Danske Bank Research: Cuộc họp chính sách của ECB vào thứ Năm – Sự kiện chính trong tuần
Thành Duy
Junior editor
Nhận định của Danske Bank Research.
Nội dung chính
Dự kiến thị trường sẽ có một khởi đầu cho tuần mới khá êm đềm khi không có dữ liệu kinh tế quan trọng nào được công bố. Mặt khác, mọi sự chú ý vẫn đang đổ dồn vào phản ứng của Israel trước cuộc tấn công bằng tên lửa của Iran ngày 01/10, điều này sẽ quyết định liệu xung đột trong khu vực có leo thang hơn nữa hay không. Đài NBC cho biết, một số quan chức Mỹ giấu tên tin rằng Israel sẽ nhắm mục tiêu vào cả các cơ sở hạ tầng quân sự và năng lượng của Iran. Căng thẳng tiếp tục gia tăng khi Hezbollah dùng máy bay không người lái tấn công Israel ở phía nam Haifa, khiến bốn binh sĩ IDF thiệt mạng và khoảng 67 người bị thương. Israel cũng đã tiến hành các cuộc tấn công ở Gaza gần một trường học đang là nơi trú ẩn của dân di tản, khiến ít nhất 15 người thiệt mạng.
Dữ liệu kinh tế đáng chú ý trong phần còn lại tuần này:
- Thứ Ba: Báo cáo thị trường lao động Anh; Chỉ số ZEW của Đức; Sản xuất công nghiệp Châu Âu; CPI, Doanh số bán lẻ của Canada; Chỉ số sản xuất Empire của Mỹ.
- Thứ Tư: CPI của New Zealand và Anh.
- Thứ Năm: Báo cáo thị trường lao động Úc; Doanh số bán lẻ, Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp của Mỹ, Khảo sát Fed Philadelphia. Sự kiện chính trong tuần – Cuộc họp chính sách của Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB). Dự kiến ECB sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất 25 bps, đưa lãi suất tiền gửi xuống 3.25%. Cũng trong ngày này, chúng ta sẽ có ước tính cuối cùng cho dữ liệu lạm phát tháng 9 của Châu Âu.
- Thứ Sáu: CPI Nhật Bản; GDP Trung Quốc; Doanh số bán lẻ Anh; Giấy phép xây dựng và Khởi công nhà ở của Mỹ.
Những diễn biến đáng chú ý gần đây
Trung Quốc
Trung Quốc đã bắt đầu các cuộc tập trận quân sự quy mô lớn xung quanh Đài Loan sau bài phát biểu Quốc khánh của Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn vào tuần trước, trong đó ông khẳng định chủ quyền của hòn đảo. Hơn hết, Trung Quốc gọi các cuộc tập trận là "lời cảnh báo nghiêm khắc". Ngay sau đó, chính phủ Mỹ đã lên án các cuộc tập trận và cho rằng chúng không có lý do chính đáng.
Lạm phát toàn phần tính theo chỉ số CPI tháng 9 của Trung Quốc thấp hơn kỳ vọng ở mức 0.0% so với tháng trước và 0.4% so với cùng kỳ năm ngoái (dự báo, cũng như con số tháng 8 lần lượt là 0.4% và 0.6%). Bên cạnh đó, lạm phát lõi giảm từ 0.3% trong tháng 8 xuống còn 0.1% trong tháng 9. Điều này cho thấy áp lực giảm phát tiếp tục gia tăng do nhu cầu nội địa yếu kém.
Về cuộc họp báo hôm 12/10, Bộ trưởng Bộ Tài chính Trung Quốc – Lưu Côn dù có đề cập đến các biện pháp kích thích tài khóa bổ sung để thúc đẩy nền kinh tế, nhưng không nói rõ về quy mô hay thời gian triển khai, khiến các nhà đầu tư và giới phân tích không khỏi thất vọng. Phản ứng của thị trường chứng khoán Trung Quốc trái chiều với chỉ số CSI 300 tăng 0.3%, trong khi Hang Seng giảm 1.7% đầu phiên giao dịch hôm thứ Hai. Giá dầu thô Brent cũng giảm 1.8% do lo ngại về giảm phát ở Trung Quốc.
Anh
Ở mặt trận khác, Fitch Ratings đã hạ triển vọng của Pháp từ 'ổn định' xuống 'tiêu cực' do những rủi ro tài khóa và đánh giá kém tích cực hơn về tình hình tài chính công của Pháp dưới thời chính phủ mới. Dù vậy, Fitch Ratings vẫn quyết định giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm của Pháp là AA-, bất chấp việc mô hình đánh giá nội bộ của họ cho thấy mức A+ phù hợp hơn. Dự kiến, thâm hụt ngân sách là 6.1% cho năm 2024 và 5.0% cho năm 2025, kéo theo tỷ lệ nợ trên GDP tăng, mà Fitch Ratings dự báo sẽ vượt 118% vào năm 2028. Chênh lệch lợi suất TPCP kỳ hạn 10 năm giữa Pháp và Đức đang tiến gần mốc 80 bps và có nguy cơ sẽ tăng lên 90 bps, một mức chênh lệch rất lớn trong lịch sử.
Mỹ
Chỉ số PPI tháng 9 thấp hơn một chút so với kỳ vọng, trong khi PPI lõi (loại trừ giá năng lượng) lại khá sát. Lạm phát giá sản xuất hàng hóa và dịch vụ đều có dấu hiệu hạ nhiệt. Nhìn chung, dữ liệu CPI và PPI tuần qua không đáng báo động đối với Fed và công cuộc kiểm soát lạm phát vẫn đang diễn ra tốt đẹp.
Ngoài ra, chỉ số tâm lý người tiêu dùng sơ bộ của Đại học Michigan giảm từ 70.1 trong tháng 9 xuống 68.9 vào tháng 10, trái ngược với dự báo tăng lên 70.8. Kỳ vọng lạm phát một năm nhích nhẹ từ 2.7% lên 2.9% và điều này có thể đến từ việc giá xăng dầu tăng gần đây.
Đức
Ước tính cuối cùng về dữ liệu lạm phát tháng 9 cho thấy về cơ bản vẫn ở mức cao. Chỉ số lạm phát nội địa giảm từ 4.95% trong tháng 8 xuống 4.82% vào tháng 9, một tín hiệu tích cực nhưng mức độ vẫn còn đáng lo ngại.
Câu chuyện lãi suất
Lợi suất TPCP Mỹ kỳ hạn 10 năm tiếp tục tăng và vượt mốc 4.0% do thị trường điều chỉnh lại kỳ vọng về lộ trình chính sách tiền tệ của Fed. Điều này đã ảnh có hưởng đáng kể đến thị trường trái phiếu Châu Âu, điển hình là việc lợi suất TPCP Đức kỳ hạn 10 năm tăng gần 25 bps kể từ đầu tháng 10. Chưa kể, chênh lệch lợi suất TPCP kỳ hạn 10 năm giữa Pháp và Đức đang tiến gần đến mức 80 bps và có thể mở rộng hơn nữa do những đánh giá kém khả quan từ Fitch Ratings.
Ngoại hối
Nhìn chung, USD tăng giá mạnh so với các đồng tiền G10 khác trong tuần trước, đặc biệt là các đồng tiền hàng hóa như CAD và NZD. Bên cạnh đó, JPY tiếp tục chịu áp lực do lợi suất TPCP toàn cầu tăng và USD/JPY theo đó vẫn neo gần mốc 150.00.
Nhận định EUR/USD
EUR/USD vẫn giằng co trong biên độ 1.0900–1.1000 sau một tuần USD tăng mạnh. Giờ đây, giới đầu tư dường như đang tập trung hơn vào thị trường lao động Mỹ, khi số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tăng bất ngờ vào tuần trước có tác động mạnh hơn cả dữ liệu CPI cao hơn dự báo.
Vào tuần này, trọng tâm sẽ chuyển sang cuộc họp chính sách của ECB, với kịch bản ngân hàng trung ương này cắt giảm lãi suất thêm 25 bps là gần như chắc chắn. Dự kiến ECB sẽ không đưa ra nhiều thông điệp về lộ trình chính sách trong tương lai, do đó, sự kiện này khó có tác động đáng kể lên EUR/USD. Bên cạnh cuộc họp chính sách của ECB, thị trường cũng sẽ dõi theo dữ liệu doanh số bán lẻ tháng 9 của Mỹ. Dự kiến, doanh số bán lẻ tháng 9 sẽ tăng 0.3% so với tháng trước và củng cố thêm quan điểm rằng nền kinh tế Mỹ vẫn đang phục hồi tốt. Chúng tôi khuyến nghị tìm kiếm cơ hội short EUR/USD, bởi cặp tiền này có thể sẽ tiếp tục chịu áp lực giảm trong ngắn hạn, do những rủi ro địa chính trị và cuộc bầu cử Mỹ đang đến gần. Nhìn chung, thị trường dự kiến sẽ khá im ắng trong hôm nay do ngày lễ Columbus tại Mỹ.
Nhận định EUR/GBP
EUR/GBP gần như không đổi trong phiên giao dịch thứ Sáu, trước một tuần đầy biến động với nhiều dữ liệu kinh tế quan trọng. Số liệu GDP tháng 8 của Anh công bố hôm thứ Sáu cho thấy nền kinh tế này tăng trưởng 0.2% so với tháng trước. Đáng chú ý, sự tăng trưởng trải đều trên các lĩnh vực, với dịch vụ, sản xuất và công nghiệp đạt lần lượt 0.1%, 0.4% và 0.5%. Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) dự báo tăng trưởng GDP Q3 là 0.3% và mặc dù số liệu hàng tháng thường biến động, nhưng kết quả này có thể giúp BoE yên tâm hơn về những rủi ro mà họ đã nêu ra trong cuộc họp tháng 9.
Vào tuần này, thị trường sẽ tiếp tục tập trung vào số liệu CPI tháng 9 và báo cáo thị trường lao động cho giai đoạn từ giữa tháng 8 đến giữa tháng 9. Dự kiến lạm phát toàn phần sẽ tạm thời giảm xuống 1.9% so với cùng kỳ năm ngoái do ảnh hưởng của giá năng lượng và hiệu ứng cơ sở (tức số liệu CPI tại thời điểm cùng kỳ năm ngoái cao, nên lạm phát năm nay dù tăng nhưng có thể vẫn thấp hơn, tạo ra cảm giác rằng lạm phát đang giảm). Cả lạm phát lõi và lạm phát dịch vụ đều được dự báo giảm. Đáng chú ý, lạm phát dịch vụ thậm chí có thể thấp hơn cả mức dự báo 5.6% của BoE cho Q3. Chúng tôi kỳ vọng thị trường lao động sẽ tiếp tục cho thấy dấu hiệu hạ nhiệt, phù hợp với báo cáo của KPMG/REC. Dự kiến BoE sẽ thực hiện cắt giảm lãi suất lần tiếp theo vào cuộc họp chính sách tháng 11, trước khi đẩy nhanh tốc độ nới lỏng trong năm sau. Lãi suất điều hành theo đó sẽ dừng chân ở mức 3.25% vào cuối năm 2025. Chúng tôi vẫn chung thủy với quan điểm rằng GBP sẽ tiếp tục mạnh lên và EUR/GBP theo đó giảm về mức 0.8300 trong những tháng tới, với rủi ro chủ yếu đến từ các động thái chính sách của BoE.
Nhận định AUD/USD
AUD/USD vẫn giữ trên mức 0.6700 sau nhịp giảm từ đầu tháng. Cuối tuần qua, Bộ trưởng Bộ Tài chính Trung Quốc – Lưu Côn đã tổ chức họp báo nhưng không đưa ra thông tin rõ ràng về các kế hoạch kích thích tài khóa tiếp theo mà thị trường đang mong đợi. Các điều khoản thương mại của Úc đã suy yếu cùng với thị trường chứng khoán Trung Quốc do sự thất vọng trước kết quả này. Đà tăng trưởng của ngành sản xuất và xây dựng Trung Quốc là yếu tố then chốt ảnh hưởng đến giá kim loại công nghiệp, vốn đóng vai trò quan trọng đối với hoạt động xuất khẩu của Úc.
Chúng tôi duy trì khuyến nghị short AUD/USD, không chỉ dựa trên triển vọng kinh tế Trung Quốc mà còn là sự khác biệt về chính sách tiền tệ giữa Mỹ và Úc. Kể từ khi chúng tôi đưa ra khuyến nghị này, chênh lệch lãi suất của hợp đồng hoán đổi kỳ hạn 2 năm đã thu hẹp khoảng 10 bps nghiêng về phía USD. Với dự kiến RBA sẽ cắt giảm lãi suất chưa tới 75 bps tính đến cuối năm 2025, điều này là không đủ để bù đắp cho sức hấp dẫn của USD. Do đó, triển vọng lãi suất nhìn chung vẫn cho thấy AUD có thể tiếp tục mất giá so với USD.
Danske Bank Research