Thế giới không dùng lãi suất là công cụ duy nhất để kiềm chế lạm phát thời Covid
Tin Tức Tổng Hợp
feeder
Khi chi phí sinh hoạt trên toàn cầu tăng vọt, chính phủ các nước đã không chỉ phó thác chuyện kìm cương lạm phát cho các ngân hàng trung ương mà còn đưa ra nhiều đối sách riêng.
Hãng tin Bloomberg đã chỉ ra nhiều chính sách kinh điển và những biện pháp mới mẻ đã được nhiều nước áp dụng nhằm bình ổn giá hàng hóa, từ nhóm công tác đặc biệt về chuỗi cung ứng của Tổng thống Joe Biden hay trợ cấp năng lượng của EU đến các giới hạn trần về giá hàng tiêu dùng hay các biện pháp kiểm soát toàn diện của Argentina.
Vai trò của chính phủ trong kềm cương lạm phát?
Các biện pháp này một lần nữa đặt ra câu hỏi: Chính phủ làm cách nào tốt nhất để kiểm soát lạm phát?
Hai quy tắc nền tảng của kinh tế học chính thống trong các thập niên gần đây cho rằng giá cả nên dựa trên các nền tảng thị trường tự do và kiềm chế lạm phát thuộc phạm trù của chính sách tiền tệ. Tiếp theo sau các gói kích thích kinh tế kỷ lục của các chính phủ và ngân hàng trung ương đã vực dậy nhu cầu trên cả thế giới, áp lực giá cả đang phủ bóng mờ các nỗ lực kiềm chế lạm phát.
Một đàng, không rõ là chuyện các nước đang chạy đôn đáo vay nợ, nâng trần mức nợ công có thể giải quyết nguyên nhân gây lạm phát trong dịch đối với nguồn cung của nền kinh tế. Chẳng hạn như chuyện tắc nghẽn vận tải đường biển hay thiếu hụt nguyên liệu và lao động.
Đàng khác, theo quan điểm của các chính trị gia, thời gian đã không còn nhiều để có thể giải quyết các vấn đề cấp bách của nền kinh tế. Các nhà kinh tế thường nói rằng cần phải mất ít nhất sáu tháng để việc siết chặt chính sách tiền tệ đạt hiệu quả trong việc giảm bớt nhu cầu. Thậm chí, Quỹ Dự trữ liên bang (Fed) nói rằng các đợt tăng lãi suất trong cuối năm 2022 – mà ảnh hưởng có thể ghi nhận vào thời diểm nào đó trong năm 2023 – cũng không làm giảm áp lực lên các chính khách như ông Biden và có thể giúp ông hành động sớm hơn. Các khảo sát từ Mỹ đến Anh cho thấy cử tri đã bắt đầu lo lắng về việc giá cả tăng phi mã.
Hơn nữa, dịch bệnh đã làm sống lại các tranh luận về vai trò của các chính phủ trong nền kinh tế – và lạm phát là một phần trong luận điểm đó. Quan điểm thắng thế cho rằng hãy để mặc thị trường đóng vai trò quyết định, mang lại nguồn hàng giá rẻ. Nhưng khủng hoảng chuỗi cung ứng trong năm nay đã đặt lại các câu hỏi rằng liệu việc tìm kiếm hiệu quả và giá thấp sẽ phải trả giá bằng sự ổn định – thậm chí là an ninh quốc gia.
Trợ cấp năng lượng
Giá năng lượng tăng vọt là một trong những thành tố lớn nhất của lạm phát trong các đợt dịch năm nay, và các nước đang hành động để giảm cú sốc. Vấn đề này có thể chiếm vai trò chủ đạo tại cuộc họp của các nhà lãnh đạo nhóm G20 cuối tuần này.
Chính pháp Pháp dự định sẽ trả trợ cấp một lần trị giá 100 euro cho những người có thu nhập thấp. Còn chính phủ Tây Ban Nha đã hứa hẹn áp giới hạn trần lên hóa đơn tiền điện của hộ gia đình và giảm thuế cho các hãng cung ứng năng lượng, tránh tăng giá năng lượng trên diện rộng. Kenya dùng quỹ bình ổn xăng dầu để giảm giá xăng và cũng đang giảm thuế đánh vào xăng – vốn đóng góp tài chính cho quỹ bình ổn.
Các khoản trợ cấp hay trợ giá như thế này thường không được các nhà kinh tế xem là các biện pháp chống lạm phát. Bởi chúng chỉ khống chế và phân tán mỏng các chi phí. Nhưng các khoản này có thể làm giảm lập tức các đợt tăng chi phí sinh hoạt. Đây chính là áp lực lạm phát đối với những ai không phải là chuyên gia kinh tế.
Ở châu Mỹ Latinh, giá khí hóa lỏng đặc biệt nhạy cảm đối với các chính khách, bởi các bình ga là nhiên liệu nấu nướng chủ yếu, hiện diện trong hầu hết các bếp gia đình, đặc biệt là ở những hộ nghèo. Tổng thống Andres Manuel Lopez Obrador của Mexio đang lập một công ty phân phối thuộc sở hữu nhà nước nhằm mang lại khí đốt “ở một mức giá công bằng”. Chính phủ cũng đặt ra giới hạn trần giá khí đốt ở một số khu vực.
Trong khi đó, Thượng viện Brazil đã chuẩn thuận chương trình trợ cấp nhằm giúp 11 triệu hộ gia đình ở đây có thể mua được ga để đun nấu. Ngân sách cho chương trình đến từ cổ tức của hãng dầu khí quốc gia Petrobras.
Kiểm soát chặt giá thực phẩm
Đối với các nước ở mức thu nhập thấp hơn, giá thực phẩm gia tăng có thể kích hoạt cuộc khủng hoảng xã hội. Năm nay, giá thực phẩm có đợt tăng nhanh nhất và nhiều nhất trong suốt một thập niên.
Một vài nước bắt đầu nỗ lực tăng nguồn cung. Ngân hàng trung ương Nigeria đang dành những khoản vay lãi suất thấp cho nông dân, nhằm giúp các trang trại gia tăng sản lượng.
Là nhà xuất khẩu lúa mì lớn nhất thế giới, Nga đang tìm cách tăng năng suất các cánh đồng lúa mì. Nhưng chính phủ cũng thừa nhận rằng điều này cần phải có thời gian. Và Moscow đã giảm bớt lượng xuất khẩu nhằm bảo đảm thị trường nội địa không bị thiếu hụt. Các biện pháp này còn bao gồm loại thuế suất xuất khẩu mới được điều chỉnh mỗi tuần.
Đây là một ví dụ minh họa cho việc điều chỉnh các chính sách giá sinh hoạt. Khi các nước xuất khẩu năng lượng hay thực phẩm thực hiện các biện pháp bảo đảm thị trường trong nước ổn định, thì chính sách này lại hạn chế nguồn cung, làm tăng giá ở các nơi khác. Lệnh cấm xuất khẩu thịt bò của Argentina hồi đầu năm nay là một ví dụ khác cho chính sách này.
Chính phủ một vài nơi tập trung vào các kênh bán thực phẩm. Thổ Nhĩ Kỳ đang mở rộng mạng lưới các cửa hàng thuộc hợp tác xã nông nghiệp và phân công các quan chức điều tra nạn làm giá tại các chợ bán sỉ. Chính phủ cũng bỏ thuế nhập khẩu ngũ cốc và đậu lăng, đồng thời xây dựng hệ thống cảnh báo thời tiết sớm nhằm phát hiện các cú sốc có thể xảy ra với nguồn cung.
Argentina có một lịch sử lâu dài về các chính sách không chính thống nhằm kiềm chế giá cả. Tuy vậy, đất nước Nam Mỹ này liên tục có những đợt lạm phát cao nhất thế giới. Tức là, các chính sách này đã không thực sự hiệu quả. Nhưng Tổng thống Alberto Fernandez đã thực hiện một số biện pháp quyết liệt để kềm mức giá sinh hoạt ở mức thấp. Trong tháng 10, ông Fernandez đã công bố “đóng băng giá cả” hơn 1.400 mặt hàng gia dụng cho đến sau Giáng sinh sau khi chính phủ đã không đạt thỏa thuận nào về giá cả với các hãng hàng tiêu dùng. Tổng thống cũng ra lệnh các xí nghiệp phải chạy hết công suất.
Giải tỏa tắc nghẽn chuỗi cung ứng
Tổng thống Biden đã xoay xở trong nhiều tháng để gỡ nút thắt của các chuỗi cung ứng đã làm giá hàng tiêu dùng tăng vọt và có nguy cơ làm các kệ hàng dịp Giáng sinh trống rỗng, dù rằng nội các chính phủ đã khá dè dặt trong việc sử dụng quyền lực của mình.
Nhà Trắng đã lập nhóm công tác đặc biệt chuyên về chuỗi cung ứng. Nhiệm vụ của toán này là giải phóng các cảng biển đang nghẽn, đưa cảng Los Angeles và Long Beach ở Bờ Tây hoạt động 24/7 cho đến sau Giáng sinh, cấp đến 1 triệu giấy phép giấy phép lái xe để giải quyết nạn thiếu hụt tài xế xe tải, giữ vai trò môi giới để các công ty như hãng chuyển phát nhanh FedEx Corp tăng năng lực giao vận.
Nền kinh tế kế hoạch từ trung ương của Trung Quốc hiện giờ không chịu sức ép lạm phát cao. Tuy nhiên, nhà chức trách đang lo ngại giá xuất xưởng hàng hóa gia tăng, đặc biệt là với than đang có thể khiến tình trạng thiếu hụt năng lượng trầm trọng hơn. Cơ quan hoạch định chính sách kinh tế trung ương đã thực hiện các biện pháp can thiệp thị trường than “đã hoàn toàn lệch khỏi các nguyên tắc cơ bản của cung và cầu”. Chính phủ cũng mở kho dự trữ một số loại kim loại để kìm giữ giá.
Nhà chức trách EU có kế hoạch dài hạn hơn đối với động cơ tăng trưởng chính của nền kinh tế giữa thời đại dịch, đó là các loại chất bán dẫn. Các nước EU muốn chế tạo nhiều chip hơn ngay tại châu Âu. “Can thiệp nhà nước là không thể tránh khỏi nếu muốn đạt được mục tiêu đó”, Thủ tướng ý Mario Draghi phát biểu tuần rồi.
Link gốc tại đây.
Theo TheSaigontimes