Liệu đã đến lúc các tín đồ của tiền kỹ thuật số tỉnh giấc mộng?
Tú Đỗ
Senior Economic Analyst
Sự sụp đổ vừa qua cho thấy sẽ còn rất lâu để tiền điện tử có thể thay thế vàng để trở thành phương tiện tích trữ giá trị mới
Một đặc tính tự nhiên và phổ biến của con người đó là chúng ta thường đặt niềm tin vào bất cứ thứ gì có thể mang lại cho chúng ta rất nhiều tiền. Một ví dụ gần nhất chính là sự điên rồ diễn ra trên thị trường tiền điện tử thời gian qua. Trong cơn say chiến thắng, những người tham gia thị trường này một lần nữa lại gọi tên tiền kỹ thuật số như một phương tiện tích trữ giá trị mới và thời thượng. Tuy vậy, sự sụp đổ trong tuần qua một lần nữa đã giáng một đòn mạnh vào niềm tin này và đưa tài sản trên về đúng vị trí của nó.
Không khó để nhận ra những động lực phía sau sự hưng phấn của thị trường tiền kỹ thuật số thời gian vừa qua:
Những nhà đầu tư tham gia sớm được hưởng lợi lớn khi những người chơi mới tiếp tục đẩy giá ngày một tăng cao và dĩ nhiên không ai muốn cơn sốt này dừng lại.
Các nhà đầu cơ ưa thích tiền kỹ thuật số bởi mức biến động giá cực lớn của chúng và hứa hẹn mang tới mức lợi nhuận lớn hơn nhiều so với các loại tài sản khác. Trong khi đó, các nhà giao dịch cao tần cũng kiếm được khoản lợi nhuận khổng lồ từ sự không hiệu quả của thị trường.
Và đương nhiên, các sàn giao dịch cũng hưởng lợi lớn từ phí giao dịch và chênh lệch khi khối lượng giao dịch gia tăng chóng mặt.
Sau đó là những hoạt động phi pháp như rửa tiền, trốn thuế dùng tiền điện tử làm phương tiện để vận hành.
Trong sự hân hoan đó, chúng ta bắt đầu nghe thấy thường xuyên hơn những quan điểm cho rằng tiền kỹ thuật số đã trở thành một phương tiện tích trữ giá trị mới. Đây rõ ràng là một sai lầm. Một tài sản được coi là phương tiện tích trữ giá trị khi giá trị của nó là không đổi theo thời gian. Một thứ có thể mất giá tới 30% trong một ngày dĩ nhiên không thể đáp ứng được định nghĩa trên. Nhà kinh tế học người Anh, John Maynard Keynes đã từng phản đối vàng khi gọi kim loại này là một "di tích dã man" (Barbarous Relic) và không thể tưởng tượng ông sẽ nghĩ gì về thị trường tiền kỹ thuật số ngày nay.
Tuy vậy, nhìn về khoảng nửa thế kỷ trước, vàng cũng đã có một quãng thời gian lận đận không kém Bitcoin ngày nay. Kim loại này từng được sử dụng làm tài sản bảo chứng cho việc phát hành đồng đô-la hàng thập kỷ trước khi chế độ bản vị vàng bị loại bỏ bởi Richard Nixon vào năm 1971. Ngoài ra, việc sở hữu vàng của cá nhân cũng từng bị nghiêm cấm tại Mỹ trong giai đoạn Đại suy thoái và chỉ được gỡ bỏ từ cuối năm 1974. Liệu đây có thể được xem là một rủi ro về chính sách tương tự như việc các chính phủ đe dọa siết chặt kiểm soát tiền kỹ thuật số hiện nay?
Quay trở lại khía cạnh dự trữ giá trị, dưới đây là thống kê mức độ biến động của giá vàng (kể từ năm 1970 đến nay) và giá Bitcoin (từ năm 2011 đến nay). Như chúng ta có thể thấy mức biến động thấp nhất của giá Bitcoin chỉ thấp hơn đôi chút so với mức biến động lớn nhất của giá vàng vào giai đoạn 1972-1979.
Dựa trên những phân tích trên, Bitcoin và vàng hoàn toàn không tương đồng về việc tích trữ giá trị. Điều duy nhất khiến cho tiền kỹ thuật số trở nên hấp dẫn đối với những người ủng hộ nó có lẽ là tính biến động lớn của nó, điều đi ngược hoàn toàn so với định nghĩa về phương tiện tích trữ giá trị. Sau cùng, thật khó có thể đặt niềm tin ở một thứ mà bạn mất $1000 để mua ngày hôm nay và không thể biết được sẽ có được $1200 hay chỉ còn $500 trong tuần tới.
Bloomberg