Dòng vốn đổ vào các thị trường mới nổi vẫn sẽ tiếp diễn bất chấp đà tăng của lợi suất TPCP Mỹ
Tú Đỗ
Senior Economic Analyst
Xu hướng tăng mạnh của lợi suất TPCP Mỹ thường đi kèm với sự thu hẹp của chênh lệch lợi suất so với các quốc gia đang phát triển
Lịch sử chỉ ra rằng, thay vì làm xói mòn nhu cầu tìm kiếm các mức lợi suất cao và kích hoạt làn sóng rút vốn khỏi các nền kinh tế đang phát triển, sự tăng lên của lợi suất TPCP Mỹ thực ra thường đi kèm với mức chênh lệch lợi suất so với các thị trường đang phát triển thu hẹp lại và cắt giảm chi phí đi vay đối với các quốc gia đang phát triển từ Mexico tới Malaysia. Diễn biến lần này cũng sẽ không là ngoại lệ. Bất chấp việc lợi suất TPCP Mỹ 10 năm đã tăng gấp đôi trong vòng 3 tháng qua lên sát mức 1%/năm, lãi suất các trái phiếu phát hành bằng USD tại thị trường đang phát triển đo bởi chỉ báo Bloomberg Barclays đã giảm 30 điểm, và tính từ đầu năm đến nay là khoảng hơn 1%.
Trên thực tế, xu hướng tăng của lợi suất TPCP Mỹ ít gây tổn hại tới các thị trường mới nổi hơn so với khi sụt giảm. Điều này là bởi các trái phiếu rủi ro hơn sẽ hưởng lợi khi các nhà đầu tư rút tiền khỏi TPCP Mỹ do tâm lý rủi ro được cải thiện nhờ triển vọng tăng trưởng của kinh tế toàn cầu hay nhu cầu tiêu dùng của Mỹ phục hồi, thay vì do xu hướng thắt chặt chính sách của Fed. Chỉ cần NHTW Mỹ duy trì quan điểm điều hành nới lỏng, xu hướng dòng tiền đổ về các tài sản có lợi suất cao hơn vẫn sẽ tiếp diễn.
"Các doanh nghiệp và chính phủ các quốc gia vẫn sẽ đứng vững với mức lợi suất TPCP Mỹ 10 năm ở mức khoảng 1%/năm khi các mức lãi suất chính vẫn duy trì ở mức thấp và kích hoạt hành vi tìm kiếm các mức lợi suất cao hơn, điều sẽ có lợi đối với các thị trường mới nổi." Nhà quản lý quỹ kỳ cựu tại Insight Investment London, Rodica Glavan nhận định. "Ngưỡng chịu đựng có thể lên tới mức khoảng 1.25%/năm nếu nó như đi kèm với triển vọng kinh tế tích cực hơn."
Đã có 6 giai đoạn trong thập kỷ qua khi lợi suất TPCP Mỹ 10 năm tăng mạnh, và trong 5/6 lần đó chênh lệch lợi suất với TPCP các thị trường mới nổi lại có xu hướng thu hẹp. Chỉ có 1 lần khi thương chiến Mỹ-Trung bùng phát năm 2018 là mức chênh lệch trên cũng mở rộng cùng với lợi suất TPCP Mỹ.
Ngược lại, các nhà đầu tư đã giảm mức lợi suất cộng thêm đối với các trái phiếu thị trường mới nổi khi lợi suất TPCP Mỹ tăng lên. Mối tương quan ngược chiều trên đã được duy trì trong hơn 2 thập kỷ qua theo như dữ liệu ghi lại bởi Bloomberg.
Do vậy kể cả khi lợi suất TPCP Mỹ 10Y đã lần đầu tiên áp sát mức 1%/năm kể từ tháng Ba, các nhà đầu tư vẫn đang đặt cược vào xu hướng tăng của thị trường đang phát triển. Hỗ trợ cho quan điểm này đó là việc lợi suất tăng lên có thể là dấu hiệu nền kinh tế toàn cầu đã bắt đầu đảo chiều sau cú shock Covid-19 và các thị trường đang phát triển sẽ hưởng lợi từ điều này.
"Kinh tế Mỹ tăng trưởng cao hơn sẽ có lợi đối với các nền kinh tế đang phát triển do sẽ đẩy mạnh kim ngạch và giá trị xuất khẩu, qua đó cải thiện cán cân thương mại và tài khóa, và cuối cùng là khả năng trả nợ vay của các quốc gia này." giám đốc phụ trách trái phiếu thị trường mới nổi tại UBS Asset Management New York, Federico Kaune nói. "Ở kịch bản này, dư địa cho việc thu hẹp chênh lệch lãi suất đối với các thị trường mới nổi có thể sẽ bù đắp tốt hơn cho tác động của việc lợi suất TPCP Mỹ tăng lên".
Lợi suất TPCP Mỹ 10 năm đã tăng tới 27 điểm từ đầu tháng 11, lên mức 0,98% vào thứ Tư. Điều này không hề làm suy yếu nhu cầu đối với trái phiếu từ các thị trường mới nổi. Trên thực tế, mức lợi suất phụ trội mà các nhà đầu tư mong muốn khi nắm giữ các khoản nợ bằng đồng USD từ các quốc gia đang phát triển đã giảm xuống mức đáy kể từ Tháng 2, theo như chỉ số Bloomberg Barclays.
Kể cả khi đà tăng của lợi suất tiếp tục duy trì, có rất ít khả năng Fed sẽ thay đổi quan điểm của mình, khi nước Mỹ hiện vẫn vất vả phục hồi sau đại dịch Covid-19. Thêm vào đó mức lợi suất hiện tại vẫn đang thấp hơn nhiều so với thường lệ khiTPCP Mỹ 10 năm có mức lợi suất trung bình là 2.20%/năm trong 1 thập kỷ qua. "Nhìn lại trong lịch sử, bạn sẽ cần lợi suất TPCP tăng trên 90 điểm và chính sách tiền tệ của Fed bớt nới lỏng mới có thể khiến thị trường TPCP ở các nước đang phát triển bị ảnh hưởng tiêu cực," Glavan nói. "Thị trường hiện không kỳ vọng Fed sẽ thắt chặt chính sách điều hành trở lại trong tương lai gần."
Tất nhiên, việc lợi suất TPCP Mỹ tăng lên cũng sẽ khiến trái phiếu có lợi suất thấp hơn tại các nước đang phát triển kém hấp dẫn hơn. Tuy nhiên đối với James Barrineau, người đứng đầu thị trường nợ các nước đang phát triển tại Schroder Investment New York, điều này đơn giản sẽ khiến cho các trái phiếu có mức độ rủi ro cao tới từ Nigeria, Ghana và Ecuador trở nên hấp dẫn hơn.
"Chênh lệch lợi suất của các thị trường mới nổi so với TPCP Mỹ đã giảm mạnh về mức trước đại dịch và chúng tôi cho rằng thị trường này có thể sẽ kém hấp dẫn hơn so với thị trường ngoại hối và các khoản nợ rác" ông nói. "Mối tương quan chặt chẽ giữa lợi suất TPCP Mỹ và mức chênh lệch thấp với các nước đang phát triển sẽ khiến thị trường này không thể hiện tốt bằng các thị trường khác". Vẫn sẽ còn rất nhiều sự khó lường đối với các thị trường đang phát triển bất chấp lợi suất TPCP Mỹ có đi về đâu.
Tuy vậy tại thời điểm này, đây không phải điều mà các nhà đầu tư cần lo lắng nhất. Thị trường đã lựa chọn trái phiếu của các quốc gia với năng lực tài khóa tốt hơn so với khu vực các nước đang phát triển đang ngập trong nợ nần. Tuy vậy, tỷ lệ nợ/GDP đã gia tăng trên toàn cầu khi chính phủ các nước tăng cường chi tiêu nhằm giảm bớt những tổn thất từ cuộc khủng hoảng Covid-19.
Lãi suất hiện đang ở mức thấp và chúng tôi kỳ vọng điều này sẽ được duy trì trong thời gian tới khi quá trình phục hồi diễn ra với tốc độ chậm, đặc biệt là khi làn sóng thứ 2 của dịch bệnh đang bùng phát" phó phục trách bộ phận trái phiếu thị trường mới nổi tại Amundi Asset Management Londonm Colm D'Rosario cho biết. "Chúng ta nên nhớ rằng tại thời điểm bắt đầu năm nay, trước khi Covid-19 bùng phát, nhu cầu đầu tư đang ở mức cao đối với TPCP của các thị trường mới nổi và đó là khi lợi suất TPCP Mỹ ở mức 1.8%/năm"