Triển vọng kinh tế Anh u ám vì người dân sợ ra đường
Linh Đặng
Investment Analyst
Mặc dù tỳ lệ lây nhiễm tương đương, nhưng người Anh vẫn lo ngại hòa nhập cộng đồng so với các quốc gia châu Âu khác.
Theo số liệu do Văn phòng Thống kê Quốc gia công bố vào ngày 12 tháng 8, nền kinh tế nước Anh thu hẹp 20% trong quý thứ hai, tiêu cực nhất trong nhóm các quốc gia G7. Khoảng 730,000 nhân viên đã bị mất việc kể từ tháng 3 khi đất nước này áp dụng các biện pháp phong tỏa. Thủ tưởng Boris Johnson đã giảm bớt sự trầm trọng của những con số ảm đạm này khi phát biểu rằng nền kinh tế chắc chắn phải đối diện với “những tháng khó khăn phía trước”. Nhưng Anneliese Dodds, nghị sĩ thuộc Công Đảng đối lập, cho rằng chính tâm lý quan ngại khiến người dân cảm thấy không an toàn khi ra ngoài, đang kéo nền kinh tế đi xuống.
Thực tế, người Anh đang rời khỏi ngôi nhà an toàn của họ ít hơn nhiều so với các quốc gia châu Âu khác. Chỉ số di chuyển của Google, theo dõi mọi người di chuyển bằng cách sử dụng dữ liệu từ điện thoại, cho thấy người dân Anh đang đi lại ít hơn 3% so với đầu năm. Ngược lại, với tỷ lệ lây nhiễm tương đương tại Đức (được đo bằng số lượng trung bình động 7 ngày gần nhất), người dân nước này đang du lịch nhiều hơn 20%. Tại Pháp, nơi số ca nhiễm Covid-19 gần đây cao rõ rệt so với Anh, tỷ lệ di chuyển tăng 29%. Trong khi đó, tại các cơ sở làm việc của Anh, tỷ lệ đi lại thấp hơn 38% so với trung bình tháng một và tháng hai. Mặt khác, đồ thị bên dưới chỉ ra tỷ lệ đi lại tại các nước lớn khác ở châu Âu chỉ giảm trung bình 27%.
Các cuộc khảo sát về nhân viên Anh cho thấy một xu hướng tương tự. Vào giữa tháng 7, ngân hàng Morgan Stanley đã thăm dò ý kiến của 12.500 nhân viên Anh, Pháp, Đức, Ý và Tây Ban Nha. Thực tế, chỉ một phần ba các chuyên gia Anh đã quay trở lại văn phòng, so với khoảng ba phần tư các quốc gia cùng lục địa. Theo đó, nhân viên London vẫn đang làm việc từ xa nhiều hơn so với cư dân của các thành phố châu Âu khác (xem biểu đồ).
Hiện nay vẫn chưa rõ tâm lý quan ngại của người dân Anh phát sinh do đâu, điều này có thể liên quan đến mức độ nghiêm trọng của đợt bùng phát dịch bệnh khi đã cướp đi sinh mạng của hơn 46.000 người — nhiều hơn bất kỳ quốc gia châu Âu nào. Thêm vào đó, mất niềm tin vào chính phủ cũng có thể là một yếu tố: một cuộc khảo sát do công ty nghiên cứu Kantar công bố trong tuần này cho thấy 43% người Anh được hỏi không tán thành với cách chính phủ xử lý đại dịch, cao hơn nhiều so với con số trung bình 29% trên toàn cầu. Dù vì bất kỳ lý do gì, cho đến khi người lao động Anh lấy lại niềm tin để lên xe buýt, xe lửa, hoặc uống cà phê với đồng nghiệp, nền kinh tế sẽ vẫn tiếp tục chịu ảnh hưởng.