Danske Bank Research: Báo cáo việc làm từ ADP, cùng với dữ liệu GDP sơ bộ Q3 của Mỹ và Eurozone liệu có đủ sức khuấy đảo thị trường?
Thành Duy
Junior editor
Nhận định của Bộ phận Nghiên cứu tại Danske Bank.
Hôm nay có gì hot?
Mỹ: Báo cáo việc làm khu vực tư nhân tháng 10 của ADP và GDP sơ bộ Q3. Số liệu của ADP có thể hé lộ phần nào bức tranh mà chúng ta có thể kỳ vọng từ báo cáo bảng lương phi nông nghiệp (NFP) công bố vào thứ Sáu. Chúng tôi dự báo GDP Q3 của Mỹ sẽ tăng trưởng 2.5% so với cùng kỳ năm ngoái (Q2: 3.0%), nhờ vào động lực chính là chi tiêu tiêu dùng cá nhân.
Eurozone: Ước tính sơ bộ cho tăng trưởng GDP Q3. Nền kinh tế Đức có thể trì trệ hoặc suy giảm nhẹ trong Q3, trong khi sự phục hồi mạnh mẽ ở các quốc gia Nam Âu, cùng với Olympic Paris, dự kiến sẽ giúp khu vực duy trì mức tăng trưởng dương. Do đó, chúng tôi dự báo tăng trưởng GDP Q3 ở mức 0.2% so với quý trước, chủ yếu nhờ vào lĩnh vực dịch vụ.
Anh: Bộ trưởng Bộ Tài chính - Rachel Reeves sẽ công bố kế hoạch ngân sách đầu tiên của chính phủ do Đảng Lao động cầm quyền vào tối nay. Ngân sách này dự kiến sẽ mở rộng hơn so với trước đây, tập trung vào đầu tư, đặc biệt cho Hệ thống Y tế Quốc gia. Khoản thâm hụt dự kiến sẽ được bù đắp bằng việc tăng thuế mạnh tay. BoE có thể sẽ thảo luận về các biện pháp này tại cuộc họp sắp tới vào ngày 07/11 và xem xét mức độ ảnh hưởng đến triển vọng lạm phát.
Nhật Bản: Chúng tôi dự kiến BoJ sẽ giữ nguyên lãi suất tại cuộc họp vào thứ Năm. Thống đốc Ueda có thể sẽ đưa ra một thông điệp ít ôn hòa hơn để tránh làm trầm trọng thêm đà suy yếu gần đây của JPY. Xét cho cùng, lạm phát tại Nhật Bản bước đầu đã đạt mục tiêu và sức mua của người tiêu dùng cũng đang diễn biến đúng hướng.
Những diễn biến đáng chú ý gần đây
Úc: Chỉ số CPI Q3 được công bố ở mức 2.8% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn dự báo là 2.9% (kỳ trước: 3.8%).
Mỹ: Báo cáo JOLTs tháng 9 cho thấy số lượng việc làm mở tại Mỹ giảm mạnh xuống 7.44 triệu (dự báo: 8.00 triệu, kỳ trước: 7.86 triệu). Điều này cho thấy nhu cầu lao động đang tiếp tục hạ nhiệt. Mặc dù tỷ lệ sa thải đang tăng dần, nhưng vẫn ở mức thấp so với lịch sử. Điều này cho phép Fed tiếp tục cắt giảm lãi suất trong các cuộc họp sắp tới. Khảo sát niềm tin người tiêu dùng tháng 10 của CB cho thấy sự lạc quan gia tăng đáng kể về cả tình hình kinh tế hiện tại và triển vọng tương lai. Nhìn chung, những tín hiệu trái chiều này đã khiến thị trường phản ứng khá dè dặt.
Nhật Bản: Chủ tịch Đảng Dân chủ vì Nhân dân (DPP) – một bên đóng vai trò quan trọng trong việc thành lập chính phủ – phát biểu: "Chỉ khi nào chắc chắn rằng mức tăng lương thực tế sẽ vượt quá 4.0% trong các cuộc đàm phán lương mùa xuân năm tới, BoJ mới có thể xem xét lại chính sách tiền tệ." Điều này cho thấy BoJ có thể gặp phải sự phản đối chính trị nếu quyết định thắt chặt chính sách.
Chứng khoán
Chứng khoán toàn cầu tăng nhẹ trong phiên giao dịch hôm qua, chủ yếu nhờ vào sự tỏa sáng của các cổ phiếu công nghệ tại Mỹ, bù lại cho đà giảm ở hầu hết các nhóm ngành khác. Trên Phố Wall, cổ phiếu chu kỳ tăng giá, trái ngược với nhóm phòng thủ. Hòa chung nhịp đập, 21/25 nhóm ngành tại thị trường Châu Âu cũng chìm trong sắc đỏ, nhưng cổ phiếu chu kỳ vẫn có hiệu suất vượt trội, kéo theo sắc xanh của lĩnh vực ngân hàng. Mặc dù vậy, sự luân chuyển bất thường này, vốn thường thấy trong mùa báo cáo kết quả kinh doanh, lại không đủ sức kéo các chỉ số lên cao hơn, bất chấp hiệu suất mạnh mẽ của nhóm cổ phiếu chu kỳ. Nhờ sự tăng giá của cổ phiếu công nghệ, NASDAQ đã chạm đỉnh lịch sử mới kể từ ngày 10/07. Kết phiên hôm qua, Dow Jones và Russell 2000 giảm lần lượt 0.4% và 0.3%. Ngược lại, S&P 500 và NASDAQ tăng lần lượt 0.2% và 0.8%.
Ngoại hối
Nhìn chung, thị trường ngoại hối hởi đầu tuần mới tương đối êm đềm, không có biến động lớn nào ở các đồng tiền G10. EUR/USD vẫn giao dịch quanh mốc 1.0800, trong khi USD/JPY ổn định trên 153.00 – chỉ thấp hơn một chút so với mức can thiệp ngoại hối gần nhất của chính quyền Nhật Bản hồi đầu tháng 5 là 157.00.
EUR/USD: Báo cáo JOLTs hôm qua cho thấy thị trường lao động Mỹ có dấu hiệu suy yếu, với nhu cầu lao động đang chậm lại. Mặt khác, niềm tin người tiêu dùng đã cải thiện theo khảo sát của CB, cả về tình hình kinh tế hiện tại và triển vọng tương lai. Hôm nay, thị trường sẽ tiếp tục dõi theo báo cáo việc làm từ ADP và số liệu GDP sơ bộ Q3 của Mỹ và Eurozone, nhưng EUR/USD khó có biến động lớn trước thềm công bố dữ liệu NFP vào thứ Sáu. Chúng tôi dự báo số lượng việc làm phi nông nghiệp sẽ tăng 130,000, thu nhập trung bình hàng giờ tăng 0.2% so với tháng trước và tỷ lệ thất nghiệp ổn định ở mức 4.1%. Các nhà đầu tư dường như đang đặt cược vào chiến thắng của ông Donald Trump - Đảng Cộng hòa, vì thế, EUR/USD còn có thể giảm sâu hơn nếu điều này thực sự xảy ra vào tuần tới.
EUR/GBP: Cặp tiền này tiếp tục chịu áp lực trong phiên giao dịch hôm qua, giảm thủng mốc 0.8300 trước khi phục hồi trở lại. Hôm nay, trọng tâm của thị trường Anh sẽ là bản kế hoạch ngân sách đầu tiên của chính phủ do Đảng Lao động cầm quyền, dự kiến công bố vào lúc 19:30 theo giờ Việt Nam, cùng với dự báo độc lập của Văn phòng Trách nhiệm Ngân sách (OBR). Ngân sách này dự kiến sẽ mở rộng hơn so với ngân sách ngắn hạn của chính phủ do Đảng Bảo thủ cầm quyền đưa ra trước đây vào mùa xuân. BoE có thể sẽ thảo luận về các biện pháp này tại cuộc họp chính sách vào ngày 07/11 và xem xét mức độ ảnh hưởng đến triển vọng lạm phát. Chúng tôi cho rằng, một ngân sách mở rộng hơn sẽ càng khiến BoE thận trọng với việc nới lỏng chính sách tiền tệ trong phần còn lại của năm (cắt giảm lãi suất vào tháng 11, giữ nguyên vào tháng 12). Về phản ứng của thị trường, chúng tôi cho rằng lợi suất TPCP Anh khả năng sẽ tăng trên nhiều kỳ hạn do chính phủ nước này có thể đẩy mạnh việc phát hành trái phiếu để tài trợ cho các biện pháp tài khóa mở rộng. Dù vậy, tác động đến GBP vẫn chưa rõ ràng, với khả năng BoE hạ lãi suất vào tháng 12 giảm xuống (hỗ trợ GBP) và lo ngại về tình hình nợ công của Anh (gây áp lực lên GBP). Không giống như ngân sách ngắn hạn của bà Liz Truss, ngân sách này sẽ đi kèm báo cáo của OBR. Nếu không có bất ngờ lớn, chúng tôi vẫn lạc quan về triển vọng của GBP trong những tháng tới.
Danske Bank Research