Thắt chặt tiền tệ và bài học cho các chính phủ về việc "vung tay quá trán"
Nguyễn Ngọc Mai
Analyst
Việc chi phí chi vay tăng lên đã buộc chính phủ các quốc gia phải thay đổi chính sách chi tiêu theo hướng thắt lưng buộc bụng hơn
Trong những năm 2010, khi lãi suất chạm mức thấp lịch sử, thị trường chỉ giáng những đòn “cảnh cáo nhẹ nhàng” vào những quốc gia có chính sách tiền tệ lỏng lẻo như Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ và Argentina. Tuy nhiên, hiện lạm phát đã quay trở lại, lãi suất đang tăng lên và nợ toàn cầu không ngừng gia tăng. Danh sách các quốc gia rơi vào tình trạng báo động cùng ngày một dài.
Các quốc gia từ Vương quốc Anh đến Brazil, Chile, Colombia, Ghana, Ai Cập, Pakistan, thậm chí cả Hungary đã buộc phải thay đổi chính sách, hoặc ít nhất là quan điểm về thị trường. Các quốc gia này đều có điểm chung là tổng nợ quốc gia cao và thâm hụt kép ngày càng lớn - tài khoản vãng lai và ngân sách quốc gia - kết hợp với các chính sách lỏng lẻo có thể làm gia tăng mức thâm hụt. Tuy nhiên, thời kỳ thắt chặt tài chính mới là điểm mấu chốt. Danh sách các quốc gia chịu ảnh hưởng ngày một tăng lên và không có quốc gia nào có tránh khỏi, kể cả Mỹ - quốc gia có mức thâm hụt kép cao nhất trong các nước phát triển.
Chính sách tiền tệ thắt chặt đang siết lấy tất cả các thị trường tài sản, bao gồm cả chứng khoán và tiền tệ, “trừng phạt” các chính phủ và đặt ra một câu hỏi thực tế về việc liệu các quốc gia có thể thanh toán các khoản nợ mà không cần sử dụng chính sách tiền rẻ hay không.
Thủ tướng vốn có những quan điểm bảo thủ của Vương quốc Anh Liz Truss đã bị buộc phải từ chức vào tháng 10 sau khi đồng bảng Anh liên tục mất giá như một cách thị trường phản ứng với Chính sách kinh tế của tân Thủ tướng về việc giảm thuế đối với người thu nhập cao. Người kế nhiệm của bà ngay sau đó đã bãi bỏ chính sách này. Ngay sau đó, kế hoạch chi tiêu của Luiz Inácio Lula da Silva, tổng thống sắp tới của Brazil, cũng đã khiến đồng tiền của nước này tụt giá thê thảm.
Khi Lula cho rằng động thái này là do “các nhà đầu cơ” chứ không phải “những nhà đầu tư thực sự nghiêm túc”, thị trường đã phản ứng bằng cách đẩy lãi suất thực của Brazil lên cao - vốn trước đó đã thuộc mức cao nhất thế giới. Các trợ lý của Lula sau đó đã phải cố gắng xoa dịu thị trường. Những quốc gia theo chủ nghĩa xã hội, vốn đang phát triển mạnh ở khu vực Mỹ Latin, ở lân cận cũng chịu ảnh hưởng.
Tổng thống Colombia, Gustavo Petro đã hứa hẹn giáo dục đại học miễn phí, công việc người thất nghiệp và cắt bỏ sự lệ thuộc vào dầu mỏ. Thị trường hoài nghi rằng chính quyền Tổng thống Petro có thể thanh toán cho những phúc lợi mới với doanh thu từ dầu mỏ ít hơn, do đó các nhà đầu tư đã bán ra đồng peso, buộc Bộ trưởng Tài chính phải đảm bảo với thị trường rằng chính quyền “sẽ không làm những điều sai lầm”.
Tổng thống Chile, Gabriel Boric đã thúc đẩy một hiến pháp mới với những điều mà nhiều người xem là lời hứa “không tưởng”, bao gồm chăm sóc sức khỏe, giáo dục và cung cấp nhà ở miễn phí. Các nhà đầu tư sau đó đã “tháo chạy” khỏi thị trường này, đồng peso giảm 30% chỉ trong vòng 6 tuần. Một làn sóng phản đối hiến pháp bùng lên trong cuộc trưng cầu dân ý hồi tháng 9.
Trong thập kỷ qua, lãi suất thấp khiến cho việc đi vay trở nên dễ dàng và tình trạng vỡ nợ trên quy mô quốc gia rất hiếm khi xảy ra, đến nỗi nhiều chính phủ đã đi vay đến mức vượt quá khả năng chi trả của mình. Giờ đây, khi chi phí đi vay và tỷ lệ vỡ nợ tăng lên, họ buộc phải thay đổi, bắt đầu từ các quốc gia kém phát triển dễ bị ảnh hưởng nhất đối với các chủ nợ nước ngoài.
Khi các thị trường gây áp lực buộc Ai Cập phải phá giá đồng tiền và giảm thâm hụt kép để đảm bảo viện trợ của IMF, các nhà chức trách đã trì hoãn đề xuất này trong nhiều tháng. Cuối cùng đất nước này cũng nhượng bộ và tiền tệ Ai Cập đã mất giá hơn 20%. Ghana đã phản đối viện trợ của IMF, nhưng khi thị trường lao dốc và đồng Cedi bị bán tháo đã thúc đẩy những lời kêu gọi Tổng thống Nana Akufo-Addo từ chức. Tổng thống sau đó đã phải nhượng bộ và đề nghị IMF giúp đỡ. Từ Pakistan đến Hungary, những nước vốn nghĩ rằng họ có thể thoát khỏi việc áp dụng lãi suất thực thấp để quay trở lại mô hình kinh tế chính thống, đã buộc phải tiếp tục tăng lãi suất. Hungary đã áp đặt mức tăng lãi suất khẩn cấp, đồng thời chính quyền hứa cắt giảm chi tiêu và tăng thuế để đủ điều kiện nhận trợ giúp tài chính của EU.Trong số những quốc gia bị thị trường trừng phạt từ những năm 2010, chỉ có Argentina và Thổ Nhĩ Kỳ vẫn tuân theo các chính sách không chính thống và vẫn phải đối mặt với chi phí đi vay cao ngất ngưởng. Hy Lạp theo đuổi những cải cách chính thống và một lần nữa là một bên vay có vị thế tốt trên toàn cầu.
Ngày nay, kỷ luật có một ý nghĩa nghiêm ngặt hơn. Cho dù đó là việc Mỹ phải trả hàng nghìn tỷ đô la nợ cho y tế và an sinh xã hội, hay châu Âu đang cắt giảm trợ cấp năng lượng, thì ngay cả các siêu cường cũng không nên vay tiền như thể tiền vẫn còn rất rẻ. Trong kỷ nguyên thắt chặt tiền tệ mới, thị trường có thể nhanh chóng chống lại những người tiêu xài tự do, bất kể giàu có đến đâu đi chăng nữa.
Financial Time