Dữ liệu về lạm phát đang muốn nói với chúng ta điều gì?
Tú Đỗ
Senior Economic Analyst
Những số liệu công bố mới nhất vẫn chưa thể mang tới câu trả lời xác đáng cho câu hỏi về tính "tạm thời" của lạm phát
Câu hỏi về tương lai của lạm phát hiện vẫn đang là một vấn đề nhận được nhiều sự tranh luận lúc này. Việc giá cả tăng lên cho thấy vấn đề về thiếu hụt nguồn cung ngày càng trầm trọng và có thể sẽ hạn chế khả năng phục hồi của nền kinh tế. Bất chấp tầm quan trọng đó, hiện chúng ta vẫn chưa thể có câu trả lời thỏa đáng cho câu hỏi liệu lạm phát có phải là tạm thời hay không.
Số liệu lạm phát của Mỹ và Anh vừa được công bố vào tuần trước đã mang tới xu hướng trái ngược. Trong khi lạm phát chung của Mỹ giảm từ mức 5.4% xuống 5.3% trong tháng 8 thì tại Anh lạm phát đã tăng từ mức 2% lên 3.2%.
Với việc các biện pháp hạn chế dần được gỡ bỏ, những người thận trọng với lạm phát đã cho rằng những diễn biến vừa qua chỉ là khởi đầu cho một giai đoạn lạm phát cao kéo dài trong hàng thập kỷ tới. Ngược lại, những người lạc quan lại chỉ ra rằng xu hướng tăng này chỉ đơn thuần do việc các hoạt động kinh tế đồng loạt bình thường trở lại sau khi bị đóng băng. Thói quen chi tiêu của người dân nhanh chóng được điều chỉnh lại và các ngành sản xuất buộc phải bắt kịp nhu cầu.
Phía những người thận trọng nhấn mạnh vào những con số lạm phát chung được công bố, ví dụ như mức lạm phát cao kỷ lục của Mỹ trong tháng 7 là 5.4% - mức cao nhất kể từ năm 2008. Trong khi đó, bên còn lại hướng trọng tâm vào việc phân tích chi tiết hơn nội hàm của số liệu trên. Cụ thể, mức tăng trên chủ yếu đến từ một số hàng hóa cụ thể như giá xe hơi cũ khi đã tăng khoảng 30% so với cùng kỳ năm ngoái tại Mỹ, con số này tại Anh là khoảng 18%. Bên cạnh đó, xu hướng tăng này cũng đang dần có xu hướng hạ nhiệt, ví dụ như giá gỗ - một trong những mặt hàng bị thiếu hụt nguồn cung trầm trọng đầu năm nay, hiện đã giảm mạnh trở lại.
Tuy vậy, xu hướng tăng giá lại xuất hiện ở một số hàng hóa khác. Giá thuê nhà tại Mỹ đã tăng 0.3% trong tháng 8 so với tháng trước đó và tăng 2.5% so với cùng kỳ năm trước. Điều này cho thấy những người chủ nhà cũng như người đi thuê hiện đang dự đoán rằng áp lực lạm phát vẫn sẽ tiếp tục duy trì. Những người tiêu dùng Mỹ cũng đồng tình với quan điểm này khi kỳ vọng lạm phát hiện đã tăng trong 10 tháng liên tiếp.
Dữ liệu tiêu dùng một lần nữa khiến câu chuyện trở nên phức tạp hơn. Tại Mỹ, sự bùng phát của biến chủng Delta dường như không ảnh hưởng quá nhiều tới nhu cầu chi tiêu của người dân và điều này sẽ càng gia tăng áp lực lên lạm phát. Tuy vậy, tại Anh điều người lại đã xảy ra khi doanh thu bán lẻ lại bất ngờ giảm trong tháng thứ 4 liên tiếp.
Mặc dù bức tranh chung vẫn còn rất mờ mịt, những nét phác họa dường như đã xuất hiện rõ nét hơn đôi chút. Phía ủng hộ nới lỏng có lý khi cho rằng những số liệu lạm phát vừa qua đã bị bóp méo bởi các yếu tố ngắn hạn. Cùng lúc đó, phía ủng hộ thắt chặt cũng không hẳn không đúng khi lo ngại rằng các yếu tố ngắn hạn trên sẽ đeo bám dai dẳng hơn trong dài hạn. Và dù câu trả lời thực sự có ra sao chăng nữa, các NHTW dường như đều đã lên kế hoạch để bắt đầu thu hẹp các chính sách hỗ trợ của mình và quá trình này có thể sẽ sẵn sàng được đẩy nhanh trong thời gian tới.
Financial Times