JPMorgan London - Bình luận của Trader
JPMorgan, forex
EUR (Jeffrey Simmons - tổng hợp bởi Tung Trinh)
Chiều thứ Sáu tuần trước, tỷ giá EUR/USD cuối cùng cũng bật ngược tăng trở lại sau khi chịu lực bán mạnh trong phần lớn phiên giao dịch. Về cơ bản, thị trường toàn thế giới vẫn đang hướng tâm điểm về căng thẳng leo thang giữa Mỹ và Iran sau vụ không kích ngày thứ Sáu và những đồn đoán về hành động trả đũa tiếp theo của Iran. Mặc dù tác động của việc này tới đồng Euro đã giảm thiểu, nhưng rõ ràng đây là sự kiện vô cùng nghiêm trọng, có nguy cơ đẩy thị trường toàn thế giới bước vào giai đoạn “Risk Off” bất cứ lúc nào - giai đoạn mà hầu như đồng Euro luôn có nguy cơ bị giảm giá, do các trạng thái Short EUR/JPY cũng như việc ưu tiên nắm giữ USD như một tài sản trú ẩn. Chúng tôi từng đưa ra quan điểm tích cực đối với đồng Euro từ cuối tháng 12 năm 2019 sang đầu năm nay, tuy nhiên hành động giá của hai phiên gần đây khiến chúng tôi phải cân nhắc lại quan điểm lõi của mình một cách thận trọng hơn. Các chuyên gia kinh tế của chúng tôi từng đưa ra dự báo số liệu kinh tế tại châu Âu sẽ được cải thiện vào giữa năm nay, tuy nhiên họ phải thừa nhận rằng đó vẫn là một mốc thời gian chưa rõ ràng và khó để đạt được, cho tới bây giờ vẫn chưa xuất hiện các yếu tố vĩ mô đủ tích cực để
giúp EUR/USD có thể duy trì ổn định trên vùng 1.12. Rất có thể nguyên nhân là do EUR/USD trên thực tế đã tăng hơi nóng trong tháng 12. Giờ đây, Euro đang quay trở lại là đồng bạc ít hấp dẫn như nó đã từng trong phần lớn năm 2019, và chiều hướng này có thể tiếp diễn trong tương lai gần. Thời điểm hiện tại còn quá sớm để dự đoán trước điều gì khác. Các mốc 1.1060/70 và 1.1240/50 đang là các vùng hỗ trợ và kháng cự quan trọng cần theo dõi của cặp EUR/USD.
GBP (Karim Mir - dịch và tổng hợp bởi Lee BK)
Giá chạy khá buồn tẻ trong phiên Á, tiếp nối phiên cuối tuần trước khi GBP/USD chủ yếu tích luỹ trong biên độ 1.305/1.310, sau khi rơi từ mức cao 1.3283 thời điểm ngày cuối năm trước. Thị trường có vẻ vẫn trong tâm lý muốn Long GBP, và chúng ta hoàn toàn có thể có cơ hội mua tại vùng 1.290-1.300 nếu căng thẳng Mỹ-Iran tiếp tục leo thang (USD thường được hưởng lợi từ Risk-off). Tâm lý sợ hãi vẫn đang dẫn dắt thị trường hiện tại, tuy nhiên ít nhất chúng ta vẫn chưa thấy các phản ứng mạnh mẽ bằng hành động từ phía Iran. Điều này càng lâu diễn ra thì Bảng Anh càng có cơ hội tăng lại, tuy nhiên phân tích bức tranh vị thế của thị trường thì tôi thấy không thực sự hỗ trợ cho đà tăng mạnh của GBP, và việc tăng lại nếu có chỉ là hiệu ứng tạm thời không bền.
CAD (James Clark - dịch và tổng hợp bởi Giang Nguyen)
USD/CAD dao động khác biệt so với các cặp còn lại vào thứ Sáu rồi. Thị trường hầu hết cho rằng do tác động của giá dầu tăng, nhưng chúng tôi lại quan sát thấy lực bán rất mạnh của cặp tiền tệ này. Trên quan điểm về dầu, khu vực kinh doanh năng lượng cấp tỉnh đang dần suy yếu tương ứng với đà kéo giãn chênh lệch của chỉ số WCS và WTI (WCS: chỉ số trữ lượng dầu của Canada). Nếu nhìn lại vào nửa cuối 2018, sự kéo giãn đáng kể chênh lệch của hai chỉ số trên dẫn đến sự giới hạn sản xuất dầu, từ đó dẫn đến giảm bớt sự dư thừa của chỉ số WCS. Tuần qua không có dữ liệu kinh tế nào vủa Canada tuy nhiên số liệu về việc làm, khảo sát tâm lý thị trường, lạm phát, báo cáo chính sách tiền tệ của BoC, và doanh số bán lẻ sẽ được công bố trong tuần này và tuần sau. Thị trường lãi suất của Canada đang có vẻ không phản ánh đúng tính hình tồi tệ của loạt dữ liệu kinh tế gần đây (JPEASI đang thấp nhất tính từ 2009), ngoài ra chúng tôi cũng dự báo dữ liệu kinh tế Canada sẽ xấu đi trong năm nay (chúng tôi dự báo tăng trưởng 2020 là 1.3%), với khả năng cắt giảm 15 điểm lãi suất cơ bản vào cuối năm. Nếu khảo sát thị trường có kết quả rất xấu vào tuần tới thì khả năng cắt giảm lãi suất trong tuần tiếp đó nữa là hoàn toàn có thể. Góc nhìn kỹ thuật cho thấy dấu hiệu “Bearish” cho cặp USDCAD khi đã phá thủng mức 1.30 nhưng từ quan điểm vĩ mô thì cặp tiền này khó duy trì ở các vùng giá thấp hơn, do chúng tôi nhìn thấy tình hình không hề tích cực của kinh tế Canada hiện nay. Do đó, có thể mua dần một ít quanh vùng 1.295 và mua tiếp tại vùng thấp hơn khi cặp tiền quay về gần ngưỡng hỗ trợ cực kỳ quan trọng là 1.28 trong tuần này.
CHF (Jeffrey Simmons - dịch và tổng hợp bởi Tung Trinh)
Tỷ giá EUR/CHF bật lên trong phiên giao dịch thứ Sáu tuần trước, bất chấp bất ổn địa chính trị đang gia tăng sau vụ không kích của Mỹ vào Iraq giết chết tướng Soleimani của Iran. Tôi nghĩ nguyên nhân là do cặp EUR/CHF điều chỉnh sau khi bị bán tháo trong suốt tháng 12 mặc dù tâm lý thị trường lúc đó đang là “Risk On”, động thái này không theo tương quan với phân tích liên thị trường truyền thống, phần nào đó đã khiến các nhà đầu tư cảm thấy bối rối và có lẽ không tạo cơ hội tốt cho việc mua vào đồng CHF lúc đó. Mặc dù vậy, với tình hình căng thẳng leo thang như hiện nay, thật khó để EUR/CHF có thể bật lên cao hơn nữa, và rõ ràng cơ hội để cặp tiền tệ này giảm sẽ nhiều hơn. Hiện tại chiến lược logic nhất có thể đưa ra là Short hoặc chờ Short ở các mức giá cao hơn, mặc dù phải thừa nhận rằng hành động giá của CHF không nghiêng nhiều về hướng “Bullish” kể từ đầu năm. Một cú phá xuyên qua vùng 1.0800/20 với EUR/CHF về mặt kỹ thuật có thể kích hoạt nhiều trạng thái Short mới. Mặc dù rõ ràng là việc cặp tiền tệ chéo này giảm giá nhanh chóng có thể không được ngân hàng trung ương Thụy Sỹ ủng hộ, nhưng trong hoàn cảnh biến động giá thấp như hiện nay, về mặt logic tự nhiên, sẽ khó có thể có một đợt bán tháo bất ngờ xảy ra và rõ ràng diễn biến giá của EUR/CHF hiện tại chưa đủ để ngân hàng trung ương SNB can thiệp mạnh tay. Ngoài ra, cặp USD/CHF cũng đang tiến về gần vùng đáy cũ, các vị thế mới có thể chờ hồi lại và bán quanh vùng 0.9765.
JPY (Charlie Cass - dịch và tổng hợp bởi Tung Trinh)
Căng thẳng giữa Mỹ và Iran vẫn chưa vãn hồi khi những luận điệu hiếu chiến của hai bên xuất hiện khắp mặt báo cuối tuần qua, đây là nguyên nhân khiến Dầu và Vàng tăng vọt trong khi cổ phiếu và lợi suất trái phiếu Mỹ rớt giá, sức ép cũng nặng hơn đối với cổ phiếu và trái phiếu sau khi Mỹ công bố chỉ số ISM sản xuất tệ nhất kể từ 2009 (Mặc dù hiệu ứng tích cực từ tập đoàn Boeing cũng như những tuyên bố về thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung giai đoạn 1 đã phần nào xua tan căng thẳng thị trường). Hôm nay là ngày thị trường Nhật Bản đã quay trở lại làm việc, mặc dù vậy tỷ giá USD/JPY lại di chuyển khá chậm chạp, và đây là phiên thứ hai liên tiếp chúng tôi chứng kiến dấu hiệu các nhà đầu tư trong nước đang mua vào cặp USD/JPY sau khi một số trạng thái bán nhanh qua đêm xuất hiện. Cặp USD/JPY đã tạo đáy mới, nhưng trong hoàn cảnh thị trường không có tin tức gì mới, chúng tôi đã đóng bớt các trạng thái Short của mình ở mức giá hiện tại, và sẽ canh Short lại trong ngày nếu giá lên trên vùng 108.50. Không có nhiều thông tin nào liên quan tới rủi ro hôm nay khi mà tin PMIs sản xuất của các nước được công bố dần trong ngày, tin tức ISM sản xuất sẽ ra vào ngày mai, tiếp đó là tin bảng lương phi nông nghiệp của Mỹ NFP vào thứ Sáu tuần này. Vùng 107.80 là vùng hỗ trợ trong ngày cho cặp USD/JPY, dưới đó là mốc 107.10, các vùng kháng cự hiện tại là 108.25 và cao hơn là 108.80/90.
AUD (James Clark - dịch và tổng hợp bởi Giang Nguyen)
Trong ngắn hạn chúng tôi đánh giá rằng USD sẽ dần suy yếu bắt đầu ngay từ đầu năm, nhưng dường như kỳ vọng này khó trở thành sự thật. Sau ngày hôm nay tôi sẽ thận trọng hơn với nhận định này (hôm nay là ngày giao dịch đầy đủ đầu tiên của giới đầu tư trên toàn cầu trong 2020). Tôi bắt đầu theo đuổi các vị thế theo hướng Short AUD/USD và Long USDCAD. Hành động giá tuần trước của nhóm Antipodean đang cho thấy thị trường kỳ vọng giá lên để bán. Nếu tỷ giá AUD/USD giảm lại dưới 0.690 thì có thể tăng thêm sự tự tin trong việc Short đồng Aussie.