JPMorgan Research: CPI Mỹ tháng 1 bất ngờ tăng mạnh, Fed sẽ phản ứng ra sao?
![Như Quỳnh Như Quỳnh](/uploads/2024/07/10/photo2024-07-0913-48-05-72c5bc599052aeab829fe95b4f0fd4df.jpg)
Như Quỳnh
Junior Analyst
Nhận định của JPMorgan New York.
![](/uploads/2025/02/13/jpm-e29bc886cbd97fb51e43182e2093d84b.jpg)
CPI tháng 1 bất ngờ tăng mạnh hơn dự kiến, với mức tăng 0.5% (tương đương 0.467% khi làm tròn ba chữ số), đẩy tỷ lệ lạm phát so với cùng kỳ năm trước lên 3.0%. Sự bất ngờ chủ yếu đến từ CPI lõi (loại trừ thực phẩm và năng lượng), khi chỉ số này tăng 0.4% (0.446% nếu làm tròn đến ba chữ số thập phân) trong tháng 1, đồng thời đẩy tỷ lệ lạm phát CPI lõi so với cùng kỳ năm ngoái lên 3.3%. Dựa trên báo cáo này, JPMorgan dự báo PCE lõi tháng 1 sẽ tăng 0.27% (2.6%oya). Ước tính thấp hơn này là do một số yếu tố trong CPI tăng mạnh ở các danh mục không nằm trong phạm vi tính toán của PCE hoặc có trọng số thấp hơn. Báo cáo chỉ số giá sản xuất (PPI) tháng 1 vào ngày mai có thể ảnh hưởng đến ước tính của JPMorgan. Xét các phát biểu gần đây của các quan chức Fed, bao gồm cả Chủ tịch Powell trong phiên điều trần trước Quốc hội tuần này, cho thấy dữ liệu CPI lần này vẫn phù hợp với kỳ vọng của JPMorgan rằng Fed sẽ duy trì lãi suất ổn định trong các cuộc họp sắp tới.
Giá thực phẩm tăng 0.4%, mức tăng hàng tháng nhanh nhất trong hai năm, trong đó giá trứng tăng 15.2% trong tháng trước - mức tăng trong một tháng cao nhất trong vòng một thập kỷ, chủ yếu do dịch cúm gia cầm. Giá năng lượng cũng tăng 1.1% trong tháng 1, với giá xăng tăng 1.8%m/m. Tuy nhiên, yếu tố gây bất ngờ lớn nhất vẫn là chỉ số lõi. Giá hàng hóa lõi tăng 0.3% trong tháng 1 - mức cao nhất trong gần hai năm, có thể do nhu cầu nhập khẩu tăng mạnh trước những lo ngại về thuế quan. Giá dịch vụ lõi cũng tăng 0.5% trong tháng, góp phần khiến lạm phát lõi tăng cao hơn dự báo.
Một số mặt hàng từng có dấu hiệu hạ nhiệt vào cuối năm 2023 nay lại bất ngờ tăng trở lại. Ví dụ, giá xe đã qua sử dụng tăng mạnh 2.2% trong tháng trước (trong khi giá xe mới hầu như không thay đổi), và bảo hiểm ô tô tăng 2.0%, đưa mức tăng của danh mục này trở lại xu hướng mạnh mẽ từng thấy trong năm 2023 và đầu 2024. Có thể các thảm họa thiên nhiên gần đây (bao gồm bão ở Đông Nam và cháy rừng ở California) đang gây áp lực tăng giá đối với nhóm hàng hóa này.
Mặt khác, chi phí thuê nhà tương đương và chi phí thuê nhà thực tế đều chỉ tăng 0.3% trong tháng 1 (lần lượt là 0.313% và 0.347%), cho thấy sự hạ nhiệt dần dần trong lạm phát giá thuê nhà. Tuy nhiên, chi phí lưu trú bên ngoài nhà lại tăng bất ngờ, tăng 1.4% trong tháng. Với những dữ liệu này, chỉ số CPI siêu lõi đã tăng 0.8% trong tháng 1. Điều này cũng phản ánh sự kết hợp của các yếu tố thường thấy (ngoài chi phí lưu trú và bảo hiểm ô tô, giá vé máy bay tăng 1.2%) và một số biến động lớn bất thường (dịch vụ truyền hình cáp và vệ tinh tăng 1.8% trong tháng 1, mức tăng trong một tháng lớn nhất trong hai thập kỷ). Các danh mục khác phù hợp hơn với kỳ vọng và xu hướng gần đây. Giá quần áo giảm 1.4% trong tháng 1, trong khi chi phí y tế và giáo dục đều tăng 0.2%; chi phí truyền thông tăng 0.4% chủ yếu do giá dịch vụ internet tăng cao.
Báo cáo lần này cũng bao gồm những cập nhật về hệ số điều chỉnh theo mùa từ năm 2020 trở lại đây. Những điều chỉnh này chỉ tạo ra thay đổi nhỏ trong các số liệu CPI hàng tháng và không ảnh hưởng đến mức lạm phát theo năm. Tuy nhiên, một câu hỏi đặt ra là liệu yếu tố mùa vụ còn sót lại có đang khiến CPI bị phóng đại vào đầu năm hay không. Khi các hệ số điều chỉnh theo mùa đã dần phản ánh giai đoạn lạm phát cao sau đại dịch, nhưng xu hướng thực tế lại đang giảm, chưa rõ dữ liệu có bị méo mó hay không - các dữ liệu bổ sung trong năm nay sẽ giúp xác nhận điều này. Đối với Fed, mức tăng lạm phát gần đây chắc chắn không phải là tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, khả năng dữ liệu đầu năm có thể đang phóng đại thực trạng lạm phát có thể khiến Fed duy trì thái độ "chờ đợi và quan sát" trước khi đưa ra quyết định, tìm kiếm thêm dấu hiệu cho thấy lạm phát đang tiếp tục giảm về mục tiêu 2%.
JPMorgan