Điều gì sẽ xảy ra nếu Ukraina thất bại?
Tạ Thị Giang
Junior Analyst
Thất bại của Ukraine trước Nga sẽ là một thảm kịch đối với phương Tây, đặc biệt là châu Âu.
Trước đây, câu hỏi "Điều gì sẽ xảy ra nếu Ukraine thất bại?" thường được xem là một lá bài chiến thuật để gây sức ép buộc các đồng minh phương Tây gửi thêm viện trợ. Nhưng giờ đây, câu hỏi này không còn mang tính giả định nữa mà đã trở thành một kịch bản thực tế có thể xảy ra mà các nhà hoạch định chính sách cần tính đến. Sau vài tháng chiến đấu khốc liệt trên chiến trường, hy vọng về một cuộc phản công của Ukraine để đẩy lùi quân Nga về biên giới và hạ bệ Vladimir Putin vào năm ngoái đã tan vỡ. Giờ đây, nỗi sợ hãi đang ngự trị: rằng tình thế bế tắc hiện tại có thể bị phá vỡ theo hướng có lợi cho kẻ xâm lược, hoặc việc Donald Trump quay trở lại nắm quyền ở Mỹ và đưa ra những chính sách có lợi cho nước Nga. Mặc dù khả năng Ukraine bại trận không còn là một viễn cảnh quá xa vời, nhưng nó cũng không kém phần đáng sợ. Và dù chiến tranh tái diễn trên lục địa châu Âu đã khiến nhiều người tỉnh ngộ, nhưng một cuộc xâm lược thành công mang lại lợi ích địa chính trị cho ông Putin sẽ còn tồi tệ hơn nhiều.
Thất bại của Ukraine sẽ là một cú sốc nặng nề đối với phương Tây, giống như sự kiện kênh đào Suez năm 1956. Sau hai năm cung cấp viện trợ về tinh thần, quân sự và tài chính cho đồng minh, Mỹ và châu Âu - có lẽ đã vô tình - đặt uy tín của mình vào thế khó. Đôi khi họ do dự trong việc cung cấp viện trợ đã khiến mọi thứ trở nên tệ hơn chứ không hề khá hơn. Đây sẽ là một sự xác nhận đối với những người hoài nghi về các nền dân chủ tự do, rằng các nền dân chủ này thiếu khả năng bảo vệ lợi ích của mình. Ở Nga, Trung Quốc, Ấn Độ và các nước phương Nam, những người ủng hộ Ukraine bị cho là chỉ giỏi đưa ra các nghị quyết của Liên Hợp Quốc và tranh cãi về ngôn từ tại các hội nghị thượng đỉnh của EU và NATO, nhưng lại không làm được gì nhiều hơn thế. Việc các nhà vẽ bản đồ tô màu lãnh thổ Ukraine thành lãnh thổ Nga sẽ củng cố quan điểm rằng kẻ mạnh sẽ chiến thắng, mang lại lợi ích cho những kẻ độc tài trên toàn thế giới. George Robertson, cựu Tổng thư ký NATO, đã cảnh báo rằng: “Nếu Ukraine thất bại, kẻ thù của chúng ta sẽ quyết định trật tự thế giới.” Thật không may cho Đài Loan và các quốc gia khác, ông ấy có lẽ đã nói đúng.
Không nơi nào có thể cảm nhận sự sỉ nhục này sâu sắc hơn EU, nơi đi đầu trong việc thiết lập các chuẩn mực quốc tế theo chủ nghĩa tự do. So với Mỹ, các nước láng giềng của Ukraine phản ứng có phần chậm hơn trong việc cung cấp viện trợ. Nhưng theo cách chậm mà chắc của người châu Âu, họ cảm thấy họ đã làm tất cả những gì có thể. Bằng cách gửi vũ khí (bao gồm cả việc sử dụng tiền của EU để mua vũ khí, một điều chưa từng xảy ra trước đây), hỗ trợ tài chính cho Ukraine, tiếp nhận hàng triệu người tị nạn, áp đặt hàng loạt lệnh trừng phạt đối với Nga và giảm phụ thuộc vào khí đốt của Nga, các chính trị gia của khối đã vượt qua những giới hạn ban đầu tưởng chừng không thể. Nếu những điều đó còn chưa đủ, nhiều người sẽ tự hỏi liệu bản chất cốt lõi của liên minh này có còn phù hợp hay không. Những người theo chủ nghĩa dân túy (populists) và những người hâm mộ Putin theo khuôn mẫu của Viktor Orban ở Hungary hoặc Marine Le Pen ở Pháp sẽ rêu rao rằng cách của họ là tốt nhất. Hiện đang có sự chia rẽ giữa các nước khu vực rìa phía đông có quan điểm cứng rắn và các khu vực khác trong khối. Nếu Ukraine thất bại, những điều này sẽ trở thành những cáo buộc và cay đắng. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, người mới chuyển sang quan điểm cứng rắn, đã lên tiếng cảnh báo về những " kẻ hèn nhát" đang kìm hãm châu Âu.
Hậu quả địa chính trị sau thất bại của Ukraine sẽ phụ thuộc vào hình thức của bất kỳ hiệp ước hòa bình nào. Điều này sẽ phụ thuộc vào động lực quân sự hoặc tư duy của ông Trump nếu ông tái đắc cử. Nếu đội quân thiếu đạn dược của Ukraine bị đánh bại và Nga kiểm soát không chỉ các vùng lãnh thổ phía đông mà toàn bộ đất nước, thì có lẽ dưới một chế độ bù nhìn theo kiểu Belarus, kẻ xâm lược này sẽ có chung đường biên giới dài hơn 1,000 km với EU. Nếu thất bại ở mức hạn chế hơn bao gồm cả việc sáp nhập lãnh thổ, nhưng một Ukraine "cụt ngủn" vẫn còn hoạt động - thì căng thẳng vẫn sẽ tiếp tục. Liệu phải mất bao lâu trước khi ông Putin hoàn thành công việc? Hàng triệu người Ukraine khác có thể nhân cơ hội này để rời đi. Bản đồ tương lai của EU sẽ thay đổi: lời hứa mở rộng sang Ukraine giả định trước một chiến thắng toàn diện. Miền Tây Balkan, nơi mà nỗ lực gia nhập EU đã được hồi sinh bởi chiến tranh, chắc chắn cũng sẽ bị bỏ lại trong tình trạng lấp lửng.
Ngoài cảm giác tội lỗi và xấu hổ, nỗi sợ hãi sẽ bao trùm lên toàn châu Âu. Liệu có khả năng xảy ra một cuộc tấn công khác hay không? Liệu nó có nhằm vào một quốc gia NATO, buộc các đồng minh phải hành động? Ít nhất có thể có những nỗ lực chinh phục tiếp theo. Ông Putin đã từng ám chỉ đến chủ nghĩa Quốc xã ở các quốc gia vùng Baltic, tương tự như cái cớ ông sử dụng để xâm lược Ukraine; ba nước này cũng có một lượng lớn dân cư nói tiếng Nga. Cách đây một năm, người ta nói đùa rằng tuyên bố của Nga về việc sở hữu quân đội mạnh nhất ở châu Âu là lố bịch: họ thậm chí còn không có quân đội mạnh nhất ở Ukraine. Nhưng ngày nay, rất ít người nghĩ như vậy, do khả năng của Nga trong việc không ngừng cung cấp quân nhu cho binh lính của mình - chưa kể đến việc cung cấp thêm quân lính - nhanh hơn đối thủ của họ. Một đội quân Nga chiến thắng sẽ khiến ông Putin trở thành người chỉ huy lực lượng chiến đấu duy nhất có khả năng chiến đấu thực chiến và kỹ năng chiến tranh của thế kỷ 21 để chiếm lãnh thổ. Nếu Putin kiểm soát được nhà nước Ukraine, có nghĩa là ông ấy đang kiểm soát hai cỗ máy quân sự như vậy. Đối đầu với Putin là những người châu Âu ngại chiến tranh với sự hậu thuẫn mong manh của Mỹ và kho vũ khí cạn kiệt. Liệu Ba Lan hoặc Đức có thấy rằng họ sẽ cần đến vũ khí răn đe hạt nhân của riêng mình?
Châu Âu: Tỉnh ngộ từ chiến tranh
Ngay cả khi Ukraine giành chiến thắng, châu Âu cũng sẽ phải thay đổi. Về cốt lõi, “dự án hòa bình” của họ sẽ phải điều chỉnh để thích ứng với một thế giới trong đó chiến tranh, nếu không xảy ra thì ít nhất cũng có khả năng xảy ra. NATO kỷ niệm sinh nhật lần thứ 75 vào tháng này, nhưng tương lai của tổ chức này với tư cách là một liên minh mà người châu Âu sử dụng để đảm bảo rằng Mỹ bảo đảm toàn vẹn lãnh thổ cho họ đang trở nên không chắc chắn. Nhiều thập kỷ hưởng lợi từ hòa bình sau Chiến tranh Lạnh sẽ phải được tiếp nối bằng việc tăng ngân sách quốc phòng, như đã bắt đầu diễn ra.
Nhưng nếu Nga giành được phần thắng dù chỉ là nửa vời, sự thay đổi sẽ được áp đặt lên châu Âu theo những cách khó chịu và khó lường hơn nhiều. Việc tìm kiếm một thỏa thuận với ông Putin để thưởng cho sự hiếu chiến của ông ấy bằng quyền kiểm soát một phần lãnh thổ Ukraine để đổi lấy lời hứa không gây thêm chiến tranh, sẽ chỉ mang lại cảm giác an toàn giả tạo, nếu có. Câu trả lời của châu Âu cho câu hỏi "Điều gì sẽ xảy ra nếu Ukraine thất bại?" rất đơn giản: "Điều đó không được phép xảy ra."
The Economist