Lịch sử chỉ ra rằng chu kỳ tăng của Bitcoin có thể sẽ chưa kết thúc sớm
Tú Đỗ
Senior Economic Analyst
Chu kỳ giá hiện tại của Bitcoin có nhiều điểm tương đồng đáng kinh ngạc với giai đoạn 2013. Và nếu như lịch sử lặp lại, chúng ta có thể mới đang ở trong một nhịp điều chỉnh trong một xu hướng tăng lớn.
Ngay vào thời điểm mà nhiều người đã cho rằng Bitcoin đang bước vào chu kỳ giảm giá dài hạn, giá của tài sản này đã tăng vọt từ mức 29,000 lên 40,000 USD chỉ trong 2 tuần, kèm với đó là khoảng 1 tỷ USD vị thế bán bị thanh lý. Mục tiêu tối thiểu đối với giá Bitcoin của tôi vẫn không đổi ở mức 88,000 USD vào cuối năm nay. Tuy nhiên, tôi đã phân tích triển vọng sắp tới dưới một góc nhìn khác. Chu kỳ giá lần này mang nhiều nét tương đồng đáng kinh ngạc với chu kỳ hồi năm 2013.
Đầu tiên, giai đoạn từ giữa cho tới cuối chu kỳ tăng giá của Bitcoin thường luôn có sự tham gia mạnh mẽ của các nhà đầu tư nhỏ lẻ. Biểu đồ nhiệt dưới đây cho thấy lượng BTC mua bởi các nhà đầu tư nhỏ lẻ hay những người sở hữu dưới 1 BTC. Cú giảm mạnh vừa qua chứng kiến một lượng lớn các nhà đầu tư tham gia mua vào, tuy nhiên quy mô vẫn chưa thể so sánh với giai đoạn hồi năm 2017. Điều này có nghĩa gì? Các nhà đầu tư nhỏ lẻ vẫn chưa tham gia hoàn toàn vào thị trường và do đó chúng ta cách xa thời điểm mọi thứ bắt đầu sụp đổ.
Biểu đồ nhiệt thể hiện mức độ tham gia của các nhà đầu tư nhỏ lẻ
Thứ hai, chúng ta đang chứng kiến sự phục hồi trong xu hướng tăng của hash-rate. Tỷ lệ này đo lường mức năng lượng điện toán được sử dụng để "đào" Bitcoin trên mạng lưới. Hash rate đã chứng kiến sự sụt giảm mạnh về mức năm 2019 sau những thông tin liên quan tới lệnh cấm từ Trung Quốc. Điều này dẫn tới làn sóng dịch chuyển của các thợ đào ra khỏi Trung Quốc và hướng tới Mỹ, Kazakhstan và các nơi khác với chính sách bớt nghiêm ngặt hơn. Biểu đồ dưới đây cho thấy cơ cấu tỷ trọng hash rate toàn cầu đang có sự địch chuyển khá rõ rệt. Từ tháng 1/2020 đến nay, tỷ trọng của Trung Quốc đã giảm từ mức 72.7% xuống còn 46%. Trong khi đó, con số này của Mỹ đã tăng từ mức 3.4% lên 16%.
Biểu đồ phân bố tỷ trọng Hash rate
Mặc dù giá BTC và hash rate có mối tương quan dương, tuy nhiên điều này không đồng nghĩa với mối quan hệ nhân quả. Hay nói cách khác việc harsh rate tăng không nhất thiết khiến cho giá BTC tăng theo. Hiện vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều về vấn đề này. Dẫu vậy, sự phục hồi của tỷ lệ này cũng là một dấu hiệu tích cực đối với thị trường. Các thợ đào đã quay trở lại và hệ thống sẽ tiếp tục vận hành mà không cần thiết phải có Trung Quốc. Tôi cho rằng giai đoạn khó khăn nhất đối với các thợ đào đã qua đi và giá sẽ phục hồi trở lại mức đỉnh mới trong vài tháng tới.
Biểu đồ hash rate trung bình của Bitcoin
Sự tương đồng với giai đoạn năm 2013
Biểu đồ dưới đây cho thấy sự tương đồng đáng kinh ngạc giữa diễn biến giá hiện tại với giai đoạn 2012-2013. Nếu giá đi đúng với những gì diễn ra hồi năm 2013, mức đỉnh mới cho lần này sẽ ở mức 256,000 USD.
So sánh diễn biến giá hiện tại và giai đoạn 2012-2013
Biểu đồ tiếp theo thể hiện cụ thể hơn với thời gian và mức biến động trong giai đoạn 2013. Thậm chí các tháng diễn ra việc tạo đỉnh, tích lũy, tạo đáy và phục hồi cũng đều trùng khớp với giai đoạn 2021 lần này. Vào năm 2013, Bitcoin tạo đỉnh ở mức 255 USD vào tháng 4, giảm về mức đáy 66 USD vào tháng 7 và sau đó tăng lên mức 1,150 USD vào tháng 12. Mức đỉnh tính từ đầu năm 2021 đến nay ở là khoảng 64,000 USD vào tháng 4. Tôi tin rằng giá đã tạo đáy ở mức 29,000 vào tháng 7 và chúng ta sẽ cùng chờ đợi liệu chu kỳ tăng giá có tiếp diễn cho tới cuối năm nay hay không. Lịch sử không lặp lại, nhưng ít nhất vẫn có sự đồng điệu.
Dẫu vậy, tôi không cho rằng giá có thể đạt tới mức 256,000 USD như kỳ vọng từ biểu đồ ở trên. Vào năm 2013, giá BTC giảm gần 70% trong giai đoạn giữa chu kỳ so với mức giảm 55% của lần này. Khi Bitcoin ngày càng được chấp nhận rộng rãi, mức độ biến động của nó cũng sẽ giảm bớt. Mỗi chu kỳ tăng giá đều chứng kiến mức lợi suất giảm dần so với trước đó, do vậy mục tiêu 88,000 - 150,000 USD có lẽ sẽ thực tế hơn so với việc chỉ áp biểu đồ giá hồi 2013 vào chu kỳ giá lần này.
Để kết thúc cho bài viết này, tôi muốn đưa ra 2 quan điểm để các bạn cùng suy nghĩ.
Thứ nhất, Bitcoin vừa chứng kiến đà tăng trong 10 ngày liên tiếp. Điều này chỉ xảy ra 5 lần trong suốt lịch sử hình thành của Bitcoin. Bảng dưới đây cho thấy tỷ suất lợi nhuận trung bình 60 ngày sau khi điều này diễn ra là trên 100%. Điều này hàm ý rằng chúng ta đang ở trong một nhịp điều chỉnh lớn giữa chu kỳ tương tự như giai đoạn 2013.
Thứ hai, Bitcoin cũng có nhiều nét tương đồng với thị trường hàng hóa vật chất. Sự hội tụ của các thợ đào về các quốc gia có giá năng lượng thấp cũng tương tự như sự tập trung sản xuất tại Châu Á hay Trung Mỹ nơi có giá nhân công thấp. Với năng lực sản xuất năng lượng dồi dào, Trung Quốc là một ứng viên hoàn hảo cho hoạt động khai thác Bitcoin.
Bitcoin chỉ đơn giản là một sổ cái phân tán trong đó xác nhận tất cả các giao dịch mà không cần sự cho phép hoặc bảo chứng bởi 1 tổ chức nào. Nó sẽ tiếp tục sứ mệnh của mình bất chấp ai ủng hộ nó đi chăng nữa. Bitcoin đã vượt qua thành công động thái kìm kẹp từ Trung Quốc thông qua việc dịch chuyển sang các quốc gia khác. Việc hoạt động khai thác chuyển dần sang Mỹ là một dấu hiệu tích cực cho một viễn cảnh được thừa nhận như một tài sản dự trữ toàn cầu trong tương lai.
Seeking Alpha