Kịch bản giá vàng tăng lên $3,465/oz
Cơ sở tiền tệ gia tăng, lợi suất thực giảm, rủi ro địa chính trị và sự suy giảm tín nhiệm của các ngân hàng trung ương thường được sử dụng để xác định xu hướng cho giá Vàng. Do Vàng không tạo ra dòng tiền, sẽ rất khó để xác định một mức giá “fair value”. Trong bài viết này, tác giả sử dụng cung tiền M2 như một điểm tham chiều để xác định mức giá mục tiêu khả thi cho Vàng.
Một vấn đề trong việc đầu tư vào Vàng là nó thiếu một giá trị có thể đo lường được. Khác biệt so với chứng khoán, Vàng không có dòng tiền tự do (free cash flows) trong tương lai để có thể thực hiện chiết khấu về tới giá trị trong hiện tại. Thật vậy, Vàng không phải là một loại tài sản tự sinh lời.
1 ounce Vàng thực sự có giá trị thế nào?
Một điều không phải bàn cãi là rõ ràng là vàng có giá trị. Giá của nó biến động hàng ngày và thứ kim loại này lâu nay cũng chứng kiến cả “xu hướng tăng” hay “xu hướng giảm”. Do đó, giá trị mà thị trường đang gán cho Vàng là không hề tùy tiện.
Giống như các loại hàng hóa khác, vàng có thể được định giá dựa trên cung và cầu kỳ vọng. Khi cầu vượt quá cung liên tục trong một khoảng thời gian, sự tăng giá của vàng là hợp lý. Tuy nhiên, điều này vẫn không giúp ta xác định một “giá trị hợp lý” (fair value) cho kim loại này.
Và giống như các tài sản khác, giá vàng cũng bị ảnh hưởng bởi các khoản đầu tư thay thế. Chẳng hạn, khi mọi thứ khác không thay đổi, nếu trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm mang lại mức lợi suất thực dương (điều chỉnh cho lạm phát), các nhà đầu tư sẽ bớt tập trung vào việc sử dụng vàng như một nơi trú ẩn an toàn.
Phức tạp hơn, một yếu tố quan trọng thúc đẩy sự biên động của giá vàng chính là tâm lý của các nhà đầu tư. Nỗi sợ hãi hoặc lo ngại cho những điều xảy đến trong tương lai có thể dẫn việc mua dựa trên cảm tính.
Một lần nữa, tất cả những gì các phương pháp trên làm được là đưa ra những định hướng có phần phiến diện cho giá vàng, chứ không phải là một mức giá trị xấp xỉ hợp lý.
Vậy giá trị hợp lý của Vàng là bao nhiêu?
Theo quan điểm của tôi, một cách để định giá được Vàng đó là sử dụng các điểm tham chiếu. Vì Vàng là một loại tiền tệ “cổ xưa”, tôi sẽ so sánh giá Vàng với quy mô của cơ sở tiền tệ (M2).
Biểu đồ trên đây mô tả lượng cung tiền M2 từ thời điểm năm 1980 cho tới nay. Như các bạn có thể hình dung được, cơ sở tiền tệ của Mỹ đã tăng trưởng đều đặn qua nhiều năm, và tốc độ tăng trưởng của nó cũng đã mạnh lên trong thời gian gần đây. Giữa thời điểm 03/02 và 15/06 năm nay, khối lượng tiền M2 đã tăng lên tới gần 3 nghìn tỷ USD. Nếu nhìn vào quá khứ để so sánh, để tạo ra khối lượng 3 nghìn tỷ tương tự, thị trường đã mất tới 4 năm ròng rã (2016 – 2020).
Đồ thị thứ 2 nhấn mạnh một cách rõ nét hơn tốc độ mà cung tiền M2 gần đây đã tăng lên (theo tỷ lệ tăng trưởng YoY). Tốc độ này trước đây đã giảm từ những năm đầu của thập niên 1980 cho tới giữa thập niên 1990, sau đó dần tăng lại với tốc độ ổn định trong khoảng 5 – 10% cho tới hiện tại. Vào ngày 15 tháng 6 năm nay, tốc độ tăng trưởng M2 YoY đã bùng nổ với mức 24%.
Biểu đồ tiếp theo ghi lại giá Vàng trong cùng giai đoạn đó. Hiện tại, khi giá vàng đang gần chạm đến mức cao kỷ lục năm 2011, hoàn toàn dễ hiểu nếu như các bạn cho rằng Vàng đang ở cái giá quá đắt. Tuy nhiên, câu chuyện sẽ rất khác nếu như bạn neo giá vàng vào tương quan với Cung tiền M2.
Giai đoạn 1980 – 2001, Vàng đã trường kỳ nằm trong “thị trường giá xuống- bear market”. Có một số lý do để giải thích cho xu hướng này, bao gồm sự bùng nổ về sản xuất, căng thẳng địa chính trị giảm và uy tín của các ngân hàng trung ương được nâng lên. Kể từ khi giá Vàng chạm đáy vào năm 2001, thế giới này đã hoàn toàn thay đổi.
Sau 2001, giá Vàng đã leo thang khi mà những yếu tố trước đây đã từng cản trở nó nay lại quay đầu hỗ trợ. Kim loại này đã chạm đỉnh vào năm 2011 với mức giá vượt qua 1900 USD/ounce, kết thúc xu hướng thị trường giảm dai dẳng trong nhiều năm liền. Kể từ đó, đồ thị giá Vàng đã tạo nên mô hình “đĩa” kinh điển, giảm xuống khoảng 1000 USD/ounce vào năm 2015 rồi sau đó phục hồi lên mức giá ngày nay (khoảng 1780 USD/ounce). Theo các nhà phân tích kỹ thuật, mô hình này có thể gợi ý rằng Vàng sẽ còn có dư địa tăng nữa và một thị trường tăng giá trường kỳ của vàng đã quay trở lại.
So sánh dữ liệu lịch sử của giá Vàng với cung tiền M2 có thể đưa ra thêm những bằng chứng ủng hộ cho lập luận cho xu hướng bullish, và đây cũng là một trong vài phương pháp khác nhau giúp ta xác định được giá mục tiêu cho Vàng.
Biểu đồ bên trên thể hiện mối tương quan giữa giá Vàng và cung tiền M2. Phép tính sử dụng giá của một đơn vị ounce vàng so sánh với đơn vị tỷ USD của M2. Ví dụ, nếu giá vàng đang là 1,000 USD/ounce và cung tiền đang ở mức 10,000 tỷ USD, tỷ lệ sẽ là 0.1.
Tỷ lệ đó đã chạm mức thấp nhất trong lịch sử vào ngày 03/09 năm 2001. Sự kiện này đánh dấu điểm khởi hành trong xu hướng tăng dài hạn của Vàng, và nó cũng đã phải kết thúc vào 09/05 năm 2011 với tỷ lệ 0.19. Con số trên sau đó đã giảm và biến động quanh mức 0.10 trong 5 năm trở lại đây. Diễn biến này gợi ý rằng việc giá vàng tăng từ năm 2015 được hỗ trợ bởi tốc độ tăng trưởng tương tự trong cung tiền. Ngày 15/06/2020, tỷ lệ giá vàng/cung tiền M2 đã ở mức 0.09.
Điều này dĩ nhiên đặt ra câu hỏi: Vậy tỷ lệ Giá Vàng/M2 như thế nào sẽ là hợp lý?
Tôi không nghĩ rằng câu trả lời có thể được đưa ra chỉ đơn thuần bằng cách lấy một con số trung bình cho dài hạn. Có quá nhiều biến số xoay quanh ta và cách tính toán như trên sẽ làm đơn giản hóa quá mức phương trình này.
Thay vào đó, có lẽ việc truy tìm xem tỷ số này đã ra sao trong những thời kỳ kinh tế tương tự.
Chính những dư chấn và sự phản hồi trong chính sách của cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 đã đẩy giá vàng lên mức 1900 USD vào năm 2011. Nền kinh tế thế giới đã phải gánh chịu hết thiên tai này đến thiên tai khác, đỉnh điểm là cuộc khủng hoảng nợ chính phủ của châu Âu năm 2011. Điều này cộng hưởng với việc lợi suất thực của các tài sản phi rủi ro liên tục giảm khả năng đã đẩy tâm lý của các nhà đầu tư tới giới hạn, “dạt” họ đến với Vàng.
Giống y như sau cuộc khủng hoảng tài chính, tôi nghĩ hoàn toàn hợp lý khi cho rằng cuộc khủng hoảng Covid-19 sẽ dẫn đến nhiều dư chấn tương tự trong vài năm tới. Vì vậy, các nhà đầu tư có khả năng sẽ một lần nữa coi trọng giá trị của vàng. Nếu tỷ lệ giá vàng/M2 trở về mức năm 2011, điều đó có nghĩa là giá vàng sẽ sẽ có 3465 USD/ounce.
Hiện tại, người ta có thể lập luận rằng không có sự chênh lệch về định giá nào với vàng của hôm nay so với mức đáy gần đây của nó vào năm 2015. Mặc dù giá đã tăng, nhưng Vàng chỉ đơn giản là đang đuổi theo sự tăng trưởng của cơ sở tiền tệ. Tỷ lệ không nhất thiết phải tăng đáng kể để giá vàng tăng mạnh. Thậm chí mức tăng lên 0.14 (nửa chặng đường để về tới mức 2011) sẽ đẩy vàng lên 2566 USD/oune. Đó là một mức tăng 44%.
Tôi không dự đoán chúng ta sẽ sớm quay trở lại những ngày tháng của bong bóng năm 1980 - tại thời điểm đó, tỷ lệ đang là 0.40. Việc trở lại con số này sẽ ngầm gợi ý giá vàng ở mức là 7332 USD/ounce. Rất nhiều điều tồi tệ phải đến với thế giới để vàng có thể đạt được giá trị đó, vì vậy tôi hy vọng nó không bao giờ xảy ra. Hãy nhớ rằng, năm 1980 đánh dấu sự kết thúc của một thập kỷ đầy biến động bao gồm lạm phát cao, cú sốc kinh tế, lãi suất tăng và cổ phiếu yếu kém. Tuy nhiên, thật dễ chịu khi biết rằng “tài sản phòng vệ” - Vàng đã sẵn có trong danh mục của mình.