Bản tin sáng ngày 11/09 - Westpac IQ: Sự "phân hóa" lan rộng trên khắp các mặt trận, với tâm lý ảm đạm có phần nhỉnh hơn
Thành Duy
Junior editor
Nhận định của Westpac IQ.
Điểm chính
- Chứng khoán Mỹ khép lại phiên giao dịch trái chiều, với đà tăng của nhóm công nghệ bù đắp cho sự sụt giảm của nhóm tài chính. Trong khi đó, thị trường TPCP Mỹ lại tăng giá, kéo lợi suất đi xuống. Giới đầu tư vẫn đang tranh cãi về quy mô cắt giảm lãi suất của Fed trong cuộc họp tuần tới và dữ liệu CPI của Mỹ công bố tối nay được kỳ vọng sẽ cung cấp thêm manh mối.
- Chỉ số DXY gần như đi ngang, trong khi AUD tiếp tục chịu áp lực giảm do giá hàng hóa suy yếu và dữ liệu nhập khẩu của Trung Quốc gây thất vọng.
- Giá dầu "lao dốc" xuống mức thấp nhất kể từ tháng 5/2023 sau khi OPEC và IEA đồng loạt điều chỉnh giảm dự báo nhu cầu dầu. Ngoài ra, lo ngại về triển vọng kinh tế toàn cầu và Trung Quốc tiếp tục "phủ bóng đen" lên giá quặng sắt và kim loại.
Chứng khoán
Mỹ: Wall Street khép lại phiên giao dịch với tâm trạng "nửa vui nửa buồn". Nhóm công nghệ "lên ngôi", giúp S&P 500 và NASDAQ tăng lần lượt 0.4% và 0.8%. Trái lại, đà giảm của nhóm tài chính sau khi JPMorgan và Goldman Sachs đưa ra dự báo thận trọng về kết quả kinh doanh đã kéo Dow Jones giảm 0.2%.
Châu Âu: Chứng khoán châu Âu "hụt hơi", giảm điểm và đánh mất một phần đà tăng từ đầu tuần. Euro Stoxx 50, FTSE 100 (London) và DAX (Đức) giảm lần lượt 0.7%, 0.8% và 1.0%. Diễn biến tiêu cực này xảy ra bất chấp dữ liệu tích cực từ Vương Quốc Anh cho thấy tăng trưởng tiền lương đang tiếp tục "hạ nhiệt".
Châu Á: Chứng khoán châu Á cũng giao dịch trái chiều. Nikkei 225 (Tokyo) giảm tiếp 0.2%. Trong khi đó, Shanghai Composite (Thượng Hải) và Hang Seng (Hồng Kông) tăng nhẹ, lần lượt là 0.1% và 0.2%, nhưng không đủ để bù đắp cho sự "ảm đạm" đầu tuần.
Úc: ASX 200 tăng 0.3% hôm qua, với hầu hết các ngành đều "khoác lên mình" sắc xanh. Nổi bật nhất là nhóm năng lượng (+0.9%) và truyền thông (+0.8%), trong khi nguyên vật liệu là ngành duy nhất giảm điểm (–0.3%).
Câu chuyện lãi suất
Mỹ: Thị trường TPCP Mỹ tăng giá, kéo lợi suất đi xuống và khiến đường cong lợi suất phẳng hơn. Lợi suất kỳ hạn 2 năm giảm 7 bps xuống 3.59%; trong khi kỳ hạn 10 năm giảm 6 bps xuống 3.64%. Thị trường vẫn đang khá "cân não" về quy mô cắt giảm lãi suất của Fed trong cuộc họp tuần tới. Hiện tại, khả năng Fed sẽ "mạnh tay" cắt giảm 50 bps là 33%, trong khi kỳ vọng hạ lãi suất cho đến cuối năm sau là hơn 250 bps.
Úc: Lợi suất TPCP Úc cũng giảm điểm đêm qua. Lợi suất tương lai cho kỳ hạn 3 năm giảm 3 bps xuống 3.49%; trong khi kỳ hạn 10 năm cũng giảm 3 bps xuống 3.89%. Thị trường lãi suất hiện không còn kỳ vọng RBA sẽ cắt giảm lãi suất trong năm nay (với chỉ 19 bps vào cuối năm 2024), nhưng vẫn dự kiến mức cắt giảm tổng cộng 110 bps cho đến cuối năm tới, với lần đầu tiên vào tháng 2/2025.
Ngoại hối
Chỉ số DXY gần như đi ngang, dao động nhẹ trong suốt phiên giao dịch. Chỉ số này đã chạm mức cao nhất là 101.78 trước khi ổn định tại 101.67. Số phận của đồng bạc xanh trong thời gian tới sẽ phụ thuộc vào dữ liệu CPI của Mỹ, dự kiến công bố tối nay. Số liệu này được kỳ vọng sẽ cung cấp thêm manh mối về "thước đo" cắt giảm lãi suất vào tháng 9, rằng Fed sẽ "nhẹ tay" với mức 25 bps, hay sẽ "mạnh tay" hơn với 50 bps?
Đồng AUD "đuối sức", giảm 0.1% so với USD. Sau khi rơi xuống mức thấp nhất trong ngày là 0.6641 do giá hàng hóa suy yếu và dữ liệu nhập khẩu của Trung Quốc thấp hơn dự kiến, AUD/USD đã ổn định tại 0.6652. Giá hàng hóa yếu và tâm lý risk-off bao trùm có thể sẽ tiếp tục "đè nặng" lên đồng tiền này trong thời gian tới. Trong khi đó, đồng Yên Nhật tăng giá so với USD, với USD/JPY giảm 0.5% xuống 142.43.
Hàng hóa
Giá dầu giảm mạnh sau khi OPEC và IEA đồng loạt phát "báo động đỏ", điều chỉnh giảm dự báo nhu cầu dầu. Hợp đồng tương lai dầu thô WTI giao tháng 10 giảm 4.3% xuống 65.75 USD/thùng. Trong phiên giao dịch, giá dầu thô đã chạm mức thấp nhất kể từ tháng 5/2023.
OPEC đã hạ dự báo nhu cầu dầu cho năm 2024 thêm 80,000 thùng/ngày, xuống còn 2 triệu thùng/ngày. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cũng không mấy lạc quan khi điều chỉnh giảm dự báo nhu cầu dầu cho năm 2025 thêm 95,000 thùng/ngày, xuống còn 1.52 triệu thùng/ngày. Đồng thời, IEA cũng dự báo nguồn cung dầu cho năm 2025 sẽ tăng thêm 330,000 thùng/ngày, lên mức kỷ lục 2.4 triệu thùng/ngày. Lo ngại về tình trạng dư thừa nguồn cung vào năm 2025 dường như đang "phủ bóng đen" lớn hơn lên thị trường dầu mỏ.
Quặng sắt giảm về gần mốc 90 USD/tấn, sau khi dữ liệu cho thấy lượng nhập khẩu hàng rời này của Trung Quốc trong tháng 8 chỉ cao hơn một chút so với dự kiến. Kim loại cũng "lao dốc" do nhập khẩu đồng của Trung Quốc giảm và xuất khẩu nhôm tăng.
Bánh xe vĩ mô
Úc: Người tiêu dùng Úc đang ngày càng bi quan về triển vọng kinh tế. Chỉ số tâm lý người tiêu dùng do Westpac và Viện Nghiên cứu Melbourne công bố đã giảm từ 85.0 vào tháng 8 xuống 84.6 trong tháng 9, cho thấy tâm lý bi quan đã bao trùm hơn hai năm qua vẫn chưa có dấu hiệu "nguôi ngoai". Mặc dù áp lực chi phí sinh hoạt đang giảm bớt và lo ngại về việc tăng lãi suất đã dịu đi, người tiêu dùng lại đang ngày càng lo lắng về triển vọng kinh tế và thị trường lao động. Theo kết quả khảo sát, 70-80% người tiêu dùng Úc cho rằng các tin tức về 'nền kinh tế', 'ngân sách, thuế' và 'việc làm' là tiêu cực, tăng so với 60-70% trong tháng 6.
Chỉ số điều kiện kinh doanh cũng suy yếu trở lại vào tháng 8 sau khi phục hồi nhẹ trong tháng 7 khi giảm 3 điểm. Ngoài ra, chỉ số điều kiện giao dịch (giảm 2 điểm xuống +8) và chỉ số lợi nhuận (giảm 1 điểm xuống +1) cũng tiếp tục xu hướng giảm. Chưa hết, chỉ số niềm tin kinh doanh cũng giảm 5 điểm xuống -4, mức thấp nhất kể từ cú rơi sốc vào tháng 11/2023 sau khi RBA tăng lãi suất.
Chi phí lao động đã giảm đáng kể sau sự đột biến của tháng trước (do việc điều chỉnh lương tối thiểu và lương thỏa thuận), từ mức tăng dự phóng theo quý là 2.4% trong tháng 7 xuống còn 1.7% vào tháng 8. Con số này gần tương đương với mức tăng 1.6% trong tháng 6, cho thấy việc điều chỉnh lương tối thiểu và lương thỏa thuận có tác động khá hạn chế đến chi phí lao động. Khảo sát cũng cho thấy tỷ lệ sử dụng công suất tăng nhẹ và vẫn ở mức cao so với lịch sử. Đồng thời, chỉ số theo dõi chi tiêu vốn đã tăng từ mức trung bình nhiều năm là +6 trong tháng 7 lên +10 vào tháng 8 (mức cao nhất kể từ tháng 9/2023), cho thấy một số doanh nghiệp đang có kế hoạch đầu tư thêm vào năng lực sản xuất.
Trung Quốc: Thặng dư thương mại của Trung Quốc tăng vọt 34.2% so với cùng kỳ tháng 8, lên mức 91.0 tỷ USD, đồng thời vượt dự báo 81.1 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu tăng 8.7% so với cùng kỳ, đạt giá trị cao nhất trong gần hai năm. Tuy nhiên, nhập khẩu chỉ tăng 0.5% so với cùng kỳ, cho thấy nhu cầu tiêu dùng yếu kém.
Vương quốc Anh: Thị trường lao động Anh tiếp tục cho thấy tín hiệu tích cực. Tỷ lệ thất nghiệp giảm từ 4.2% trong ba tháng trước xuống 4.1% trong giai đoạn tháng 5-7, mức thấp nhất kể từ tháng 1/2024. Số lượng người có việc làm tăng 265,000, mức tăng cao nhất trong hơn 18 tháng qua. Tăng trưởng thu nhập trung bình hàng giờ tiếp tục chậm lại, từ 5.4% trong ba tháng trước xuống 5.1% vào tháng 7.
Hoa Kỳ: Niềm tin kinh doanh tại Mỹ suy giảm. Chỉ số lạc quan của các doanh nghiệp nhỏ do NFIB công bố giảm 2.5 điểm xuống 91.2 trong tháng 8, thấp hơn dự báo 93.6, do kỳ vọng về doanh số bán hàng và nền kinh tế xấu đi. Ngoài ra, kế hoạch tuyển dụng của các doanh nghiệp đã giảm trong tháng 8 nhưng nhìn chung vẫn phù hợp với mức trung bình của 6 tháng qua. Bên cạnh đó, kế hoạch chi tiêu vốn cũng ít thay đổi trong những tháng gần đây.
Westpac IQ