Liệu chúng ta đang bước vào một vòng xoáy lạm phát - tiền lương mới?
Tú Đỗ
Senior Economic Analyst
Sau 1 thập kỷ ổn định, các nước phát triển đang phải đối mặt với áp lực gia tăng từ cả lạm phát và tiền lương
Tại các quốc gia phát triển, tiền lương và giá cả thường có xu hướng tăng chậm rãi. Trong 1 thập kỷ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, lạm phát hiếm khi vượt qua mục tiêu của các NHTW và tiền lương cũng có vẻ không tăng lên đáng kể. Sức chi tiêu trung bình giờ tại Anh, Ý và Nhật Bản gần như tương tự giữa thời điểm trước bùng phát đại dịch Covid-19 và giai đoạn giữa những năm 2000. Tại Mỹ, việc giữ cho tốc độ tăng của tiền lương trung bình ở mức 2.9% từ năm 2015 đến 2019 và tỷ lệ lạm phát trung bình ở dưới mức 2% được xem là một thành công hiếm có.
Tuy vậy, quá trình phục hồi trở lại sau đại dịch đã mang tới một sự thay đổi đáng giật mình: Giá cả và tiền lương đều đang có xu hướng tăng vọt. Tiền lương theo giờ trung bình tại Mỹ đã tăng 4.6% kể từ đầu năm 2021 đến nay trong khi mặt bằng giá tiêu dùng cũng tăng hơn 5.4%. Tại Đức, tỷ lệ lạm phát đã chạm mức 4.1% và công đoàn trong khối dịch vụ công hiện đang yêu cầu mức tăng tiền lương là 5%. Tình trạng tương tự cũng đang diễn ra tại Nhật Bản.
Nguyên nhân của việc giá cả tăng lên là khá rõ ràng: Nhu cầu đối với hàng hóa tăng cao kết hợp với sự tắc nghẽn của chuỗi cung ứng và áp lực từ giá năng lượng. Đối với tiền lương, vấn đề có vẻ phức tạp hơn. Tại hầu hết các quốc gia, lượng việc làm hiện vẫn đang thấp hơn so với trước đại dịch. Tuy vậy người lao động có vẻ không sẵn sàng hoặc không đủ khả năng để đáp ứng các nhu cầu tuyển dụng hiện tại. Sự thiếu hụt lao động này cho thấy sự khó khăn trong việc thay đổi nghề nghiệp và nơi làm việc khi nền kinh tế đang trải qua một quá trình điều chỉnh bất thường. Nỗi lo ngại dịch bệnh và hiệu ứng từ sự hỗ trợ của chính phủ có thể khiến người lao động tiếp tục chần chừ quay trở lại thị trường.
Nguyên nhân không rõ ràng đằng sau đà tăng của tiền lương khiến cho công việc của các NHTW trở nên khó khăn hơn. Phần đông các nhà làm luật đều cho rằng lạm phát cao chỉ là tạm thời. Tuy nhiên, tiền lương có thể sẽ là yếu tố tiếp theo gây áp lực lên lạm phát, nhất là nếu người lao động yêu cầu tăng tiền lương do kỳ vọng chi phí sẽ tăng lên trong tương lai.
Để tránh được việc lạm phát dai dẳng cần có sự kết hợp của 3 động thái sau. Thứ nhất, các doanh nghiệp có thể đáp ứng nhu cầu tăng lương mà không tăng giá sản phẩm. Thứ hai, năng suất lao động gia tăng nhằm cân bằng mức tăng của tiền lương. Và cuối cùng, người lao động dần trở lại thị trường.
The Economist