Danske Bank Research: Chờ đón số liệu PMI dịch vụ ISM của Mỹ; "tuần trăng mật" trên thị trường chứng khoán Trung Quốc liệu đã đến hồi kết?
Thành Duy
Junior editor
Nhận định của Danske Bank Research.
Hôm nay có gì hot?
Điểm nhấn của hôm nay sẽ là số liệu PMI dịch vụ ISM của Mỹ. Dù thường biến động, nhưng báo cáo PMI sơ bộ cho thấy hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ vẫn tăng trưởng ổn định trong tháng 9.
Những diễn biến đáng chú ý gần đây
Nhật Bản: Sau cuộc gặp với Thống đốc BoJ Kazuo Ueda, tân Thủ tướng Shigeru Ishiba đã phát biểu rằng môi trường hiện tại chưa thích hợp cho việc tăng lãi suất. Ông Ueda cũng đồng tình và cho biết BoJ sẽ thận trọng. Mặt khác, thành viên Hội đồng quản trị Noguchi lại nhấn mạnh sự cần thiết phải duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng. Tính đến thời điểm viết bài, USD/JPY đang giao dịch quanh mức 146.40 sau những phát biểu ôn hòa nói trên.
Mỹ: Báo cáo từ ADP cho thấy, tăng trưởng việc làm của khu vực tư nhân trong tháng 9 đã vượt kỳ vọng, đạt mức 143,000 so với dự báo chỉ 120,000, đồng thời vượt xa con số của tháng 8 là 103.000 (được điều chỉnh tăng từ 99,000). Đáng chú ý, kết quả tích cực được ghi nhận trên diện rộng, nổi bật là các lĩnh vực giải trí và khách sạn (34,000); xây dựng (26,000); giáo dục và dịch vụ y tế (24,000). Dù có xu hướng hạ nhiệt trong những tháng qua, nhưng số liệu trên cho thấy thị trường lao động Mỹ vẫn đang khỏe mạnh. Dữ liệu này đã củng cố cho triển vọng về một báo cáo việc làm phi nông nghiệp khả quan vào thứ Sáu và con số dự kiến của chúng tôi là 160,000, cao hơn một chút so với kỳ vọng chung.
Châu Âu: Dữ liệu công bố chiều qua cho thấy, tỷ lệ thất nghiệp giữ nguyên ở mức 6.4% trong tháng 8, đúng như dự kiến, với số người tìm được việc đạt 94,000. Điều này cho thấy thị trường việc làm vẫn đang rất sôi động. Nhìn vào các quốc gia thành viên, sự sụt giảm được ghi nhận ở Tây Ban Nha, Ý và Hy Lạp, trong khi số người thất nghiệp tăng nhẹ ở Đức và Pháp. Mặc dù tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức thấp, nhưng các chỉ báo sớm cho thấy tăng trưởng việc làm gần đây đã chững lại hoặc suy giảm, phản ánh sự trì trệ chung của thị trường lao động tư nhân. Đức và Pháp đang phải đối mặt với tình trạng thị trường lao động yếu, đi kèm nguy cơ thất nghiệp tăng mạnh nhất, trong khi Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Hy Lạp được dự đoán sẽ tiếp tục tăng trưởng.
Thành viên Hội đồng quản trị ECB, Isabel Schnabel, nhận định rằng mục tiêu lạm phát 2% ngày càng khả thi với những dấu hiệu hạ nhiệt gần đây, đặc biệt là trong bối cảnh nhu cầu lao động giảm bớt. Mặt khác, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Bồ Đào Nha, Mario Centeno, lại cảnh báo về nguy cơ “vỡ” kế hoạch kiểm soát lạm phát và điều này có thể cản trở đà tăng trưởng kinh tế của khu vực.
Về phía Pháp, Tổng thống Emmanuel Macron ủng hộ việc áp thuế tạm thời đối với các tập đoàn lớn nhất đất nước để hỗ trợ kế hoạch kiểm soát ngân sách của chính phủ mới.
Hàng hóa: Giá dầu mặc dù có dấu hiệu “hụt hơi” vào cuối ngày hôm qua nhưng vẫn neo ở mức cao do lo ngại về nguy cơ gián đoạn nguồn cung từ việc Israel trả đũa Iran. Dù vậy, OPEC+ vẫn đang cân nhắc việc tiếp tục kế hoạch tăng sản lượng vào tháng 12. Việc đưa ra quyết định này dường như đang trở nên dễ dàng hơn sau đợt tăng giá gần đây. Nguồn cung tăng trong bối cảnh lo ngại về triển vọng kinh tế toàn cầu sẽ giúp cân bằng phần nào tâm lý nhà đầu tư trên thị trường dầu mỏ trước tình hình leo thang căng thẳng tại Trung Đông.
Chứng khoán: Chứng khoán toàn cầu nhìn chung đi ngang trong phiên giao dịch hôm qua, ngoại trừ thị trường Trung Quốc. Điều đáng chú ý là cả thị trường chứng khoán Châu Âu và Mỹ đều đi ngang trong bối cảnh bất ổn bao trùm trên nhiều mặt trận, bao gồm chính trị, địa chính trị, kinh tế vĩ mô và cả chính sách tiền tệ. Nói cách khác, tất cả những yếu tố có khả năng làm thị trường rung lắc, cũng như kích hoạt các biến động ngầm theo cả hai chiều đối với chứng khoán đều đã hiện diện. Dữ liệu thị trường việc làm của Mỹ là chất xúc tác chính trong bối cảnh nêu trên và chúng ta sẽ có thêm thông tin chi tiết về yếu tố này vào cả hôm nay và ngày mai.
Kết phiên hôm qua, Dow Jones, Nasdaq cùng tăng 0.1%, trong khi Russell 2000 giảm tương ứng và S&P 500 gần như đi ngang. Bên cạnh đó, “tuần trăng mật” của thị trường chứng khoán Trung Quốc dường như đang dần đi đến hồi kết khi Hang Seng có thời điểm lao dốc hơn 4.5%, trước khi thu hẹp mức giảm còn khoảng 1.0% tại thời điểm viết bài. Ngược lại, thị trường chứng khoán Nhật Bản vẫn giữ được mức tăng gần 2.0% sau những bình luận ôn hòa về chính sách tiền tệ.
Trái phiếu: Lợi suất TPCP toàn cầu đã phục hồi tốt trong phiên giao dịch hôm qua. Điển hình, lợi suất TPCP Mỹ kỳ hạn 10 năm đã tăng khoảng 5 bps, lên 3.783%. Đường cong lợi suất 10Y-2Y và 30Y-2Y cũng đồng loạt dốc lên, do dữ liệu thị trường lao động của Mỹ khả quan hơn mong đợi và giá dầu tăng. Chúng tôi cũng nhận thấy một diễn biến tương tự tại thị trường TPCP Châu Âu, với lợi suất tăng và đường cong dốc lên mạnh ở các kỳ hạn dài.
Ngoại hối: Các đồng tiền nhạy cảm với rủi ro đã ổn định phần nào bất chấp căng thẳng địa chính trị tiếp tục gia tăng. Mặt khác, Yên Nhật đã trải qua một phiên giao dịch đầy khó khăn sau những bình luận ôn hòa từ tân Thủ tướng Ishiba, với USD/JPY tăng 2.0%.
EUR/CHF dù tăng nhẹ trong phiên hôm qua nhưng vẫn giao dịch dưới mốc 0.9400. Với số liệu lạm phát của Thụy Sĩ trong tháng 9 vừa được công bố bất ngờ giảm mạnh so với dự kiến và tháng trước, cặp tiền này đã ngay lập tức vọt lên mức cao 0.9422 tại thời điểm viết bài. Với việc chênh lệch lãi suất giữa SNB và các ngân hàng trung ương khác dự kiến sẽ thu hẹp trong năm tới, cửa giảm của CHF sẽ bị hạn chế. Dù vậy, chúng tôi vẫn kỳ vọng SNB sẽ tập trung hạn chế sức mạnh đồng nội tệ, tránh việc lạm phát giảm quá mức, gây hại cho nền kinh tế và đặc biệt là xuất khẩu.
Danske Bank Research