Liệu đã đến lúc để giá các tài sản tài chính dần trở lại mặt đất?
Tú Đỗ
Senior Economic Analyst
Sau khi bay cao trong nửa đầu năm 2021, giá của các tài sản tài chính có thể sẽ chịu áp lực điều chỉnh khi tốc độ tăng trưởng của kinh tế Mỹ dự báo dần chậm lại
Sau một khởi đầu ấn tượng trong nửa đầu năm 2021, tốc độ phục hồi của kinh tế Mỹ có thể sẽ dần chậm lại trong phần còn lại và đi kèm với đó là nỗi lo về lạm phát.
Giorgio Caputo, trưởng bộ phận quản lý danh mục tài sản tại J O Hambro Capital Management, nhận định rằng rất có thể chúng ta đang chứng kiến mức đỉnh của mọi thứ. Tuy vậy, ông cũng không phủ nhận khả năng quá trình phục hồi vẫn sẽ tiếp diễn vững chắc trong thời gian tới. Caputo cũng kỳ vọng tăng trưởng kinh tế Mỹ sẽ ở mức vừa phải hơn trong phần còn lại của 2021, nhất là so với mức tăng trưởng dự kiến 8.2% yoy của Quý II. Con số ấn tượng này đạt được một phần do sự sụp đổ của kinh tế Mỹ và toàn cầu vào Quý II của năm ngoái với sự xuất hiện của đại dịch Covid-19, do đó không dễ để lặp lại thành tích này trong 2 Quý sắp tới. "Dẫu vậy, chúng ta vẫn còn đó một chính sách tiền tệ rất nới lỏng và sẽ còn duy trì trong thời gian dài", Caputo chốt lại.
Thị trường chứng khoán tiếp tục bay cao
Các chỉ số chứng khoán chính của Mỹ kết thúc tuần đầu tiên của Quý III với những mức đỉnh mới. Nguồn cung TPDN Mỹ, và thậm chí cả nhu cầu đối với trái phiếu chính quyền địa phương vốn thường ảm đạm, đã liên tục tăng lên trong 15 tháng vừa qua, bất chấp mặt bằng lợi suất đang ở mức thấp nhất kể từ sau cuộc khủng hoảng 2008. Khối lượng phát hành mới của TPDN định hạng đầu tư (investment-grade) tại Mỹ đã đạt mức 860 tỷ USD trong nửa đầu năm nay, mức tăng mạnh thứ 2 chỉ sau sự bùng nổ với quy mô 1.2 nghìn tỷ USD trong năm ngoái, theo phân tích từ BofA Global.
Và không chỉ có các doanh nghiệp mới đang ngồi trên những đống tiền mặt, các hộ gia đình cũng được hưởng lợi lớn từ các chương trình trợ cấp từ chính phủ. Tỷ lệ tiết kiệm của người dân Mỹ (personal saving rate) đã đạt mức kỷ lục 33.7% vào tháng 4/2020 và tới tháng 5 năm nay vẫn đang ở mức 12.4%. Động lực từ dòng tiền khổng lồ trên có thể sẽ tiếp tục nâng đỡ cho tăng trưởng của kinh tế Mỹ trong năm nay.
Tuy nhiên, thị trường trái phiếu cũng đang phát đi tín hiệu về những khó khăn tiềm ẩn phía trước đối với kinh tế Mỹ khi Cục dự trữ Liên bang Mỹ đang dần tiến tới mục tiêu lạm phát 2% trong dài hạn.
Nước Mỹ trên đường trở lại trạng thái bình thường
Cuộc sống thường ngày tại nước Mỹ đã trở lại 80% mức bình thường dựa trên biểu đồ dưới đây từ Columbia Threadneedle với việc đo lường hoạt động di chuyển, mức độ trở lại văn phòng và trường học cũng như hoạt động vui chơi, mua sắm.
Báo cáo việc làm tích cực hôm thứ 6 tuần trước cũng chỉ ra rằng thị trường lao động vẫn tiếp tục phục hồi trong tháng 6, tuy nhiên ở tốc độ mà sẽ mất thêm khoảng 1 năm nữa mới có thể trở lại mức trước đại dịch.
"Fed đã khéo léo hướng sự quan tâm sang thị trường lao động thay vì lạm phát" George Goncalves, trưởng bộ phận chiến lược vĩ mô tại MUFG Securities Americas nhận xét. "Nếu các hoạt động kinh tế bình thường trở lại và không còn phụ thuộc vào các chương trình kích thích kinh tế, các công ty khi đó sẽ phải tuyển dụng lao động trở lại và điều này là cực kỳ quan trọng."
Tuần này là một tuần ngắn hơn thường lệ khi thị trường sẽ nghỉ vào thứ 2, tuy vậy vẫn cần chú ý về số liệu PMI dịch vụ tháng 6 được công bố vào thứ 3, sau đó là số liệu việc làm mở tháng 5 và biên bản phiên họp gần nhất của Fed công bố vào thứ 4.
Market Watch