Vàng: Yếu tố bất lợi theo mùa vụ đã qua?
Nguyễn Long Hà
Junior Analyst
Trong suốt khoảng thời gian qua, diễn biến giao dịch trên thị trường kim loại biến động khó lường. Phân tích cơ bản đang chỉ ra rằng, giá vàng và bạc sẽ có những bứt phá mạnh mẽ trong thời gian tới. Trần nợ công phải được nâng cao hoặc nền kinh tế thế giới sẽ sụp đổ. Mức nợ cao và các gói kích thích lớn đang “phá hủy” giá trị của đồng đô la, điều này đáng ra sẽ khiến kim loại quý tăng giá, nhưng đến nay vẫn chưa có dấu hiệu gì rõ ràng. Với tầm nhìn dài hạn, bài viết tin rằng giá cả của kim loại quý sẽ bùng nổ trong thời gian tới.
Phân tích cơ bản
Việc giao dịch trên thị trường kim loại gặp nhiều khó khăn trong giai đoạn vừa qua. Phân tích cơ bản đã chỉ ra rằng vàng và bạc sẽ có sự tăng giá mạnh mẽ, tuy nhiên tất cả những gì thị trường thể hiện là những mức dao động lớn, đi lên và đi xuống đan xen. Cảm xúc của các nhà đầu tư chi phối và thúc đẩy thị trường đến những trạng thái cực hạn. Công nghệ AI được sử dụng để theo dõi và xác định thời điểm thị trường đạt đến những trạng thái đó và khi nào sẽ quay trở về mức trung bình.
Có nhiều cơ sở để tin rằng trần nợ công sẽ phải được tăng lên, nếu không nền kinh tế thế giới sẽ có nguy cơ sụp đổ tiềm tàng. Chính phủ và các ngân hàng trung ương cũng không thể tăng lãi suất, bởi vì điều đó sẽ khiến các khoản vỡ nợ xảy ra trên quy mô toàn cầu như một cơn sóng thần. Việc tăng lãi suất cũng sẽ gây ra sự điều chỉnh lớn trên thị trường chứng khoán và tất nhiên Fed cũng không muốn mạo hiểm để điều này xảy ra. Mức nợ cao và các gói kích thích lớn đang “phá hủy” giá trị của đồng đô la, điều này đáng ra sẽ khiến kim loại quý tăng giá, nhưng đến nay vẫn chưa có dấu hiệu gì rõ ràng. Trên quan điểm của tác giả, có lẽ trong tương lai chúng ta sẽ sớm được chứng kiến điều này
Ngày 15 tháng 10 năm 2021, Myrmikan Research đã công bố một báo cáo quan trọng về vàng. Báo cáo cho rằng, việc Fed in tiền lẽ ra phải khiến giá kim loại quý gia tăng. Tuy nhiên đến nay điều này vẫn chưa xảy ra, có lẽ thị trường sẽ sớm được chứng kiến những thay đổi. Một điểm mấu chốt đó là Fed không thực sự in tiền, họ tạo ra dự trữ ngân hàng. Các ngân hàng sử dụng các khoản dự trữ để cho vay thế chấp tài sản, khiến giá trị của chúng được gia tăng trong tương lai. Giá của các tài sản tài chính gia tăng trong khi dòng tiền vẫn được giữ ổn định có nghĩa là lãi suất chiết khấu giảm.
Nếu lãi suất chiết khấu giảm, việc xây dựng các công trình sẽ được đẩy mạnh, chúng ta có thể thấy điều đó ở Trung Quốc và Manhattan. Tuy nhiên, việc xây dựng dẫn đến tình trạng dư thừa công suất, sau đó làm giảm dòng tiền, giảm giá tiêu dùng và gây vỡ nợ cho các ngân hàng, trừ khi các ngân hàng trung ương hỗ trợ bằng cách cung cấp nguồn vốn dự trữ mới. Theo thời gian, nếu chu kỳ cứu trợ này tiếp tục, lượng vốn của xã hội đổ dồn vào các khoản đầu tư yếu kém sẽ ngày càng gia tăng. Điều này như kim tự tháp của Ai Cập cổ đại: dù các hoạt động kinh tế diễn ra liên tục, nhưng kết quả thu được rất ít và không tạo ra thứ gì về lâu dài.
Trong đại dịch COVID, Fed và chính phủ đã ra sức giảm thiểu những tác động không mong muốn về mặt kinh tế cho người dân. Bộ tài chính đã trợ cấp cho những người không thể làm việc và giúp đỡ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Do đó, Bộ tài chính đã góp phần trực tiếp vào sự gia tăng lạm phát giá tiêu dùng. Thu nhập và chi tiêu vẫn được duy trì trong khi nguồn cung giảm do các vấn đề về phong tỏa, giãn cách và đứt gãy chuỗi cung ứng, điều đó dẫn đến việc giá cả gia tăng.
Nguồn: Federal Reserve
Kể từ khi đại dịch bùng nổ, bảng cân đối kế toán của Fed đã tăng hơn gấp đôi và kích thích lạm phát. Với bốn yếu tố gồm: các cải tiến về mặt công nghệ, sự gia tăng lực lượng lao động của Trung Quốc, vốn đầu tư được định giá thấp và chỉ số CPI bị cho là không còn phản ánh đúng được lạm phát do chất lượng hàng hóa tiêu dùng thay thế bị suy giảm, đều đã góp phần giữ cho lạm phát giá tiêu dùng trong tầm kiểm soát. Tuy nhiên những yếu tố này không còn giữ như cũ nữa. Các cải tiến công nghệ hiện nay tập trung chủ yếu vào vấn đề giải trí, tính hiệu quả và đầu cơ tài chính. Trung Quốc đang phải đối mặt với việc giảm số lượng lao động do kết quả của chính sách một con.
Nguồn: tradingeconomics.com
Giá năng lượng đang tăng cao, điều này cho thấy lạm phát sẽ không phải là vấn đề tạm thời. Đã có sự thiếu đầu tư trầm trọng vào dầu mỏ, khí đốt tự nhiên, than đá và hạt nhân, vốn là sản phẩm truyền thống có năng suất cao nhất của ngành năng lượng. Giá khí đốt tự nhiên và giá dầu đều đang tăng mạnh. Trên thực tế, lạm phát đang ảnh hưởng đến hầu hết mọi mặt hàng từ kim loại như đồng cho đến thực phẩm như yến mạch, sợi bông hay đậu nành. Mọi thứ đều có mức giá gia tăng đến hai con số - lạm phát.
Dưới ảnh hưởng của lạm phát, chúng ta sẽ thấy những biến động lớn về giá cả, giống như những gì chúng ta đang thấy ở thời điểm hiện tại. Trong những năm 1970, những biến động lớn tương tự cũng đã xuất hiện với giá của dầu mỏ và các mặt hàng khác.
Với ảnh hưởng đến từ sự gia tăng giá cả hàng hóa và giá lao động, giá tiêu dùng cũng cho thấy một mức tăng đáng kể. Chỉ số CPI giả định rằng nếu thịt thăn trở nên quá đắt, người tiêu dùng sẽ chuyển sang mua bít tết được làm từ phần nạc vai. Giá cho "bít tết" thì vẫn giữ nguyên, nhưng chất lượng lại suy giảm. Sự tiêu dùng dịch chuyển sang các sản phẩm chất lượng thấp hơn, đã che giấu vấn đề lạm phát trong một khoảng thời gian nhất định, nhưng nếu lạm phát tiếp tục gia tăng và đạt ở mức hai con số chúng ta sẽ sớm nhận thấy rõ sự hiện diện của vấn đề này.
Nếu lạm phát chạm mức hai con số, Fed có thể xem đó như là một phương tiện để giảm gánh nặng nợ. Mặc dù lạm phát khiến giá của mọi mặt hàng tăng gấp đôi, thì theo chiều ngược lại, cũng sẽ làm cho mức nợ giảm đi một nửa. Vấn đề cần lưu ý ở đây, đó là lạm phát không đồng đều, trong một số lĩnh vực và mặt hàng, giá sẽ tăng cao hơn nhiều so với các lĩnh vực khác. Lạm phát cũng sẽ khiến cho nhiều tổ chức phải cầu cứu đến những sự viện trợ từ phía chính phủ. Tuy nhiên, tình trạng này sẽ rất tốt cho những thợ khai thác vàng. Giá hàng hóa tăng so với vàng khi tín dụng tăng, điều này kìm hãm biên lợi nhuận của việc khai thác vàng; Điều ngược lại cũng đúng. Vì vậy, khai thác vàng là một hoạt động kinh doanh tồi tệ trong thời kỳ tăng trưởng tín dụng nhưng lại là một hình thức tuyệt vời khi tín dụng đang sụp đổ.
Fed khó có thể nhận ra chu kỳ lạm phát này, vì dường như, họ cho rằng giá tăng là do các vấn đề của chuỗi cung ứng – và hoàn toàn không liên quan đến các nguyên nhân khác, chẳng hạn như chính sách tiền tệ nới lỏng của chính phủ.
Báo cáo kết luận rằng
Sự bùng nổ về giá ở khắp mọi nơi sẽ buộc lợi suất phải được nâng cao hoặc việc nới lỏng định lượng (Quantitative easing) được thực hiện quyết liệt hơn. Cách phản ứng thứ nhất sẽ dẫn đến một cuộc khủng hoảng nợ thậm chí là mang tính chất toàn cầu. Cách phản ứng thứ hai sẽ là một hành động phá hủy giá trị của tiền tệ. Giá vàng đã tăng gấp 5 lần từ năm 1971 đến năm 1974. Điều tương tự cũng xảy ra từ năm 1978 đến năm 1980. Có lẽ chúng ta cũng sắp trải qua một thời kỳ tương tự.
Mua vàng.
Vàng: Giao dịch đảo chiều trung bình
Nguồn: ema2trade.com
Những báo cáo này sẽ giúp bạn định hướng được vùng “nước xoáy” của thị trường kim loại. Ví dụ, các báo cáo vàng hàng năm dựa trên chỉ báo Variable Changing Price Momentum Indicator (VC PMI), được công bố vào tháng 9, cho rằng xu hướng động lượng hàng năm tại mức giá $1794 là giảm. Động lượng của giá tại mức $1840 cũng là giảm. Nếu nắm giữ vị thế Short, trên cơ sở dữ liệu hàng năm, bạn nên chốt lời ở quanh mức $1572 và $1409. Nếu nắm giữ vị thế Long, trong một năm kể từ tháng 9 năm nay đến tháng 9 năm sau, bạn nên chốt lời ở mức $2003 và $2271. Các mức thoát đối với vị thế Short đồng thời cũng là các mức tuyệt vời để tham gia thị trường và nắm giữ vị thế Long, trong khi các mức giá để rời bỏ vị thế Long đồng thời cũng là mức giá tốt để tham gia thị trường với vị thế Short.
Nguồn: TDAmeritrade
Chúng tôi đã giao dịch vàng trên mức giá trung bình hàng tháng là $1772, mức giá mà chúng tôi đã tham gia tích cực vào ngày 13 tháng 10, và sau đó xu hướng tăng giá đã được xác lập. Mặc dù có sự rung lắc và điều chỉnh trong ngắn hạn, nhưng xu hướng chủ đạo vẫn là tăng giá. Có thể thấy rất nhiều người mua tham gia vào thị trường. Cấp độ bán số 1 hàng tháng là $1823, đây cũng là mục tiêu hàng tháng. Ngay ở trên là $1840, mức trung bình động 360 ngày.
Mặc dù đường trung bình động 360 ngày đang trong đà giảm, nhưng khi dựa trên dữ liệu hàng tuần và hàng ngày, chúng ta bắt đầu thấy động lượng giá đang chuyển sang xu hướng tăng. Một mức giá đóng cửa trên $1785 sẽ phủ nhận xu hướng giảm giá. Giá vàng đã chạm đáy vào ngày 29th. Kể từ đó, đã vào đà tăng từ $1721. Thị trường đang trong một xu hướng tăng tốt.
“Đây là mức giá mà bạn muốn tích lũy,” Giám đốc điều hành Equity Management Academy, Patrick MontesDeOca nói.
Nguồn: TDAmeritrade
Vàng được giao dịch trên mức hỗ trợ hàng ngày, tại $1780. Chúng ta cũng đang ở trên mức giá trung bình hàng tuần là $1783. Bằng cách giữ giá trên mức trung bình hàng ngày và hàng tuần, thị trường đang trải qua động lượng tăng giá nằm trong một xu hướng giảm giá hàng năm lớn hơn.
MontesDeOca cho biết: “Các mức đáy theo yếu tố mùa vụ dường như đã qua". Chúng ta sẽ muốn thấy thị trường kiểm tra các mức giá $1793, $1797 và $1802, cho đến mức giá hàng tuần là $1825, đây là mục tiêu cho phần còn lại của tuần này."
Seeking Alpha