Bản tin sáng ngày 06/09 - Westpac IQ: Bầu không khí ảm đạm bao trùm thị trường trước thềm báo cáo NFP
Thành Duy
Junior editor
Nhận định của Westpac IQ.
Điểm chính
- Bầu không khí ảm đạm đang bao trùm thị trường khi các nhà đầu tư hồi hộp chờ đợi báo cáo bảng lương phi nông nghiệp (NFP) được công bố tối nay, vào lúc 19:30 theo giờ Việt Nam. Một báo cáo NFP yếu kém có thể khiến thị trường gia tăng kỳ vọng vào việc Fed sẽ cắt giảm lãi suất mạnh tay hơn với 50 bps.
- Mặc dù một số cổ phiếu công nghệ phục hồi giúp Nasdaq tăng điểm nhẹ, hầu hết các chỉ số chứng khoán chính đều kết thúc phiên giao dịch trong sắc đỏ.
- Lợi suất TPCP Mỹ đồng loạt giảm. Lợi suất TPCP tại châu Âu cũng giảm theo. Diễn biến này đã gây một số áp lực lên USD, thậm chí có thời điểm nhúng xuống dưới ngưỡng 101.00.
- Trong bài phát biểu ngày hôm qua, Thống đốc RBA Philip Lowe đã phát đi thông điệp rõ ràng rằng lãi suất sẽ được duy trì ở mức cao trong một thời gian nữa.
Chứng khoán
- Tại Mỹ, chỉ số S&P 500 giảm tiếp 0.3%, đánh dấu chuỗi 3 phiên giao dịch trong sắc đỏ liên tiếp. Chỉ số Dow Jones cũng giảm 0.5%, trong khi Nasdaq tăng nhẹ 0.3% nhờ sự đảo chiều của một số cổ phiếu công nghệ, dẫn đầu là Nvidia.
- Thị trường chứng khoán châu Âu cũng chìm trong sắc đỏ. Chỉ số Euro Stoxx 50, FTSE 100 của Anh và DAX của Đức lần lượt giảm 0.7%, 0.3% và 0.1%.
- Tại châu Á, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 1.1% khi JPY tăng giá, làm giảm sức hấp dẫn của chứng khoán nội địa. Ngược lại, chỉ số ASX 200 của Úc đóng cửa tăng 0.4%, phục hồi sau phiên giảm mạnh hôm thứ Tư.
Lãi suất
- Lợi suất TPCP Mỹ kỳ hạn 2 năm giảm 1 bps xuống 3.74%; trong khi kỳ hạn 10 năm giảm 3 bps xuống 3.73%. Thị trường lãi suất hiện đang đặt cược rằng sẽ có 4 đợt cắt giảm lãi suất từ Fed, với xác suất cho đợt thứ 5 là 21%. Bên cạnh đó, thị trường cũng dự kiến sẽ có thêm 3 lần cắt giảm nữa vào năm 2025. Tính đến đầu tuần, thị trường chỉ dự đoán Fed sẽ cắt giảm lãi suất tổng cộng 97 bps trong năm 2024.
- Lợi suất TPCP Đức và Anh cũng giảm trong phiên hôm qua. Bund và Gilt kỳ hạn 2 năm đều giảm 3 bps; trong khi kỳ hạn 10 năm giảm 2 bps.
- Lợi suất TPCP Úc gần như đi ngang, với kỳ hạn 3 năm nhích nhẹ 1 bps lên 3.54%; trong khi kỳ hạn 10 năm giữ nguyên ở mức 3.94%. Kỳ vọng chung của thị trường cho thấy, khả năng RBA cắt giảm lãi suất lần đầu tiên sẽ rơi vào tháng 2/2025, với tổng cộng gần 4 lần trong năm 2025.
Ngoại hối
- Đồng bạc xanh tiếp tục suy yếu trong phiên giao dịch hôm qua. Chỉ số DXY có thời điểm giảm xuống dưới 101.00 trước khi phục hồi nhẹ và đóng cửa ở mức 101.07. USD suy yếu so với hầu hết các đồng tiền trong nhóm G10, ngoại trừ Krone Na Uy (NOK).
- Mặt khác, EUR tăng giá so với USD bất chấp dữ liệu bán lẻ không mấy khả quan được công bố trước đó. AUD/USD tăng lên mức cao 0.6742 sau khi chạm đáy 0.6714.
Hàng hóa
- OPEC+ đã thông báo trì hoãn kế hoạch tăng sản lượng. Giá dầu gần như không đổi với mức giảm 0.1%, đóng cửa tại 69.15 USD/thùng, vẫn neo dưới ngưỡng 70.00 USD/thùng sau khi biến động mạnh trong phiên.
- Giá quặng sắt tiếp tục giảm 1.6% xuống 92.35 USD/tấn, nhưng đã phục hồi trở lại vào đầu phiên giao dịch hôm nay.
Kinh tế Úc
- Trong bài phát biểu ngày hôm qua, Thống đốc RBA Philip Lowe đã nhấn mạnh tác động nặng nề của lạm phát, đặc biệt là với những người có thu nhập thấp và thu nhập cố định. Ông Lowe khẳng định lại quan điểm của RBA rằng lạm phát vẫn dai dẳng và họ sẽ chưa vội cắt giảm lãi suất trong năm nay. Ông cũng lưu ý rằng lĩnh vực dịch vụ và nhà ở vẫn là những “điểm nóng” chính về lạm phát.
Kinh tế châu Âu
- Doanh số bán lẻ của châu Âu chỉ tăng 0.1% trong tháng 7, sau khi giảm 0.4% (đã điều chỉnh) trong tháng 6. So với cùng kỳ, doanh số bán lẻ giảm 0.1%. Với thị trường lao động vẫn vững mạnh, lãi suất được dự báo sẽ tiếp tục giảm, lạm phát được kiểm soát và chi tiêu tùy ý dự kiến sẽ phục hồi.
Kinh tế Mỹ
- Chỉ số PMI Dịch vụ của ISM giữ nguyên ở mức 51.5 trong tháng 8, so với 51.4 trong tháng 7. Cụ thể, chỉ số đơn đặt hàng mới tăng từ 52.4 lên 53.0; trong khi chỉ số việc làm giảm từ 51.1 xuống 50.2; chỉ số giá phải trả tăng từ 57.0 lên 57.3, nhưng chỉ cao nhỉnh một chút so với mức trung bình của 5 năm trước đại dịch, khi lạm phát tính theo CPI ở mức dưới 1.6%.
Báo cáo của ADP cho thấy khu vực tư nhân của Mỹ chỉ tạo thêm 99,000 việc làm trong tháng 8, mức thấp nhất kể từ tháng 1/2021 và cũng thấp hơn nhiều so với dự báo. Dữ liệu tháng 7 cũng được điều chỉnh giảm từ 122,000 xuống 111,000 việc làm. Tuy nhiên, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu giảm cho thấy thị trường lao động Mỹ vẫn đang trong tình trạng tốt. Bên cạnh đó, ap lực tiền lương tiếp tục hạ nhiệt, với chi phí lao động đơn vị trong Q2 được điều chỉnh giảm từ 0.9% xuống 0.4%.
Westpac IQ