Các NHTW không quá hào hứng với kịch bản tăng lãi suất như thị trường đang kỳ vọng
Tú Đỗ
Senior Economic Analyst
Các NHTW lớn gần đây đã phát tín hiệu không đồng tình với mức định giá quá cao của thị trường vào kịch bản tăng lãi suất trong thời gian sắp tới. Kỳ vọng lạm phát đã tăng lên mức đỉnh mới trong nhiều năm trở lại đây, trong đó thị trường trái phiếu là nơi phản ứng nhanh nhạy nhất. Vậy liệu ai đang là người đúng? Liệu các nhà đầu tư có đang phản ứng thái quá về mối lo lạm phát hay các nhà làm luật đang trì hoãn trong việc ra quyết định? Ngoài ra, tại sao đồng USD có thể vượt lên trên các đồng tiền khác trong cuộc đua bình thường hóa chính sách dẫu cho Fed vẫn đang chậm chân hơn?
Đường cong lợi suất bị làm phẳng - tín hiệu cho tình trạng lạm phát đình trệ?
Kỳ vọng lạm phát định giá bởi thị trường đã tăng dần đều trong cả năm nay. Việc vấn đề tắc nghẽn chuỗi cung ứng và thiếu hụt nguồn cung từ ngành bán lẻ, sản xuất tới năng lượng dự kiến chưa thể được giải quyết nhanh chóng đã làm dấy lên lo ngại về tình trạng lạm phát đình trệ.
Kỳ vọng lạm phát đang có xu hướng tăng
Lần gấn nhất thế giới phải đối mặt với tình trạng tăng trưởng chậm chạp và lạm phát cao là vào những năm 1970. Vẫn còn rất nhiều tranh cãi về khả năng lặp lại của tình trạng trên ở thời điểm hiện tại, tuy nhiên việc đường cong lợi suất có xu hướng phẳng hơn là một tín hiệu ủng hộ cho quan điểm này. Kỳ vọng lạm phát tăng đẩy lợi suất TPCP ngắn hạn tăng theo, tuy nhiên lợi suất của các kỳ hạn dài lại không có cùng tốc độ tương ứng.
Ví dụ tại Mỹ, đường cong lợi suất đã dốc đáng kể vào thời điểm đầu năm tuy nhiên đã phẳng dần khi các nhà đầu tư bớt lạc quan hơn vào triển vọng tăng trưởng trong dài hạn.
Chênh lệch lợi suất TPCP Mỹ
Nín thở chờ đợi động thái của các NHTW
Đối với thị trường tiền tệ, mối quan tâm hiện tại đang tập trung vào diễn biến lãi suất ngắn hạn mà cụ thể đó là thời điểm nâng lãi suất trở lại của các NHTW. Chỉ vài ngày trước, thị trường đã sai khi dự đoán rằng NHTW Anh sẽ là NHTW lớn đầu tiên nâng lãi suất trở lại sau đại dịch. Mặc dù cơ quan này vẫn dự kiến sẽ thắt chặt dần chính sách trong vài tháng tới, Thống đốc Andrew Bailey vẫn phát đi tín hiệu rõ ràng rằng thị trường đã kỳ vọng quá nhiều lần tăng lãi suất trong năm tới. Đồng GBP đã ngay lập tức quay đầu giảm mạnh sau diễn biến trên.
Kỳ vọng nâng lãi suất của BOE vẫn chưa thể chặn đà giảm của đồng Bảng Anh
Liệu rằng thị trường đã sai về BOE, RBA và ECB
Bóng mây đen đang bao trùm nền kinh tế Úc khi giá quặng sắt sụt giảm và kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại. Mặc dù trước mắt tăng trưởng được kỳ vọng sẽ bật tăng trở lại khi nền kinh tế mở cửa trở lại sau phong tỏa, các nhà đầu tư có thể vẫn đang lo ngại về những rủi ro trong trung hạn.
RBA có vẻ như đang bị mắc kẹt ở giữa khi bỏ định hướng trước đó về việc chưa tăng lãi suất trước năm 2024 tuy nhiên cũng bác bỏ ý tưởng nâng lãi suất trước năm 2023. Thị trường đang đặt cược lớn vào việc cơ quan này sẽ có 3 lần tăng lãi suất trong năm 2022. Trong khi đó kỳ vọng đối với BOE sẽ là 4 lần tăng lãi suất trong năm tới với mức ít nhất là 50 điểm. Do đó, rủi ro đối với kịch bản tiêu cực của đồng GBP sẽ thấp hơn so với AUD.
ECB cũng không nằm ngoài xu hướng trên khi thị trường đang dự đoán cơ quan này sẽ tăng ít nhất 10 điểm lãi suất trong năm 2022 mặc dù Chủ tịch Lagarde vẫn khẳng định rằng đây là một kịch bản rất khó xảy ra. Tuy vậy, với việc đồng EUR vẫn đang yếu hơn khá nhiều so với các đồng tiền chính khác, bất cứ sự thay đổi về kỳ vọng tăng lãi suất có thể sẽ không có nhiều tác động rõ rệt.
Kỳ vọng đối với Fed
Quân bài khó đoán nhất vẫn sẽ là động thái của Cục dự trữ liên bang Mỹ. Phiên họp FOMC mới nhất đã được thị trường đón nhận như một tín hiệu nới lỏng. Dẫu vậy, thị trường vẫn đang kỳ vọng Fed sẽ nâng lãi suất 2 lần trong năm 2022. Bất chấp việc Fed vẫn giữ giọng điệu tiếp tục kiên nhẫn trong bình thướng hóa chính sách, đồng USD phản ứng với thông tin trên theo hướng thắt chặt thay vì nới lỏng. CAD và NZD là 2 đồng tiền có phản ứng tương tự với chính sách của NHTW.
Diễn biến của các đồng tiền đang được dẫn dắt bởi kỳ vọng tăng lãi suất của các NHTW
Định nghĩa khái niệm "Tạm thời"
Câu hỏi lớn nhất đối với thị trường lúc này đó là "Tạm thời là bao lâu?" Các nhà làm luật vẫn đang mơ hồ trong việc định nghĩa khái niệm tạm thời, tuy nhiên ngày một có nhiều quan điểm đồng thuận rằng lạm phát sẽ chưa thể hạ nhiệt cho tới giữa năm 2022. Các NHTW nhiều khả năng sẽ không thể tiếp tục đánh đổi mục tiêu lạm phát để hỗ trợ tăng trưởng nếu quan điểm lạm phát tạm thời không còn đúng.
Fed dự báo lạm phát sẽ trở lại mức 2% trong năm tới
Trong kịch bản tiêu cực nhất, sức mạnh của đồng USD sẽ tiếp tục được củng cố khi nền kinh tế Mỹ đối phó tốt hơn với mức lãi suất cao hơn hầu hết các nước phát triển khác nhờ sự trợ giúp từ chính sách tài khóa và khả năng tự chủ năng lượng. Ngoài ra, nếu như lãi suất toàn cầu tăng trong bối cảnh lạm phát đình trệ, đồng bạc xanh có thể sẽ thu hút dòng tiền trú ẩn.
Mặt khác, nếu lạm phát dần hạ nhiệt trong năm 2022, triển vọng đối với đồng USD vẫn là khá tích cực khi Fed nhiều khả năng sẽ tiếp tục nâng lãi suất nhằm ngăn việc nền kinh tế trở nên quá nóng và những đồng tiền được kỳ vọng tăng lãi suất mạnh mẽ nhất có thể sẽ chịu áp lực lớn hơn.
Investing.com