Những “bí mật” về con số tăng trưởng GDP 18,3% của Trung Quốc trong quý 1
Tin Tức Tổng Hợp
feeder
Hôm thứ Sáu (16/4), Trung Quốc báo cáo tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 1/2021 đạt 18,3%
Hôm thứ Sáu (16/4), Trung Quốc báo cáo tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 1/2021 đạt 18,3%, một mức tăng kỷ lục dù thấp hơn mức dự báo 19% mà giới phân tích đưa ra trước đó.
Con số tăng trưởng nói trên mở ra khả năng cao Trung Quốc sẽ vượt mức tăng trưởng mục tiêu hàng năm hơn 6% mà Chính phủ nước này đặt ra hồi đầu năm. Đồng thời, thống kê này cũng củng cố luận điểm của các nhà quan sát rằng hai nền kinh tế lớn nhất thế giới Trung Quốc và Mỹ sẽ trở thành động lực tăng trưởng của kinh tế toàn cầu hậu đại dịch.
5 chỉ số kinh tế nổi bật của Trung Quốc quý 1/2021:
5,3% là tỷ lệ thất nghiệp tính đến cuối tháng 3;
34,2% là tăng trưởng doanh số bán lẻ trong tháng 3, vượt mức dự báo là 28%;
14,1% là tăng trưởng sản lượng công nghiệp trong tháng 3, thấp hơn dự báo trung bình là 18%;
25,6% là tăng trưởng đầu tư tài sản cố định trong cả quý so với cùng kỳ năm ngoái;
40% là tăng trưởng đầu tư nước ngoài (FDI) vào Trung Quốc, đạt 45 tỷ USD, và là mức tăng cao nhất kể từ năm 2002 đến nay.
ĐẰNG SAU CON SỐ TĂNG TRƯỞNG RỰC RỠ
Khi Trung Quốc công bố mức tăng trưởng nhảy vọt 18,3%, nhiều người dễ dàng hình dung về những nhà máy hoạt động hết công suất, những tòa nhà cao tầng được cất nóc và hàng triệu việc làm được tạo ra trong nền kinh tế. Câu hỏi đặt ra là mức tăng trưởng đó có được phân bổ đồng đều đến các đối tượng như doanh nghiệp nhỏ và người tiêu dùng hay không?
Cho đến nay, phần lớn động lực tăng trưởng của Trung Quốc là xuất khẩu. Nhu cầu toàn cầu về thiết bị điện tử như màn hình smartphone, máy tính, máy chơi game… mà Trung Quốc sản xuất đang tăng mạnh khi nhiều quốc gia vẫn còn đang vật lộn với đại dịch và người dân phải làm việc từ xa. Chẳng hạn tại Mỹ, nhu cầu với nội thất, đồ điện tử và nhiều loại hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc đã tăng trong nhiều tháng qua khi túi tiền người Mỹ rủng rỉnh hơn nhờ các gói kích thích khổng lồ của Chính phủ.
Chi tiêu chính phủ dành cho cơ sở hạ tầng là một động lực phục hồi khác của nền kinh tế Trung Quốc. Những dự án xây dựng đường cao tốc, đường sắt và tòa nhà đô thị giúp tạo thêm hàng triệu việc làm ngắn hạn cho thị trường lao động.
Nhưng chi tiêu tiêu dùng của Trung Quốc vẫn phục hồi với tốc độ chậm. Nguyên nhân chủ yếu là người dân, đặc biệt là người lao động thu nhập thấp, vẫn chưa tự tin mở hầu bao trở lại.
Shaun Roache, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại S&P Global nhận định: "Chiến lược phong tỏa kiểm soát đại dịch Covid-19 của Trung Quốc đã giúp nước này thành công dập dịch ngay khi dịch xuất hiện trở lại. Nhưng nó cũng kéo theo xu hướng người dân tự nguyện cách ly xã hội, qua đó kìm hãm quá trình bình thường hóa nền kinh tế". Trong quý 1, thời điểm giáp kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, Trung Quốc vẫn ghi nhận một số ổ dịch nhỏ bùng phát lẻ tẻ ở nhiều địa phương. Chính quyền Bắc Kinh đã buộc phải triển khai nhiều biện pháp hạn chế di chuyển để kiểm soát sự lây lan virus.
Louis Kuijs, người đứng đầu bộ phận kinh tế châu Á tại Oxford Economics cũng đồng quan điểm với ông Roache. Một phân tích của ông Kuijs về các khoản tiết kiệm hộ gia đình cho thấy tỷ lệ tiết kiệm đang tăng lên, đồng nghĩa người tiêu dùng Trung Quốc vẫn chưa sẵn sàng chi tiền sau nhiều tháng mắc kẹt với đại dịch.
Khác với các nền kinh tế phát triển như Mỹ, Trung Quốc không trợ cấp trực tiếp cho người tiêu dùng để xoa dịu tác động của đại dịch. Thay vì phát tiền cho mỗi hộ gia đình, Bắc Kinh đã thúc giục các ngân hàng quốc doanh tăng cường tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ, hộ gia đình. Kết quả là nợ cá nhân, hộ gia đình và nợ doanh nghiệp tăng vọt. Giờ đây, họ phải tiết kiệm chi tiêu để trang trải khoản nợ đó.
Một nguyên nhân khác khiến các hộ gia đình tăng cường tiết kiệm là mạng lưới an sinh xã hội còn yếu kém ở Trung Quốc buộc người dân dự phòng chi phí chăm sóc sức khỏe và nhiều chi phí thiết yếu khác trong tình huống bất ổn kinh tế.
Nhìn chung, con số tăng trưởng GDP 18,3% của Trung Quốc trong quý 1 chưa phản ánh được sự tăng trưởng không đồng đều trong nền kinh tế.
NHANH HAY CHẬM?
Từ góc độ phương pháp thống kê, con số 18,3% phản ánh một số bất cập trong cách tính toán GDP của Trung Quốc.
Sự phục hồi nhanh chóng của kinh tế Trung Quốc từ cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19 không phải là tin tức mới. Kể từ tháng 3/2020, khi nước này dần dỡ bỏ các lệnh phong tỏa kiểm dịch, hàng loạt chỉ số kinh tế đã tăng vọt.
Tuy nhiên quy ước báo cáo tăng trưởng GDP của Trung Quốc dựa trên nền tảng quy chiếu năm (year-on-year). Tức mức tăng trưởng 18,3% của quý 1/2021 vừa báo cáo được dựa trên sự quy chiếu với quý 1/2020, thời điểm Trung Quốc đóng cửa kinh tế để kiểm soát dịch.
So với Mỹ và Nhật Bản, hai quốc gia này đều báo cáo tăng trưởng GDP theo quý (quarter-on-quarter). Tức tăng trưởng GDP quý sau trên nền tảng so sánh với quý liền trước.
Chẳng hạn, vào quý 3/2020, Mỹ báo cáo tăng trưởng GDP đạt mức kỷ lục 33,1% sau quý 2/2020 tồi tệ. Nhưng trong cùng quý, Trung Quốc chỉ báo cáo mức tăng trưởng khiêm tốn 4,9% do phương pháp báo cáo tăng trưởng GDP theo năm, dựa trên so sánh với thời điểm quý 3/2019.
Cả hai phương pháp tính toán GDP đều có ưu - nhược điểm riêng, đặc biệt trong những thời điểm bất ổn và chỉ số kinh tế biến động mạnh.
Phương pháp đo lường tăng trưởng GDP hàng năm của Trung Quốc phù hợp với các quốc gia, các thời điểm có độ biến động lớn về GDP hàng quý. Tuy nhiên, phương pháp này có nhược điểm là ít thể hiện chính xác và cập nhật những thay đổi tức thì của nền kinh tế.
Còn phương pháp đo lường tăng trưởng GDP hàng quý Mỹ phản ánh được mức độ tăng trưởng hoặc suy giảm của nền kinh tế trong ngắn hạn. Nhưng trong bối cảnh biến động mạnh do đại dịch như quý 3/2020, phương pháp này lại phóng đại tương đối đà phục hồi kinh tế, khi tỷ lệ thất nghiệp vẫn còn ở mức hai con số. Chẳng hạn, nếu Trung Quốc cũng tính toán tốc độ tăng trưởng GDP theo quý như Mỹ, tăng trưởng GDP quý 2/2020 của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ lên tới 55%.
Nếu tính theo phương pháp tăng trưởng GDP hàng quý, GDP Trung Quốc quý 1/2021 chỉ tăng 0,6% so với quý 4/2020, một tốc độ chậm lại đáng kể. Nhưng nó phản ánh đúng bản chất đà phục hồi vững chắc và chậm rãi của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sau thời gian phục hồi mạnh mẽ vào nửa cuối năm 2020.
link gốc tại đây
vneconomy