Action Forex: USD suy yếu, dữ liệu GDP Anh Quốc mở màn phiên Âu

Action Forex: USD suy yếu, dữ liệu GDP Anh Quốc mở màn phiên Âu

Thành Duy

Thành Duy

Junior editor

13:43 13/02/2025

Nhận định bởi chuyên gia Action Forex.

Bối cảnh chung

Thị trường ngoại hối giao dịch khá ảm đạm trong phiên Á hôm nay. Sức mạnh của USD nhanh chóng phai nhạt sau cú hích ban đầu từ việc dữ liệu lạm phát của Mỹ nóng hơn dự kiến. Dù vẫn giữ được phần lớn mức tăng so với JPY, đồng bạc xanh đã bắt đầu suy yếu so với các đồng tiền chủ chốt khác. Sự suy yếu của USD diễn ra ngay trong bối cảnh kỳ vọng về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất trong nửa đầu năm 2025 bị đẩy lùi và các mối đe dọa thuế quan đang tiếp diễn, cho thấy một đợt giảm giá khác có thể sắp xảy ra.

Tính đến thời điểm hiện tại của tuần giao dịch, EUR vẫn đang dẫn đầu về hiệu suất, kế đến là GBPAUD. Ngược lại, JPY vẫn là đồng tiền yếu nhất, theo sau là CHFNZD. USD và CAD ở vị trí trung lập.

Sau dữ liệu lạm phát của Mỹ, thị trường hiện đang chuyển sự chú ý sang Vương quốc Anh, khi số liệu GDP Q4 sắp được công bố. Nền kinh tế Anh được dự báo sẽ tăng trưởng khiêm tốn 0.1% so với tháng trước trong tháng 12, kéo theo mức giảm 0.1% so với quý trước. Viện Nghiên cứu Kinh tế và Xã hội Quốc gia (NIESR) vẫn giữ quan điểm lạc quan thận trọng, dự đoán tăng trưởng sẽ chậm lại trong nửa đầu năm trước khi tăng tốc vào nửa cuối năm. NIESR dự kiến ​​GDP sẽ tăng trưởng 1.5% trong năm 2025, nhờ vào chi tiêu chính phủ và đầu tư tư nhân mạnh hơn.

Bên cạnh GDP Anh, chỉ số CPI chính thức của Đức, CPI Thụy Sĩ và sản lượng công nghiệp Eurozone cũng sẽ được công bố trong chiều nay. Cuối ngày, chúng ta sẽ có chỉ số PPI và số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu của Mỹ.

Những phát biểu đáng chú ý gần đây từ các quan chức Fed và ECB

Chủ tịch Fed Jerome Powell

Ông Powell thừa nhận dữ liệu CPI mới nhất là bằng chứng cho thấy Mỹ đang có tiến triển trong việc kiểm soát lạm phát, nhưng "vẫn chưa đạt mục tiêu". Sau báo cáo CPI tháng 1 nóng hơn dự kiến, Chủ tịch Powell phát biểu trước Quốc hội rằng Fed sẽ "duy trì trạng thái thắt chặt hiện tại" để kiềm chế áp lực lạm phát. Ông cũng nhấn mạnh rằng nền kinh tế Mỹ vẫn đang khỏe mạnh, thị trường lao động vững chắc, cho phép Fed duy trì lập trường chính sách hiện tại và chờ đợi lạm phát giảm thêm. Ngoài ra, ông lưu ý rằng không nên diễn giải một tháng số liệu cao hơn là dấu hiệu đảo ngược hoàn toàn xu hướng giảm lạm phát, đặc biệt khi chỉ số PCE – thước đo lạm phát ưa thích của Fed – thường thấp hơn CPI.

Chủ tịch Fed chi nhánh Atlanta, Raphael Bostic

Ông Bostic bày tỏ sự không chắc chắn về thời điểm Fed sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất, do lo ngại về lạm phát và những thay đổi chính sách. Phát biểu tại một sự kiện tối qua, ông nhấn mạnh sự cần thiết phải có "thêm thông tin rõ ràng" trước khi đưa ra bất kỳ điều chỉnh nào về chính sách tiền tệ. Ông thừa nhận khó khăn trong việc đánh giá điều kiện kinh tế hiện tại: "Quan điểm của tôi là cho đến khi chúng ta có thêm thông tin rõ ràng, sẽ rất khó để đánh giá chính sách của chúng ta nên đi đến đâu, với tốc độ và nhịp độ như thế nào, vì vậy chúng ta cần thêm thông tin trước khi có thể hành động." Ngoài ra, ông cũng đưa ra ước tính lãi suất trung lập nằm trong khoảng 3.0% - 3.5%, thấp hơn đáng kể so với phạm vi mục tiêu của Fed (4.25% - 4.5%). Dự báo ban đầu của ông Bostic là lãi suất sẽ tiến đến khoảng giữa mức trung lập vào cuối năm, nhưng lộ trình này vẫn phụ thuộc rất nhiều vào diễn biến kinh tế và xu hướng lạm phát.

Thành viên Hội đồng quản trị ECB, Joachim Nagel

Ông Nagel nhấn mạnh rằng Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) cần "linh hoạt" trong việc quyết định thời điểm cắt giảm lãi suất. Phát biểu tại Trường Kinh tế London, ông cho rằng khi ECB tiến gần đến lãi suất trung lập, các "tiếp cận thận trọng" là phù hợp hơn. Do bất ổn hiện tại, ông lập luận "không có lý do gì để hành động vội vàng." Ông Nagel tin tưởng lạm phát sẽ trở lại mục tiêu 2% vào giữa năm: "Chúng ta chưa đạt mục tiêu, nhưng tôi thực sự rất tin tưởng rằng chúng ta sẽ đạt được mục tiêu vào giữa năm nay." Bên cạnh đó, ông cũng bác bỏ lo ngại về việc lạm phát giảm xuống dưới mức mục tiêu. Các nhân viên của Bundesbank ước tính lãi suất trung lập nằm trong khoảng 1.8% - 2.5%, thấp hơn một chút so với lãi suất tiền gửi hiện tại của ECB là 2.75%. Song, ông Nagel cảnh báo không nên quá phụ thuộc vào ước tính lãi suất trung lập, cho rằng việc dự báo các quyết định chính sách tiền tệ dựa trên những tiêu chuẩn lý thuyết không chắc chắn sẽ tiềm ẩn nhiều "rủi ro". Thay vào đó, ông nhấn mạnh ECB dựa vào nhiều chỉ số tài chính, dữ liệu thực tế và các chỉ số khác để điều hành chính sách.

Phân tích kỹ thuật GBP/USD

Dưới góc độ kỹ thuật, xu hướng trong ngày vẫn trung lập và triển vọng không thay đổi. Đà phục hồi từ 1.2099 vẫn có thể tiếp diễn, tuy nhiên sẽ gặp kháng cự tại ngưỡng Fibonacci thoái lui 38.2% (1.3433 - 1.2099), tương ứng 1.2609. Nếu có thể vượt qua mốc 1.2609 một cách dứt khoát, khả năng cặp tiền sẽ tiếp tục hướng tới mục tiêu tiềm năng tiếp theo là ngưỡng thoái lui Fibonacci 61.8% tại 1.2923. Ngược lại, nếu GBP/USD quay đầu giảm và phá qua ngưỡng hỗ trợ yếu 1.2331, khả năng cặp tiền sẽ tiếp tục hướng về hỗ trợ tiếp theo tại 1.2248. Việc phá vỡ dứt khoát hỗ trợ này sẽ là tín hiệu tạo đỉnh ngắn hạn và có thể mở ra khả năng kiểm tra lại mức thấp 1.2099.

Đồ thị GBP/USD khung 4H

Nhìn rộng hơn, xu hướng tăng xuất phát từ đáy năm 2022 (1.0351) có thể đã kết thúc tại đỉnh năm 2024 là 1.3433 và GBP/USD hiện đang trong xu hướng giảm. Dự kiến cặp tiền này sẽ tiếp tục giảm sâu hơn về ngưỡng thoái lui Fibonacci 61.8% (1.0351 - 1.3433) tại 1.1528, ngay cả khi xu hướng giảm hiện tại chỉ là một động thái điều chỉnh. Dù vậy, nếu có thể vượt qua mốc kháng cự 1.2810 một cách dứt khoát, kịch bản giảm sẽ bị lu mờ và có khả năng cặp tiền sẽ hướng đến việc kiểm tra lại mức cao 1.3433.

Đồ thị GBP/USD khung 1D

Action Forex

Broker listing

Thư mục bài viết

Cùng chuyên mục

Forex Forecast - Diễn đàn dự báo tiền tệ