Liệu gói kích thích kinh tế của Trung Quốc có thể kích thích thị trường hàng hóa như năm 2009?
Thái Linh
Junior Editor
Vào giữa tháng 10, Trung Quốc đã công bố chi tiết kế hoạch kích thích tăng trưởng cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Vào giữa tháng 10, Trung Quốc đã công bố chi tiết kế hoạch kích thích tăng trưởng cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới:
- 2.3 nghìn tỷ Nhân dân tệ hỗ trợ chính quyền địa phương, tương đương 1.8% GDP.
- 1.0 nghìn tỷ Nhân dân tệ cho phép chính quyền địa phương vay mới để củng cố các khoản nợ của các nhà phát triển bất động sản vào bảng cân đối kế toán địa phương, tương đương 0.8% GDP.
- 1.0 nghìn tỷ Nhân dân tệ tái cấp vốn cho các ngân hàng lớn nhất quốc gia, tương đương 0.8% GDP.
- Nới lỏng các hạn chế về mua bất động sản đầu tư tại hầu hết các thành phố Trung Quốc và điều kiện cho người mua nhà lần đầu.
Các biện pháp này được đưa ra sau động thái giảm lãi suất gần đây của PBOC. Nếu Trung Quốc thành công trong việc thúc đẩy tăng trưởng, điều này có thể tạo ảnh hưởng sâu rộng đến thị trường hàng hóa bao gồm dầu thô, nhôm, đồng, ngô, đậu nành và lúa mì. Trong 20 năm qua, các mặt hàng này đã theo sát đà tăng trưởng của Trung Quốc, thường với độ trễ khoảng một năm.
Ví dụ, bằng việc sử dụng chỉ số Li Keqiang - thường được dùng để theo dõi các khoản vay ngân hàng, tiêu thụ điện và khối lượng vận tải đường sắt - như một chỉ báo cho nền kinh tế Trung Quốc, tốc độ tăng trưởng đã đạt đỉnh vào các năm 2007, 2010, 2017 và 2021. Giá dầu thô WTI đạt đỉnh khoảng một năm sau những thời điểm này (2008, 2011, 2018 và 2022). Chỉ số Li Keqiang có mối tương quan chặt chẽ với tình trạng nền kinh tế công nghiệp của Trung Quốc và giá cả của nhiều tài nguyên thiên nhiên.
Điều tương tự cũng diễn ra với nhôm và đồng, mặc dù hai kim loại công nghiệp này đôi khi phản ứng nhanh hơn với những thay đổi trong tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc so với dầu thô (Hình 2 và 3). Kể từ năm 2020, giá đồng đã có phần phân kỳ khỏi đà tăng trưởng của Trung Quốc do nhu cầu mạnh mẽ đối với kim loại đỏ từ quá trình chuyển đổi năng lượng và tăng trưởng nguồn cung còn hạn chế. Ngược lại, giá nhôm dường như vẫn theo sát diễn biến tại Trung Quốc.
Hình 2 và 3: Giá nhôm, đồng cũng có xu hướng theo sau những thay đổi trong tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc
Thị trường nông nghiệp cũng ghi nhận những diễn biến tương tự. Ví dụ, ngô và lúa mì cũng có xu hướng thay đổi theo những gì đang diễn ra ở Trung Quốc nhưng với độ trễ hơi dài hơn từ 12-18 tháng (Hình 4 và 5).
Điều tương tự cũng diễn ra đối với đậu nành và dầu đậu nành (Hình 6 và 7)
Đáng chú ý nhất, gói kích thích kinh tế của Trung Quốc năm 2009 đã giúp dầu mỏ và kim loại công nghiệp đạt đỉnh vào cuối năm 2011, và vào năm 2012 đối với nông sản. Giá dầu tăng từ dưới mức 40 USD/thùng lên trên 110 USD/thùng. Giá đồng tăng từ 1.30 USD/lb lên trên 4.60 USD/lb. Giá của hầu hết các mặt hàng nông sản tăng gấp đôi.
Gói kích thích kinh tế năm 2009 khác với gói hiện tại ở những khía cạnh quan trọng. Thứ nhất, gói kích thích năm 2009 có quy mô lớn hơn nhiều gói 2010 nếu so với GDP. Giữa năm 2009 và 2010, nợ doanh nghiệp phi tài chính tăng lên chiếm 35% GDP khi chính phủ khuyến khích một chương trình xây dựng cơ sở hạ tầng quy mô lớn (Hình 8). Cho đến nay, các biện pháp kích thích được công bố đã đạt khoảng 3.6% GDP, chỉ bằng 1/10 so với nỗ lực 2009-10 xét về quy mô kinh tế.
Hình 8: Gói kích thích năm 2009 của Trung Quốc có quy mô lớn và diễn ra trong môi trường nợ tương đối thấp
Thứ hai, gói kích thích 2009-10 nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, một yếu tố bên ngoài đối với Trung Quốc. Ngược lại, gói kích thích hiện tại nhằm giải quyết các vấn đề nội tại như giá bất động sản giảm, niềm tin và chi tiêu tiêu dùng suy giảm, tình hình tài chính yếu kém của chính quyền địa phương và các nhà phát triển bất động sản, cũng như các ngân hàng thiếu vốn. Trên thực tế, các ngân hàng Trung Quốc có tổng bảng cân đối kế toán lên tới gần 200% GDP (Hình 9), cao hơn nhiều so với tỷ lệ đòn bẩy ngân hàng ở các nơi khác.
Thứ ba, tỷ lệ nợ cao hơn trong khu vực phi tài chính có thể hạn chế tác động của các biện pháp kích thích. Khi các biện pháp kích thích 2009-10 được thực hiện, tổng tỷ lệ nợ gần bằng 140% GDP của Trung Quốc - thấp hơn nhiều so với châu Âu hay Mỹ. Hiện nay, tỷ lệ đòn bẩy phi tài chính (phi ngân hàng) của Trung Quốc bằng gần 300% GDP, cao hơn cả châu Âu và Mỹ (Hình 10). Khi tỷ lệ nợ thấp, việc vay thêm có thể nhanh chóng góp phần vào danh mục đầu tư và chi tiêu trong GDP. Ngược lại, khi tỷ lệ nợ cao, việc vay thêm thường chỉ để tái cấp vốn cho nợ hiện có thay vì góp phần vào đầu tư hoặc chi tiêu trong GDP. Trên thực tế, điều này dường như đúng với các đề xuất kích thích kinh tế hiện tại: cho phép chính quyền địa phương phát hành trái phiếu để hợp nhất nợ của các nhà phát triển bất động sản vào bảng cân đối kế toán, và bổ sung vào nợ công quốc gia để tăng vốn cho các ngân hàng lớn nhất Trung Quốc. Điều này tương tự như những gì các quốc gia như Mỹ, Ireland và Tây Ban Nha đã làm trong giai đoạn 2008-2010. Mặc dù các biện pháp như vậy đã ngăn chặn được sự suy thoái kinh tế, các gói kích thích này lại không tạo ra sự phục hồi kinh tế đặc biệt mạnh mẽ.
Cuối cùng, mặc dù PBOC đã cắt giảm lãi suất, nhưng cũng đúng là lạm phát cơ bản của Trung Quốc đã giảm. Trên thực tế, chênh lệch giữa lãi suất chính sách của PBOC và lạm phát cơ bản, vốn tương đối ổn định trong vài năm qua, đã tăng lên so với trước đây (Hình 11). Điều này cho thấy lãi suất thực tế ở Trung Quốc thực ra không giảm và chính sách tiền tệ của nước này đang còn gặp nhiều khó khăn. Việc thúc đẩy kinh tế mạnh hơn thông qua chính sách tiền tệ có thể đòi hỏi lãi suất phải tiến gần hơn về mức 0, nhưng lãi suất gần 0 ở Trung Quốc cũng có thể tạo áp lực cho dòng vốn chảy ra và làm USDCNY tăng lên, điều này có thể khiến PBOC không muốn nới lỏng chính sách quá nhiều và quá sớm. USDCNY tăng lên có thể dẫn đến phản ứng bảo hộ chống lại Trung Quốc.
Một phần lớn lý do khiến giá hàng hóa nguyên liệu bị giảm mạnh bất chấp các xung đột ở Trung Đông và chiến tranh giữa Nga và Ukraine là do tăng trưởng nhu cầu của Trung Quốc suy yếu. Nếu Trung Quốc có thể ngăn chặn hoặc đảo ngược sự suy giảm trong tốc độ tăng trưởng, thế giới có thể sẽ phải đối mặt với giá hàng hóa nguyên liệu cao hơn. Tuy nhiên, vẫn chưa có kết luận chắc chắn về mức độ mà gói kích thích kinh tế mới nhất của Trung Quốc sẽ thúc đẩy tăng trưởng.
CME Group