Action Forex: Căng thẳng hạ nhiệt, nhưng rủi ro thương mại vẫn hiện hữu khi Mỹ áp thuế lên hàng hóa Trung Quốc và Bắc Kinh có động thái đáp trả
Thành Duy
Junior editor
Nhận định bởi chuyên gia Action Forex.
Bối cảnh chung
Thị trường toàn cầu đã tìm thấy sự cân bằng tạm thời sau khi Mỹ đồng ý trì hoãn 30 ngày việc áp thuế lên Mexico và Canada, sau những thỏa thuận về vấn đề buôn lậu fentanyl và an ninh biên giới. Tuy nhiên, căng thẳng thương mại vẫn chưa hoàn toàn lắng xuống khi Washington tiếp tục áp thêm 10% thuế lên toàn bộ hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Đáp lại, Trung Quốc đã áp thuế 15% lên than đá và khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) nhập khẩu từ Mỹ, cùng với mức thuế 10% lên dầu thô, thiết bị nông nghiệp và một số loại ô tô, dự kiến có hiệu lực từ ngày 10/02.
Nguy cơ leo thang căng thẳng vẫn hiện hữu, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ngụ ý rằng việc tăng thuế bổ sung đối với Trung Quốc vẫn là một khả năng nếu Bắc Kinh không có thêm hành động cụ thể để kiểm soát hoạt động buôn lậu fentanyl. Song song đó, bất đồng thương mại với Liên minh Châu Âu (EU) cũng đang nóng lên. Cuối tuần qua, ông Trump đã bóng gió về việc hàng nhập khẩu từ Châu Âu có thể là mục tiêu tiếp theo, khiến các nhà lãnh đạo EU tại hội nghị thượng đỉnh ở Brussels phải chuẩn bị các biện pháp đối phó, song vẫn bày tỏ thiện chí đàm phán. Diễn biến trên cả hai mặt trận này sẽ được theo dõi chặt chẽ trong những ngày tới.
Tính đến thời điểm viết bài, trên thị trường tiền tệ, CAD đang dẫn đầu đà tăng trong tuần, phục hồi mạnh mẽ sau thông tin trì hoãn áp thuế. JPY đứng thứ hai, hưởng lợi từ tâm lý e ngại rủi ro của thị trường, trong khi GBP vẫn giữ vững phong độ. Ngược lại, NZD tỏ ra yếu thế nhất, theo sau là EUR và AUD. Mặt khác, USD đã đánh mất phần lớn đà tăng trước đó và hiện đang giao dịch ở nhóm giữa, song hành cùng với CHF.
Điểm qua thị trường chứng khoán Châu Á, tại thời điểm viết bài, Nikkei (Nhật Bản) và HSI (Hồng Kông) tăng lần lượt 0.82% và 1.76%, trong khi Strait Times (Singapore) giảm 0.13%. Song, thị trường Trung Quốc vẫn đang trong kỳ nghỉ lễ. Ở mặt trận khác, kết phiên đêm qua, Dow Jones, S&P 500 và Nasdaq giảm lần lượt 0.28%, 0.76% và 1.20%.
Phân tích kỹ thuật giá vàng
Giá vàng đã thiết lập đỉnh lịch sử mới trong phiên giao dịch hôm qua khi tâm lý e ngại rủi ro thúc đẩy dòng tiền đổ vào lớp tài sản trú ẩn an toàn, sau những biến động trái chiều ban đầu. Nhìn chung, triển vọng giá vàng vẫn lạc quan miễn là ngưỡng hỗ trợ 2,730 USD được duy trì. Mục tiêu tiềm năng tiếp theo là ngưỡng Fibonacci mở rộng 38.2% (1,810 - 2,789 - 2,584) tại 3,074 USD, gần với mốc tâm lý 3,000 USD.
Đồ thị giá vàng (XAU/USD) khung 1D
CAD phục hồi khi Mỹ tạm dừng áp thuế 30 ngày
CAD đã tăng vọt sau khi ông Trump tuyên bố tạm dừng 30 ngày kế hoạch áp thuế lên hàng nhập khẩu từ Canada, chỉ vài giờ sau quyết định tương tự đối với Mexico. Quyết định được đưa ra sau cuộc đàm phán giữa ông Trump và Thủ tướng Canada Justin Trudeau. Thủ tướng Trudeau khẳng định Canada sẽ triển khai các biện pháp quyết liệt mới để chống lại nạn buôn lậu fentanyl, bao gồm việc tăng cường gần 10,000 nhân viên an ninh biên giới. Canada cũng cam kết sẽ bổ nhiệm một “Sa hoàng Fentanyl”, liệt các băng đảng ma túy vào danh sách tổ chức khủng bố, đồng thời thành lập “Lực lượng Đặc nhiệm Chung” Canada - Mỹ để trấn áp tội phạm có tổ chức và rửa tiền.
Nhìn chung, thị trường đón nhận khá tích cực việc hạ nhiệt căng thẳng, khi quyết định tạm dừng áp thuế đã loại bỏ nguy cơ suy giảm trước mắt cho nền kinh tế Canada. Song, ông Trump nhấn mạnh rằng việc tạm dừng này có điều kiện kèm theo là quốc gia này phải có những tiến bộ trong việc thực hiện các biện pháp an ninh và “một thỏa thuận kinh tế với Canada” vẫn cần được thương thảo.
Phân tích kỹ thuật USD/CAD
Một đỉnh ngắn hạn có thể đã hình thành tại 1.4791 sau những biến động mạnh trong tuần. Dự kiến cặp tiền sẽ giao dịch đi ngang trong thời gian tới. Dù vậy, triển vọng vẫn lạc quan nếu phe mua giữ vững được hỗ trợ 1.4260 (ngưỡng Fibonacci thoái lui 38.2% của phạm vi 1.3418 - 1.4791), trùng với đường EMA 55 (ở thời điểm viết bài là 1.4267). Xu hướng tăng của USD/CAD có thể sẽ tiếp diễn sau khi hoàn tất giai đoạn củng cố.
Đồ thị USD/CAD khung 1D
Đồ thị USD/CAD khung 4H
Các quan chức Fed kêu gọi cần kiên nhẫn trong việc cắt giảm lãi suất giữa bất ổn thuế quan
Ba quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã khuyến cáo rằng việc áp thuế mới trên diện rộng có thể gây áp lực tăng giá tiêu dùng và sản xuất, đồng nghĩa với việc tốc độ cắt giảm lãi suất có thể chậm hơn dự kiến.
Chủ tịch Fed chi nhánh Boston, Susan Collins, nhấn mạnh rằng thuế quan áp dụng lên cả hàng hóa cuối cùng và hàng hóa trung gian có nguy cơ đẩy chi phí tăng cao trong toàn bộ chuỗi cung ứng, do đó đòi hỏi phải có những quyết sách “kiên nhẫn”.
“Chúng ta cần thận trọng, kiên nhẫn và không nên vội vàng điều chỉnh chính sách, đặc biệt là trong bối cảnh còn nhiều bất ổn, mặc dù chính sách tiền tệ hiện tại vẫn đang tương đối thắt chặt,” bà Collins cho biết.
Chủ tịch Fed chi nhánh Chicago, Austan Goolsbee, cũng nhấn mạnh “vô số bất ổn” đang hiện hữu, đồng thời cảnh báo rằng việc hạ lãi suất quá sớm có thể khiến lạm phát nóng trở lại. “Chúng ta cần thận trọng hơn trong việc hạ lãi suất bởi lạm phát có nguy cơ quay trở lại,” theo ông Goolsbee.
Trong khi đó, Chủ tịch Fed chi nhánh Atlanta, Raphael Bostic, lưu ý rằng bất kỳ sự tăng giá nào liên quan đến thuế quan hoặc kỳ vọng lạm phát đều cần được theo dõi sát sao trước khi Fed cân nhắc nới lỏng chính sách tiền tệ.
Thống đốc BoJ phát biểu về lạm phát
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ), Kazuo Ueda, tái khẳng định cam kết của BoJ trong việc đạt được mục tiêu lạm phát 2% một cách bền vững, nhấn mạnh rằng trọng tâm vẫn là lạm phát cơ bản chứ không phải những biến động giá nhất thời.
Phát biểu trước quốc hội, ông Ueda cho biết BoJ sẽ loại trừ các yếu tố nhất thời như giá nhiên liệu và thực phẩm tươi sống biến động mạnh khi đánh giá xu hướng lạm phát. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận rằng “quá trình này đôi khi có thể gặp khó khăn”, và do đó cần phân tích kỹ lưỡng trước khi điều chỉnh chính sách.
Action Forex