Tại sao S&P 500 ESG tiếp tục vượt trội so với chỉ số S&P gốc?
Tạ Thị Giang
Junior Analyst
Khi nhìn nhận qua lăng kính ESG, các nhà đầu tư có thể phát hiện ra những rủi ro tiềm ẩn mà phân tích tài chính thông thường có thể bỏ sót.
Thuật ngữ đầu tư vào ESG lần đầu tiên xuất hiện cách đây 20 năm trong một báo cáo có tựa đề "Who Cares Wins" của Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc lúc bấy giờ là Kofi Annan.
Kể từ đó, đầu tư ESG đã phát triển với tốc độ nhanh chóng, với các xu hướng kinh tế và xã hội gần đây dẫn đến việc các nhà đầu tư ưu tiên đưa các công ty tập trung vào ESG vào danh mục đầu tư của họ. Theo ước tính, các tài sản liên quan đến tính bền vững toàn cầu có thể đạt tới 50 nghìn tỷ USD vào năm 2025.
Chỉ số S&P 500 ESG là một chỉ số rộng, đo lường hiệu suất của các công ty trong S&P 500 đáp ứng các tiêu chí về tính bền vững, đồng thời duy trì tỷ trọng nhóm ngành tương tự và hồ sơ rủi ro - lợi nhuận tương đồng với S&P 500.
Khi nhìn nhận qua lăng kính ESG, các nhà đầu tư có thể phát hiện ra những rủi ro tiềm ẩn mà phân tích tài chính thông thường có thể bỏ sót. Bằng cách loại trừ các công ty có điểm ESG thấp hơn so với các công ty cùng ngành, một phần rủi ro đã được loại bỏ khỏi chỉ số.
Dấu hiệu rõ ràng cho thấy sự chấp nhận ngày càng tăng của các nhà đầu tư hiện nay là sự phát triển của hợp đồng tương lai Chỉ số S&P 500 ESG của Tập đoàn CME, vốn đã trở thành một trong những hợp đồng tương lai chỉ số chứng khoán ESG thanh khoản nhất trên toàn cầu. Hợp đồng mở (Open interest) đã đạt mức kỷ lục khoảng 4.6 tỷ USD giá trị danh nghĩa trong năm nay khi các nhà đầu tư sử dụng các sản phẩm này để tiếp cận các cổ phiếu vốn hóa lớn của Mỹ có uy tín về tính bền vững cao hơn.
Nhóm đầu tiên tham gia vào hợp đồng tương lai này chủ yếu đến từ khu vực EMEA (Europe, Middle East, Africa - Châu Âu, Trung Đông, Châu Phi). Bên cạnh đó, sự quan tâm cũng đến từ cả Mỹ và châu Á. Đối với khu vực Châu Á, ban đầu sự quan tâm chỉ gói gọn ở một vài quốc gia như Australia và Nhật Bản, nhưng hiện nay mức độ tham gia đã lan rộng khắp khu vực.
Cơ cấu của Chỉ số S&P 500 ESG
Nhiều nhà quan sát tin rằng việc sàng lọc các công ty có điểm ESG cao là một cách để tìm ra những công ty có bộ máy quản lý tổng thể mạnh mẽ. Điều này có thể bao gồm các yếu tố như chiến lược khí hậu vững chắc, đội ngũ điều hành sáng suốt, quản lý rủi ro có tầm nhìn xa, quản trị doanh nghiệp tốt, tập trung vào tính minh bạch của chuỗi cung ứng, hệ thống an ninh thông tin và bảo mật dữ liệu mạnh mẽ.
Chỉ số S&P 500 ESG sử dụng phương pháp sàng lọc hoạt động kinh doanh, chủ yếu được thực hiện bằng cách loại trừ hoặc giảm tỷ trọng của các thành phần có điểm ESG thấp nhất, cũng như các công ty không tuân thủ Hiệp ước Toàn cầu của Liên Hiệp Quốc. Ngoài ra, các công ty có điểm ESG nằm trong nhóm 25% thấp nhất trong cùng ngành cũng sẽ bị loại khỏi chỉ số.
Chỉ số S&P 500 ESG là một giải pháp tiềm năng cho những nhà đầu tư đang tìm kiếm sản phẩm dạng chỉ số để đáp ứng yêu cầu của các quy định như Điều 8 của Quy định Công bố Tài chính Bền vững của Liên minh Châu Âu (EU Sustainable Finance Disclosure Regulation). Mặc dù mục tiêu chính của Chỉ số S&P 500 ESG không phải là giảm thiểu lượng khí thải carbon, nhưng nó vẫn cho thấy những cải thiện đáng kể trong lĩnh vực này.
Số liệu của S&P 500 ESG so với Chỉ số gốc S&P 500
Chỉ số | S&P 500 ESG | S&P 500 |
Số lượng cổ phiếu | 324 | 503 |
Trọng số của 10 công ty hàng đầu | 40.11% | 33.8% |
Điểm ESG | 50.70 | 46.10 |
Cải thiện điểm ESG so với chỉ số mẹ | 11.87% | - |
Cường độ carbon trung bình có trọng số | 109.72 | 134.31 |
Hiệu suất Carbon (tC02e/mnUSD) | 131.38 | 154.85 |
Dấu chân Carbon (tC02e/triệu USD) | 38.17 | 44.42 |
Dự trữ nhiên liệu hóa thạch | 447 | 445 |
Nguồn: S&P Dow Jones Indices LLC. Dữ liệu tính đến ngày 1 tháng 5 năm 2024. |
Hiệu suất vượt trội sau năm năm
Cho đến quý 3 năm 2021, chỉ số S&P 500 và S&P 500 ESG đều có diễn biến tương tự. Tuy nhiên, bắt đầu từ quý 4 năm 2021, Chỉ số S&P 500 ESG đã bắt đầu ghi nhận mức vượt trội ổn định so với S&P 500, trung bình là 4 điểm. Hiện nay, khi đã bước sang năm thứ 5 hoạt động, tính đến đầu tháng 5, Chỉ số S&P 500 ESG đã vượt trội so với S&P 500 với mức tích lũy là 15.1%.
Chỉ số S&P 500 ESG duy trì cơ cấu ngành tương tự như S&P 500 kể từ khi ra mắt. Điều này phù hợp với mục tiêu chính của chỉ số, đó là duy trì tỷ trọng nhóm ngành tổng thể tương tự như S&P 500, đồng thời cải thiện hồ sơ tính bền vững tổng thể của chỉ số.
Lợi nhuận vượt trội của Chỉ số S&P 500 ESG chủ yếu đến từ việc lựa chọn cổ phiếu chứ không phải do sự khác biệt về cơ cấu ngành. Điều này là do thiết kế của chỉ số hướng tới kết quả trung lập theo ngành và việc giảm tỷ trọng các thành phần có điểm ESG thấp nhất đóng góp nhiều nhất vào hiệu suất vượt trội của Chỉ số S&P 500 ESG.
Tái cơ cấu năm 2024
Chỉ số S&P 500 ESG tiếp tục được tinh chỉnh để phản ánh tâm lý của các nhà đầu tư quan tâm đến tính bền vững. Việc cập nhật các tiêu chí loại trừ và điều kiện tham gia niêm yết phản ánh nhu cầu ngày càng tăng của các nhà cung cấp chỉ số trong việc tính toán chính xác hoạt động kinh doanh của các công ty. Điều này cuối cùng đảm bảo các nhà đầu tư ESG có thể đánh giá chính xác hành vi của các công ty đó trong danh mục.
Tại đợt tái cơ cấu năm nay diễn ra vào ngày 1 tháng 5, Amazon và Netflix nằm trong số những tên tuổi lớn bị loại khỏi danh sách. Ngược lại, Exxon Mobil Corp và Costco Wholesale Corp được thêm vào. Năm nay, có 57 cổ phiếu được thêm vào và 47 cổ phiếu bị loại bỏ, nâng tổng số thành phần của chỉ số sau khi cơ cấu lại lên 324, tăng so với mức 314 của năm 2023.
Những bổ sung và loại bỏ đáng chú ý nhất của Chỉ Số S&P 500 ESG trong Phiên Cơ cấu lại thường niên 2024
Top 10 sự bổ sung lớn nhất | Top 10 sự loại bỏ lớn nhất |
Exxon Mobil Corp | Amazon.com Inc |
Costco Wholesale Corp | NetFlix Inc |
Accenture plc A | Thermo Fisher Scientific |
Intl Business Machines Corp | Intuit Inc |
Danaher Corp | Verizon Communications Inc |
Uber Technologies Inc. | ConocoPhillips |
Stryker Corp | Texas Instruments Inc |
Marsh & McLennan Companies | Progressive Corp |
Fiserv Inc | Vertex Pharmaceuticals Inc |
T-Mobile US Inc | EOG Resources |
Nguồn: S&P Dow Jones Indices LLC. Dữ liệu tính đến ngày 30 tháng 4 năm 2024 |
Các yếu tố thúc đẩy ESG trong năm 2024
Các yếu tố thúc đẩy quan trọng liên quan đến ESG trong năm 2024 sẽ là sự phát triển của các quy định của EU (Liên minh Châu Âu) về Tài chính Bền vững. Các cố vấn sẽ phải hỏi khách hàng về sở thích bền vững của họ, có nhiều yêu cầu công bố thông tin hơn đối với các công ty và các nhà quản lý tài sản phải nêu rõ cách họ quản lý rủi ro ESG.
CME