Ngân hàng Trung ương
Anh Tùng, CFA
Senior Analyst
Ngân hàng Trung ương là gì và vai trò của họ quan trọng như thế nào đối với nền kinh tế của một quốc gia? Hãy cùng dubaotiente.com tìm hiểu qua bài viết này.
Ngân hàng Trung ương (Central Bank) là một cơ quan độc quyền về việc phát hành tiền mặt của một quốc gia hoặc một vùng lãnh thổ nhất định, đồng thời chịu trách nhiệm về việc quản lý hệ thống tiền tệ và thanh toán của một quốc gia/vùng lãnh thổ đó, cũng như việc thực hiện chính sách tiền tệ. Ngân hàng Trung ương là tổ chức tín dụng đứng đầu trong một quốc gia/vùng lãnh thổ, và có một sự độc lập nhất định đối với Chính phủ.
Dưới đây là một số ví dụ về các NHTW trên thế giới.
Vai trò của Ngân hàng Trung ương
Trước tiên, NHTW là tổ chức độc quyền trong việc phát hành tiền tệ của một quốc gia hoặc vùng lãnh thổ. Mỗi NHTW trên thế giới chỉ được phép phát hành một đồng tiền cho quốc gia mà nó trực thuộc, hoặc các quốc gia/vùng lãnh thổ sử dụng đồng tiền đó làm đồng tiền chính. Ví dụ, SBV là nơi duy nhất có thể in tiền đồng Việt Nam, Fed độc quyền trong việc phát hành đồng USD cho nước Mỹ và các quốc gia sử dụng đồng USD là đồng tiền thanh toán chính như Zimbabwe, Ecuador; khối Liên minh châu Âu sử dụng đồng Euro là đồng tiền chung được phát hành bởi ECB.
Một vai trò cực kỳ quan trọng khác của NHTW đó là sử dụng các công cụ chính sách tiền tệ. Ba chính sách tiền tệ chính của NHTW là nghiệp vụ thị trường mở (OMO), tỷ lệ dự trữ bắt buộc và kiểm soát lãi suất. Các chính sách tiền tệ này sẽ tác động trực tiếp tới cung tiền và dòng tín dụng trong nền kinh tế, qua đó phần nào giúp các NHTW đạt được các mục tiêu kinh tế đề ra. Chẳng hạn, NHTW sẽ nới lỏng tiền tệ, giảm lãi suất để thúc đẩy nền kinh tế, hoặc sẽ thắt chặt tiền tệ, tăng lãi suất để kìm hãm lạm phát.
NHTW là trung tâm nền kinh tế của một quốc gia, đóng vai trò giám sát, điều tiết và đặt ra các quy định trong hệ thống thanh toán của một quốc gia hoặc vùng lãnh thổ. Mỗi ngày có hàng triệu giao dịch tài chính diễn ra trong nền kinh tế hiện đại. Để hệ thống tài chính hoạt động tốt, các quy định phải mạnh mẽ và được tiêu chuẩn hóa. Ngoài ra, NHTW cũng chịu trách nhiệm trong hệ thống thanh toán toàn cầu cùng với các NHTW của các quốc gia khác.
Ngân hàng Trung ương cũng được gọi là “Người cho vay cuối cùng” (lender of last resort). Nếu các ngân hàng thương mại rơi vào tình trạng thiếu thốn thanh khoản và không thể bù đắp, NHTW sẽ đứng ra để bù đắp thanh khoản bằng cách cho các ngân hàng thương mại vay tiền khi gặp khó khăn. Đôi khi NHTW cũng cho chính phủ vay tiền bằng cách mua trái phiếu chính phủ, khi chính phủ cần huy động vốn để tăng chi tiêu hoặc đầu tư công, góp phần tăng trưởng GDP.
Cuối cùng, NHTW cũng là nơi kiểm soát và quản lý lượng dự trữ ngoại hối và vàng của một quốc gia. NHTW chỉ có thể phát hành đồng nội tệ của quốc gia mà nó trực thuộc và không có khả năng in tiền ngoại tệ, vì vậy quản lý lượng ngoại hối trong một quốc gia là vô cùng quan trọng nhằm phục vụ các mục đích thanh toán quốc tế, và đề phòng rủi ro vỡ nợ ngoại tệ.
Mục tiêu của NHTW
Các NHTW trên thế giới đều có những mục tiêu riêng, tuy nhiên mục tiêu quan trọng nhất của mọi NHTW trên thế giới là ổn định giá cả, hay nói cách khác là kiểm soát lạm phát. Nhờ công cụ chính sách tiền tệ, NHTW có thể tác động lên cung tiền, điều này có thể sẽ điều chỉnh được lạm phát. Thông thường, các NHTW tại các quốc gia hoặc vùng lãnh thổ đều đặt ra một mức lạm phát mục tiêu, nằm trong khoảng 2-3% một năm. Lạm phát quá cao so với mục tiêu sẽ dẫn đến giá cả của nền kinh tế tăng lên, làm đồng tiền mất một phần giá trị, còn giảm phát sẽ gây ra sự đình trệ trong nền kinh tế và có thể dẫn đến vòng xoáy giảm phát.
Ngoài ra, các NHTW có thể có những mục tiêu phụ khác, như ổn định việc làm, thúc đẩy tăng trưởng GDP, hay ổn định tỷ giá. Ví dụ, các mục tiêu của Fed bao gồm ổn định lạm phát, tối đa hóa việc làm tại nước Mỹ và duy trì lãi suất dài hạn ở mức vừa phải.