JPMorgan Research: RBA & RBNZ, hai lộ trình cắt giảm lãi suất khác biệt
![Như Quỳnh Như Quỳnh](/uploads/2024/07/10/photo2024-07-0913-48-05-72c5bc599052aeab829fe95b4f0fd4df.jpg)
Như Quỳnh
Junior Analyst
Nhận định của JPMorgan Sydney.
![](/uploads/2025/02/13/jpm-e29bc886cbd97fb51e43182e2093d84b.jpg)
RBA sẵn sàng cho chu kỳ nới lỏng
JPMorgan kỳ vọng rằng RBA sẽ tham gia vào làn sóng nới lỏng toàn cầu vào tuần tới, với đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên 25bp trong chu kỳ này. Tăng trưởng đang được cải thiện, nhưng vẫn dưới mức tiềm năng, và lạm phát tiếp tục tiến gần đến mục tiêu của RBA trong năm 2024. Mặc dù các khoản trợ cấp chắc chắn đã hỗ trợ phần nào trong việc kiểm soát lạm phát, nhưng đó chỉ là yếu tố phụ, bởi vì, như JPMorgan đã đề cập trước đó, sự bình thường hóa trên toàn bộ rổ CPI đã diễn ra một cách rộng rãi và phù hợp.
Lạm phát lõi theo năm trong 6 tháng đã nằm trong dải mục tiêu - một ngưỡng quan trọng để thực hiện cắt giảm lãi suất. Tỷ lệ lạm phát hàng năm cũng được kỳ vọng sẽ tiếp tục giảm trong quý tới. Nhiệm vụ kép yêu cầu RBA tối đa hóa việc làm trong khi vẫn đảm bảo mục tiêu lạm phát, một ràng buộc hiện đang được nới lỏng. Với việc rủi ro lạm phát giảm bớt, RBA có thể sẽ ưu tiên hỗ trợ tăng trưởng để hạn chế nguy cơ suy giảm trên thị trường lao động.
Trước đây, thị trường vẫn còn nhiều tranh cãi về mức đỉnh của lãi suất và thời điểm bắt đầu cắt giảm, nhưng hiện tại, phần lớn đã định giá cho một đợt nới lỏng trong cuộc họp sắp tới. Vì vậy, trọng tâm bây giờ sẽ là nội dung tuyên bố của RBA và thông điệp trong cuộc họp báo. JPMorgan kỳ vọng RBA sẽ đưa ra một tuyên bố trung lập, đơn thuần mô tả quyết định chính sách mà không cam kết rõ ràng về lộ trình cắt giảm tiếp theo. Một phần lý do là Hội đồng RBA sẽ có sự thay đổi nhân sự vào tháng 3 - 4 tới, và các thành viên hiện tại có thể không muốn ràng buộc những quyết định của đội ngũ mới. Hơn nữa, trong các chu kỳ nới lỏng bình thường (tức không phải trong khủng hoảng) RBA thường không đưa ra định hướng quá chi tiết về các bước đi tiếp theo.
Nếu nhìn vào lịch sử, lần cắt giảm đầu tiên sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu (GFC) vào năm 2011 có thể là một mô hình tham khảo hợp lý. Khi đó, Thống đốc Stevens cho biết: “Hội đồng đã duy trì lập trường chính sách hơi thắt chặt trong thời gian qua do lo ngại về lạm phát. Nhưng với tăng trưởng kinh tế ở mức vừa phải và lạm phát có khả năng duy trì gần mục tiêu, một chính sách trung lập hơn sẽ giúp đảm bảo tăng trưởng bền vững trong dài hạn”. Mặc dù tuyên bố này không cam kết về việc cắt giảm tiếp theo, RBA vẫn tiếp tục giảm lãi suất trong cuộc họp sau đó.
Dự báo kinh tế sắp tới của RBA có thể sẽ nhấn mạnh rằng lạm phát lõi đang tiến về dải mục tiêu vào giữa năm 2025 và duy trì ổn định trong thời gian còn lại, bất chấp một số yếu tố rủi ro. Tăng trưởng GDP có thể bị điều chỉnh giảm nhẹ trong ngắn hạn, đặc biệt là tiêu dùng năm 2025, cho thấy tác động từ các đợt cắt giảm thuế trước đó chưa được phản ánh đầy đủ. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp có thể được điều chỉnh giảm nhẹ 0.2 – 0.3 điểm phần trăm so với dự báo trước đó. Tuy nhiên, nếu tăng trưởng GDP vẫn dưới mức tiềm năng, RBA có thể giữ quan điểm lạc quan thận trọng, đồng thời điều chỉnh kỳ vọng về tốc độ tăng lương.
Về tác động đối với thị trường, cuộc họp báo của Thống đốc Bullock có thể không cung cấp nhiều gợi ý về các đợt cắt giảm tiếp theo. Bà có thể sẽ tiếp tục giữ quan điểm trung lập với câu trả lời quen thuộc: “Không loại trừ cũng không khẳng định bất cứ điều gì.” Điều này đồng nghĩa với việc thị trường sẽ dựa vào các yếu tố kỹ thuật như định giá, mức lãi suất và hình dạng lợi suất để điều chỉnh chiến lược giao dịch trong bối cảnh chu kỳ nới lỏng đang đến gần.
RBNZ - còn nhiều việc phải làm
So với Australia và hầu hết các nước phát triển khác (DM), New Zealand đang đối mặt với những thách thức lớn hơn về tăng trưởng GDP và thị trường lao động. Do đó, Ngân hàng Dự trữ New Zealand (RBNZ) hiện không chỉ đơn thuần nới lỏng chính sách, mà còn chủ động thúc đẩy hiệu quả của chính sách tiền tệ. JPMorgan kỳ vọng RBNZ sẽ tiếp tục hạ lãi suất thêm 50bp trong cuộc họp tới, và điều này gần như đã được thị trường định giá đầy đủ.
Trong Báo cáo Chính sách Tiền tệ (MPS) tháng 11, RBNZ đã đề cập rằng lãi suất thế chấp niêm yết đã giảm khoảng 1 điểm phần trăm, và “lãi suất trung bình trên tổng dư nợ thế chấp dự kiến sẽ tiếp tục giảm trong những tháng tới” khi dòng tái cấp vốn chảy vào nền kinh tế. Lãi suất thế chấp hiệu dụng đã đạt đỉnh 6.4% và hiện ở mức 6.3% - tức là gần như không thay đổi sau khi RBNZ đã cắt giảm tổng cộng 125bp. Theo dự báo của RBNZ, lãi suất thế chấp có thể giảm xuống 5.8% trong vòng 12 tháng tới. Tuy nhiên, để đạt được mức giảm này, cần duy trì lợi suất hoán đổi kỳ hạn 2 năm quanh mức hiện tại trong một khoảng thời gian dài, do chênh lệch lãi suất thế chấp so với đường cong hoán đổi đã trở về mức lịch sử.
Vấn đề là điểm xuất phát cho dự báo lãi suất tiền gửi (OCR) của RBNZ hiện đang tạo ra một số khó khăn trong việc truyền tải thông điệp chính sách. Ủy ban chính sách tiền tệ đã đi trước lịch trình cắt giảm lãi suất của nhóm nghiên cứu trong cuộc họp tháng 11, và nếu cắt giảm 50bp nữa vào tuần tới, OCR sẽ xuống mức 3.75% - chỉ nhỉnh hơn một chút so với mức 3.6% dự báo cho tháng 12/2025. Trước đó, mức OCR dự báo cuối cùng cho giai đoạn 2026/27 là 3.1%. Do đó, rất khó để RBNZ duy trì một khoảng dừng kéo dài rồi mới tiếp tục cắt giảm, bởi điều này có thể làm giảm niềm tin của thị trường vào cam kết chính sách. Để tránh thị trường định giá lại một cách bất đối xứng và đẩy lợi suất tăng mạnh, có khả năng RBNZ sẽ phải điều chỉnh kế hoạch cắt giảm, kéo các lần hạ lãi suất lên sớm hơn trong năm 2025, đồng thời hạ thấp mức lãi suất cuối cùng.
Hàm ý chiến lược
Đồng AUD hiện có vẻ rẻ so với định giá, cân bằng hơn trong kỳ hạn 2025 trên thị trường OIS, nhưng lại khá rẻ so với các kỳ hạn xa hơn trong cấu trúc lãi suất. Hiện tại, diễn biến tỷ giá chủ yếu bị chi phối bởi chính sách của Mỹ. Tuy nhiên, khi AUDUSD chạm mức đáy kỳ vọng là 0.62, dấu hiệu quá bán bắt đầu xuất hiện khi mối tương quan của AUD với biến động chứng khoán hàng ngày suy yếu. Khi các thông tin liên quan đến thuế quan dần bớt tiêu cực hơn so với lo ngại ban đầu, AUDUSD đã phục hồi mạnh, quay trở lại mức lợi suất phù hợp hơn với diễn biến hàng hóa cơ bản. Mặc dù chính sách của Mỹ vẫn còn tiềm ẩn rủi ro, hạn chế đà tăng trong ngắn hạn, nhưng NZD dường như có nhiều yếu tố bất lợi riêng, khiến nó trở thành mục tiêu dễ bị tổn thương hơn cho các lệnh mua USD dài hạn.
Đối với đường cong lãi suất AUD, khả năng nền kinh tế Úc có một "hạ cánh mềm" và chu kỳ nới lỏng tương đối nông sẽ khiến đường cong có độ dốc thấp hơn. Năm đầu tiên của đường cong lãi suất có vẻ đã được định giá hợp lý, nhưng phần từ 3-5 năm hiện đang bị định giá thấp. Điều này thể hiện một chu kỳ cắt giảm dần dần, không quá kích thích. Duy trì vị thế nhận lãi suất AUD 3YxIY và giảm tỷ trọng ở phần giữa của ACGB Sep-26/Nov-28/Apr-33 fly.
Trước đây, JPMorgan tỏ ra thận trọng khi giao dịch cặp tỷ giá AUD/NZD, do ảnh hưởng của lãi suất Mỹ có thể tạo ra mức giá hấp dẫn hơn để mở vị thế mua AUD. Tuy nhiên, bất ngờ từ chỉ số CPI của Mỹ đã phá vỡ kỳ vọng đó, đẩy cặp tiền này lên mức đỉnh của biên độ giao dịch, khiến việc tham gia trở nên khó khăn hơn. Tương tự, JPMorgan cũng đã đóng vị thế nhận lãi suất IYxIY NZD IRS với mức lỗ 15.7 điểm cơ bản. Tuy nhiên, các câu chuyện chính sách tiền tệ khác biệt được nêu ở đây vẫn có thể khiến định giá mức OCR cuối cùng của New Zealand có nhiều khả năng giảm hơn so với Úc. Hiện tại, mức chênh lệch lãi suất NZD-AUD 1Yx1Y đã quay về gần đỉnh của biên độ 3 tháng gần đây. Với dữ liệu kinh tế New Zealand có xu hướng tiêu cực, cùng với việc lãi suất Mỹ kéo giãn chênh lệch hơn nữa, JPMorgan khuyến nghị mở vị thế nhận chênh lệch lãi suất NZD-AUD 1Yx1Y IRS tại mức -25.3 điểm cơ bản.
JPMorgan