vị trí liên quan đến an ninh quốc gia hoặc tình báo.
Các đồng minh của Trump coi Ratcliffe là một người trung thành cuồng nhiệt với Trump, người có thể giành được sự phê chuẩn của Thượng viện. Tuy nhiên, trong thời gian làm giám đốc tình báo quốc gia, ông Ratcliffe thường xuyên xảy ra xung đột với các nhân viên, gây ra sự chỉ trích từ Đảng Dân chủ, những người cho rằng ông đã chính trị hóa vai trò này.
Mike Lee
Là một thượng nghị sĩ Hoa Kỳ đến Utah, ông Lee được nhiều người coi là một ứng cử viên hàng đầu khác cho chức vụ Bộ trưởng Tư pháp. Mặc dù cựu công tố viên này đã từ chối bỏ phiếu cho Trump trong cuộc bầu cử năm 2016, nhưng sau đó ông đã trở thành một đồng minh kiên định của Trump.
Ông Lee là nhân vật chủ chốt trong nỗ lực của Trump và các đồng minh của ông nhằm lật ngược thất bại trong cuộc bầu cử năm 2020 trước ứng cử viên Đảng Dân chủ Joe Biden, và đã lan truyền các thuyết âm mưu vô căn cứ về vụ tấn công Điện Capitol ngày 06/01.
Các vị trí liên quan tới Cục An ninh Quốc gia
Keith Kellogg
Là một trung tướng đã nghỉ hưu và từng là chánh văn phòng Hội đồng An ninh Quốc gia dưới thời Trump, ông Kellogg rất được Trump tin tưởng và là ứng cử viên cho một số vị trí liên quan đến an ninh quốc gia, mặc dù không rõ chính xác ông sẽ đảm nhiệm vị trí nào.
Trong chiến dịch tranh cử, ông đã trình bày với Trump một kế hoạch nhằm chấm dứt chiến tranh ở Ukraine, bao gồm việc buộc cả hai bên ngồi vào bàn đàm phán và loại trừ tư cách thành viên NATO của Ukraine trong tương lai gần, cùng với các biện pháp khác.
Kash Patel
Là cựu thành viên Hạ viện của Đảng Cộng hòa, người từng giữ nhiều vai trò nhân viên cấp cao trong quốc phòng và tình báo dưới thời Trump 1.0, ông Patel thường xuyên xuất hiện trong các chiến dịch tranh cử để vận động ủng hộ ứng cử viên.
Một số đồng minh của Trump muốn thấy ông Patel, được coi là người trung thành tuyệt đối với Trump, được bổ nhiệm làm giám đốc CIA. Tuy nhiên, bất kỳ vị trí nào yêu cầu Thượng viện phê chuẩn đều có thể là một thách thức.
Ông Patel đã dính líu đến nhiều tranh cãi trong suốt sự nghiệp của mình. Trong một cuộc phỏng vấn với đồng minh của Trump, Steve Bannon, vào năm 2023, ông hứa sẽ "truy lùng" các chính trị gia và nhà báo được coi là kẻ thù của Tổng thống đắc cử.
Từ nhiệm kỳ đầu tiên của Trump, ông Patel đã tạo ra sự thù địch từ một số quan chức an ninh quốc gia giàu kinh nghiệm hơn, những người coi ông là người dễ thay đổi và quá háo hức để làm hài lòng Tổng thống lúc bấy giờ.
The Straits Times