JPMorgan Research: Triển vọng PMI sản xuất toàn cầu tích cực, nhưng vẫn cần thêm động lực

JPMorgan Research: Triển vọng PMI sản xuất toàn cầu tích cực, nhưng vẫn cần thêm động lực

Như Quỳnh

Như Quỳnh

Junior Analyst

22:33 04/02/2025

Nhận định của JPMorgan New York.

Ngành công nghiệp toàn cầu đã có sự khởi sắc vào cuối năm, được hỗ trợ bởi mức chi tiêu mạnh mẽ cho hàng tiêu dùng, mặc dù tốc độ tăng trưởng chi tiêu cho thiết bị kinh doanh có dấu hiệu chậm lại. Sản lượng công nghiệp đang tăng khoảng 4%ar trong ba tháng tính đến tháng 12. Sự phục hồi đáng kể này được củng cố bởi sự cải thiện trong các cuộc khảo sát kinh doanh gần đây. Sau khi giảm vào tháng 12, chỉ số PMI sản lượng sản xuất toàn cầu đã tăng 1.2 điểm, đảo ngược hoàn toàn mức giảm trước đó. Sự tăng trưởng này diễn ra trên diện rộng, chủ yếu nhờ đà tăng mạnh ở Mỹ và sự cải thiện đáng kể ở Tây Âu. Đơn đặt hàng cũng tăng mạnh hơn so với hàng tồn kho.

Dù có sự cải thiện, các mức PMI vẫn còn thấp. Với mức 50.6, PMI sản lượng sản xuất toàn cầu chỉ cho thấy mức tăng sản lượng khoảng 1%ar. Cần có thêm sự cải thiện. Cụ thể, PMI cần tăng thêm gần 3 điểm lên 53.5 để phù hợp với dự báo tăng trưởng sản xuất toàn cầu 3%ar trong những tháng tới. Với cuộc chiến thương mại của Mỹ tạo ra sự bất ổn đáng kể và việc tăng thuế thực tế, ngành công nghiệp toàn cầu đang đối mặt với những trở ngại lớn và điều này cũng sẽ ảnh hưởng đến các khảo sát.

Sự sụt giảm của các cuộc khảo sát vào tháng 12 chủ yếu do mức giảm mạnh ở Tây Âu và Trung Quốc. Gần đây, JPMorgan nhận thấy một số tín hiệu tích cực khi các chỉ báo quan trọng của châu Á đang dần được cải thiện. Xu hướng này vẫn tiếp tục vào tháng 1, mặc dù kết quả không đồng nhất giữa các quốc gia khiến chỉ số PMI sản lượng của khu vực chưa phục hồi hoàn toàn từ mức giảm nhẹ trong tháng 12. Chúng tôi từng kỳ vọng bằng chứng khảo sát sẽ cho thấy hoạt động tại các thị trường mới nổi châu Á gia tăng vào đầu năm, trước đợt tăng thuế quan dự kiến của Mỹ. Thực tế, hoạt động đã được cải thiện nhưng vẫn chưa rõ mức độ liên quan đến Tết Nguyên đán, một yếu tố mà các khảo sát thường điều chỉnh nhưng vẫn chưa phản ánh tăng trưởng mạnh hơn.

Tây Âu vẫn là khu vực tụt hậu so với toàn cầu, nhưng sự phục hồi đáng kể trong tháng 1 sau một thời gian dài suy yếu là tín hiệu đáng khích lệ. Chỉ số PMI sản lượng sản xuất Eurozone đã tăng mạnh 2.8 điểm trong tháng 1. Tuy nhiên, sau khi giảm trong 5/7 tháng trước đó, chỉ số này vẫn ở mức thấp là 47.1. Một sự phục hồi tương tự ở Anh đã nâng PMI sản lượng sản xuất của nước này lên mức 49.2, vẫn còn yếu. Tại Mỹ, PMI sản lượng được điều chỉnh tăng mạnh 1.6 điểm so với báo cáo sơ bộ, đạt mức cao nhất trong bảy tháng là 51.8. Ngược lại, PMI sản lượng của Nhật Bản bị điều chỉnh giảm 0.7 điểm so với báo cáo sợ bộ, duy trì ở mức thấp là 47.3.

Tín hiệu nhu cầu từ các khảo sát đã cải thiện cùng với chỉ số sản lượng. PMI đơn đặt hàng mới tăng 1.3 điểm, vượt mốc 50, đạt 50.8 - cho thấy nhu cầu hàng hóa tăng trưởng nhưng vẫn ở mức khiêm tốn. Việc PMI đơn đặt hàng mới tăng nhanh hơn so với chỉ số hàng tồn kho thành phẩm cho thấy nhu cầu cuối cùng đang vượt sản lượng, một tín hiệu tích cực cho sự phục hồi sản xuất trong thời gian tới. Nhìn chung, tỷ lệ PMI đơn đặt hàng mới trên hàng tồn kho tăng lên 1.02, tuy nhiên vẫn thấp so với tiêu chuẩn lịch sử và phản ánh mức tăng trưởng sản xuất toàn cầu gần như bằng 0% - thấp hơn một chút so với tín hiệu từ PMI sản lượng. Một điểm đáng lưu ý là chỉ số việc làm giảm 0.9 điểm trong tháng 1, xuống mức 48.5 - mức thấp nhất trong thời gian qua.

PMI còn đóng vai trò là thước đo tâm lý kinh doanh, đặc biệt sau cuộc bầu cử Mỹ. JPMorgan theo dõi PMI sản lượng tương lai để đánh giá tâm lý doanh nghiệp trong những giai đoạn bất ổn. Trong cuộc chiến thương mại 2018-2019 và sau xung đột Nga-Ukraine năm 2022, chỉ số này giảm mạnh dưới mức PMI sản lượng thực tế, cảnh báo về rủi ro suy giảm kinh tế. Sự sụt giảm lớn trong tháng 12 cũng gửi tín hiệu tương tự, nhưng sự phục hồi mạnh mẽ sau đó cho thấy doanh nghiệp vẫn lạc quan về triển vọng tăng trưởng vào giữa năm. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, dù mang tính dự báo, chỉ số này thường phản ánh tình hình hiện tại nhiều hơn. Chẳng hạn, trong cuộc chiến thương mại 2018-2019, PMI sản lượng tương lai tăng mạnh ngay trước khi Mỹ áp thuế lần đầu vào đầu năm 2018.

Những biến động lớn về chuỗi cung ứng hậu đại dịch đã dần lắng xuống, giá hàng hóa toàn cầu cũng ổn định hơn. Sau khi tăng vọt vào giai đoạn 2021-2022 rồi rơi vào giảm phát năm 2023, lạm phát hàng hóa hiện dao động trong khoảng 0-1%ar (không tính sự biến động mạnh gần đây của giá ô tô tại Mỹ). Xu hướng này được phản ánh trong chỉ số PMI, khi chỉ số giá đầu ra duy trì trong phạm vi hẹp suốt năm qua. Dù một cuộc chiến thương mại có thể đẩy giá hàng hóa tăng trong nửa đầu năm 2025 (tương tự năm 2018), dữ liệu PMI về thời gian giao hàng cho thấy áp lực giá cả có thể phần nào giảm bớt.

Điểm nổi bật của PMI sản xuất theo ngành

  • PMI sản lượng toàn cầu tăng 1.4 điểm trong tháng 1, nhờ sự phục hồi mạnh mẽ của ngành hàng tiêu dùng và hàng trung gian, cả hai đều tăng gần 2 điểm. Trong khi đó, PMI hàng tư liệu sản xuất không có cải thiện, vẫn ở mức thấp.
  • PMI hàng tư liệu sản xuất giảm nhẹ 0.1 điểm xuống 47.5, tiếp tục dao động gần mức đáy sau đại dịch. Điều này cho thấy đầu tư doanh nghiệp toàn cầu có thể đã suy giảm trong quý trước, sau hai quý tăng trưởng mạnh.
  • PMI hàng tiêu dùng tăng 1.8 điểm lên 53.3, cao nhất trong các ngành sản xuất. Dữ liệu thực tế cũng cho thấy nhu cầu tiêu dùng vẫn vững, nhờ lạm phát giảm dần và thị trường lao động ổn định, hỗ trợ thu nhập thực tế và chi tiêu của hộ gia đình.
  • PMI hàng trung gian phục hồi 1.9 điểm lên 50.3 trong tháng 1, lấy lại đà sau khi giảm xuống mức đáy trong năm 2024 vào tháng 12.

Điểm nổi bật của PMI sản xuất theo quốc gia

  • PMI sản xuất của các nền kinh tế phát triển (DM) tăng 2.4 điểm trong tháng 1, phục hồi từ mức đáy của tháng 12. PMI sản lượng Mỹ tiếp tục được điều chỉnh tăng, đạt mức cao nhất trong bảy tháng là 51.8. Eurozone và Anh cũng ghi nhận sự cải thiện nhưng vẫn dưới ngưỡng tăng trưởng (lần lượt 47.1 và 49.2), cho thấy ngành công nghiệp khu vực này còn yếu. Ngược lại, PMI Nhật Bản giảm xuống thấp hơn mốc 50 ở mức 47.3.
  • PMI các nền kinh tế mới nổi (EM) chỉ tăng nhẹ 0.6 điểm. Trung Quốc phục hồi 0.7 điểm nhưng chưa bù đắp được mức giảm mạnh của tháng 12. EM châu Á (trừ Ấn Độ) tăng nhẹ 0.3 điểm, trong đó Hàn Quốc tăng 2.4 điểm, bù đắp cho mức giảm tương tự của Đài Loan. PMI ASEAN biến động nhẹ, trong khi Ấn Độ tiếp tục duy trì mức đỉnh với mức tăng 1.2 điểm.
  • Ngoài EM châu Á, PMI các nền kinh tế mới nổi khu vực EMEA tăng 1.1 điểm, nhờ sự phục hồi mạnh mẽ ở Ba Lan (+3.4 điểm) và Nga (+4.1 điểm). Thổ Nhĩ Kỳ (-2.4 điểm) giảm nhẹ sau hai tháng tăng mạnh. PMI Mỹ Latinh giảm 1.1 điểm, chủ yếu do Brazil suy giảm tháng thứ ba liên tiếp (-1.2 điểm).

JPMorgan

Broker listing

Cùng chuyên mục

Forex Forecast - Diễn đàn dự báo tiền tệ