Danske Bank Research: Dữ liệu kinh tế Mỹ và Eurozone tối nay có gì?
Thành Duy
Junior editor
Nhận định bởi Bộ phận Nghiên cứu tại Danske Bank.
Điểm nhấn hôm nay
Eurozone sẽ công bố dữ liệu niềm tin người tiêu dùng tháng 11. Chỉ số này đã tăng mạnh trong năm qua, một tín hiệu tích cực cho tiêu dùng năm tới nếu xu hướng này tiếp diễn.
Bên kia bờ Đại Tây Dương, chúng ta sẽ đón nhận dữ liệu về số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu và chỉ số kinh doanh Fed Philadelphia cho tháng 11, thước đo tăng trưởng trong lĩnh vực sản xuất, với dự báo chung là 8.0.
Ngoài ra, nhiều quan chức từ cả Cục Dự trữ Liên bang (Fed) và Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB), bao gồm Knot, Holzman và Lane sẽ có bài phát biểu vào hôm nay. Giới đầu tư sẽ theo dõi sát sao nhằm tìm kiếm thêm manh mối về định hướng chính sách tiền tệ của hai “ông lớn" ngân hàng trung ương trước thềm các cuộc họp vào tháng 12.
Sáng mai, Cục Thống kê Nhật Bản sẽ công bố dữ liệu CPI lõi toàn quốc tháng 10. Dự kiến, thước đo lạm phát này sẽ tiếp tục xu hướng hạ nhiệt sau khi bất ngờ tăng vào tháng trước, nhưng với tốc độ chậm hơn ở mức 2.2% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây sẽ là số liệu lạm phát toàn quốc cuối cùng trước thềm cuộc họp của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) vào tháng 12.
Những diễn biến đáng chú ý gần đây
Eurozone
Mức tăng lương thỏa thuận tại Eurozone đã nhảy vọt từ 3.5% trong Q2 lên 5.4% so với cùng kỳ năm ngoái vào Q3, chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố mùa vụ như tiền thưởng và các khoản thanh toán đặc biệt gần đây tại Đức. Nhìn chung, mức lương thỏa thuận trung bình đã tăng 4.6% so với cùng kỳ năm ngoái trong năm 2024, so với 4.4% của năm 2023, cho thấy tăng trưởng lương vẫn khá mạnh.
Anh
Lạm phát tháng 10 nóng hơn dự kiến. So với cùng kỳ năm ngoái, chỉ số CPI toàn phần và lõi tăng lần lượt 2.3% (dự báo: 2.2%, tháng trước: 1.7%) và 3.3% (dự báo: 3.1%, tháng trước: 3.2%). Nguyên nhân chính cho kết quả trên là do giá năng lượng hộ gia đình tăng 9% sau đợt điều chỉnh theo quý của Ofgem (cơ quan quản lý năng lượng). Do đó, chúng tôi khuyến nghị không nên quá tập trung vào số liệu này. Khi loại trừ các yếu tố biến động như gói dịch vụ du lịch, giá vé máy bay, giáo dục và hóa đơn năng lượng hộ gia đình, áp lực lạm phát về cơ bản tiếp tục hạ nhiệt, mặc dù với tốc độ chậm.
Chứng khoán
Chứng khoán toàn cầu giảm điểm nhẹ hôm qua, và nhóm cổ phiếu hưởng lợi từ chính sách dự kiến của Trump không còn duy trì được đà tăng trưởng vượt trội. Cổ phiếu ngành chăm sóc sức khỏe cuối cùng cũng phát huy vai trò phòng thủ sau nhiều tuần giao dịch ảm đạm hậu bầu cử. Bên cạnh đó, cổ phiếu ngành vật liệu cũng có màn thể hiện vượt trội hơn mặt bằng chung, sau khi chịu áp lực trong vài tuần qua do lo ngại về gói kích thích kinh tế của Trung Quốc.
Chứng khoán Châu Âu mở cửa với sắc xanh nhưng đóng cửa trong sắc đỏ, phản ánh sự thận trọng và bất ổn trong tâm lý của nhà đầu tư xoay quanh căng thẳng Nga-Ukraine, chính trị Đức, những khó khăn của ngành sản xuất và triển vọng tăng trưởng không mấy sáng sủa của khu vực. Nhìn chung, thị trường dường như đang thiếu niềm tin vào những bất ngờ tích cực từ Châu Âu, mặc dù dữ liệu kinh tế gần đây tương đối khả quan.
Chứng khoán Châu Á biến động trái chiều trong phiên hôm nay, ít nhất là tính đến thời điểm viết bài, với thị trường Hàn Quốc là điểm sáng. Hợp đồng tương lai chứng khoán Châu Âu tăng điểm, nhưng cần theo dõi xem liệu sắc xanh có thể duy trì trong phiên giao dịch chính thức hay không. Mặt khác, hợp đồng tương lai chứng khoán Mỹ giảm nhẹ hậu công bố báo cáo kết quả kinh doanh của Nvidia sau khi phiên giao dịch chính thức hôm qua đóng cửa.
Lợi suất
Căng thẳng địa chính trị tiếp tục gây áp lực lên lợi suất trái phiếu chính phủ (TPCP) toàn cầu trong phiên giao dịch hôm qua. Lợi suất hoán đổi EUR nhích nhẹ ở tất cả các kỳ hạn vào đầu phiên, nhưng đà tăng nhanh chóng bị dập tắt khi xuất hiện tin tức về một cuộc tấn công khác của Ukraine vào lãnh thổ Nga.
Ở một diễn biến khác, phiên đấu giá TPCP Mỹ kỳ hạn 20 năm diễn ra khá ảm đạm, với lợi suất cao và nhu cầu thấp từ các nhà đầu tư trực tiếp. Dẫu vậy, TPCP kỳ hạn 20 năm vốn dĩ kém hấp dẫn do là một “phân khúc” tương đối mới, được Kho bạc Mỹ tái phát hành vào năm 2020, tương tự như trường hợp của Đức, khi TPCP kỳ hạn 15-20 năm cũng ghi nhận nhu cầu thấp và thường đi kèm lợi suất cao để thu hút nhà đầu tư. Do đó, phiên đấu giá này dự kiến sẽ không tác động đáng kể đến lợi suất TPCP Mỹ kỳ hạn dài.
Ngoại hối
EUR/USD dù biến động mạnh trong những nhưng vẫn chưa thể thoát khỏi phạm vi giao dịch của tuần trước (1.0500-1.0600). Dự kiến, tăng trưởng lương cao sẽ tiếp tục gây áp lực lên lạm phát dịch vụ. Mặc dù vậy, ECB dường như đã chuyển trọng tâm từ lạm phát sang tăng trưởng, do đó, dữ liệu này sẽ ít ảnh hưởng đến quyết định lãi suất trong tương lai. Mặt khác, lịch kinh tế tuần này tương đối trầm lắng, với trọng tâm chuyển sang loạt dữ liệu PMI sẽ được công bố vào ngày mai. Hiện tại, thị trường lãi suất đang định giá mức cắt giảm khoảng 30 bps tại cuộc họp FOMC tháng 12. Chúng tôi dự kiến đà tăng gần đây của USD sẽ yếu dần vào cuối năm, do kỳ vọng thị trường hiện tại về Fed dường như quá diều hâu và vị thế mua ròng đồng tiền này đang ở mức cao.
EUR/GBP giảm trong phiên giao dịch hôm qua sau khi số liệu lạm phát tháng 10 của Anh được công bố. Nhìn chung, số liệu lạm phát cao hơn dự kiến đã củng cố thêm khả năng BoE sẽ giữ nguyên lãi suất trong cuộc tháng 12 và lần cắt giảm tiếp theo dự kiến sẽ rơi vào tháng 02/2025, phù hợp với dự báo của chúng tôi về việc EUR/GBP sẽ tiếp tục di chuyển xuống vùng thấp hơn. Ngày mai, thị trường sẽ chuyển sự chú ý vào dữ liệu doanh số bán lẻ tháng 10 và PMI sơ bộ tháng 11, dự kiến không thay đổi nhiều so với trước đó.
Danske Bank Research