Westpac IQ: Háo hức trước thềm báo cáo thu nhập Q3, Phố Wall “vui như trẩy hội”; quan chức Fed liên tục đưa ra những phát biểu "thận trọng"

Westpac IQ: Háo hức trước thềm báo cáo thu nhập Q3, Phố Wall “vui như trẩy hội”; quan chức Fed liên tục đưa ra những phát biểu "thận trọng"

Thành Duy

Thành Duy

Junior editor

09:01 15/10/2024

Nhận định của Westpac IQ.

Điểm chính

  • Chứng khoán Mỹ tăng điểm, với các chỉ số chính đóng cửa ở mức cao kỷ lục mới trong bối cảnh thanh khoản thấp. Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán Châu Âu và Châu Á cũng ghi nhận xu hướng tăng điểm chung.
  • Mặt khác, thị trường trái phiếu Mỹ đóng cửa nghỉ lễ Columbus. Những phát biểu gần đây từ các quan chức Fed tiếp tục cho thấy cách tiếp cận thận trọng hơn đối với việc cắt giảm lãi suất.
  • Chỉ số DXY tăng điểm, trong khi AUD tiếp tục suy yếu so với đồng bạc xanh. Giá dầu thô giảm, ngược lại giá quặng sắt tăng.

Chứng khoán

Chứng khoán Mỹ đồng loạt tăng điểm, với các chỉ số chính chốt phiên ở mức cao kỷ lục mới trước thềm các báo cáo thu nhập Q3, dự kiến ​​sẽ được công bố vào cuối tuần này. Dự kiến, lợi nhuận được ghi nhận tăng trưởng trên diện rộng, dẫn đầu là nhóm cổ phiếu công nghệ. Về cổ phiếu riêng lẻ, Nvidia nổi lên như một ngôi sao sáng khi tăng 2.4% và đóng cửa ở mức cao kỷ lục mới.

Các ngân hàng lớn như Bank of America, Goldman Sachs và Citigroup dự kiến ​​sẽ công bố báo cáo kết quả kinh doanh sau phiên giao dịch hôm nay. Kết quả kinh doanh khả quan của các ông lớn trong ngành tài chính như JPMorgan và Wells Fargo đã được công bố vào tuần trước.

Chứng khoán Châu Âu cũng tăng điểm trước thềm cuộc họp của ECB, dự kiến diễn ra vào thứ Năm. Cả hai chỉ số Euro Stoxx 50 và DAX đều tăng 0.7%, trong khi FTSE 100 của Anh chỉ kém một chút với 0.5%.

Nhìn sang Châu Á, thị trường có vẻ như đã có cái nhìn tích cực hơn về các thông báo chính sách tài khóa của Trung Quốc trong vài ngày qua. Chỉ số CSI 300 tăng 1.9% sau phiên giao dịch đầy biến động. Chỉ số Nikkei của Nhật Bản tăng 0.6%, trong khi Hang Seng của Hồng Kông giảm 0.8%.

Hòa chung không khí hân hoan, chỉ số ASX 200 của Úc tăng 0.5%, với 3/11 lĩnh vực ghi nhận sắc xanh, dẫn đầu là nhóm cổ phiếu nguyên vật liệu.

Câu chuyện lãi suất

Giới đầu tư dường như đang khá lung lay về triển vọng Fed cắt giảm lãi suất. Hiện tại, thị trường lãi suất đang phản ánh khả năng Fed sẽ cắt giảm khoảng 50 bps trong phần còn lại của năm 2024 và tổng cộng 145 bps cho đến cuối năm 2025.

Ở mặt trận khác, thị trường dự đoán RBA sẽ cắt giảm lãi suất khoảng 10 bps trong phần còn lại của năm 2024. Dự báo về lần cắt giảm lãi suất đầu tiên đã được dời sang tháng 4, với tổng cộng 78 bps cho đến cuối năm 2025.

Ngoại hối

Chỉ số DXY tiếp đà tăng, chạm mức cao 103.36 trước khi đóng cửa tại 103.23. Phát biểu của Chủ tịch Fed - Jerome Powell rằng cần phải thận trọng trong việc nới lỏng chính sách đã hỗ trợ cho đồng bạc xanh. USD/JPY theo đó cũng đã tiến sát mức 150.00.

Mặt khác, AUD/USD dù có tín hiệu rút chân nhưng vẫn đóng cửa trong sắc đỏ, chạm mức thấp 0.6702 trước khi ổn định tại 0.6723. AUD/USD đã được hỗ trợ bởi thông tin Trung Quốc có thể phát hành trái phiếu đặc biệt trị giá 6 nghìn tỷ Nhân dân tệ (CNY) trong vòng 3 năm để tài trợ cho các gói kích thích kinh tế. Dù vậy, triển vọng ngắn hạn vẫn còn nhiều thách thức đối với AUD/USD do tác động từ chênh lệch lãi suất đang mờ nhạt dần, dữ liệu kinh tế yếu kém từ Trung Quốc (bao gồm cả số liệu cán cân thương mại công bố hôm qua) và căng thẳng địa chính trị leo thang.

Hàng hóa

Giá dầu thô giảm do OPEC hạ dự báo nhu cầu tháng thứ ba liên tiếp, trong bối cảnh có thông tin cho rằng Ả-Rập Xê-Út có thể gia tăng sản lượng vào cuối năm nay để “đối phó” với việc các thành viên khác sản xuất quá mức. Hợp đồng tương lai dầu thô WTI giảm 2.2% xuống 73.92 USD/thùng.

Hợp đồng tương lai quặng sắt tại Sàn giao dịch Singapore tiếp tục tăng 1.3% lên 107.20 USD/tấn. Giá kim loại đồng loạt giảm do USD mạnh lên và nỗi thất vọng về gói kích thích kinh tế của Trung Quốc vẫn đang bủa vây. Giá đồng đang hướng đến vùng hỗ trợ 9,600 USD, trong khi giá nhôm đã xuyên thủng ngưỡng 2,600 USD.

Bánh xe vĩ mô

Trung Quốc

Thặng dư thương mại tăng lên 81.7 tỷ USD trong tháng 9, từ mức 75.5 tỷ USD của cùng kỳ năm ngoái, nhưng vẫn thấp hơn dự báo từ giới chuyên gia là 90.5 tỷ USD. Xuất khẩu tăng trưởng 2.4% so với cùng kỳ năm ngoái, kém xa mức dự báo là 6.0%. Chưa kể, đây là mức tăng trưởng yếu nhất trong năm tháng qua và thua xa con số 8.7% của tháng 8. Bên cạnh đó, nhập khẩu cũng tương đối ì ạch khi chỉ tăng 0.3% so với cùng kỳ năm ngoái, cơ bản phù hợp với mức dự báo 0.8%. Ngoài ra, thặng dư thương mại với Mỹ thu hẹp xuống còn 33.3 tỷ USD trong tháng 9, từ mức 33.8 tỷ USD của tháng 8.

Nhu cầu bên ngoài suy yếu khẳng định sự cần thiết phải có các biện pháp hỗ trợ từ chính phủ. Ngày hôm qua, những quan chức Trung Quốc đã mở rộng danh sách các biện pháp hỗ trợ bằng cách cho biết chính phủ sẽ thực hiện các bước để thúc đẩy hoạt động kinh doanh, thu hút đầu tư và khuyến khích đối xử công bằng hơn với doanh nghiệp từ phía cơ quan quản lý và chính quyền các cấp.

Mặt khác, tổng mức tăng trưởng tín dụng giảm tốc xuống còn 8.0% so với cùng kỳ năm ngoái, mức thấp nhất kể từ khi dữ liệu này bắt đầu được công bố vào năm 2017. Phân tích chi tiết dòng tín dụng cho thấy mức tăng trưởng của tháng 9 chủ yếu được thúc đẩy bởi khu vực công, trong khi khu vực tư nhân thấp hơn mức trung bình.

New Zealand

Doanh số bán lẻ tháng 9 nhìn chung không đổi, sau khi tăng 0.2% trong tháng 8. Sự gia tăng chi tiêu cho các mặt hàng/dịch vụ lưu trú, hàng tiêu dùng và may mặc đã bù đắp cho sự sụt giảm chi tiêu cho nhiên liệu và hàng hóa lâu bền. So với cùng kỳ, doanh số bán lẻ giảm 5.6% trong tháng 9. Ngoài ra, so với tháng trước, doanh số bán lẻ lõi (không bao gồm nhiên liệu) tăng 0.3% trong tháng 9, nhưng lại giảm 4.0% so với cùng kỳ năm ngoái. Xu hướng đi xuống của chi tiêu được ghi nhận trong nửa đầu năm nay dường như đang dần ổn định trở lại, nhờ vào việc cắt giảm thuế có hiệu lực từ ngày 31/07.

Mỹ

Chủ tịch Fed - Christopher Waller cho biết dữ liệu kinh tế gần đây như lời nhắc nhở rằng Fed nên thận trọng hơn trong việc điều chỉnh chính sách. Ông bày tỏ: “Về tổng thể, dữ liệu gần đây cho thấy Fed nên điều chỉnh chính sách tiền tệ một cách thận trọng, từ tốn hơn so với những gì đã thấy tại cuộc họp tháng 9. Chúng ta có thể tiếp tục đưa chính sách tiền tệ hướng tới trạng thái trung lập với tốc độ vừa phải”.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Fed Minneapolis - Neel Kashkari dự kiến rằng lãi suất sẽ chỉ “giảm nhẹ” trong những quý tới. Ông cũng lưu ý rằng vẫn “chưa có dấu hiệu rõ ràng” cho thấy chính sách tiền tệ hiện tại đang thắt chặt đến mức nào và thị trường lao động suy yếu nhanh chóng.

Westpac IQ

Broker listing

Thư mục bài viết

Cùng chuyên mục

Forex Forecast - Diễn đàn dự báo tiền tệ