Mỹ đang thất bại trước Trung Quốc

Mỹ đang thất bại trước Trung Quốc

12:53 09/10/2021

Sau khi tuyên bố rằng "Nước Mỹ đã trở lại" và đi ngược lại hầu hết mọi giá trị mà Donald Trump đại diện, chính quyền Biden được kỳ vọng quay lại phong cách lãnh đạo thế giới trong trật tự quốc tế đa phương. Tuy nhiên, trong chiến lược cạnh tranh với Trung Quốc, họ đang hành xử hoàn toàn theo phong cách của Trump.

*Bài viết thể hiện quan điểm của Anne O. Krueger

Tấn công hay phòng thủ?

Bất chấp bầu không khí hỗn loạn và phân cực chính trị ở Washington, dường như đảng phái nào cũng đồng ý rằng Trung Quốc là một vấn đề lớn và nước Mỹ phải tìm cách đương đầu với thách thức này. Cuộc đối đầu Mỹ - Trung Quốc về quân sự và kinh tế sẽ giúp chúng ta xác định được ai sẽ gánh vác trọng trách dẫn dắt trật tự trong khu vực và trên thế giới.

Tăng trưởng kinh tế là yếu tố nền tảng để thiết lập sức mạnh quân sự. Để có thể duy trì và củng cố vai trò dẫn dắt trong nền kinh tế thế giới, Mỹ phải có sự giúp sức của các đồng minh và đồng thời củng cố nền kinh tế nội địa của mình. Vậy tại sao chính quyền của Tổng thống Joe Biden lại theo đuổi các chính sách vừa tiếp thêm sức mạnh cho Trung Quốc vừa làm giảm lợi thế kinh tế của chính nước Mỹ?

Thay vì tìm cách cải thiện năng suất kinh tế, chính quyền Mỹ đang bắt chước chính sách can thiệp thô bạo giống Trung Quốc bằng cách để tự quyết định người thắng và người thua cuộc trong lĩnh vực công nghệ và sản xuất công nghiệp. Khi làm như vậy, chính phủ đang từ bỏ truyền thống hướng tới phát triển hệ thống thương mại đa phương, hệ thống pháp quyền và khu vực kinh tế tư nhân.

Trong bất kỳ cuộc đối đầu nào, luôn có hai chiến lược cơ bản để lựa chọn theo đuổi. Càng nhiều nguồn lực và sự quan tâm dành cho một chiến lược thì càng ít nguồn lực cho lựa chọn còn lại. Chiến lược đầu tiên là tấn công: hướng tới tăng cường năng lực nội tại của nền kinh tế; chiến lược thứ hai là phòng thủ: hướng tới mục tiêu làm suy yếu đối thủ cạnh tranh.

Đối với Trung Quốc, Mỹ theo đuổi chiến lược phòng thủ nhưng thực tế đã không thành công. Đây là cách tiếp cận của cựu Tổng thống Donald Trump, người đã phát động “cuộc chiến thương mại” bằng cách áp đặt hàng rào thuế quan và các biện pháp trừng phạt đối với Trung Quốc. Bất chấp những thách thức đó, Trung Quốc vẫn đạt được mức tăng trưởng GDP hàng năm trung bình hơn 6% trong giai đoạn 2017-2019, cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng trung bình hàng năm 2.5% của nền kinh tế Mỹ trong cùng giai đoạn. Năm 2020, năm xảy ra cú sốc mang tên COVID-19, nền kinh tế Trung Quốc vẫn tăng trưởng 2.3%, trong khi GDP của Mỹ giảm hơn 3.5%. Trong dự báo gần đây nhất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho năm 2021, Trung Quốc dự kiến ​​sẽ tăng trưởng 8.1%, so với khoảng 7% của Mỹ.

Mặc dù chiến lược bảo hộ của Trump đã thất bại nhưng chính quyền Biden vẫn tiếp tục duy trì nó bằng cách giữ nguyên các mức thuế của chính quyền cũ và khuyến khích “mua hàng Mỹ”. Bằng các hành động đơn phương, Trump đã làm suy yếu hệ thống đa phương và đồng thời gây tổn hại cho nền kinh tế Mỹ và các đồng minh. Tuy nhiên, ngay cả khi nước Mỹ dưới thời Biden giành lại được sự ủng hộ của hầu hết các đồng minh thì lực lượng này cũng không đủ lớn và đủ mạnh để đối đầu trực tiếp với Trung Quốc. Sự tác động của nhóm này chỉ làm chậm lại sự trỗi dậy của Trung Quốc chứ không thể ngăn cản được nó.

Chiến lược bảo hộ khó có thể thành công

Kể từ khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, không có quốc gia nào theo đuổi chiến lược bảo hộ mà đạt được mức tăng trưởng kinh tế tốt trong dài hạn cả. Trong nhiều thập kỷ qua, Mỹ đã đóng vai trò dẫn dắt kinh tế thế giới đi theo con đường đa phương cởi mở hơn. Nhưng thay vì áp dụng một chiến lược tấn công dựa trên việc củng cố vai trò dẫn dắt này, Mỹ hiện nay lại theo đuổi loại chính sách bảo hộ mà từ lâu đã thất bại ở nhiều quốc gia khác.

Trong thực tế, “doanh nghiệp chiến thắng" mà chính phủ lựa chọn hỗ trợ thường là kẻ thua cuộc về lâu dài. Khuất phục trước những áp lực chính trị và sau đó cung cấp các khoản trợ cấp không cần thiết cho các doanh nghiệp làm ăn không tốt chỉ kéo dài sự kém hiệu quả của nền kinh tế. Chính phủ không nên can thiệp vào quá trình xác định những doanh nghiệp nào sẽ thành công trong tương lai. Sự cạnh tranh tự nhiên giữa các công ty khởi nghiệp và doanh nghiệp trong khối tư nhân là một cơ chế sàng lọc hiệu quả hơn nhiều.

Chủ nghĩa bảo hộ và trợ cấp cũng khuyến khích hành vi độc quyền trong nước, dẫn đến năng suất kinh tế giảm đi và thậm chí khuyến khích các hoạt động vận động hành lang (lobby) để duy trì những đặc quyền ấy. Những chính sách này còn hạn chế những doanh nghiệp mới tham gia vào thị trường và khiến các doanh nghiệp nhỏ đang hoạt động khó mở rộng kinh doanh hơn.

Tương tự như vậy, các quyết định của nước Mỹ trong lĩnh vực thương mại vừa kìm hãm sự phát triển kinh tế của Mỹ vừa làm suy yếu các nước đồng minh, do đó làm giảm vị thế toàn cầu của Mỹ. Một ví dụ tiêu biểu gần đây, chính quyền Biden đã quyết định không đảo ngược chính sách của Trump trong việc rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). TPP bao gồm 11 quốc gia ven Thái Bình Dương và đặc biệt là hiệp định này không bao gồm Trung Quốc. Đây có tiềm năng sẽ sẵn sàng trở thành khối thương mại tự do lớn nhất thế giới.

Nếu góp mặt trong khối TPP, Mỹ rõ ràng sẽ gia tăng sức ảnh hưởng toàn cầu của mình. Nhiều người mong đợi rằng Biden sẽ đàm phán để Mỹ quay trở lại gia nhập phiên bản mới của TPP, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). CPTPP được lãnh đạo bởi cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe sau khi Trump rút lui. Nhưng chính quyền Biden kể từ sau khi nắm quyền đã phát đi tín hiệu rằng họ không có kế hoạch tham gia CPTPP.

Trong khi đó, Trung Quốc đang tận dụng những sai lầm chiến lược của Mỹ bằng cách tích cực đàm phán để trở thành thành viên trong khối CPTPP (như Anh Quốc cũng đã làm). Do đó, khác xa với kỳ vọng về việc duy trì hoặc nâng cao vị thế bá chủ của Mỹ, cách tiếp cận của chính quyền Biden đã vô hình chung tạo điều kiện để Trung Quốc mở rộng tầm ảnh hưởng của mình ở châu Á - Thái Bình Dương, khu vực kinh tế năng động nhất trên thế giới.

Trong hơn một thế kỷ qua, Hoa Kỳ sở hữu nền kinh tế mạnh nhất thế giới vì họ vẫn luôn tuân theo một hệ thống kinh tế thị trường, pháp quyền và thương mại đa phương. Nó đã dẫn dắt Tây Âu, Đông Á, Đông Nam Á, và những vùng kinh tế khác. Các chính sách trên đã góp thêm sức mạnh cho các đồng minh của Mỹ và qua đó củng cố vị thế bá chủ của nước này.

Giờ đây, Trung Quốc đang trỗi dậy, phần lớn là nhờ nước này từ bỏ các chính sách kinh tế không phù hợp để chuyển sang một hệ thống định hướng thị trường hơn. Những thay đổi về cách tiếp cận của Trung Quốc khiến cho các quyết định can thiệp thô bạo của chính phủ Mỹ gần đây trông thật đối lập. Khi áp dụng các chính sách kiểu cũ của Trung Quốc, Mỹ không chỉ giảm lợi thế cạnh tranh của mình mà còn đang rời xa hệ thống đa phương tự do và dần suy yếu vai trò lãnh đạo toàn cầu.

Loại bỏ các biện pháp bảo hộ và củng cố hệ thống đa phương tự do sẽ mang lại kết quả vượt trội hơn rất nhiều so với cách tiếp cận của Trump. Mỹ nên quay lại với tư cách là một nhà lãnh đạo tính cực trong Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và tìm kiếm sự đồng thuận để giải quyết các vấn đề quan trọng như thương mại điện tử và biến đổi khí hậu. Trung Quốc càng cố gắng mở rộng các ngành công nghiệp do nhà nước bảo trợ, Mỹ càng cố gắng giữ nguyên những giá trị của mình và cho thế giới thấy rằng đó là cách hiệu quả hơn.

Giới thiệu về tác giả Anne O. Krueger

Anne O. Krueger là cựu Kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới và cựu Phó giám đốc điều hành của Quỹ Tiền tệ Quốc tế.

Bà cũng đồng thời là Giáo sư Nghiên cứu Cao cấp về Kinh tế Quốc tế tại Đại học Johns Hopkins và là Nghiên cứu viên Cao cấp tại Trung tâm Phát triển Quốc tế tại Đại học Stanford.

Link gốc tại đây.

Theo Vietstock

Broker listing

Cùng chuyên mục

Làm thế nào để được Trump tuyển dụng?
Thái Linh

Thái Linh

Junior Editor

Làm thế nào để được Trump tuyển dụng?

Sau chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016 - khi còn là một ngôi sao truyền hình thay vì một cựu tổng thống – ông Donald Trump đã điều hành quá trình chuyển giao Nhà Trắng như thể đó là một tập phim gay cấn của "The Apprentice".
Trump 2.0: Điều gì đang chờ đợi Đông Nam Á?
Thái Linh

Thái Linh

Junior Editor

Trump 2.0: Điều gì đang chờ đợi Đông Nam Á?

Đông Nam Á có thể sẽ không phải là ưu tiên trong chương trình nghị sự đối ngoại của ông Trump, nhưng khu vực này cần phải có chiến lược đối phó với các lập trường về thương mại và an ninh của Tổng thống đắc cử, cũng như cách tiếp cận mang tính giao dịch của ông.
Nhịp đập kinh tế Trung Quốc: Con đường phục hồi chông gai và những thách thức còn bỏ ngỏ
Ngọc Lan

Ngọc Lan

Junior Editor

Nhịp đập kinh tế Trung Quốc: Con đường phục hồi chông gai và những thách thức còn bỏ ngỏ

Báo cáo kinh tế vĩ mô tháng 10 của Trung Quốc cho thấy bức tranh tương đối phức tạp. Điểm sáng đến từ tăng trưởng doanh số bán lẻ vượt kỳ vọng, trong khi đó sản xuất công nghiệp và đầu tư bất động sản lại có dấu hiệu chậm lại. Đáng chú ý, tốc độ tăng trưởng đầu tư tài sản cố định (tính từ đầu năm) duy trì ổn định so với tháng trước.
Forex Forecast - Diễn đàn dự báo tiền tệ