Yên Nhật được hỗ trợ bởi kỳ vọng BoJ tăng lãi suất và lo ngại về nền kinh tế Trung Quốc; ECB khó ra quyết định với hai luồng quan điểm trái chiều
Thành Duy
Junior editor
Nhận định từ MUFG Research.
JPY: Kỳ vọng BoJ tăng lãi suất và lo ngại về tăng trưởng kinh tế Trung Quốc là tâm điểm
JPY đã tăng giá trong phiên giao dịch châu Á giữa bối cảnh tâm lý thị trường trở nên thận trọng hơn. Sự mạnh lên của JPY rõ ràng nhất so với các đồng tiền hàng hóa của G10 là AUD và NZD, khi AUD/JPY cùng với NZD/JPY đều giảm khoảng 1.5% tính tới thời điểm viết bài. Trong báo cáo “Triển vọng thị trường ngoại hối” tháng 9 của chúng tôi được phát hành vào hôm qua, chúng tôi đã nâng triển vọng cho JPY trong năm tới.
Trong dự báo cập nhật của chúng tôi, USD/JPY dự kiến sẽ giảm xuống 137.00 vào giữa năm sau. Tất nhiên, đó là trong trường hợp JPY tiếp tục mạnh lên, được hỗ trợ bởi kỳ vọng rằng BoJ sẽ thắt chặt chính sách tiền tệ hơn nữa. Những bình luận gần đây của Thống đốc BoJ Ueda đã củng cố quan điểm của chúng tôi rằng BoJ sẽ tăng lãi suất một lần nữa tại cuộc họp chính sách tháng 12 nếu nền kinh tế Nhật Bản tiến triển phù hợp với triển vọng của họ và điều kiện thị trường tài chính tiếp tục ổn định sau giai đoạn biến động vào đầu tháng 8.
Bên cạnh đó, chúng tôi tin rằng sự bất ổn chính trị trước cuộc bầu cử lãnh đạo LDP sắp tới và khả năng tổ chức một cuộc tổng tuyển cử sớm sẽ ngăn chặn việc tăng lãi suất trước dự kiến vào mùa thu. Đồng thời, Fed đã đưa ra những tín hiệu rõ ràng hơn rằng họ dự định bắt đầu cắt giảm lãi suất vào cuối tháng này. Báo cáo bảng lương phi nông nghiệp (NFP) mới nhất cho tháng 8 được công bố vào thứ Sáu sẽ là mấu chốt quan trọng trong việc xác định liệu Fed có bắt đầu chu kỳ cắt giảm lãi suất với 25 bps như thường lệ, hay gấp đôi do mối lo ngại lớn hơn rằng họ đã chậm trễ trong việc nới lỏng chính sách.
Như đã đề cập, việc Fed có cắt giảm lãi suất mạnh tay hay không sẽ phụ thuộc rất lớn vào báo cáo NFP tháng 8. Nếu báo cáo cho thấy thị trường lao động đang chậm lại rõ rệt, Fed có thể sẽ buộc phải mạnh tay hơn. Hiện tại, thị trường đang kỳ vọng rằng Fed sẽ cắt giảm khoảng 33 bps trước thềm cuộc họp FOMC tháng 9, nhưng khả năng cao nhất chỉ 25 bps. Điều này đồng nghĩa với việc USD dễ bị bán tháo hơn nếu báo cáo cho thấy sự suy yếu đáng kể so với dự kiến vào thứ Sáu.
Hôm qua, JPY cũng đã được hỗ trợ khi tâm lý các giao dịch thận trọng hơn. Điều này đã gây áp lực lên các đồng tiền hàng hóa của G10, nhất là AUD và NZD. Mặt khác, các dữ liệu kinh tế được công bố vào đầu tuần này như nhấn mạnh rằng nền kinh tế Trung Quốc vẫn đang gặp khó khăn và sẽ cần thêm những biện pháp kích thích về chính sách để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP cho năm nay là khoảng 5%. Khảo sát PMI tổng hợp cho tháng 8 đã suy yếu lần thứ năm liên tiếp và giảm xuống mức thấp nhất kể từ cuối năm 2022. Điều này sẽ tiếp tục gây áp lực lên PBOC và có thể buộc họ phải hạ lãi suất hơn nữa. Vì vậy, chúng tôi tin rằng sự mạnh lên gần đây của CNY so với USD khó lòng duy trì. Các nhà phân tích của chúng tôi tại Hồng Kông đang dự báo một mức giảm khiêm tốn hơn cho USD/CNY về 7.0500 vào cuối năm, sau khi cặp tiền này đã giảm từ khoảng 7.2500 xuống 7.1000 kể từ tháng 7.
Biểu đồ USD/CNY và chênh lệch lợi suất kỳ hạn 10 năm Mỹ - Trung (Nguồn: Bloomberg, Macrobond & MUFG GMR)
EUR: Nội bộ ‘bất đồng’, quyết định khó khăn!
EUR tiếp tục củng cố ở mức cao sau khi break-out vùng sideway 1.0500-1.1000, vốn đã duy trì trong hầu hết thời gian kể từ cuối năm 2022. Suốt giai đoạn đó, đã có không ít lần EUR/USD thử vượt qua mức 1.1000, nhưng rồi ‘mèo lại hoàn mèo’. Lần này, chúng tôi tự tin hơn rằng cặp tiền đã chuyển sang một vùng giao dịch mới, cao hơn tại 1.1000-1.1500. Sở dĩ, sự tự tin này được hỗ trợ bởi kỳ vọng của chúng tôi rằng Fed sẽ sớm bắt đầu chu kỳ cắt giảm lãi suất, với ít nhất 75-100 bps cho phần còn lại của năm.
Ngược lại, chúng tôi cho rằng ECB sẽ duy trì tốc độ nới lỏng chậm rãi hơn khi bước vào cuối năm. Sau khi thực hiện đợt cắt giảm lãi suất 25 bps đầu tiên vào tháng 6, chúng tôi kỳ vọng ECB sẽ hành động một lần nữa với 25 bps trong tháng này. Trước đó, ECB đã ‘án binh bất động’ trong cuộc họp chính sách tháng 7. Hiện tại, với kỳ vọng của thị trường, một đợt cắt giảm lãi suất 25 bps vào tháng 9 gần như là chắc chắn. Vì vậy, nếu điều này thực sự xảy ra, tác động tiêu cực lên EUR có thể sẽ khá hạn chế.
Giới đầu tư giờ đây sẽ tiếp tục quan sát ‘nhất cử nhất động’ của ECB để đánh giá xem liệu họ sẽ duy trì chu kỳ nới lỏng theo quý, hay tăng tốc bằng cách hạ lãi suất một lần nữa tại cuộc họp tiếp theo vào tháng 10. Thị trường hiện đang kỳ vọng ECB sẽ cắt giảm lãi suất thêm 37 bps vào cuộc họp tháng 10, tuy nhiên sự không chắc chắn vẫn hiện hữu, thể hiện qua tâm lý thận trọng của các nhà đầu tư. Về phía chúng tôi, dự kiến ECB sẽ duy trì chu kỳ nới lỏng theo quý và đợt cắt giảm thứ ba sẽ đến vào tháng 12 thay vì vào tháng 10. Điều này là một trong những cơ sở để chúng tôi kỳ vọng rằng EUR sẽ mạnh lên ở mức vừa phải so với USD.
Một báo cáo mới từ Reuters cho thấy các thành viên Hội đồng quản trị của Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) đang có những quan điểm trái chiều về triển vọng tăng trưởng kinh tế. Sự bất đồng này có thể gây khó khăn cho việc đưa ra quyết định về chính sách tiền tệ trong những tháng tới.
Các quan chức diều hâu tại ECB đã lập luận rằng nền kinh tế đang liên tục cho thấy những tín hiệu phục hồi tốt hơn so với dự báo. Vì vậy, ưu tiên của họ là cắt giảm lãi suất dần dần cho đến khi ECB chắc chắn rằng lạm phát đang quay trở lại mục tiêu 2%. Bên cạnh đó, họ bày tỏ lo ngại rằng sự ‘nóng vội’ có thể ảnh hưởng tiêu cực đến hành trình đưa lạm phát về mục tiêu vào năm 2026.
Quay lại với cuộc họp chính sách vào tháng 9 sắp tới, Chủ tịch ECB Christine Lagarde có thể sẽ không đưa ra tín hiệu rõ ràng về việc cắt giảm lãi suất một lần nữa vào tháng 10. Thay vào đó, như mọi khi, bà có thể quả quyết rằng các quyết định sẽ được đưa ra dựa trên tình hình cụ thể tại mỗi cuộc họp.
MUFG Research