Westpac IQ – Điểm tin sáng: CPI Mỹ nóng hơn dự kiến, áp lực bán lan rộng trên nhiều mặt trận, kỳ vọng Fed cắt giảm lãi suất bị đẩy lùi về cuối năm

Westpac IQ – Điểm tin sáng: CPI Mỹ nóng hơn dự kiến, áp lực bán lan rộng trên nhiều mặt trận, kỳ vọng Fed cắt giảm lãi suất bị đẩy lùi về cuối năm

Thành Duy

Thành Duy

Junior editor

07:09 13/02/2025

Bản tin sáng từ Ngân hàng Westpac.

Điểm chính

  • Dữ liệu lạm phát của Mỹ cao hơn dự kiến đã kéo theo làn sóng bán tháo trái phiếu chính phủ (TPCP), sắc đỏ trên thị trường cổ phiếu và đẩy lùi kỳ vọng về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất trong năm nay.
  • Chủ tịch Fed, Jerome Powell, tiếp tục nhắc lại định hướng trước đó về việc kiên nhẫn đánh giá tính bền vững của lạm phát và hậu quả từ các chính sách thuế quan.
  • Chứng khoán Trung Quốc tăng điểm nhờ tin tức chính quyền đang xem xét một số biện pháp hỗ trợ cho China Vanke, một trong những nhà phát triển bất động sản lớn nhất nước này.
  • Tin tức liên quan đến các cuộc đàm phán sơ bộ giữa Tổng thống Trump và Tổng thống Putin về việc chấm dứt chiến tranh Nga-Ukraine đã giúp EUR tăng giá so với các đồng tiền G10 khác và gây áp lực lên giá dầu thô.

Chứng khoán

Phố Wall mở cửa giảm mạnh sau khi số liệu lạm phát được công bố nóng hơn dự kiến, nhưng đã phần nào phục hồi trong phiên giao dịch, dù vẫn đóng cửa trong sắc đỏ. Chỉ số S&P 500 và Dow Jones giảm lần lượt 0.4% và 0.5%, trong khi Nasdaq gần như đi ngang. Chứng khoán Châu Âu tiếp tục tỏ ra vượt trội, với chỉ số Euro Stoxx 50 và FTSE 100 cùng ghi nhận mức tăng 0.3%; DAX tăng mạnh hơn với 0.5%.

Về phía Châu Á, thị trường Trung Quốc phản ứng tích cực với tin tức chính quyền đang cân nhắc hỗ trợ tài chính cho China Vanke, đẩy chỉ số CSI 300 tăng 0.9%. Bên cạnh đó, thông tin Alibaba và Apple đang có kế hoạch hợp tác phát triển các tính năng trí tuệ nhân tạo (AI) cho người dùng iPhone tại Trung Quốc đã giúp chỉ số Hang Seng, vốn tập trung vào công nghệ, tăng 2.6%, đạt mức cao nhất trong sáu tháng. Chứng khoán Tokyo cũng tăng 0.4%.

Chỉ số ASX 200 của Úc tăng 0.6% hôm qua, chấm dứt chuỗi ngày giao dịch trì trệ nhờ kết quả kinh doanh khả quan trong lĩnh vực tài chính (+1.4%) và công nghiệp (+1.9%).

Lợi suất

TPCP Mỹ bị bán tháo sau khi số liệu lạm phát được công bố. Lợi suất kỳ hạn 2 năm tăng 7 bps lên 4.36%, trong khi kỳ hạn 10 năm tăng 9 bps lên 4.63%. Bên cạnh đó, kỳ vọng về việc Fed cắt giảm lãi suất đã bị đẩy lùi đáng kể. Dựa trên dữ liệu từ thị trường OIS, lần cắt giảm lãi suất đầu tiên dự kiến sẽ rơi vào tháng 12 thay vì tháng 9 như dự báo trước đó.

Xu hướng tương tự cũng diễn ra tại Châu Âu, với lợi suất TPCP Đức và Anh kỳ hạn 10 năm tăng lần lượt 5 và 4 bps. Hiện tại, thị trường OIS vẫn dự đoán Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) sẽ cắt giảm lãi suất 3 lần và Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) là 2 lần cho đến cuối năm.

TPCP Úc cũng bị bán tháo, với lợi suất kỳ hạn 3 năm tăng 6 bps lên 3.87%, trong khi kỳ hạn 10 năm tăng 7 bps lên 4.46%. Đà bán tháo này tiếp tục lan sang thị trường tương lai sau phiên giao dịch quốc tế đêm qua, với lợi suất hợp đồng tương lai TPCP kỳ hạn 3 năm và 10 năm tăng lần lượt 9 và 8 bps. Cho đến hiện tại, thị trường OIS vẫn đánh giá cao khả năng Ngân hàng Dự trữ Úc (RBA) sẽ cắt giảm lãi suất trong tháng 2 (89%), mặc dù xác suất này đã giảm nhẹ trong tuần qua. Cùng với đó là kỳ vọng với 3 lần cắt giảm lãi suất cho đến cuối năm.

Ngoại hối

USD suy yếu so với hầu hết các đồng tiền G10 khác đêm qua. Chỉ số DXY biến động mạnh sau khi dữ liệu lạm phát được công bố, ban đầu tăng vọt lên ngưỡng kháng cự quan trọng 108.50, sau đó lại rớt xuống mức thấp nhất trong ngày là 107.65.

EUR là đồng tiền tăng giá mạnh nhất trong nhóm G10, nhờ thông tin về các cuộc đàm phán giữa Tổng thống Trump và Tổng thống Putin về việc chấm dứt chiến tranh Nga-Ukraine. EUR/USD kết phiên hôm qua tăng 0.2% lên 1.0381, giao dịch quanh 1.0386 tại thời điểm viết bài.

AUD giảm nhẹ sau dữ liệu CPI của Mỹ. AUD/USD theo đó giảm 0.2% xuống 0.6279 tại thời điểm viết bài. GBP cũng biến động mạnh nhưng hiện đang giao dịch quanh 1.2445, gần như không đổi so với mức đóng cửa hôm qua.

Yên Nhật tiếp tục mất giá so với đồng bạc xanh do lo ngại về tác động của các chính sách thuế quan. USD/JPY theo đó đã tăng khoảng 2% trong tuần qua, giao dịch gần mức 154.45 tại thời điểm viết bài.

Hàng hóa

Tin tức về các cuộc đàm phán sơ bộ giữa Tổng thống Trump và Tổng thống Putin về việc chấm dứt chiến tranh Nga-Ukraine, cùng với việc Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) báo cáo lượng dầu dự trữ của Mỹ tiếp tục tăng, đã gây áp lực lên giá dầu. Kết phiên hôm qua, giá dầu thô WTI giảm 2.8% xuống 71.16 USD/thùng, trong khi giá dầu Brent giảm 2.5% xuống 74.67 USD/thùng.

Giá kim loại nhìn chung biến động trái chiều khi thị trường tiếp tục cân nhắc tác động của thuế quan. Giá đồng tăng 1.2% lên 9,469 USD/tấn, trái ngược với giá nhôm, giảm 0.7% xuống 2,626 USD/tấn. Giá vàng gần như đi ngang so với mức đóng cửa hôm qua, mặc dù biến động mạnh sau khi dữ liệu CPI của Mỹ được công bố, tuy nhiên đã trở lại giao dịch trên ngưỡng 2,900 USD/oz tại thời điểm viết bài.

Giá quặng sắt tăng mạnh do lo ngại về thời tiết xấu có thể ảnh hưởng đến bờ biển phía tây của Úc trong tuần này. Giá quặng sắt giao tháng 3 trên sàn giao dịch Singapore tăng 1.8% lên 107.60 USD/tấn.

Nhịp đập vĩ mô

Úc

Dữ liệu tài chính nhà ở mới nhất, hiện được công bố hàng quý, cho thấy sự chững lại vào cuối năm. Tổng giá trị khoản vay mua nhà được phê duyệt (không bao gồm tái cấp vốn) tăng 1,4% trong quý IV. Mặc dù số lượng khoản vay được phê duyệt giảm 0,4% so với quý trước, tổng giá trị vẫn tăng nhờ giá trị trung bình của mỗi khoản vay cao hơn. Yếu tố này đã đóng góp hơn một nửa mức tăng trưởng tổng giá trị tài chính nhà ở kể từ quý II/2022. Mặc dù đã giảm so với mức tăng trưởng 25% so với cùng kỳ năm ngoái (svck) vào tháng 9, tổng giá trị tài chính nhà ở vẫn tăng trưởng ở mức 16% svck, trong bối cảnh giá nhà tăng mạnh và khả năng chi trả bị hạn chế.

Mỹ

Lạm phát tháng 1 nóng hơn dự kiến, với chỉ số CPI toàn phần tăng 0.5% (3.0% svck) và CPI lõi tăng 0.4% (3.3% svck). Một số yếu tố chính góp phần vào kết quả này bao gồm: nhóm thực phẩm phục vụ nấu ăn tại nhà đang tăng với tốc độ 6.0% svck 3 tháng gần nhất do giá cả leo thang gần đây; giá năng lượng chuyển từ xu hướng giảm sang tăng 1.1% (1.0% svck) trong tháng 1; nhóm "hàng hóa lõi" cũng chuyển sang tăng nhẹ; và chi phí nhà ở vẫn là yếu tố đóng góp chính, tăng 0.4% (4.4% svck), cho thấy vấn đề hạn chế nguồn cung vẫn là động lực chính của lạm phát tại Mỹ.

Ngày điều trần thứ hai trước Quốc hội, Chủ tịch Fed Jerome Powell một lần nữa nhắc lại những nhận định trước đó về triển vọng lạm phát và định hướng chính sách. Dữ liệu lạm phát mới nhất ủng hộ việc duy trì chính sách tiền tệ hiện tại, mặc dù ông thừa nhận đã có những tiến bộ đáng kể trong việc kiểm soát lạm phát và Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) có thời gian để đánh giá rủi ro liên quan đến tính bền vững của lạm phát. Về vấn đề thuế quan, Chủ tịch Powell tiếp tục nhấn mạnh rằng mặc dù các chính sách thuế quan có thể ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ, nhưng FOMC cần thời gian để đánh giá hậu quả của chúng trước khi đưa ra bất kỳ quyết định nào.

Westpac IQ

Broker listing

Thư mục bài viết

Cùng chuyên mục

Forex Forecast - Diễn đàn dự báo tiền tệ