Danske Bank Research: Báo cáo JOLTs bắn phát súng khai cuộc; USD/JPY tăng "nóng" đưa câu chuyện can thiệp ngoại hối trở lại thị trường
Thành Duy
Junior editor
Nhận định của Bộ phận Nghiên cứu tại Danske Bank.
Điểm nhấn sắp tới
Mỹ: Khảo sát cơ hội việc làm JOLTs - thước đo quan trọng về nhu cầu lao động theo quan điểm của Fed - sẽ được Cục Thống kê Lao động Mỹ (BLS) công bố vào tối nay. Qua đó, bắn phát súng khai cuộc cho loạt báo cáo thị trường lao động Mỹ trong tuần này. Bên cạnh đó, khảo sát niềm tin người tiêu dùng tháng 10 cũng sẽ được công bố.
Úc: Dữ liệu CPI, được công bố vào sáng mai, dự kiến sẽ giảm từ 3.8% xuống 2.9% so với cùng kỳ trong Q3.
Những diễn biến đáng chú ý gần đây
Eurozone
Khi được hỏi về những đồn đoán liên quan đến việc ECB sẽ cắt giảm lãi suất mạnh tay, quan chức diều hâu Pierre Wunsch cho rằng “bối cảnh kinh tế đang cải thiện và không cần thiết phải đẩy nhanh tốc độ nới lỏng chính sách tiền tệ”. Hơn hết, thị trường nên chờ đợi dữ liệu lạm phát và kết quả cuộc bầu cử Mỹ, vốn là những yếu tố sẽ có tác động lớn đến quyết định lãi suất của ECB. Hiện tại, khả năng ECB cắt giảm lãi suất 50 bps tại cuộc họp tháng 12 là khoảng 20%.
Chứng khoán
Chứng khoán toàn cầu đồng loạt tăng trong tâm thế thận trọng khi giới đầu tư sắp sửa bước vào giai đoạn bận rộn với hàng loạt báo cáo kết quả kinh doanh, dữ liệu việc làm và lạm phát của Mỹ. Phiên giao dịch ngày hôm qua cho thấy sự phân hóa rõ rệt giữa các nhóm ngành, không chỉ phụ thuộc vào yếu tố vĩ mô. Cụ thể, nhóm cổ phiếu công nghệ và năng lượng đồng loạt giảm, trong khi nhóm penny vẫn vững vàng bất chấp lợi suất TPCP tăng. Ngành năng lượng ghi nhận mức giảm mạnh nhất, lên tới 6.0% khi giá dầu thô lao dốc. Điều này cho thấy, thị trường đang tiềm ẩn nhiều biến động khó lường trong thời gian tới. Do đó, nhà đầu tư cần thận trọng khi đưa ra dự báo dựa trên các yếu tố cơ bản hay diễn biến thị trường. Kết thúc phiên giao dịch ngày hôm qua, các chỉ số Dow Jones, S&P 500, NASDAQ và Russell 2000 tăng lần lượt 0.7%, 0.3%, 0.3% và 1.6%.
Lợi suất
Lợi suất TPCP Mỹ và Châu Âu tiếp tục phân hóa khi khả năng Đảng Cộng hòa giành chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử sắp tới ngày càng lớn. Lợi suất TPCP Mỹ kỳ hạn 2 năm tăng 3 bps, trái ngược với Đức cùng kỳ hạn khi giảm nhẹ. Việc định giá lại gần đây đã đẩy lãi suất SOFR lên mức cao 3,5%, cao hơn 0,5 điểm phần trăm so với dự báo dài hạn trung bình của FOMC. Điều này cho thấy lãi suất tại Mỹ có thể giảm mạnh nếu bà Kamala Harris giành chiến thắng trong cuộc bầu cử sắp tới. Đáng chú ý, chỉ số MOVE (dùng để đo sự sợ hãi của giới đầu tư trái phiếu) đang ở mức cao nhất kể từ giữa năm 2023.
Hàng hóa
Giá dầu “lao dốc không phanh”, chạm mức thấp nhất trong vòng một tháng sau khi có thông tin xác nhận rằng các cuộc tấn công trả đũa của Israel vào Iran không gây ảnh hưởng đến cơ sở hạ tầng dầu mỏ, hạt nhân và khu vực dân cư. Giá dầu Brent và WTI đã rơi gần 6.0% trong hai phiên đầu tuần và giao dịch quanh mức 71.30 và 67.70 USD/thùng tại thời điểm viết bài.
Ngoại hối
EUR/USD dao động quanh ngưỡng 1.0800 trong bối cảnh thị trường chờ đợi dữ liệu thị trường lao động Mỹ, mở màn bằng báo cáo việc làm JOLTs được công bố vào tối nay. Mặt khác, bất ổn chính trị tại Nhật Bản đã và đang là động lực đẩy USD/JPY tăng nóng trong tháng qua, từ khoảng 143.00 lên mức 153.00 hiện tại. Khuyến nghị short AUD/USD của chúng tôi đã chạm mục tiêu 0.6600 và mang lại lợi nhuận 4.4%, đã bao gồm chênh lệch lãi suất.
Nhận định
USD/JPY: Cặp tiền đã tăng lên mức cao nhất kể từ cuối tháng 7, chịu ảnh hưởng bởi kết quả bất ngờ từ cuộc tổng tuyển cử tại Nhật Bản. Việc Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền và đối tác liên minh Komeito để mất thế đa số đã tạo ra tâm lý bất ổn, khiến các nhà đầu tư bán tháo Yên Nhật. Cả bất ổn chính trị Nhật Bản và rủi ro xoay quanh cuộc bầu cử Mỹ đều là động lực tăng cho USD/JPY, mặc dù giới chức “xứ sở mặt trời mọc” có thể sẽ đưa ra cảnh báo can thiệp ngoại hối.
Nhìn từ lịch sử, có thể quan sát thấy một số điều kiện để BoJ can thiệp, ví dụ như mức tăng 10 giá trong vòng một tháng (đã đạt: 143.00-153.00). Mặt khác, USD/JPY hiện đang thấp hơn khoảng 3-4 giá so với mức 157.00 (ngưỡng kích hoạt can thiệp của Bộ Tài chính Nhật Bản vào ngày 01/05). Quá trình can thiệp thường bắt đầu bằng hàng loạt cảnh báo từ các quan chức, tiếp theo là tín hiệu đồng thuận từ Bộ Tài chính Mỹ, và sau đó là hành động thực tế. Vào cuối tuần trước, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nhật Bản - Katsunobu Kato đã có cuộc trao đổi về chính sách tiền tệ với Bộ trưởng Bộ Tài chính Hoa Kỳ - Janet Yellen. Nhà ngoại giao tiền tệ hàng đầu Nhật Bản - Atsushi Mimura cũng đã có bài phát biểu tại Washington, bày tỏ lo ngại về biến động gần đây của USD/JPY và khẳng định chính phủ Nhật Bản đang theo dõi sát sao các hoạt động đầu cơ. Khả năng can thiệp của Nhật Bản có thể kìm hãm đà tăng của USD/JPY trong ngắn hạn, đặc biệt là khi lợi suất TPCP Mỹ tiếp tục tăng và/hoặc ông Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử. Chúng tôi vẫn duy trì quan điểm bi quan về USD/JPY, dự báo chênh lệch lãi suất sẽ là yếu tố bất lợi đối với cặp tiền này trong năm tới.
AUD/USD: Nhìn chung, dữ liệu thị trường lao động khả quan của Mỹ, sự “mập mờ” về thông tin gói kích thích kinh tế của Trung Quốc và khả năng Đảng Cộng hòa giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Mỹ là những yếu tố chính đã “dìm” AUD/USD trong sắc đỏ. Hiện tại, thị trường dự đoán đang cho thấy khả năng cao ông Donald Trump sẽ tái đắc cử và báo cáo bảng lương phi nông nghiệp được công bố vào thứ Sáu có thể sẽ gây thêm áp lực lên AUD/USD, trước thềm diễn ra cuộc bầu cử. Do đó, chúng tôi cho rằng tỷ lệ risk/reward (R/R) của việc long USD đã không còn hấp dẫn. Về dài hạn, hướng tới năm 2025, tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ của nền kinh tế Mỹ và chính sách tiền tệ diều hâu của RBA sẽ là những rào cản lớn đối với phe mua AUD/USD. Do đó, chúng tôi dự báo cặp tiền này sẽ tiếp tục giảm, và mục tiêu cho 12 tháng tới là 0.6400.
Danske Bank Research