Danske Bank Research: Chứng khoán Trung Quốc chao đảo; NZD như kẻ "cá biệt" giữa thị trường có phần tĩnh lặng trước thềm công bố biên bản họp FOMC
Thành Duy
Junior editor
Nhận định của Danske Bank Research.
Điểm chính
Đêm nay, Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) sẽ công bố biên bản cuộc họp tháng 9 và thị trường sẽ săn tìm bất kỳ manh mối nào liên quan đến quy mô cắt giảm lãi suất dự kiến trong thời gian tới.
Những diễn biến đáng chú ý gần đây
Ngân hàng Dự trữ New Zealand (RBNZ) đã quyết định hạ lãi suất 50 bps từ 5.25% xuống 4.75% và điều này đã được thị trường dự đoán từ trước. Dù vậy, điều đáng chú ý là RBNZ cho rằng chính sách tiền tệ vẫn đang ở trạng thái thắt chặt, mặc dù lạm phát đã trở lại mục tiêu. Do đó, thông điệp này có thể đang báo hiệu khả năng RBNZ sẽ tiếp tục hạ lãi suất trong thời gian tới, khiến NZD/USD giảm khoảng 0.7% từ 0.6130 tại thời điểm công bố xuống giao dịch gần 0.6080 vào thời điểm viết bài.
Chứng khoán Trung Quốc chính thức đảo chiều, chấm dứt chuỗi 10 phiên tăng điểm liên tiếp. Cụ thể, chỉ số Shanghai Composite tiếp tục ghi nhận mức giảm hơn 6% tại đến thời điểm viết bài. Nguyên nhân một phần đến từ việc thị trường nội địa đã đóng cửa trong kỳ nghỉ lễ kéo dài một tuần, khiến các nhà đầu tư trong nước chưa kịp phản ứng với đà bán tháo gần 10% tại thị trường Hồng Kông hôm thứ Ba. Phiên giao dịch hôm nay, chỉ số Hang Seng dù tiếp tục giảm điểm, nhưng ở mức độ vừa phải hơn với chỉ 1.7%.
Sự điều chỉnh mạnh mẽ này diễn ra sau cuộc họp báo hôm thứ Ba của Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia (NDRC). Giới đầu tư tỏ ra khá hụt hẫng khi NDRC không đưa ra thông tin chi tiết nào về gói kích thích tài khóa như kỳ vọng, đặc biệt là sau loạt biện pháp mạnh mẽ được công bố trước kỳ nghỉ lễ. Mặt khác, NDRC khẳng định chính phủ Trung Quốc tự tin vào khả năng đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong năm nay (GDP tăng trưởng 5%) và cho biết một phần ngân sách năm 2025 sẽ được giải ngân ngay trong năm nay để hỗ trợ các dự án trọng điểm. Dẫu vậy, giới phân tích vẫn kỳ vọng sẽ có thêm thông tin chi tiết về gói kích thích vào cuối tháng này.
Trung Đông: Quân đội Israel cho biết họ đã triển khai sư đoàn thứ tư vào Lebanon, báo hiệu việc mở rộng cuộc tấn công trên bộ chống lại Hezbollah. Thủ tướng Benjamin Netanyahu tiếp tục tuyên bố rằng quân đội Israel đã “tiêu diệt” nhà lãnh đạo kế nhiệm của phong trào Hezbollah sau cái chết của Hassan Nasrallah mới chỉ hai tuần trước đó trong một cuộc tấn công khác của Israel.
Mỹ: Chỉ số lạc quan của doanh nghiệp nhỏ từ NFIB tăng nhẹ trong tháng 9 lên 91.5 từ mức 91.2 của tháng 8. Các công ty cho biết họ ít gặp khó khăn hơn trong việc tìm kiếm lao động mới và dự kiến sẽ tuyển dụng thêm. Bên cạnh đó, tỷ lệ các doanh nghiệp cho biết chất lượng lao động khả dụng là vấn đề quan trọng nhất đã giảm, tuy nhiên lạm phát vẫn là nỗi nhức nhối hàng đầu đối với phần đông. Kế hoạch mở rộng kinh doanh, điều chỉnh giá và điều kiện tín dụng vẫn ổn định. Đáng chú ý, chỉ số bất ổn tăng vọt 11 điểm lên mức cao kỷ lục 103.0, tuy nhiên chưa chạm đến ngưỡng báo động do vẫn tương tự với những tháng trước bầu cử năm 2016 và 2020. Nhìn chung, NFIB ủng hộ quan điểm cho rằng nền kinh tế Mỹ vẫn đang ở trạng thái ổn định. Ngoài ra, Chủ tịch Fed Mary Daly đã có bài phát biểu về chính sách tiền tệ và cho biết bà ủng hộ việc nới lỏng chính sách tiền tệ hơn nữa nếu lạm phát tiếp tục hạ nhiệt.
Đức: Sản xuất công nghiệp trong tháng 8 tăng trưởng mạnh hơn dự kiến ở mức 2.9% so với tháng trước, vượt xa dự báo và con số của tháng 7 lần lượt là 0.8% và giảm 2.4%. Kết quả này đạt được chủ yếu nhờ vào sản lượng tăng cao hơn, đặc biệt là trong ngành công nghiệp ô tô.
Quan chức ECB - Joachim Nagel đêm qua cũng đã có bài phát biểu về chính sách tiền tệ và cho biết ông cởi mở với việc xem xét cắt giảm lãi suất một lần nữa. Không những vậy, ông còn tự tin rằng ECB đang trên đà đạt được mục tiêu lạm phát 2%. Điều này đặc biệt đáng chú ý vì ông Nagel là một trong những quan chức “diều hâu” của ECB.
Hàng hóa: Giá dầu thô sụt mạnh do triển vọng nhu cầu yếu, USD mạnh lên và việc Israel cho đến nay vẫn chưa có động thái trả đũa Iran. Giới phân tích cho rằng giá dầu thô Brent sẽ dao động quanh mốc 80 USD/thùng do căng thẳng địa chính trị gia tăng sẽ bù đắp cho hai yếu tố còn lại.
Chứng khoán: Chứng khoán toàn cầu tăng điểm vào hôm qua, dẫn đầu là thị trường Mỹ. Hiệu suất, cả tuyệt đối và tương đối giữa các khu vực, đã đảo ngược ít nhiều so với phiên đầu tuần, khiến nhiều người tin rằng thị trường đã ổn định trở lại. Dẫy vậy, khi nhìn kỹ hơn ta có thể thấy lợi suất TPCP đã chững lại đà tăng, nhưng cổ phiếu phòng thủ, cũng như quỹ đầu tư tín thác bất động sản vẫn kém sắc, trong khi nhóm ngân hàng và công nghệ tiếp tục là động lực chính kéo thị trường đi lên. Dữ liệu thị trường lao động mạnh mẽ trong vài tuần qua được cho là yếu tố chính hỗ trợ tâm lý nhà đầu tư. Ngoài ra, việc cổ phiếu năng lượng giao dịch ảm đạm có thể được lý giải phần nào bởi giá dầu thô giảm. Kết phiên hôm qua, các chỉ số Dow Jones, S&P 500, Nasdaq và Russell 2000 tăng lần lượt 0.3%, 1.0%, 1.5% và 0.1%.
Ở một diễn biến khác, chứng khoán Trung Quốc lại là tâm điểm chú ý vào sáng nay sau khi trải qua một phiên giao dịch đẫm máu với cả thị trường đại lục và Hồng Kông đều giảm mạnh. Sự sụt giảm của thị trường Trung Quốc được cho là sẽ có tác động tiêu cực đến những nhà xuất khẩu Châu Âu, đặc biệt là các thương hiệu tiêu dùng cao cấp. Mặt khác, các thị trường chứng khoán Châu Á còn lại đã bắt nhịp với những diễn biến tích cực trên Phố Wall.
Lợi suất TPCP toàn cầu ghi nhận biến động nhẹ vào ngày hôm qua. Lợi suất TPCP Mỹ kỳ hạn 2 và 10 năm được giao dịch trong phạm vi hẹp quanh mức 4%. Xu hướng tương tự cũng diễn ra với lợi suất trái TPCP Châu Âu. Hiện tại, chỉ số DXY vẫn sideway gần mức cao của đợt phục hồi ấn tượng gần đây quanh 102.60. Các đồng tiền G10 khác nhìn chung không mấy biến động so với USD, ngoại trừ NZD, với trọng tâm chuyển sang việc công bố dữ liệu lạm phát vào ngày mai.
Danske Bank Research