Cổ phiếu - Tài sản rủi ro hay nơi trú ẩn mới của các nhà đầu tư?
Nguyễn Hà Trang
Junior Analyst
Các tài sản trú ẩn truyền thống dường như không còn thực sự an toàn trong bối cảnh biến động hiện tại.
Thị trường chứng khoán Mỹ bước qua hơn một thập kỷ với đầy rẫy những chông gai, từ tàn dư của cuộc đại khủng hoảng, những căng thẳng địa chính trị cho tới đại dịch nghiêm trọng chưa từng có. Dẫu vậy, nó vẫn chứng tỏ sức sống mãnh liệt của mình khi lần lượt rũ bỏ từng khó khăn để tiếp tục vươn lên. Các nhà đầu tư vẫn tiếp tục đổ tiền vào thị trường này bởi có thể đơn giản rằng họ không còn lựa chọn nào tốt hơn. Chứng khoán được xếp vào nhóm tài sản rủi ro, tuy nhiên sau khi trải qua những biến động của thị trường trong nửa đầu của năm nay, thậm chí các tài sản trú ẩn cũng không mang tới sự an tâm tuyệt đối cho các nhà đầu tư.
"Tài sản trú ẩn" là nơi mà các nhà đầu tư thường đổ xô tới khi giá cổ phiếu sụt giảm và nền kinh tế suy sụp. Trong cơn hoảng loạn của thị trường, những tài sản này sẽ giúp bảo toàn vốn cho những người nắm giữ chúng. Nếu như lạm phát ăn mòn giá trị của đồng tiền thì các tài sản trú ẩn chính là nơi lưu trữ giá trị đó. Tài sản trú ẩn gồm hai loại chính: Thứ nhất là loại có nguồn cung hạn chế như vàng và các kim loại quý khác và thứ hai là các tài sản được cam kết bảo toàn giá trị cho nhà đầu tư như TPCP Mỹ hoặc các đồng tiền ít chịu ảnh hưởng bởi lạm phát như Yên Nhật.
Trong nhiều thiên niên kỷ, vàng được đánh giá như một loại tài sản có thể lưu trữ giá trị hữu hiệu, ngày nay, nó được coi là một hàng rào giúp chống lại rủi ro địa chính trị và sự mất giá của các loại tiền tệ do nhà nước quản lý. Tuy vậy, mặc dù chiến tranh nổ ra tại châu Âu, lạm phát gia tăng, giá vàng đã giảm khoảng 3% kể từ đầu năm nay. Vàng dường như đã dần mất đi vị thế trước kia khi lãi suất thực tăng lên. Bên cạnh đó, bitcoin cũng mang tới sự thất vọng tương tự khi được kỳ vọng sẽ thay thế vai trò trú ẩn của vàng nhưng cũng đã mất đi một nửa giá trị kể từ đầu năm đến nay.
Nếu vàng không còn là tài sản đáng tin tưởng, liệu có thể đặt niềm tin chính phủ Mỹ hay không? Rủi ro từ việc cho vay nền kinh tế lớn nhất thế giới và cũng là nhà phát hành đồng tiền dự trữ toàn cầu là gần như bằng 0. Tuy vậy, xu hướng tăng của lợi suất cũng khiến cho giá của TPCP Mỹ giảm xuống (Giá trái phiếu biến động ngược chiều so với lợi suất). Tỷ suất lợi nhuận từ việc nắm giữ TPCP Mỹ theo ước tính của Bloomberg đã giảm khoảng 9%. Nếu nhìn ra bức tranh toàn cầu cũng nhận thấy kết quả tương tự: chỉ số Trái phiếu Chính phủ Thế giới FTSE đã giảm 8%. Hầu như trong mọi trường hợp, giá trị gốc trái phiếu bị xói mòn và không được bảo vệ trước tình hình lạm phát (số trái phiếu kho bạc không bị ảnh hưởng trước lạm phát chỉ chiếm 8% thị trường).
Từ thực tế trên, đòi hỏi cần tìm ra loại tiền tệ sở hữu khả năng chống lạm phát một cách bền bỉ và cung cấp nơi trú ẩn khỏi những biến động thị trường. Trong nhiều năm qua, đồng Yên Nhật luôn tăng giá dù cho có bất kì sự cố nào xảy ra như sự sụp đổ của Lehman Brothers hoặc cuộc khủng hoảng nợ chính phủ của Châu Âu. Tại tháng 6/2022, tỷ lệ lạm phát Nhật Bản ở mức 2.4% - mức lạm phát mà nhiều ngân hàng trung ương theo đuổi. Tuy nhiên, tượng đài trên lại sụp đổ khi trong suốt một thập kỷ qua, ngân hàng trung ương Nhật Bản đã mua một lượng lớn trái phiếu và cổ phiếu nhằm cố gắng ngăn chặn giảm phát. Và hậu quả đồng Yên giảm giá trị, không còn cung cấp nơi trú ẩn an toàn.
Đồng USD cũng có thể là một phương án đáng xem xét khi đồng tiền này đã tăng so với hầu hết các loại tiền tệ hoặc tài sản khác trong thời gian vừa qua. Tuy nhiên, việc bị xói mòn bởi lạm phát kỷ lục tại Mỹ cũng làm giảm sức hấp dẫn của loại tài sản này. Tất cả những lý do trên buộc các nhà đầu tư phải trở lại đặt niềm tin vào thị trường chứng khoán và hy vọng nó sẽ mang tới một kết cục có hậu.
The Economist