Châu Âu đang trỗi dậy mạnh mẽ
Hữu Thăng
FX Strategist
Chúng ta có thể sắp thấy sự hồi sinh của "thế giới cũ", ngay khi "thế giới mới" đang yếu đi.
(Chú thích: "Thế giới cũ" là cựu lục địa Á - Âu - Phi; "thế giới mới" là tân lục địa Châu Mỹ - Châu Đại Dương)
Tôi đã viết những dòng ghi chú này trước ngày cuối tuần đồng thời là Ngày Quốc khánh của Mỹ, khi tôi và chồng tôi ăn mừng ngày lễ lớn của đất nước trong bối cảnh giãn cách xã hội. Chúng tôi ngắm pháo hoa từ trên mái nhà lợp đá nâu của chúng tôi bằng cách trèo lên lối thoát hiểm, một tay cầm xô rượu sâm panh và một tay cầm đồ ăn cho bữa picnic. Tất nhiên là có những rủi ro riêng trong khoảnh khắc ấy, nhất là khi chúng tôi đã nốc hết 1 chai sâm panh.
Tuy nhiên việc được là công dân Mỹ không phải là một đặc ân vào lúc này. Trên thực tế, tôi đã dành rất nhiều thời gian để suy nghĩ xem liệu chúng ta có thể thấy sự hồi sinh của "thế giới cũ" hay không, ngay khi "thế giới mới" đang yếu dần. Nước Mỹ đã chính thức thua cuộc trong cuộc chiến với COVID-19, khi các bang "sân nhà" của Đảng Cộng hoà có số ca nhiễm mới COVID-19 cao kỷ lục, trái ngược với tình trạng hiện tại ở châu Âu khi tình hình đã được kiểm soát phần nào. Đức dường như đang mở đường cho kích thích tài khóa, và châu Âu cuối cùng cũng phải trở nên đoàn kết hơn về mặt kinh tế để tồn tại như một liên minh chính trị. Châu Âu đã cho thấy một tấm gương điển hình trong việc phòng chống dịch COVID-19, khác hẳn với bộ mặt yếu kém của nước Mỹ trong đối phó với dịch bệnh này.
Sự đoàn kết của châu Âu sẽ có ý nghĩa kinh tế đối với cả Mỹ và thế giới. Như tôi đã nói, tôi nghĩ rằng chúng ta đang bước vào kỷ nguyên "hậu dollar", không chỉ vì niềm tin vào nước Mỹ ngày càng giảm sút hay có sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc (nước này đang tung ra tiền điện tử của riêng mình), mà còn vì đồng Euro. Đồng tiền được bảo đảm bởi một châu Âu ngày càng đoàn kết này sẽ cung cấp một sự thay thế hoàn hảo cho đồng bạc xanh.
Các thị trường dường như đã thấy trước điều này rồi. Tôi đã bị ấn tượng bởi một đoạn trong bài viết trên Financial Times vào tuần trước về việc cổ phiếu châu Âu đang bắt đầu toả sáng và làm lu mờ Phố Wall như thế nào. Rời khỏi thị trường chứng khoán Mỹ được một thời gian, tôi bắt đầu suy nghĩ về việc làm thế nào để tôi "long" đồng Euro hiệu quả (nhưng mà đáng buồn thay, chồng tôi cứ khăng khăng với tôi rằng căn biệt thự ở Tuscany - Ý mà tôi đang để mắt tới không đủ tính thanh khoản).
Giống như việc tất cả các nhà báo kinh tế kỳ cựu đều đã viết rằng "Nhật Bản đang trỗi dậy" ít nhất một hoặc hai lần kể từ đầu những năm 1990, hầu hết chúng ta đều dự đoán một viễn cảnh tươi sáng cho châu Âu. Nhưng tôi thực sự nghĩ rằng đây có thể là một điểm bùng phát của sự thay đổi trong cán cân quyền lực xuyên Đại Tây Dương. COVID-19 đã kéo "bức màn" che đậy sự "mỏng manh" của chủ nghĩa tư bản Mỹ-Ănglô. Ngoài trừ vụ bê bối Wirecard gần đây và những lập luận cho rằng vụ bê bối đã làm xấu đi hình ảnh của Đức trong cách ứng xử với các bên liên quan, tôi vẫn nghĩ rằng mô hình tư bản tại châu Âu bền vững hơn và phù hợp hơn ở thời điểm này, khi có sự chia sẻ công bằng hơn về lợi ích giữa chủ doanh nghiệp và người lao động, cũng như giữa khu vực công và tư nhân.
Giả sử như Joe Biden sẽ chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng vào cuối năm nay, nước Mỹ sẽ tìm cách hàn gắn những rạn nứt trong mối quan hệ Mỹ - EU. Nếu tôi là bà Angela Merkel hay ông Emmanuel Macron, tôi sẽ suy nghĩ về cách tận dụng sự thống nhất nội khối và những lợi thế kinh tế mà nó mang lại để tạo ra một liên minh xuyên Đại Tây Dương cùng hướng tới những mục tiêu mà châu Âu đang đề ra xung quanh những vấn đề như hệ thống thuế điện tử, biến đổi khí hậu hay quyền của người lao động.