Đánh giá về chính sách của BOJ và Triển vọng của JPY - Tổng hợp theo quan điểm của UOB Singapore
BOJ, JPY, UOB
BOJ giữ vững định hướng chính sách tiền tệ!
- Đúng với dự báo của thị trường, trong cuộc họp ngày 23 tháng 1, BOJ tuyên bố vẫn sẽ duy trì định hướng chính sách tiền tệ như những gì đã công bố trong cuộc họp trước vào tháng 12 năm ngoái. BOJ vẫn sẽ duy trì mức lãi suất ngắn hạn và trung hạn thấp trong một thời gian dài, 1 quyết định được thông qua với tỉ lệ ủng hộ là 7-2. BOJ tỏ ra khá lạc quan về tình hình kinh tế trong năm 2019 và 2020 với niềm tin nền kinh tế Nhật vẫn đang trong xu hướng mở rộng trong điều kiện tài chính thuận lợi, cùng với nền tảng vững chắc từ chi tiêu chính phủ và sự phát triển ổn định của nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, đà tăng trưởng này có thể sẽ bị ảnh hưởng do sự cắt giảm mang tính chu kì của việc đầu tư tài sản cố định của các doanh nghiệp hay việc thuế tiêu dùng sẽ chính thức tăng từ 8% lên mức 10% trong tháng 10 năm 2019. Do đó, mặc dù dự báo tăng trưởng năm tài khóa 2018 bị điều chỉnh từ 1.4% xuống 0.9%, BOJ lại nâng nhẹ mức tăng trưởng kì vọng cho năm 2019 và 2020.
- Về mặt kiểm soát lạm phát, BOJ nhấn mạnh trong báo cáo rằng sẽ theo dõi 1 cách sát sao những diễn biến về giá cả, khi rủi ro về mức lạm phát yếu hơn kì vọng vẫn tiếp tục hiện hữu. Mặc dù vẫn tin tưởng rằng CPI sẽ tăng dần tới mức kì vọng 2%, BOJ đang tỏ ra khá quan ngại về việc tốc độ tăng giá đang quá chậm, so với tăng trưởng kinh tế và mức độ thắt chặt thị trường lao động ngày càng gia tăng. BOJ đang kì vọng giá cả sẽ tăng trong thời gian tới khi các doanh nghiệp buộc phải thích ứng với sự gia tăng chi phí lao động. Cùng với đó, người tiêu dùng cũng sẽ đẩy mạnh chi tiêu hơn với niềm tin lạm phát sẽ tiếp tục gia tăng trong tương lai. Trong báo cáo vừa được công bố, mức lạm phát kì vọng cho 2019 và 2020 đều giảm nhẹ so với báo cáo hồi tháng 12, lần lượt từ 1.9% xuống 1.6% và 2.0% xuống 1.6%, điều theo BOJ giải thích là do sự sụt giảm của giá dầu thô. BOJ sẽ cần những điều chỉnh nhằm đạt được mục tiêu lạm phát 2%.
- Trong nhóm G10, có lẽ Nhật Bản là quốc gia ít có động lực nhất trong việc chấm dứt việc nới lỏng chính sách tiền tệ hay giảm quá trình nới lỏng định lượng khi mức lạm phát hiện nay vẫn còn cách rất xa mức kì vọng 2%. Trong bối cảnh năm 2019 tiềm ẩn những rủi ro từ môi trường kinh tế bất lợi hay áp lực giảm giá từ sự sụt giảm giá dầu thô, chúng tôi đánh giá BOJ sẽ chịu rất nhiều sức ép trong việc điều hành chính sách tiền tệ. Áp lực còn gia tăng đặc biệt khi chương trình nới lỏng định lượng dường như đang không đạt được hiệu quả như mong muốn, với viêc tốc độ mua vào trái phiếu chính phủ Nhật đang thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu kì vọng: chỉ gần 37 nghìn tỉ trong năm 2018 so với mức mục tiêu 80 nghìn tỉ. Do đó, rất cần thiết phải có sự điều chỉnh trong chính sách điều hành của BOJ, nhằm đạt được những mục tiêu như kì vọng.
Đánh giá triển vọng tỷ giá USDJPY trong năm 2019
- Kể từ đầu tháng 12, USDJPY đã liên tục nằm dưới mốc 113, khi những lo ngại về tăng trưởng toàn cầu khiến dòng tiền đổ về những tài sản trú ẩn như đồng Yên. Ngay trong những ngày đầu tháng 1/2019, chỉ trong vỏn vẹn vài phút đồng hồ, thị trường đã chứng kiến USDJPY sụt giảm 4% về 104.87- mức thấp nhất kể từ tháng 2 năm 2018 sau 1 cú “flash crash” điên rồ, trước khi hồi lại mức 107.68 vào cuối phiên giao dịch. Nguyên nhân của sự sụt giảm điên rồ này được cho là do những lệnh stop-loss dưới đáy tháng 5 bị "trigger", trong bối cảnh thanh khoản thị trưởng vô cùng mỏng. Kể từ đó, USDJPY ổn định trong biên độ 108-110.
- Với giọng điệu "dovish" của BOJ trong bối cảnh lạm phát còn cách xa mức kì vọng, chúng tôi tiếp tục đặt niềm tin vào sự mất giá của đồng Yên trong năm nay. Chúng tôi kì vọng USDJPY sẽ về mức 113 trong quý 1, 114 trong quý 2 và 115 vào quý 3 và 4. Rủi ro có thể khiến tỷ giá đi ngược kì vọng của chúng tôi sẽ là có hay không sự tháo chạy khỏi thị trường chứng khoán toàn cầu, điều sẽ 1 lần nữa khiến dòng tiền ồ ạt đổ vào JPY.