Danske Bank Research: Báo cáo CPI tháng 9 của Mỹ liệu sẽ là "thần chết" đối với những kỳ vọng quá mức về kịch bản "Fed siêu ôn hòa"?
Thành Duy
Junior editor
Nhận định của Danske Bank Research.
Điểm chính
Báo cáo CPI tháng 9 của Mỹ, dữ liệu kinh tế được mong chờ nhất trong tuần, dự kiến sẽ được công bố vào lúc 19:30 tối nay theo giờ Việt Nam. Danske Bank dự báo CPI toàn phần của Mỹ sẽ tiếp tục hạ nhiệt, giảm xuống còn lần lượt là 0.1% và 2.4% so với tháng trước và cùng kỳ năm ngoái (từ mức 0.2% và 2.6%), chủ yếu nhờ vào đà giảm của giá năng lượng. Bên cạnh đó, CPI lõi cũng được dự báo giảm xuống còn lần lượt là 0.2% và 3.2% so với tháng trước và cùng kỳ năm ngoái (từ mức 0.3% và 3.3%).
Mặc dù vậy, trước bối cảnh những áp lực lạm phát vẫn còn dai dẳng, đặc biệt trong lĩnh vực dịch vụ, có thể củng cố thêm nhận định của thị trường rằng Fed sẽ chỉ cắt giảm lãi suất với bước tiến thận trọng hơn là 25 bps tại các cuộc họp chính sách sắp tới.
Những diễn biến đáng chú ý gần đây
Mỹ: Biên bản cuộc họp chính sách tháng 9 của FOMC cho thấy quyết định cắt giảm lãi suất 50 bps được đưa ra sau một quá trình tranh luận đầy căng thẳng. Biên bản ghi nhận những quan điểm trái chiều giữa các thành viên FOMC về cách thức và thời điểm khởi động chu kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ. Sau cùng, chỉ có duy nhất bà Bowman phản đối quyết định cắt giảm 50 bps. Điểm đáng chú ý là nhiều thành viên FOMC nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát đi tín hiệu rõ ràng về lộ trình lãi suất trong tương lai, thay vì chỉ tập trung vào quy mô của lần cắt giảm đầu tiên. Điều này cho thấy rằng việc lựa chọn giữa mức cắt giảm 25 hay 50 bps rõ ràng là một quyết định khó khăn, phản ánh chính xác sự phân hóa trong dự báo của thị trường trước thềm cuộc họp. Với những diễn biến hiện tại, Danske Bank vẫn giữ nguyên dự báo về việc Fed sẽ cắt giảm lãi suất 25 bps tại cuộc họp chính sách tiếp theo.
Châu Âu: Một số quan chức ECB đã có những phát biểu đáng chú ý về chính sách tiền tệ. Ông Villeroy nhận định rằng khả năng cao ECB sẽ cắt giảm lãi suất tại cuộc họp chính sách tới và đây không phải là lần cuối cùng, tuy nhiên tốc độ và mức độ sẽ phụ thuộc vào diễn biến của lạm phát. Dù ủng hộ việc cắt giảm lãi suất trong cả hai cuộc họp còn lại của năm 2024, ông Stournaras lập luận rằng chính sách tiền tệ vẫn sẽ duy trì trạng thái thắt chặt ngay cả khi ECB có những động thái nới lỏng vào tháng 10 và 12. Nhìn chung, những ý kiến gần đây cho thấy xu hướng ủng hộ việc nới lỏng chính sách tiền tệ đang ngày càng rõ nét, ngay cả từ những quan chức “diều hâu” như Nagel hay Kazaks. Dù vậy, vẫn còn đó những quan điểm thận trọng. Điển hình, ông Wunsch vẫn chưa đưa ra lập trường rõ ràng về việc có nên cắt giảm lãi suất hay không do lo ngại về áp lực lạm phát trong nước vẫn còn ở mức cao và nguy cơ căng thẳng địa chính trị có thể đẩy giá năng lượng tăng trở lại.
Trung Quốc: Bộ Tài chính Trung Quốc sẽ tổ chức một cuộc họp giao ban quan trọng vào ngày 12/10 tới để thảo luận về các biện pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua chính sách tài khóa. Do những thông báo liên quan đến chính sách tài khóa thường được đưa ra bởi Bộ Tài chính, nên việc Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia không đưa ra thông tin chi tiết nào vào hôm thứ Ba vừa qua là điều dễ hiểu. Chính vì vậy, thị trường đang dồn mọi sự chú ý vào cuộc họp này, nơi được kỳ vọng sẽ hé lộ những tín hiệu quan trọng về kế hoạch kích thích kinh tế tiếp theo của Trung Quốc.
Danske Bank kỳ vọng vào một kế hoạch kích thích rõ ràng và mạnh mẽ, tuy nhiên, tâm lý thận trọng vẫn hiện hữu trên thị trường trong khi giới đầu tư chờ đợi những thông tin chính thức, do lo ngại rằng kế hoạch thực tế có thể không được như kỳ vọng. Dù vậy, tâm lý thị trường đã phần nào được xoa dịu, thể hiện qua mức tăng 4% của thị trường chứng khoán Trung Quốc (cả cổ phiếu A và H) trong phiên giao dịch sáng nay.
Trung Đông: Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã có cuộc điện đàm, thảo luận về phản ứng của Israel trước vụ tấn công bằng tên lửa từ Iran vào tuần trước. Hai nhà lãnh đạo cũng đã trao đổi về chiến dịch quân sự của Israel tại Lebanon, trong đó Tổng thống Biden được cho là đã kêu gọi Israel tìm kiếm giải pháp ngoại giao nhằm tránh thương vong cho dân thường.
Chứng khoán: Ngoại trừ Trung Quốc và Mỹ Latinh, thị trường chứng khoán toàn cầu đồng loạt tăng điểm trong phiên giao dịch hôm qua. Đà tăng diễn ra trên diện rộng, bao phủ hầu hết các nhóm ngành, riêng chỉ có cổ phiếu phòng thủ bị tụt lại phía sau, đặc biệt là ngành dịch vụ công cộng.
Điều này có thể lý giải bởi thực tế rằng cổ phiếu ngành dịch vụ công cộng là một trong các nhóm có hiệu suất tốt nhất trong những tháng hè vừa qua, được hưởng lợi từ việc lợi suất TPCP giảm và nhu cầu trú ẩn gia tăng khi thị trường chứng khoán biến động. Dẫu vậy, với dữ liệu việc làm khả quan gần đây của Mỹ và lợi suất TPCP có xu hướng tăng trở lại, không có gì ngạc nhiên khi nhóm dịch vụ công cộng chịu áp lực điều chỉnh giảm. Kết phiên hôm qua, các chỉ số Dow Jones, S&P 500, Nasdaq và Russell 2000 tăng lần lượt 0.9%, 0.5%, 0.4% và 0.4%. Không dừng lại ở đó, làn sóng tâm lý tích cực tiếp tục lan tỏa sang Châu Á trong phiên giao dịch sáng nay, với mức tăng ấn tượng của cả thị trường chứng khoán Trung Quốc đại lục (cổ phiếu A) và Hồng Kông (cổ phiếu H). Hợp đồng tương lai của các chỉ số chứng khoán Châu Âu và Mỹ cũng đang cho thấy tín hiệu tích cực.
Câu chuyện lãi suất: Lợi suất TPCP toàn cầu tiếp tục xu hướng tăng trong phiên giao dịch hôm qua, trước bối cảnh thị trường đang điều chỉnh giảm kỳ vọng về số lần hạ lãi suất của Fed trong giai đoạn 2024-2025. Đáng nói, việc lợi suất TPCP Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng tới 30 bps trong tuần qua dường như khó có thể lý giải chỉ bằng một báo cáo việc làm tích cực, mà thay vào đó, diễn biến này như phản ánh rõ ràng hơn việc thị trường đang nhanh chóng “quay xe” khỏi những kỳ vọng quá mức vào kịch bản "Fed siêu ôn hòa".
Ngoại hối: EUR/USD tiếp tục củng cố dưới ngưỡng tâm lý 1.1000 sau một tuần giao dịch tương đối yên ả, khi thị trường chờ đợi những tín hiệu mới từ báo cáo CPI tháng của Mỹ, dự kiến sẽ được công bố vào tối nay. Chỉ số DXY vẫn neo ở mức cao sau nhịp hồi phục ấn tượng, khi tâm lý thị trường tiếp tục được hỗ trợ bởi báo cáo việc làm khả quan của Mỹ. Khi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đang đến gần, với cục diện được dự đoán là cực kỳ sít sao giữa hai ứng cử viên, tâm lý thận trọng, cùng với nhu cầu trú ẩn gia tăng có thể sẽ tiếp tục hỗ trợ USD trong ngắn hạn. Bên cạnh đó, những rủi ro địa chính trị tiềm ẩn, vốn có thể đẩy giá năng lượng tăng trở lại, cũng là một yếu tố hỗ trợ cho USD, mặc dù giá dầu thô đã chịu một số áp lực điều chỉnh tương đối mạnh trong vài phiên giao dịch gần đây.
Mặt khác, chúng tôi cho rằng thị trường sẽ không phản ứng quá mạnh mẽ với báo cáo CPI của Mỹ trong phiên giao dịch hôm nay. Như đã đề cập, chúng tôi dự báo CPI toàn phần và lõi sẽ hạ nhiệt xuống còn lần lượt là 0.1% và 0.2% so với tháng trước, phù hợp với dự báo chung của thị trường. Sở dĩ, tác động tiêu cực từ giá năng lượng có thể sẽ đè nặng lên số liệu toàn phần, trong khi ở phía lõi, chúng tôi hy vọng lạm phát giá thuê nhà hàng tháng sẽ dịu bớt phần nào sau khi tăng bất ngờ vào tháng 8.
Danske Bank Research