Kích thích tài khóa - đã tới lúc phải "rút ống thở"
Tú Đỗ
Senior Economic Analyst
Sau làn sóng phong tỏa để chống lại dịch bệnh vào đầu năm nay, chính phủ các nước phát triển đã bơm tiền một cách gần như thừa mứa ra nền kinh tế. Trong bối cảnh hoạt động sản xuất đang bị sụt giảm nghiêm trọng, tốc độ và quy mô của các biện pháp hỗ trợ tạm thời đã lấn át những lo ngại về chi phí, sự chính xác hay tác dụng phụ của chúng.
Hiện tại tình hình phong tỏa đang dần được nới lỏng, đã có những dấu hiệu phục hồi của nền kinh tế (ngay cả ở những nơi mà dịch bệnh đang hoành hành), và sự tranh luận của chính quyền giờ đây đã chuyển sang việc liệu có nên thu lại bớt các chính sách tài khóa khẩn cấp tốn kém hay không? Và nếu có thì tại thời điểm và mức độ như thế nào. Chương trình chi trả thất nghiệp của Mỹ sẽ hiết hiệu lực vào ngày 31/07, chương trình trợ cấp nghỉ tạm thời của Anh cũng sẽ chấm dứt vào tháng 10. Chính phủ các nước nên làm gì tiếp theo?
Họ nên bắt đầu bằng việc nhìn nhân rằng những khoản hỗ trợ hào phóng trên thực sự đã có ích. Sự hỗ trợ về tài khóa khổng lồ đã chứng minh sự hiệu quả đặc biệt của nó. Không cách nào có thể ngăn cản sự đình trệ của nền kinh tế một khi biện pháp phong tỏa được triển khai. Tuy nhiên, những khoản chi trả thất nghiệp hào phóng và những tấm séc trực tiếp từ Bộ Tài chính Mỹ đã giúp cho thu nhập của các hộ gia đình tại Mỹ tăng tới 12% so với cùng kỳ năm ngoái, ngay cả những người thất nghiệp cũng đạt mức thu nhập cao nhất kể từ cuộc Đại Khủng hoảng. Đáng chú ý đó là tỷ lệ người nghèo đã có xu hướng giảm kể từ đầu năm đến nay. Tại nước Anh và khu vực đồng tiền chung EUR, nơi chính phủ truyền dẫn sự kích thích kinh tế thông qua các chương trình trợ cấp nghỉ phép, tỷ lệ người thất nghiệp không hề cao hơn so với mức Tháng 1.
Tuy nhiên, sự phục hồi này cũng thật mong manh. Không chỉ là sự lây lan nhanh chóng của dịch bệnh tại miền Nam và Tây nước Mỹ, những sự bùng phát nhỏ lẻ cũng đang diễn ra ở các quốc gia nơi số ca nhiễm đã giảm xuống trước đây. Và kể cả không có sự phong tỏa hoàn toàn, việc tỷ lệ lây nhiễm gia tăng cũng sẽ làm chậm đi quá trình phục hồi. Thông tin cập nhật trực tiếp mới nhất về dữ liệu di chuyển của Úc và Mỹ cho thấy những người tiêu dùng hăng hái sẽ trở nên lo sợ nhanh chóng khi tỷ lệ lây nhiễm tăng mạnh.
Tại sao không cứ tiếp tục duy trì sự kích thích kinh tế? Lý do đầu tiên đó chính là do chi phí choáng ngợp của chúng. Chính phủ của các quốc gia giàu có đã đồng loạt triển khai các chương trình hỗ trợ tài khóa trị giá tới 10% GDP, với 1/3 trong số đó dùng để hỗ trợ duy trì việc làm hoặc trợ cấp cho những người mất chúng. Tới hết năm nay, mức độ thâm hụt tài khóa của chính phủ các quốc gia trên có thể dễ dàng tăng lên mức 2 con số.
Đồng thời việc đóng cửa nền kinh tế quá lâu cũng là không có ý nghĩa. Tất cả những điều đang diễn ra cho thấy cuộc sống trong năm 2020 trở đi sẽ khác biệt hoàn toàn so với 2019 – hãy nghĩ về sự bùng nổ của thương mại điện tử và làm việc từ xa; dự báo về sự sụt giảm trong dài hạn của nhu cầu di chuyển hàng không; hoặc những quy định về giữ khoảng cách tại nơi công cộng. Người lao động sẽ buộc phải rời bỏ các công việc cũ để chuyển tới những nơi mới hơn. Tại Châu Âu 1/5 số những người buộc phải nghỉ phép làm trong những ngành có khả năng bị thu hẹp trong tương lai, như nhà hàng khách sạn và giải trí.
Chính phủ các nước đã phải vật lộn với vấn đề trên và nhiều ý tưởng tồi tệ đã từ từ nảy ra. Vào tháng 6, chính phủ Pháp tuyên bố sẽ kéo dài chương trình trợ cấp nghỉ phép lên tới 2 năm để đổi lấy việc cắt giảm giờ làm. Nước này đồng thời cũng tăng trợ cấp cho ngành thương mại du lịch, dù cho các hướng dẫn viên du lịch tại Paris và hướng dẫn viên lướt ván buồm có thể đối mặt với sự sụt giảm nhu cầu trong dài hạn. Trong khi đó vào ngày 08/07, Bộ trưởng Bộ Tài chính Anh, Rishi, nói rằng ông có thể sẽ cắt giảm thuế giá trị gia tăng cho các công ty trong ngành nhà hàng khách sạn và giải trí, đồng thời giới thiệu một kế hoạch giảm tới 10 Bảng (12.6 USD) cho mỗi hóa đơn nhà hàng từ thứ 2 tới thứ 4 (bao gồm đồ uống nhẹ nhưng không bao gồm đồ uống có cồn). Một số nhà kinh tế đã kêu gọi có trợ cấp tiền lương cho các ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Thay vì cứ cho không, biện pháp đúng đắn lúc này sẽ tùy thuộc vào loại hỗ trợ đang sử dụng. Mỹ đã rót tiền cho người dân thông qua bảo hiểm thất nghiệp, kéo dài thời gian trợ cấp và tăng mức hỗ trợ thêm 600 USD một tuần. Dừng chương trình trợ cấp khi mà tỷ lệ thất nghiệp vẫn duy trì trên mức 10% sẽ thật tàn nhẫn, tuy nhiên cũng bởi các biện pháp hỗ trợ quá hào phóng, ¾ số người nhận trợ cấp đã có thu nhập nhiều hơn mức họ đi làm trước đây. Giải pháp lúc này, đề xuất bởi nhóm cựu cố vấn Nhà Trắng, đó là giảm dần trợ cấp chi trả khi tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống. Gắn mức chi trả với tỷ lệ thất nghiệp của từng bang có thể giúp dòng tiền hỗ trợ chảy tới nơi bị ảnh hưởng nặng nhất – bao gồm những bang đang phải trải qua đợt bùng phát mới của dịch bệnh. Tại Châu Âu, rủi ro hiện tại đó là quan hệ sản xuất giữa chủ doanh nghiệp và người lao động bị đóng băng quá lâu. Biện pháp tốt nhất đó là giảm dần lượng tiền trợ cấp nghỉ phép, ví dụ như, bao gồm 4/5 lượng tiền lương như ở Pháp. Chúng có thể đổ về bảo hiểm thất nghiệp, qua đó không làm ngăn cách người nhận trợ cấp và chủ doanh nghiệp. Đó chính là chương trình Kurzarbeit mà Đức đã áp dụng trong giai đoạn bình thường.
Nguy cơ bùng phát của đại dịch sẽ luôn lặp lại, và sẽ rất khó để dự đoán sự hoang mang của người tiêu dùng sẽ đến mức nào. Do vậy, kể cả chính phủ các quốc gia cắt giảm kích thích kinh tế, họ chắc chắn phải chuẩn bị sẵn sàng để dốc hầu bao lần nữa. Ban đầu, mục tiêu rất đơn giản đó là tung tiền ra nền kinh tế. Lúc này sẽ là lúc để sử dụng những nguồn lực hữu hạn để hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp vượt qua đại dịch và thích ứng với một thế giới đầy thử thách mới.