Tác động lâu dài của một đồng dollar suy yếu
Hữu Thăng
FX Strategist
Tháng 7 đã đánh dấu tháng tồi tệ nhất trong một thập kỷ qua của đồng tiền này.
Tóm tắt
- Sau đà tăng dài, đồng dollar Mỹ đã giảm 5% so với rổ các đồng tiền lớn trong tháng 7, đánh dấu tháng tồi tệ nhất trong một thập kỷ qua của đồng tiền này.
- Nguyên nhân và tác động lâu dài của sự sụt giảm này sẽ có ý nghĩa quan trọng đối với triển vọng tương lai của thị trường.
- Một trong những hệ quả mà sự mất giá của đồng dollar để lại trong vài tháng qua là sự trỗi dậy của các đồng tiền từ những nước đang phát triển so với các đồng từ các nước phát triển từ tháng 5 trở đi.
Sau khi có đà tăng dài, đồng dollar Mỹ đã giảm 5% so với rổ tiền tệ phổ biến trong tháng 7, đánh dấu tháng tồi tệ nhất trong một thập kỷ qua của đồng tiền này.
Nhìn vào biểu đồ dưới, đà giảm trong tháng 7 của đồng dollar chủ yếu ảnh hưởng từ sức mạnh của các đồng tiền khác trong nhóm các nước phát triển, đặc biệt là các nước Bắc Âu, đồng Euro và đồng Pound.
Nguyên nhân - Lợi suất thực trái phiếu Mỹ âm
Sự yếu đi của đồng dollar có thể liên hệ tới đà giảm rất sâu của lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ (tức là lợi suất đã điều chỉnh lạm phát). Như những gì chúng ta thấy ở biểu đồ dưới, lợi suất thực của trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 3-5 năm đã giảm mạnh kể từ tháng 5 và giờ đang mức âm sâu. Do đó sức hút của đồng dollar Mỹ đối với nhà đầu tư cũng giảm mạnh.
Bức tranh dài hạn
Khi đặt vào bức tranh dài hạn, đà giảm trong tháng trước của đồng bạc xanh thực ra không quá "khủng khiếp". Mặc dù đồng dollar đã giảm xuống dưới đường trung bình động MA 200 ngày trong thời gian gần đây, tuy nhiên mức giảm này chưa đáng kể so với thời kỳ giữa những năm 80 thế kỷ trước và đầu những năm 2000. Do đó xét đến khía cạnh đóng góp thương mại toàn cầu của từng đồng, thì đồng dollar Mỹ vẫn đang ở phía trên so với đường trung bình 10 năm.
Đồng dollar mất giá giúp cho các đồng của các nước đang phát triển "trỗi dậy"...
Một trong những hệ quả của việc đồng dollar mất giá trong những tháng qua là các đồng tiền của những nước đang phát triển đang tăng giá hơn rất nhiều so với đồng tiền của các nước phát triển, tính từ tháng 5 trở lại đây. Đồng tiền các quốc gia mới nổi đã tăng giá trở lại sau khi dịch COVID-19 bắt đầu lắng xuống và khẩu vị rủi ro dần tích cực, mặc dù đà tăng yếu dần trong những ngày gần đây. Dollar Mỹ suy yếu đang giảm áp lực cho các nước đang phát triển, nhất là những nước vay nợ nhiều bằng dollar Mỹ.
... tuy nhiên không giúp ích được gì cho "màn thể hiện" của chỉ số Russell 2000
(Chỉ số Russell 2000 là chỉ số đo lường sức mạnh 2000 cổ phiếu nhỏ hơn trong tổng số 3000 cổ phiếu, chiếm đến 98% vốn hoá thị trường chứng khoán)
Biểu đồ dưới cho thấy sự tương quan rõ rệt giữa giá trị đồng dollar và "phong độ" của các cổ phiếu vốn hoá lớn nhất (Russell 1000) so với các cổ phiếu vốn hoá nhỏ hơn (Rusell 2000) trong năm qua. Tuy nhiên, sự tương quan này có vẻ như đã không còn đúng trong tháng 7. Mặc dù đồng dollar giảm giá, thường là tín hiệu cho thấy tâm lý rủi ro cải thiện, chỉ số Russell 1000 vẫn trụ vững so với chỉ số Russell 2000. Sự đảo ngược của xu hướng đang phản ánh sự thiếu chắc chắn trong đà phục hồi của kinh tế Mỹ, do đó giúp chỉ số các cổ phiếu ít chịu ảnh hưởng yếu tố nội địa mạnh lên so với chỉ số của nhóm cổ phiếu vốn hoá nhỏ.