Đà tăng của thị trường trái phiếu trở nên vô cùng hợp lý khi nhìn vào diễn biến của nền kinh tế toàn cầu
Ngô Văn Thịnh
Economic Analyst
Đà tăng của trái phiếu cuối cùng có thể đánh thức các nhà đầu tư cổ phiếu rằng nền kinh tế toàn cầu đang ở trong trạng thái rất dễ tổn thương sau khi chiến tranh thương mại và đại dịch gây ra thiệt hại sâu sắc và lâu dài. Thị trường cổ phiếu có khả năng giảm sâu sau khi đạt đỉnh chỉ hơn một tuần trước ở mức cao hơn 25% so với mức cao kỷ lục trước Covid.
• Thị trường đã định giá sự phục hồi gần như hoàn hảo sau đại dịch cho đến khi trái phiếu sụt giảm kể từ giữa tháng 5. Trước đó, đã có những lo ngại về reflation, điều đã tan biến sau sự xoay trục sang “hawkish” của Cục Dự trữ Liên bang. Các nhà đầu tư rõ ràng đã yên tâm rằng hoặc Chủ tịch Jerome Powell sẽ được chứng minh là đúng về quan điểm lạm phát nhất thời hoặc các thành viên FOMC hiếu chiến hơn sẽ bỏ phiếu để hạ nhiệt nền kinh tế kịp thời.
• Cuộc tranh cãi đó đã giúp che đậy những hồi chuông cảnh báo đang vang lên trên thị trường trái phiếu. Các nhà đầu tư có thể đã tập trung quá nhiều vào các vấn đề nhu cầu nhiều hơn là các vấn đề ngắn hạn về nguồn cung và hiệu ứng cơ sở đã giúp tạo ra các con số từ CPI đến tăng trưởng xuất khẩu và bán lẻ tăng vọt.
• Vấn đề rõ ràng nhất đối với các nền kinh tế lớn nhất thế giới đến từ thị trường lao động. Đó cũng là ưu tiên của các ngân hàng trung ương trong khi họ tìm cách vượt qua nhiều năm giảm phát kéo dài. Bất chấp sự lạc quan về triển vọng phục hồi mạnh mẽ, việc làm vẫn thấp hơn mức trước đại dịch ở hầu hết các nền kinh tế lớn
• Tốc độ tăng trưởng việc làm chậm lại đã khiến các nhà đầu tư đẩy lợi suất trái phiếu giảm xuống do kỳ vọng rằng các ngân hàng trung ương sẽ gặp khó khăn trong việc gỡ bỏ hỗ trợ tiền tệ. Và các ngân hàng trung ương gắn bó với QE càng lâu, thì lợi suất sẽ càng bị kìm hãm.
• Một yếu tố thúc đẩy trái phiếu nữa là dấu hiệu xuất hiện sự “mệt mỏi” về chính sách - các cơ quan quản lý tài chính và tiền tệ báo hiệu sẵn sàng loại bỏ hỗ trợ. Điều đó làm tăng nguy cơ phạm phải sai lầm chính sách do triển vọng kinh tế vẫn còn mong manh.
• Để minh chứng cho nguy cơ đó, không cần tìm đâu xa hơn là quyết định bơm thêm dầu thô của OPEC + trong khi số lượng ca nhiễm vi rút tăng đột biến - khiến WTI giảm mạnh nhất trong 10 tháng.
• Cũng nên nhớ rằng mức tăng trưởng kinh tế bình thường trước đại dịch cũng không hề mạnh mẽ. Ngay cả đợt kích thích khổng lồ được tung ra trong năm qua cũng không thể loại bỏ các yếu tố nhân khẩu học và công nghệ đang làm tắc nghẽn “động mạch” của nền kinh tế toàn cầu. Thật vậy, sự gia tăng căng thẳng Mỹ-Trung càng cho thấy vốn đã có rất nhiều rào cản trước khi Covid-19 nổ ra.
• Chắc chắn, một khoảnh khắc “buy the dip” khác đã xảy ra vào đêm qua khi lợi suất đi ngang ở vùng thấp hơn. Các nhà đầu tư đã quay trở lại với quyết định rằng chi phí đi vay rẻ có thể lý giải cho cổ phiếu đắt đỏ, đặc biệt là việc tiêm chủng ở Anh và các nơi khác đang giúp giảm số ca tử vong ngay cả khi tỷ lệ ca nhiễm bệnh tăng cao.
• Tuy nhiên, có một mối lo ngại dài hạn là thị trường chứng khoán sẽ phải đối mặt với tình trạng trì trệ trước mắt khi virus tiếp tục đè nặng lên các nền kinh tế toàn cầu vốn đang có yếu tố nền tảng suy yếu kéo dài. Từ sự thay đổi nhân khẩu học đến năng suất giảm sút, sự gián đoạn tạo ra bởi quá trình giảm thải carbon, đến căng thẳng thương mại và chính trị.
• Với lợi suất quay trở lại khoảng 1.2% - điểm khởi đầu cho reflation trade - sự lạc quan kinh tế đã giúp thúc đẩy mức định giá của cổ phiếu lên cao ngất ngưởng cũng đang có dấu hiệu rạn nứt
Garfield Reynolds, Bloomberg