Rủi ro đặc biệt các nhà đầu tư nên sẵn sàng đối mặt trong năm 2021
Nam Anh
Senior Economic Analyst
Sau những đợt bùng nổ của vô số các loại tài sản tài chính bắt nguồn từ sự dư thừa thanh khoản, sự dễ dãi của các ngân hàng trung ương có lẽ sẽ khó có thể được duy trì
Điều gì sẽ xảy ra với khoảng cách ngày một xa rời giữa Phố Wall và Phố Chính (Main street)? Đây là câu hỏi quan trọng đối với các nhà đầu tư trong việc thiết lập danh mục đầu tư cho năm 2021. Đây cũng là câu hỏi quan trọng đối với nền kinh tế toàn cầu và các nhà hoạch định chính sách.
Trong suốt năm đại dịch vừa qua, chúng ta đã chứng kiến sự cách biệt ngày càng bị đào sâu giữa thị trường tài chính và nền kinh tế. Sự phục hồi nhanh chóng của giá tài sản từ mức thấp nhất ngày 23 tháng 3 đã đưa các chỉ số chứng khoán chính của Mỹ lên mức kỷ lục, ngay cả trước khi có tin tốt gần đây về vắc xin Covid-19. Kết hợp với các chính sách ngày một lỏng của ngân hàng trung ương, điều này đã đặt nền tảng cho những đợt phát hành nợ kỷ lục với các mức lãi suất thấp lịch sử.
Trong khi đó, tình hình kinh tế toàn cầu vẫn còn nhiều bất ổn. Một làn sóng covid-19 tiếp theo đang đẩy các khu vực của châu Âu trở lại suy thoái. Điều này cũng đang kìm hãm đà phục hồi của Hoa Kỳ và đồng nghĩa với triển vọng một số quốc gia Đông Á với sự phục hồi rõ rệt nổi lên như một động lực mạnh mẽ của tăng trưởng toàn cầu. Tình trạng trên càng kéo dài, càng xuất hiện nguy cơ nền kinh tế toàn cầu hứng chịu những vết sẹo ảnh hưởng nghiêm trọng đến tăng trưởng dài hạn.
Triển vọng kinh tế bất định cùng với sự khác biệt đáng chú ý giữa sự hồi phục của các quốc gia hàng đầu là một trong những hệ quả chính của đại dịch Covid-19 mà các thị trường đã tỏ ra thờ ơ bắt nguồn từ niềm tin cao ngất ngưởng vào khả năng bảo vệ giá tài sản của các ngân hàng trung ương khỏi những ảnh hưởng bất lợi. Dù sao đi nữa, thị trường vẫn luôn như vậy và hiện các nhà đầu tư thậm chí đã sẵn sàng mua các loại tài sản mà chỉ được hỗ trợ gián tiếp một phần bởi nguồn vốn của các ngân hàng trung ương (chẳng hạn như các thị trường mới nổi). Đó là một động lực cực kỳ mạnh mẽ, tuy nhiên cũng chắc chắn sẽ đi quá xa.
Không có gì khiến nhà đầu tư yên tâm hơn khi biết rằng các ngân hàng trung ương, với túi tiền khổng lổ của mình, sẽ sẵn sàng mua các loại chứng khoán mà họ sở hữu - đặc biệt khi những người mua này sẵn sàng làm như vậy với bất kỳ giá nào và có nguồn vốn không giới hạn. Phản ứng hợp lý của nhà đầu tư không chỉ là đoán bắt trước hành vi mua vào của các ngân hàng trung ương mà còn nắm bắt các cơ hội liên quan nơi các quỹ tìm kiếm lợi nhuận sẽ hướng đến.
Kết quả không chỉ là các đợt bùng nổ dựa trên nguồn thanh khoản dường như vô tận bất kể các yếu tố cơ bản. Nó cũng thay đổi điều kiện thị trường và đảo ngược quan hệ nhân quả truyền thống.
Dựa trên những gì chúng ta đã biết vào thời điểm hiện tại, những thách thức mà các nhà đầu tư phải đối mặt vào năm 2021 có lẽ sẽ xuất hiện nhiều hơn nữa vào cuối năm. Đó là trừ khi một hoặc nhiều sự gián đoạn đột ngột tăng tốc - một sự đảo ngược chính sách tiền tệ (rất khó xảy ra), một cú sập của thị trường do sự chấp nhận rủi ro quá mức (nhiều khả năng xảy ra nhưng không quá lớn) và sự gia tăng của các vụ phá sản doanh nghiệp (có thể xảy ra nhất nhưng sẽ dần dần theo thời gian). Trong khi các nhà đầu tư sẽ tiếp tục hồ hởi bám theo con sóng thanh khoản có lợi nhuận cao vào lúc này, mọi thứ có thể sẽ trở nên phức tạp hơn khi chúng ta tiến xa hơn vào năm 2021.
Các ngân hàng trung ương sẽ khó có thể bảo vệ cho những hành động làm bóp méo thị trường ngày càng sâu sắc trong bối cảnh nền kinh tế đang phục hồi và kỳ vọng lạm phát gia tăng. Sự phục hồi này chắc chắn được hoan nghênh nhưng nó không chắc sẽ đủ bù đắp hoàn toàn tác động của các vụ phá sản doanh nghiệp hoặc các tác động tiêu cực của sự bất bình đẳng ngày một gia tăng. Các nhà đầu tư có thể thất vọng vào ngày họ mạo hiểm tiến vào các loại tài sản xa khỏi vùng an toàn của họ nơi thanh khoản có thể dễ dàng biến mất trong 1 đợt điều chỉnh.
Việc tìm kiếm hướng đi trong bối cảnh như vậy sẽ đòi hỏi các công cụ phân tích, trớ trêu thay, lại là thứ có lẽ đã làm giảm lợi nhuận trong phần lớn các đợt tăng giá nhờ thanh khoản dồi dào. Ở đây tôi đang nghĩ đến những thứ như phân tích tín dụng và kỹ thuật chi tiết, lập kế hoạch kịch bản, xây dựng cấu trúc thông minh, đánh giá tính thanh khoản trong các phân khúc thị trường và hiểu rõ hơn về mức độ có thể thu hồi của các sai lầm đầu tư. Nó cũng bao gồm sự sẵn lòng kiểm tra lại một số lý thuyết thông thường. Điều này liên quan đến việc xem xét lại cấu trúc danh mục đầu tư truyền thống là đưa 60% vốn vào cổ phiếu và 40% vào trái phiếu khi lợi suất trái phiếu chính phủ trong thời gian đã bị ép giảm hết sức quyết liệt.
Hiện tại, sự mất kết nối nghiêm trọng giữa thị trường tài chính và nền kinh tế đã tiếp diễn lâu hơn nhiều so với dự kiến. Điều này cho thấy, một lần nữa, những hậu quả không mong muốn của một cách tiếp cận chính sách đặt gánh nặng quá mức lên các ngân hàng trung ương. Hy vọng cho năm 2021 là, với sự phục hồi kinh tế được hỗ trợ bởi vắc-xin, các yếu tố cơ bản của doanh nghiệp trở nên tốt hơn sẽ bắt đầu xác nhận cho sự liên tục gia tăng của giá tài sản và cung cấp dư địa cho sự tái cân bằng có trật tự giữa chính sách tiền tệ-tài khóa-cấu trúc. Có hai rủi ro, và không chỉ đối với thị trường. Thứ nhất, những gì chúng ta mong muốn có thể không khả thi về mặt chính trị, và thứ hai, những gì đã được chứng minh là khả thi sẽ không còn bền vững.