Westpac IQ: Động lực tăng phai mờ, lợi suất TPCP Mỹ và USD chững lại

Westpac IQ: Động lực tăng phai mờ, lợi suất TPCP Mỹ và USD chững lại

Thành Duy

Thành Duy

Junior editor

10:00 25/10/2024

Bản tin sáng từ Westpac IQ.

Điểm chính

Nhìn chung, loạt báo cáo PMI sơ bộ được công bố vào hôm qua, dường như không vẽ thêm nét chấm phá nào mới cho bức tranh hiện tại, với nền kinh tế Mỹ vẫn vững vàng trên đà tăng trưởng, trong khi Anh và Châu Âu lại tỏ ra chật vật.

Điều khiến giới đầu tư bất ngờ chính là sự đảo chiều giảm của lợi suất TPCP Mỹ và USD. Giới phân tích nhận định, kỳ vọng về việc Fed hạ lãi suất dường như đã được phản ánh đầy đủ vào giá, động lực tăng theo đó cũng giảm sút, trong khi kết quả cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vẫn còn là một ẩn số khó đoán định.

Mặt khác, chứng khoán lại mang đến hai sắc thái đối lập, với sự khởi sắc của thị trường Mỹ và Châu Âu, trong khi ảm đạm tại Châu Á.

Chứng khoán

Sắc xanh đã trở lại Phố Wall sau chuỗi ngày ảm đạm, với nhóm cổ phiếu công nghệ là "ngôi sao" sáng nhất. Chỉ số S&P 500 tăng 0.2%, trong khi NASDAQ tăng đến 0.8%. Đi ngược dòng thị trường, Dow Jones lại ghi nhận phiên giảm điểm thứ tư liên tiếp với 0.3%.

Chứng khoán Châu Âu cũng đồng loạt khởi sắc. Chỉ số Euro Stoxx 50 và DAX của Đức đều tăng 0.3%, trong khi FTSE 100 của Anh kém hơn một chút với 0.1%.

Khác với bầu không khí lạc quan tại Mỹ và Châu Âu, thị trường chứng khoán Châu Á lại nhuốm màu u ám. Điển hình là thị trường Trung Quốc, với chỉ số CSI 300 và Hang Seng lần lượt giảm 1.2% và 1.3%. ASX 200 của Úc gần như đi ngang với mức giảm 0.1%. Riêng chỉ có Nikkei của Nhật Bản nhích nhẹ 0.1%.

Câu chuyện lãi suất

Lợi suất TPCP Mỹ không có nhiều biến động trong phiên hôm qua. Cụ thể, lợi suất TPCP Mỹ kỳ hạn 2 năm giữ nguyên ở mức 4.08%, trong khi kỳ hạn 10 năm giảm 3 bps xuống 4.21%. Nguyên nhân chính đằng sau đà tăng gần đây của lợi suất TPCP Mỹ là do kỳ vọng Fed cắt giảm lãi suất và những bất ổn xoay quanh cuộc bầu cử Mỹ ngày càng lớn. Hiện tại, kỳ vọng về việc Fed hạ lãi suất đã được phản ánh gần như đầy đủ, khiến động lực từ yếu tố này giảm sút. Xác suất Fed cắt giảm lãi suất vào cuộc họp chính sách tháng 11 là khoảng 94%. Dù vậy, thị trường vẫn còn nhiều nghi ngại về khả năng Fed tiếp tục cắt giảm lãi suất tại cuộc họp chính sách cuối cùng của năm vào tháng 12. Mặt khác, kết quả cuộc bầu cử Mỹ vẫn là một ẩn số khó đoán định.

Hợp đồng tương lai TPCP Úc đi ngang trong phiên giao dịch đêm qua, kỳ vọng về việc RBA hạ lãi suất cũng đã giảm bớt. Hiện tại, xác suất RBA hạ lãi suất vào tháng 02/2025 là khoảng 60%.

Ngoại hối

Đồng bạc xanh suy yếu sau khi lợi suất TPCP Mỹ giảm. Chỉ số DXY kết phiên hôm qua giảm 0.4% và giao dịch gần mốc 104.00 tại thời điểm viết bài. Đứng sau đà tăng gần đây, USD vốn được hỗ trợ bởi cái nhìn tích cực với các chính sách thương mại của ông Trump, bên cạnh việc thị trường hạ kỳ vọng Fed cắt giảm lãi suất, tuy nhiên, vẫn còn đó dấu hỏi lớn về sự bền vững của những động lực này. Do trước đây, thị trường đã nhanh chóng mường tượng về các kịch bản Fed cắt giảm lãi suất dựa trên dữ liệu kinh tế yếu kém, nên điều tương tự rất có thể sẽ lặp lại. Điều này sẽ nhanh chóng đảo ngược đà tăng của USD. Mặc dù vậy, nếu dữ liệu kinh tế sắp tới vẫn tích cực, USD hoàn toàn có thể duy trì được đà tăng gần đây.

AUD/USD tăng nhẹ, giao dịch quanh mức 0.6630 tại thời điểm viết bài, tuy nhiên, động lực đến từ việc USD suy yếu chứ không phải do bản thân AUD mạnh lên. Giờ đây, thị trường đã không còn kỳ vọng quá nhiều vào gói kích thích tài khóa quy mô lớn từ Trung Quốc, do đó, tiềm năng tăng giá của AUD/USD có thể phụ thuộc vào USD và kết quả của cuộc bầu cử Mỹ, với khả năng cặp tiền này sẽ nhạy cảm hơn với chiến thắng của ông Trump.

JPY là đồng tiền tăng giá mạnh nhất so với USD. USD/JPY theo đó đã giảm từ mức cao 152.83 xuống 151.55. Mặc dù vậy, dữ liệu hoạt động kinh tế ảm đạm của Nhật Bản được công bố hôm qua vẫn không khiến thị trường thay đổi quan điểm về việc BoJ sẽ thắt chặt chính sách một cách thận trọng. EUR/USD cũng bật tăng hơn 0.4% sau khi chạm mức thấp nhất trong 3 tháng, giao dịch quanh 1.0820 tại thời điểm viết bài.

Hàng hóa

Giá dầu thô giảm do các báo cáo cho biết đại diện Israel và Hamas sẽ gặp nhau tại Qatar vào tuần tới, trong bối cảnh Mỹ đang nỗ lực thúc đẩy nối lại đàm phán hòa bình. Những tuần tới sẽ rất quan trọng đối với thị trường dầu mỏ khi OPEC+ có kế hoạch dỡ bỏ dần việc cắt giảm sản lượng tự nguyện bắt đầu từ tháng 12 tới. Ủy ban Giám sát chung cấp bộ trưởng của OPEC+ dự kiến ​​sẽ họp lại vào ngày 01/12 để đánh giá tình hình. Nếu OPEC+ quyết định thay đổi kế hoạch, họ sẽ phải hành động trong vài tuần tới để các thành viên có đủ thời gian điều chỉnh sản lượng.

Mặt khác, giá quặng sắt đã ổn định trở lại sau khi giảm thủng ngưỡng 100 USD/tấn do sản lượng tăng. Hợp đồng tương lai quặng sắt tăng 0.6% lên 100.50 USD/tấn. Ủy ban thường vụ Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc dự kiến ​​sẽ tổ chức một cuộc họp trong hai tuần tới và giới đầu tư đang kỳ vọng sẽ có thêm các biện pháp kích thích tài khóa trong chương trình nghị sự.

Nhịp đập vĩ mô

Châu Âu: Báo cáo PMI tháng 10 cho thấy đà tăng trưởng kinh tế đã suy yếu vào đầu Q4. Chỉ số PMI tổng hợp vẫn kẹt trong vũng lầy suy thoái tháng thứ hai liên tiếp, ở mức 49.7. PMI sản xuất lại cho thấy sự cải thiện đáng kể lên 45.9, chủ yếu là nhờ lực kéo từ Đức. PMI dịch vụ về cơ bản ổn định, duy trì đà tăng trưởng và giữ trên mức 50.0 tháng thứ chín liên tiếp. Nhìn chung, dữ liệu PMI đã củng cố kỳ vọng ECB đẩy nhanh tốc độ cắt giảm lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế.

Anh: PMI sản xuất và dịch vụ đều giảm trong tháng 10, xuống lần lượt là 50.3 và 51.8, mức thấp nhất trong 6 và 11 tháng. PMI tổng hợp cũng giảm xuống 51.7, mức thấp nhất trong gần một năm, phù hợp với tăng trưởng GDP hàng quý chỉ 0.1%. Một điểm sáng le lói là chỉ số giá đầu vào đã giảm xuống mức thấp nhất trong gần bốn năm.

Mỹ: Báo cáo PMI sơ bộ tháng 10 cho thấy nền kinh tế Mỹ vẫn tăng trưởng ổn định và vững chắc bất chấp bất ổn chính trị. PMI tổng hợp đạt 54.3, cao hơn dự kiến ​​và tăng nhẹ so với tháng 9. PMI dịch vụ vẫn ở mức cao 55.3, giúp bù đắp phần nào cho sự yếu kém trong lĩnh vực sản xuất. PMI sản xuất đạt 47.8, đánh dấu lần giảm thứ tư liên tiếp xuống dưới ngưỡng 50.0.

Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu bất ngờ giảm ​​trong tuần kết thúc vào ngày 19/10 và vẫn ở mức thấp trong lịch sử là 227,000 đơn. Việc dữ liệu này tiếp tục duy trì ở mức thấp cho thấy thị trường lao động đang tái cân bằng nhờ nguồn cung lao động dồi dào, chứ không phải do nhu cầu lao động sụt giảm.

Mặc dù vậy, chỉ số Hoạt động Quốc gia của Fed Chicago lại đưa ra quan điểm trái chiều. Đi trượt kỳ vọng về sự cải thiện lên 0.50, chỉ số này đã giảm từ -0.01 xuống -0.28, mức thấp nhất trong 5 tháng, ngụ ý rằng tăng trưởng GDP thực tế có thể đã chậm lại trong tháng 9.

Westpac IQ

Broker listing

Thư mục bài viết

Cùng chuyên mục

Forex Forecast - Diễn đàn dự báo tiền tệ